Thoảng trong tiết xuân lắc rắc mưa phùn, mùi thơm của khói nhang, mùi pháo tép, hương nước lá mùi... hòa quyện gợi nhớ ký ức về những ngày Tết xưa.
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Mỗi lần ngửi mùi khói hương thơm thoảng trong gió đông, anh Trần Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) biết Tết đang đến gần. "Tuổi thơ chúng tôi, ai cũng giữ và mang theo bên mình ít nhất một mùi hương gợi nhớ ngày Tết. Với tôi, đó là mùi khói nhang mẹ thắp những ngày cuối năm".
Những bó hương phơi nắng, đợi khô sẽ được thắp trên bàn thờ ngày Tết. Ảnh: NhanTran.
Anh Thanh kể, mẹ anh vẫn có thói quen cắm hương thơm ngoài sân vườn từ tháng Chạp. Những cây hương vòng, hương que được mua từ làng Yên Phụ nổi tiếng của đất kinh kỳ xưa. Mỗi nén hương thắp lên, những vòng khói cuộn tròn rồi bay đi như cuốn theo hết muộn phiền của năm cũ sắp qua, hân hoan đón năm mới về.
"Nhiều năm lăn lộn khắp trong Nam ngoài Bắc, sang cả xứ người làm ăn, tôi từng một mình đi chùa vào ngày mùng 1 chỉ để được ngửi mùi khói nhang thanh tịnh như thời còn thơ bé nhưng không tìm thấy nổi". Theo anh, mùi hương ngày thường khác, hương ngày Tết khác và mùi hương những ngày cận Tết lại càng khác nữa. Trời se se lạnh, chỉ cần ngửi mùi hương phảng phất trong gió đủ khiến lòng người bình yên.
Hương vị Tết ngày xưa còn là mùi hăng hắc của cành củi tỏa ra từ bếp luộc bánh chưng chiều 28 Tết, mùi bánh chưng luộc chín được vớt ra. Mỗi ngõ xóm nhỏ chung nhau ngả lợn để cùng ăn Tết, dành một ít thịt gói bánh chưng. Khi người lớn gói bánh thì lũ trẻ chạy lăng xăng phía ngoài để xem. Cậu bé Thanh sẽ đánh dấu nhận chiếc bánh nhỏ nhất cho riêng mình để khi bánh chín sẽ được ăn trước.
"Ngửi mùi gạo nếp, mùi lá dong, lũ trẻ khi ấy nghĩ ngay đến chiếc bánh màu xanh, bên trong nhân đậu, thịt cùng bốc khói mà thèm nhỏ dãi. Bánh chưng, thịt mỡ thòm thèm cả năm nhưng chỉ ngày Tết mới được ăn khiến tôi mong chờ Tết hơn bao giờ", anh Thanh nhớ lại.
Gói bánh xong, mẹ anh sẽ xếp dăm viên gạch chụm lại rồi bắc cái nồi to lên. Trong khi mẹ chuẩn bị mâm ngũ quả thì chị em Thanh thay nhau trông nồi bánh. Cậu bé 10 tuổi còn tranh thủ vùi khoai, sắn vào bếp than hồng. Tiếng nổ tí tách của những thanh củi cháy, tiếng nồi bánh chưng sôi sùng sục nghe thật vui tai.
Cứ thế, mùi khói bếp, mùi củi cháy, mùi thơm của lá dong, mùi gạo nếp cùng nhân đậu xanh, thịt nạc hòa lẫn rồi tan trong không khí, bám chặt lấy tuổi thơ anh suốt những năm sau này. Đối với anh Thanh, chiếc bánh chưng mẹ gói không được vuông vắn như bánh bán ngoài chợ nhưng vị ngon đậm đà thì không chiếc bánh chợ nào sánh nổi.
Tết xưa, dù nhà giàu hay nghèo thì bánh chưng xanh và đĩa mứt tự tay làm là hai món không thể nào thiếu. "Thèm bánh chưng, thịt kho nhưng tôi cũng không thể nào quên nổi vị mứt dừa chị gái tự tay làm", anh Thanh tâm sự.
