Chu Dịch với Thể Thao
Thiệu Vĩ Hoa, Dịch Sư số 1 của Trung Quốc hiện nay có giới thiệu hai phương pháp dự đoán: Dự đoán theo Tượng- Hào & Dự đoán Sáu Hào. So với các phương pháp dự đoán theo Chu Dịch hiện có tại Việt Nam, hai phương pháp này tỏ ra vượt trội về mặt lý luận.
Xem xét 2 phương pháp của Ông, tôi đưa ra vài nhận xét sau :
1. Ngoài dự đoán về con người và sự việc, ông đã cố gắng đưa khả năng ứng dụng của 2 phương pháp này vào các lãnh vực khác: Thời tiết, Thể thao, Y Học, Thiên Văn, Địa Chất.
2. Tác giả áp dụng các nguyên lý Âm Dương Ngũ Hành vào 2 phương pháp này khá thành thục và hợp lý.
3. Tuy nhiên, tác giả đã hiểu các nguyên lý Âm Dương Ngũ Hành theo lối cổ xưa, vì vậy, khi đưa ra các kết quả dự đoán, tác giả thường phải sử dụng đến kinh nghiệm dự đoán của bản thân. Rõ nhất là ở phương pháp dự đoán theo Tượng- Hào. Tác giả dùng nhiều đến các biểu tượng của Bát Quái. Khi dự đoán các trận đấu thể thao phức tạp như đá banh trên sân trung lập, tác giả phải đặt ra các qui tắc ngoại lệ.
4. Phương pháp Dự Đoán Sáu Hào được tác giả giới thiệu rất công phu, chi tiết và tỉ mỉ. Tuy vậy, nó vẫn tỏ ra phức tạp quá ! Quá nhiều các khái niệm và nguyên lý ! Các nguyên lý và khái niệm này thường chồng chéo và phủ định lẫn nhau khi lập luận dự đoán, khiến cho nhà dự đoán phải có kinh nghiệm để biết chọn nguyên lý nào cho từng trường hợp dự đoán cụ thể. Cách thức lập quẻ căn cứ vào Chu Dịch, nhưng cách dự đoán thì dựa hoàn toàn vào ngũ hành & hệ thống Can Chi. Điều này cho thấy phương pháp dự đoán sáu hào của Thiệu Vĩ Hoa đã biến hình và xích lại gần với môn dự đoán Tứ Trụ. Phương pháp Dự Đoán Sáu Hào cũng đòi hỏi người dự đoán phải có kinh nghiệm.
Có phương pháp nào không buộc người học phải có kinh nghiệm dự đoán ?
Bằng việc sử dụng Hệ Thống Lý Luận Đông Y hiện đại, tôi thiết lập một phương pháp dự đoán mới. Phương pháp này được phát triển từ phương pháp dự đoán theo Tượng-Hào.
Phương pháp mới có 3 lợi điểm sau :
1. Nó không đòi hỏi người dự đoán phải có kinh nghiệm dự đoán.
2. Nó không đòi hỏi người học phải biết rõ về Chu Dịch.
3. Về mặt ứng dụng, nó dễ sử dụng như khi ta giải phương trình bậc 2 có 1 ẩn số. Nghĩa là, đã có sẵn công thức, chỉ cần áp dữ liệu vào là có ngay kết quả.
Để có thể áp dụng phương pháp này vào thực tế, bộ Chu Dịch phải được mã hoá thành 2 ký hiệu (+) & (-). Về lý thuyết, công việc này thực hiện được.
Vòng chung kết bóng đá tháng 6-2002 tại Hàn Quốc, tôi đem phương pháp ra thử nghiệm. Kết quả dự đoán như sau: Đúng 63 trận, sai 1 trận ( Hàn Quốc >< Hoa Kỳ)
Tôi chưa lý giải được vì sao phương pháp cho kết quả dự đoán sai trận Hàn Quốc >< Hoa Kỳ, nên cần phải có thêm thời gian để xem xét lại.
Nhận xét:
1. Để kiểm nghiệm khả năng dự đoán của phương pháp mới, tôi chọn 64 trận bóng đá vòng chung kết vì nó mang tính hệ thống, thể thức thi đấu chặt chẽ.
2. Số lượng thử nghiệm nhỏ, 64 trận, nên con số 99,4% dự đoán đúng không mang giá trị thống kê.
3. Không mang giá trị thống kê, nhưng đã gợi mở rằng: Phương pháp được xây dựng đúng & kết quả dự đoán xác định được giá trị của từng nhóm đối tượng tham gia sự kiện.
4. Giá trị của từng nhóm đối tượng được xác định theo giá trị cặp Yes-No: Đúng-Sai, Phải-Trái, Có-Không.... Vì thế, phương pháp mới còn có thể áp dụng rộng rãi trong các lãnh vực khác.
5. Khi ứng dụng vào các lãnh vực khác, người dự đoán cần phải có trình độ với những hiểu biết nhất định trên lãnh vực ấy nhằm chọn các thông số phù hợp cho việc lập bài toán dự đoán.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Đoan Trang(##)