ĐÁNH GIÁ TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHONG THỦY DƯƠNG TRẠCH VÀ PHONG THỦY ÂM TRẠCH
Âm trạch và Dương trạch là hai khái niệm quan trọng trong phong thủy địa lý.
Âm trạch chỉ nơi an táng cho người đã khuất, nó là mộ phần, lăng tẩm.
Lăng vua Tự Đức triều Nguyễn
Dương trạch chỉ những nơi nơi ở bao gồm nhà ở, biệt thự, các công trình kiến trúc phục vụ con người như chợ, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, văn phòng, kho tàng…
Tầm quan trọng của phong thủy âm trạch
So với hai khái niệm trên thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy được âm trạch mang phạm trù nhỏ hẹp, chỉ đơn thuần là nơi an táng người quá cố, còn dương trạch mắng một phạm vi rất rộng. Không chỉ có vậy, những minh chứng tôi sắp dẫn ra đây sẽ khẳng định được tầm quan trọng của Âm trạch.
Người ta quan niệm mộ phần của tổ tiên, người đã khuất có ảnh hưởng đến cuộc sống của con cháu, hay những người còn sống. Người ta cho rằng họ nhà nào mà làm ăn phát đạt, công danh hiển hách ấy là do âm phần phúc đức được vào thế đắc địa, kết phát. Có câu: “Mả táng hàm rồng”.
Những ngôi mộ kết phát thường có đặc điểm là nơi sinh khí hội tụ, đúng long mạch…Tuy nhiên, những ngôi mộ đang kết mà bị đào bới, phá hủy, rung động thì sẽ khiến cả họ suy tàn lụi bại, tai họa liên miên…Bí mật của vấn đề nằm ở đâu, thực sự đến nay cũng chưa ai làm sáng tỏ được cả. Nếu như mộ phát mà hủy hoại dẫn đến những tai họa như trên thì chúng ta có thể lật lại những vấn đề trong lịch sử. Ngày trước thời kỳ quân Mông – Nguyên xâm lược nước ta, dưới sự lãnh đạo của triều đình nhà Trần, quân dân Đại Việt đánh tan ba cuộc xâm lăng của quân địch. Trong những lần giao tranh với quân địch, do lực lượng quân ta ít hơn, vũ khí trang bị và mức độ tinh nhuệ không bằng được những tên xâm lược hung hãn và chuyên nghiệp đó quân ta đã phải sử dụng chính sách dùng đoản binh để chế trường trận, áp dụng sách lược quân sự thanh dã, phát động chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Một điều tệ hại xẩy ra đó chính là khi không bắt được vua Trần cùng đội ngũ lãnh đạo cuộc kháng chiến, giặc Mông – Nguyên dùng cả thủ đoạn hèn hạ đó là đào mộ tổ tiên họ Trần. Đến khi cuộc kháng chiến giành được thắng lợi Vua Nhân Tông mới cùng các đại thần, bá quan văn võ quay trở lại sửa sang lại mộ phần cho tổ tiên. Nhìn thấy cảnh tượng hai con ngựa đá trong khu lăng mộ lấm lem bùn đất, vua mới xúc động làm thơ như sau:
“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Giang sơn nghìn thuở âu vững vàng”
Nghĩa là trải qua hai cuộc đối đầu với kẻ thù xâm lược hung bạo đến ngựa đá trong lăng cũng không được yên ổn, phải mệt nhọc vất vả, tuy nhiên đất nước vẫn yên ổn và cường thịnh đến mãi nghìn năm. Nếu như ngôi mộ kết phát mà khi bị động mộ có thể gây ra tai họa, thì việc đào mộ, phá mộ kia sẽ rất nghiêm trọng đối với gia tộc họ Trần và đất nước Đại Việt, tuy nhiên bằng sức mạnh quân sự và tinh thần đoàn kết, bằng hào khí Đông A lẫy lừng, oanh liệt, đất nước ta thắng ngoại xâm một cách vẻ vang và cường thịnh, phồn vinh. Ấy là một thời.
