Ta tin những lời chỉ dẫn của thiền sư và làm lễ thụ giáo. Nhân đó, trước bàn thờ Phật , thành tâm phát lồ sám hối tất cả những điều lầm lỗi, tội ác đã làm từ trước đến nay, nguyện sau này sẽ không phạm phải nữa, lại dâng sớ nguyện làm ba ngàn điều thiện, trước cầu được đăng khoa để đền đáp ân đức của trời đất và tổ tông.
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Vân Cốc thiền sư chỉ dẫn cho ta cách thức lập một cuốn sổ ghi công và tội, dặn ta hàng ngày phải ghi thật rõ ràng những điều mình đã làm, dù thiện hay ác đều phải ghi lại, thiện ghi bên cột thiện, và ác ghi vào cột ác để so sánh xem thiện nhiều hay ác nhiều mà tu sửa, ngoài ra lại bảo ta nên niệm chú Chuẩn Đề nhờ Phật gia bị thì những điều cầu nguyện ắt sẽ được ứng nghiệm.
Thiền sư còn bảo ta những người chuyên vẽ bùa chú thường nói nếu không được mật truyền thì họa bùa không linh ắt bị quỷ thần cười chê. Chỗ bí quyết đó là khi cất bút họa, trước hết phải dứt bỏ hết mọi sự trần duyên không được khởi một ý niệm nào để cho tâm thực thanh tịnh rồi mới bắt đầu đặt bút họa một điểm gọi là hỗn độn khai cơ, rồi cứ tự nhiên vô tư lự tiếp tục huy bút từng điểm, từng điểm một họa thành lá bùa, như vậy thì bùa mới được linh nghiệm. Phàm muốn cầu lập mệnh đều cần phải giữ tâm cho được thanh tịnh không chút loạn tưởng vọng niệm, kính cẩn cầu nguyện thì mới được cảm thông linh ứng.
Bàn về việc lập mệnh, Mạnh phu tử trong thiên Tận Tâm có viết: Yểu và thọ chỉ là một chẳng phải hai, tức thọ yểu chẳng có khác nhau, mà nếu phân biệt cho thọ yểu là hai, thì khi không khởi một động niệm nào, tựa như lúc con người mới sinh chưa có ý niệm gì, chưa có tâm phân biệt thì đâu biết thế nào là yểu, là thọ. Xét cho cùng về việc lập mệnh thì phong và khiêm (tức được mùa mất mùa, ý nói giàu nghèo), cùng và thông, thọ và yểu đều chẳng phải là hai, chẳng khác nhau, thì nhiên hậu mới nên lập các mệnh bần phú, quý tiện, sinh và tử, bởi lẽ số thọ mà làm những điều bất nhân, thất đức thì thọ sẽ bị giảm thành yểu và trái lại số yểu mà biết tu nhân tích đức thì được tăng thọ.
Con người ta ở thế gian lấy việc thọ yểu, sống chết làm tối quan trọng, nên chỉ nói tới yểu thọ để mà bao gồm cả các sự thuận nghịch khác như phong khiêm, cùng và thông vậy.
Cho đến việc tu thân phải biết chờ đợi, không phải chỉ ngày một ngày hai mà vận mệnh được cải tạo ngay mà cần có thời gian để cố gắng tinh tiến tu hành, tích công lũy đức, thành tâm nguyện cầu thì sự việc mới có hiệu quả.
Nói tu thân là bao gồm cả tâm lẫn ý, nếu trong quá khứ có nhiều hành động bại hoại, ý tưởng xấu xa thì phải trừ bỏ ngay, còn nói tới chờ đợi thì cứ một mực tu nhân tích đức chẳng nên loạn tưởng nghĩ tới nghĩ lui hay nhen nhúm một chút hi vọng nhỏ nhoi nào trong thân tâm mà hóa ra vọng niệm, cần phải diệt bỏ ngay. Đạt được mức độ đó có thể nói là đã tới chỗ tự tính biểu lộ, tâm thực thanh tịnh không chút động niệm của cảnh giới tiên thiên, đó là chân chính thực học.
Người còn chưa đạt được vô tâm, chưa được nhất tâm bất loạn, còn chấp trước vọng niệm, chỉ nên trì chú Chuẩn Đề, liên tục niệm đừng để gián đoạn, cũng không cần đếm số, niệm sao cho được thuần thục, niệm mà hóa không niệm, tự mình cũng không hay là mình đang niệm chú nữa, đến chỗ không khởi một niệm đầu nào cả thì mới linh ứng.
Tên hiệu của ta trước là Học Hải, ngay ngày đó đổi lại là Liễu Phàm, bởi sau khi hiểu biết đạo lý của việc lập mệnh, ta muốn dứt bỏ các kiến giải phàm tục, lột bỏ lớp vỏ phàm phu đi. Từ đó trở đi ta suốt ngày để ý cẩn thận đề cao cảnh giác không giống như trước kia chỉ hồ đồ tùy tiện phóng túng, ngày lại qua ngày mê hoặc không biết tự kiềm chế giác ngộ. Đến nay sau khi hiểu biết rằng vận mệnh có thể cải biến được, tự nhiên ta có cảm giác dè dặt úy kính, ở nơi phòng tối chẳng ai hay ta cũng thường sợ đắc tội với thiên địa quỷ thần hằng xuất hiện ở nơi chái phía Tây Bắc, và có ai oán ghét ta, muốn hủy báng ta, ta cứ điềm nhiên dung thứ, chịu đựng, bỏ qua chẳng hề để ý tới.