Bếp nóng hừng hực, chị gái ngồi đảo đều tay, mồ hôi từng giọt đọng trên trán nhưng chị vẫn không nghỉ. Bởi nếu nghỉ giữa chừng thì mứt không ngọt đều, màu không đẹp, ăn không ngon. Mùi mứt thơm lừng níu chân khiến cậu em trai không còn thiết tha đi đánh cù với lũ trẻ hàng xóm. Chị làm xong mấy mẻ mứt, em trai tha hồ được nếm những thanh mứt vụn còn sót dưới đáy chảo. Miếng mứt dừa thơm dẻo, cậu bé chỉ dám ngậm cho vị ngọt của đường, vị thanh thanh của dừa tan trên đầu lưỡi.
Ngày mùng 1, anh Thanh được theo chân bố mẹ đi chúc Tết. Thấy nhà nào cũng có đĩa mứt và tách trà để sẵn trên bàn, cậu bé Thanh thích thú dứt từng sợi mứt để ăn dần và chờ được nhận lì xì năm mới.
Chị gái theo chồng vào Nam lập nghiệp, Tết về vẫn làm mứt và gửi cho anh một hộp làm quà. Anh Thanh bảo, chị làm mứt ngày càng ngon nhưng hương vị thì rất khác so với ngày hai chị em còn thơ ấu.
Chị Hồng Linh (Duy Tiên, Hà Nam) nhớ mùi Tết xưa là hương thơm của nồi nước mùi già để tắm chiều tất niên. Chị Linh kể, chiều 30 Tết, mẹ sẽ dùng bó lá mùi với chi chít quả tròn màu nâu nhạt cho vào nồi, đổ đầy nước rồi đun lên. Nước sôi, mùi nồng ấm, thơm thoang thoảng lan tỏa khắp gian bếp, lên thềm, ra sân. Hương thơm bay ra tận đầu ngõ, xua tan đi những ảm đạm cuối cùng của năm. Chị em Linh được mẹ lôi ra để tắm, gọi là tẩy hết đi những bụi bẩn của năm cũ để đón Tết.
Cũng như mẹ ngày xưa, dù tất bật với công việc chị Linh vẫn tranh thủ nấu nước mùi cho cả nhà cùng tắm vào chiều 30 Tết. Chị chia sẻ: "Những đứa trẻ từng được tắm nước mùi già thì hương thơm dịu ấy không thể lẫn với mùi khác. Nó còn vương mãi trên da thịt, ăn sâu vào ký ức mà không một thứ nước hoa nào sánh bằng".
Trong ký ức chị Linh, Tết còn là sự háo hức khi ngửi thấy mùi quần áo mới. Cách đây 30 năm, nhà còn thiếu ăn, thiếu mặc nên ba chị em Linh phải mặc quần áo theo kiểu dây chuyền. Chị lớn mặc chật thì nhường đến em. Đến Tết, mua quần áo cũng có sự phân công. Năm nay chị cả được mua thì hai em còn lại sẽ mặc đồ cũ.
Năm học lớp ba, chị được mẹ thưởng cho bộ quần áo mới. Đêm trước đó, cô bé Linh không tài nào ngủ được. Mua đồ về rồi mẹ cất vào trong tủ, Linh còn lấy cớ chạy ra chạy vào để ngắm nghía, hít hà và chỉ mong nhanh đến mùng 1 Tết để được diện quần áo mới.
Mỗi lần nghe câu hát "Hòa theo tiếng pháo đì đùng, mừng xuân nay đã về rồi", anh Hải (Đống Đa, Hà Nội) lại nhớ đến màu xác pháo đỏ tươi. "Trước giao thừa, pháo đã bắt đầu nổ, qua giao thừa vài tiếng mà vẫn chưa dứt. Nhìn thấy pháo nổ tôi sợ, phải bịt tai lại cho khỏi chói nhưng chỉ cần nghe tiếng pháo là lao ra khỏi nhà đi xem", anh Hải kể.
Pháo bị cấm từ lâu, nhưng anh Hải chẳng thể nào quên được mùi pháo thơm khi xưa.Với nhiều người thế hệ đầu 8X như anh, tiếng pháo chính là âm thanh gọi Tết về. Nhiều năm nay, đêm giao thừa anh đều đưa vợ con đi xem bắn pháo hoa bên Hồ Gươm. Tiếng pháo rộn ràng nhưng cảm giác háo hức như thời còn thơ bé dường như không còn nữa. "Tôi vẫn thòm thèm một lần mình được bé lại để nghe tiếng pháo và mong chờ vị Tết xưa", anh Hải nói.
Hoàng Phương
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Thanh Vân (##)