Luận về sao Văn Xương
Nếu có đủ cả Văn Xương, Văn Khúc vào Mệnh cung mà sao Thiên Tài thủ Mệnh tất trí tuệ vượt thiên hạ, gặp luôn Tấu Thư, Bác Sĩ rất thuận lợi trên thi cử. Nếu như Mệnh cung chỉ có Văn Xương, không Văn Khúc cũng không có Hóa Khoa thì chỉ thông minh thôi, không nhất định dễ dàng với khoa danh thi cử.
Xương Khúc hội Long Trì Phượng Các tay nghề khéo, kỹ năng giỏi. Xương Khúc tại Mệnh cung thường dễ được người khác phái mến chuộng do duyên dáng, tinh anh, tán hay. Nếu Xương Khúc đi với Thiên Đồng, Thiên Cơ, Tử Vi càng gần cận nữ phái.
Văn Xương khởi từ Tuất vì Tuất là hỏa khố, kim được hỏa luyện mà nên thép tốt khiến cho lời nói lập luận sắc bén hay dùng ẩn ý. Văn Xương đóng Sửu Mùi (hai cung mộ khố) thì tài hoa với khả năng tổ chức chu đáo, phản ứng và quyền biến.
Nhưng Văn Xương cũng mang cái bệnh ảo tưởng hoặc quá lý tưởng, vì ảo tưởng quá lý tưởng mà đôi khi tâm tình lãnh đạm trong việc đối xử giữa người với người. Văn Xương đi cùng với Hóa Kị lại chuyển ra ngôn quá kỳ thực mặc dầu trước sau vẫn là có tài cán.
Văn Xương đi cặp với Thái Dương Thiên Lương Hóa Lộc Lộc Tồn tức cách Dương Lương Xương Lộc rất lợi với việc thi cử khoa danh. Trường hợp thiếu Lộc lại gọi bằng Thái Dương Ấm Phúc, Thiên Lương là Ấm còn Thiên Đồng là Phúc thì vấn đề đỗ đạt cũng dễ dàng.
Cách Dương Lương Xương Lộc chỉ ở hai cung Mão Dậu mới là chính, nếu ở Thìn Tuất không kể là chính chỉ là thiên cách vì Văn Xương Tuất Thìn lạc hãm, thiên cách không bằng chính cách. Nhỡ mà gặp luôn cả Hóa Kị thì thành phá cách, có tài mà không có phận, cuộc đời lưu ly vất vả và sinh bất phùng thời.
Về sao Văn Xương có một cách cục thật xấu ấy là: “Linh Xương Đà Vũ”. Sách Đẩu Số Toàn Thư viết: “Linh Xương Đà Vũ hạn chí đầu hà” (Vận gặp Linh Tinh, Văn Xương, Đà La, Vũ Khúc đâm đầu xuống sông mà chết). Cách này thường hiện lên ở hai cung Thìn Tuất ý chỉ sự thất bại dữ dội, mấy chữ đâm đầu xuống sông mà chết chỉ cốt vẽ nên hình tượng đáng ngại của thất bại ấy vậy. Nếu không Đà thì bị Hóa Kị, nếu không phải Vũ Khúc mà bị Liêm Trinh cũng ảnh hưởng tai hại như nhau.
Như trên đã nói, Văn Xương khả dĩ biến thành đào hoa, bởi vậy cổ nhân mới nói nữ mạng kị gặp Xương Khúc. Văn Xương không hợp với Liêm Trinh hay Tham Lang. Cốt Tủy phú ghi: “Xương Tham cư Mệnh phấn cốt toái thi” (Mệnh thấy Tham Lang Văn Xương thịt nát xương tan) ý nói về tâm ý quá đam mê tình ái mà vướng lụy tình. Không hiểu tại sao câu phấn cốt toái thi qua Việt Nam lại biến thành “phấn cốt túy thi” theo cái nghĩa mặt lang ben ? Về lang ben sách chỉ ghi rằng: “Văn Xương tại vượng cung đa dị chí hãm địa đa ban ngân, nghĩa là ở vượng cung thì có nốt ruồi lạ, đóng hãm địa da có vết loang, không hẳn là lang ben hay bạch tạng gì cả.
Đàn bà Xương Khúc lãng mạn, đa tình hiếu sắc, cổ nhân nói: Dương phi hiếu sắc tam hợp Văn Khúc, Văn Xương (Dương Quí Phi đa dâm bởi vì tam hợp vào Mệnh có Xương Khúc).
Còn một câu khác: “Văn Xương Văn Khúc hội Liêm Trinh táng mệnh yểu niên” nghĩa là Văn Xương Văn Khúc gặp Liêm Trinh không thọ. Không thọ vì mê đắm hoan trường mà khó tạo sự nghiệp rồi sức lực suy vi. Liêm Trinh ở câu này là Liêm Trinh ở Tỵ Hợi đứng cùng Tham Lang chứ không phải Liêm Trinh đứng với những sao khác hay đứng một mình. Văn Xương Văn Khúc gặp Liêm Phá không gây ảnh hưởng phá hoại mạnh như gặp Liêm Tham Tỵ Hợi.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Mỹ Ngân (##)