Đến năm sau, bộ Lễ mở kỳ khảo thí, Khổng tiên sinh đoán ta được xếp vào hàng thứ ba nào dè ở nơi trường thi mùa thu ấy, ta trúng cử đệ nhất hạng, lời đoán của Khổng tiên sinh đã không được ứng nghiệm. Tuy nhiên, ta tự kiểm thảo thấy sự thi hành các việc đạo nghĩa chưa được thuần thục tự nhiên, mà còn nhiều sai trái khuyết điểm; hoặc khi thấy việc thiện mà không mạnh dạn làm ngay, hoặc muốn cứu giúp người mà trong tâm thường ngần ngại không quyết định nên hay không nên giúp; hoặc thân muốn gắng sức làm điều thiện mà miệng còn nhiều lời nói đến sự lỗi lầm của người làm họ bất mãn để bụng; hoặc lúc tỉnh thì hăng hái, nhưng khi say lại phóng túng không tự chủ được, vì vậy sợ rằng việc thiện làm ra không đủ bù đắp lại lỗi lầm, và ngày lại ngày để thời gian trôi qua một cách uổng phí.
Từ lúc ta phát nguyện vào năm Kỷ Tị cho mãi tới năm Kỷ Mão, mười năm có dư thời ba ngàn điều thiện mới làm xong. Lúc đó ta cùng Lý Tiệm Ấn tiên sinh từ quận ngoại nhập nội chưa kịp đem công đức trên hồi hướng. Sang năm sau là năm Canh Thìn từ Kinh trở về phương nam, mới thỉnh Tính Không và Huệ Không, hai vị pháp sư làm lễ hồi hướng tại Đông tháp thiền đường. Sau đó bèn phát nguyện cầu sinh con và cũng hứa làm ba ngàn điều thiện. Năm Tân Tị sinh con tên là Thiên Khởi.
Mỗi khi ta làm một việc gì thì tùy tiện lấy bút ghi lại, mẹ con không biết viết thì khi làm điều gì bèn liền đó lấy bút lông ngỗng khuyên một vòng son vào tờ lịch của ngày hôm đó; hoặc có khi thí thực cho người nghèo, hoặc là mua phóng sinh, mỗi ngày kể có hơn mười khuyên. Đến tháng tám năm Quý Mùi, số ba ngàn điều thiện đã làm đầy đủ, lại thỉnh các vị Tính Không tề tựu tại gia làm lễ hồi hướng công đức. Vào ngày 13 tháng chín cùng năm, ta lại bắt đầu phát nguyện cầu đỗ tiến sĩ và hứa làm mười ngàn điều thiện. Năm Bính Tuất thì trúng cử và được bổ làm tri huyện huyện Bảo Đề.
Khi nhậm chức ở huyện, ta dự bị làm sẵn một cuốn sổ nhỏ có nhiều ô vuông trống gọi là một thiên trị tâm, mục đích để sửa các điều lỗi lầm mà tu tâm. Mỗi buổi sáng khi bắt đầu thăng đường thì gia nhân mang sổ ra cho nha dịch để lên án thư, ta tỉ mỉ ghi lại các điều thiện hay ác trong khi xử án, hoặc xử lý công việc ở huyện. Buổi chiều tối thiết lập bàn hương án ở ngay sân huyện và noi gương ngự sử Triệu Duyệt Đạo, ta đem tất cả các việc làm hàng ngày dâng hương cáo trình thượng thiên, và nếu có điều sai trái, lầm lỗi thì thành tâm phát lồ sám hối.
Mẹ con thấy làm được ít điều quá, thời chau mày lo lắng mà nói rằng: Trước đây ở nhà, thiếp còn có thể giúp được nên vì vậy mà số ba ngàn điều thiện phát nguyện mới chóng hoàn thành. Nay ở trong nha, thiếp không giúp được gì cả mà lại nguyện làm những một vạn điều , thì biết đến bao giờ mới được viên mãn.
Đêm hôm đó, ta bỗng nằm mộng thấy một vị thần nhân, bèn trình bày duyên cớ khó làm xong 10 ngàn điều thiện đã nguyện hứa, thì thần nhân bảo chỉ cần một việc giảm tiền thuế là vạn sự sẽ hoàn thành đầy đủ.
Ta thấy ruộng ở Bảo Đề này mỗi mẫu nạp tô hai phân ba ly bảy hào thì quá cao, nên nghĩ có thể xin giảm xuống tới một phân bốn ly sáu hào; thiết tưởng việc này có thể thi hành được, nhưng trong lòng còn hoang mang hồ nghi không hiểu thần minh có thấu rõ việc ta xin giảm tô hay không, và làm sao chỉ làm một điều thiện lại có thể tương đương với vạn điều được, thì vừa may có thiền sư Thích Huyền Dư từ Ngũ Đài Sơn tới, ta đem những lời thần nhân báo mộng hỏi thiền sư có thể tin được như thế không?
Thiền sư bảo làm việc thiện mà tâm khẩn thiết chí thành thì một điều có thể sánh bằng vạn điều, huống hồ lại giảm tô cho cả một huyện, toàn dân đều được hưởng ân huệ thì một điều đó cũng đáng bằng 10 ngàn điều vậy.
Ta bèn quyên góp lương bổng để thiền sư trở về Ngũ Đài Sơn trai tăng một vạn người và đem công đức ấy hồi hướng hộ cho. Khổng tiên sinh đoán là năm 53 tuổi ta gặp tai ách, ta chưa từng cầu xin tăng thọ, mà năm đó lại vô sự, và nay thì ta đã 68 tuổi rồi.
Kinh Thư có nói thiên mệnh hay định mệnh khó tin, mệnh con người ta chẳng nhất định phải cứ thường như thế mãi, lại nói mệnh trời thì vô thường không ở mãi với một ai cả, những lời trên đâu phải dối trá.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Bích Ngọc (##)