Đến thời nhà Hồ, nước ta bị quân Minh xâm lược và đô hộ trong suốt 10 năm, tội ác man rợ của quân thù được nhà thơ Nguyễn Trãi miêu tả rất cụ thể trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo, hay chúng ta có thể tìm thấy chứng cứ của nó qua các tác phẩm lịch sử còn mãi với thời gian. Vua Lê Thái Tổ đứng lên dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn – Thanh Hóa quét sạch hung đồ, thu non sông về một mối, đến thời vua Thánh Tông nhà Lê, cuộc sống nhân dân ta no ấm phồn vinh chẳng khác nào thời đại vua Nghiêu, vua Thuấn bên Trung Hoa, hay như một tiên cảnh nơi hạ giới. Có câu ca dao như sau:
"Nhớ đời Thái Tổ, Thái Tông
Thóc lúa đầy đồng trâu chả thèm ăn"
Câu ca dao này miêu tả cảnh tượng thái bình, no ấm, giàu có, vinh quang của xã hội nước ta thời đó. Tuy nhiên, để có được cuộc sống đó vua Thái Tổ cùng những tráng sỹ yêu nước đã phải kiên cường chiến đấu trong suốt 10 năm, biết bao xương máu đã đổ xuống tô thắm cho non sông gấm vóc, cho cuộc sống ấm no. Trong lúc giao tranh đó, tướng tá đô hộ nhà Minh đã tìm mọi cách ép buộc vua ra đầu hàng và lần này dĩ nhiên lại là trò mưu hèn kế bẩn đào mộ giống như quân Nguyên đối với vua Trần. Đặc biệt hơn nữa, theo các truyền thuyết về sự phát tích của dòng họ vua Lê, thì vua Thái Tổ được một nhà sư chỉ đất táng mộ tiền nhân ở động Chiêu Nghi, ngôi mộ đang kết phát mà bị hủy hoại mạch như như vậy đáng lý ra có thể gây tai họa cho cả dòng tộc, và đương nhiên linh hồn cuộc khởi nghĩa bị tiêu diệt thì cuộc khởi nghĩa sẽ đi vào bế tắc và thất bại. “Thế nhưng, trời cũng chiều người hung đồ hết lối” (Câu này trong Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu). Cuộc khởi nghĩa không hề bị dập tắt mà thay vào đó thành quả nằm gai nếm mật, xương máu căm hờn đã được đền đáp xứng đáng vào năm 1427 đất nước ta sạch bóng xâm lăng. Kế thừa văn thao võ lược yêu nước thương dân của tổ tiên mình vua Thánh Tông gây dựng nên một đất nước thái bình thịnh trị. Như vậy, sức mạnh của âm trạch lại một lần nữa đặt ra cho chúng ta một nghi vấn lớn. Đó là một thời.
Đến thế kỷ XVIII, phong trào khởi nghĩa Tây Sơn khiến cả đất nước rung chuyển, Vua Quang Trung bách chiến bách thắng, trong đập tan các tập đoàn phong kiến cát cứ, chia cắt đất nước. Ngoài thì đối đãi rất tử tế với hai người bạn láng giềng là Xiêm La và Mãn Thanh. Tuy nhiên, đằng sau hào quang ngời chói cũng có những vết đen không thể xóa mờ. Vua Quang Trung với biện pháp cứng tay triệt để của người mệnh thân Thất sát đã làm một công việc mà nhiều người cảm thấy vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Điều này được ghi chép lại thành chứng cứ tư liệu lịch sử rõ ràng. Trong đó có đoạn như sau: “Nghe những lời đồn đại rằng ở lăng của các tiên chúa, khí tốt ngút ngàn, nghiệp đế tất dấy” (Đây là nói về lăng của các chúa Nguyễn, tổ tiên của vua Gia Long sau này), Quang Trung đã sai quân lính làm một việc vô cùng thâm độc, phi đạo đức đó là phá hủy lăng mộ các chúa Nguyễn, vứt bỏ hài cốt các chúa. Như vậy là mấy đời chúa Nguyễn trị vì Đàng Trong có công lao khai khẩn, mở mang bờ cỡi, phát triển văn hóa, kinh tế của đất nước đều bị quật tung, khiến cho giới sỹ phu và những người có lương tâm, đạo đức đều nghiến răng, tràn lệ. Khí tốt ngút ngàn, nhưng xảy ra một tai họa phá hủy đào bới như vậy, tất sẽ gây ra một tai họa sập trời đối với con cháu Nguyễn Gia, trong đó mầm mống duy nhất ở đây là hoàng đế Gia Long về sau…Thế nhưng, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, Nguyễn Ánh luôn gặp may mắn thoát nạn trong những khi sinh tử cận kề. Nạn to không chết ắt có phúc lớn. Cơ và thế mỗi thời mỗi khác, Nguyễn Ánh lật ngược tình thế, xoay chuyển càn khôn, tiêu diệt nhà Tây Sơn, lấy lại giang sơn cơ nghiệp của tổ tiên, lại gộp thêm đất Đàng Ngoài của vua Lê, chúa Trịnh, hẳn là một kỳ công, không phải sức người mà làm được. Thêm một điểm nghi vấn thứ ba về âm trạch. Đó cũng là một thời.
Tầm quan trọng của phong thủy dương trạch
Vậy ra mới biết, tầm quan trọng của âm trạch không thể bằng được dương trạch. Bởi lẽ:
- Dương trạch liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, trí tuệ, tinh thần, cảm xúc, thông qua đó mới góp phần phân định thắng thua trên chiến trường công danh sự nghiệp
- Âm trạch chỉ đóng góp một phần nào đó mà thôi.
- Âm trạch đòi hỏi những khu vực sơn kỳ thủy tú, trong khi mật độ dân số ngày càng tăng. Đất đai dùng cho việc cư trú và canh tác ngày càng bị thu hẹp. Những khu vực đẹp về cảnh quan, sơn kỳ thủy tú thường là các vườn quốc gia, khu bảo tồn, hay những vùng du lịch sinh thái, danh lam thắm cảnh, an táng xây dựng mộ phần ở những nơi như vậy ngày 1 ngày 2 sẽ khiến những khu vực này trở thành lịch sử.
- Âm trạch cũng là vấn đề dễ phát sinh các hành động coi thường luân lý, vô đạo, hủy hoại mộ phần, triệt phá long mạch, trù yếm lẫn nhau, kiện cáo tranh chấp, mà trong khi đó, những việc làm trên đâu nhất định là có tác dụng.
- Dương trạch hướng tới một môi trường trong lành, có trường khí tốt, mang đầy tính chất biện chứng logic và khoa học nhằm tạo nên một nơi cư trú, làm việc bảo đảm cho sức khỏe, hỗ trợ cải tạo vận thế, cải tạo thế giới vật chất.
- Dương trạch có tính chất ứng dụng hết sức linh hoạt. Linh hoạt ở chỗ nào những nơi phong thủy nhà ở, phong thủy sân vườn hay mặt tiền không cát lợi thì có thể sử dụng để làm kho tàng, nhà máy, chợ hay những công trình khác.
- Âm trạch có thể lãng phí diện tích đất đai, phá vỡ một số môi trường cảnh quan tốt đẹp thì phong thủy Dương trạch hướng tới vấn đề bảo vệ môi trường, giữ gìn sự trong lành. Khi mà các tầng khí quyển, thủy quyển, thạch quyển, sinh quyển bị phá vỡ cân bằng, ô nhiễm nguyên trọng, đới cảnh quan bị hủy hoại thì đương nhiên bệnh tật, dịch này dịch kia bùng phát, thiên tai hạn hán sẽ nổ ra, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của con người.
- Nhà triết học Trang Tử của đất nước Trung Hoa, ông tổ của đạo giáo trước lúc lâm chung, học trò của ông có hỏi về hậu sự của ông ra sao. Trang Tử đáp: "Sau khi ta chết đi sẽ lấy trời đất làm quan quách, lấy nhật nguyệt làm ngọc bích, lấy các vì sao làm châu ngọc, lấy vạn vật làm vật tùy táng, nếu điều ấy mà đến thì nghi thức tang lễ của ta chẳng phải là chuẩn bị đầy đủ nhất rồi sao? Còn nghi thức tang lễ nào tốt hơn nữa chăng?''. Nói một cách thẳng thừng là quăng xác ta ra bãi hoang là xong. Học trò của ông mới nói: “Chúng con sợ diều quạ nó rỉa xác của thầy”. Trang Tử đáp: “Ở trên thì sợ diều quạ tha rỉa, chôn xuống đất thì cũng làm mồi cho kiến bọ. Cướp cơm của loài này mà cho loài kia, sao lại quá thiên lệch như vậy…”. Rõ ràng, Trang Tử có kiến giải và lăng kính, nhãn quang thông đạt hơn rất nhiều người, con người khi chết cũng trở về với cát bụi, trở về với vũ trụ, trở về với thế giới tự nhiên, thì cũng không cần phải cầu kỳ làm gì. Có lẽ vì thế mà người trở nên vĩ đại, to lớn…
Ngày nay, dưới sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cùng với những bối cảnh kinh tế xã hội và môi trường tự nhiên rất khác so với những thời kỳ trước đây. Vì thế, vấn đề thiết thực nhất vẫn là gia cư và môi trường, việc bảo vệ môi trường trong lành, giảm trừ các chất thải, nguồn gây ô nhiễm trong đất, nước, không khí…là những việc làm thiết yếu, trở thành tâm điểm của học thuật và khoa học.
Hải Triều
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Ngọc Sương (##)