Chọn ngày tốt gác đòn dông –
Trong dân gian xưa đến nay vẫn lưu truyền khá nhiều những kiêng kỵ liên quan đến việc làm mái nhà, như kiêng “góc ao đao đình”, kiêng nhà mình bị đòn dông nhà khác chĩa sang, chọn ngày tốt gác đòn dông, đếm số đòn tay khi lợp mái việc xem ngày tốt xấu là điều cực kỳ quan trọng từ xưa đến nay. Và xem ngày tốt để gác đòn dông cũng không ngoại lệ… Nội dung các kiêng kỵ ấy ảnh hưởng ra sao theo quan điểm khoa học Phong thủy và trong kỹ thuật xây dựng hiện đại? Liệu ngôi nhà hôm nay có còn quá phụ thuộc vào những kiêng kỵ ấy hay không? Hãy cùng tìm hiểu về những kiêng kỵ khi gác đòn dông đồng thời nên chọn ngày nào để gác đòn dông?
Nội dung
- 1 Thế nào là gác đòn dông
- 2 Ngày tốt để gác đòn dông
- 2.1 36 ngày tốt
- 2.2 Nên chọn các Sao tốt
- 2.3 Nên kỵ các Sao xấu
- 2.4 Các ngày kị trong tháng
- 3 Văn khấn Lễ gác Đòn Dông
- 3.1 Chuẩn bị
- 3.2 Bài văn khấn lễ gác đòn dông
- 4 Cần gạn đục khơi trong
- 5 Vườn trên mái, tam hợp để tiện ích hơn
Thế nào là gác đòn dông
Tục ngữ dân gian ta có câu “Nhất góc ao – nhì đao đình” nói lên cách bố cục nhà cần tránh các góc ao cũng như góc cạnh của mái đình, đền miếu hướng vào chính diện nhà mình. Xét về giao thông, khi nhà mở cửa hướng ra góc mái (tức là góc của công trình đó) thì đồng nghĩa với bố cục các nhà bị xiên lệch với nhau, dễ gây ra va chạm khi di chuyển, gió lùa theo các cạnh tường, cạnh mái thổi đến nhà mình. Về cấu tạo, điểm góc mái luôn là điểm xung yếu khi lợp nên mái nhà xưa thường hay có các chi tiết bằng gỗ hoặc đắp vữa (hồ) dày để “khóa cứng” góc mái, kết hợp tính trang trí tạo thành những đầu đao mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Mở cửa ra nhìn thấy góc mái (hình lưỡi đao) chĩa vào nhà mình thì luôn có cảm giác bất an là vậy.
Đao đình, mảng tường đầu hồi “chĩa” sang nhà lân cận là kiểu kiêng kỵ phổ biến về mái nhà
Đao đình, mảng tường đầu hồi “chĩa” sang nhà lân cận là kiểu kiêng kỵ phổ biến về mái nhà
Nghi lễ thượng lương là một nghi thức đánh dấu thời điểm gác cây đòn dông lên đỉnh cao nhất của mái nhà (hay còn gọi là cây xà gồ nóc, xà gồ đỉnh mái) để kết thúc xây dựng phần khung xương cơ bản, cũng là nghi lễ cầu cho ngôi nhà ấy được trọn vẹn, lâu bền về mặt xây dựng (còn việc cầu cho người cư ngụ trong nhà cát tường thì lại phải chờ đến lễ nhập trạch – dọn về nhà mới – của gia chủ). Lễ thượng lương ngày nay tồn tại ở một số vùng mà việc xây cất vẫn mang tính thủ công, xây nhà có mái dốc lợp ngói, có cây đòn dông trên đỉnh, thì việc gác đòn dông mới còn ý nghĩa quan trọng để “kết” phần mái nhà lại.
Nhiều gia chủ thời nay xem việc đổ tấm bê tông trên cùng (hay tấm mái nóc cầu thang) là… thượng lương, xét về tiến độ xây dựng thì cũng đúng, nhưng xét về ý nghĩa xây cất truyền thống thì không chuẩn xác lắm. Mặt khác, cách cấu tạo lợp mái hiện đại (dùng hệ đòn tay – rui mè bằng sắt hộp hoặc vì kèo thép) đều không còn sử dụng cây xà gồ trên đỉnh nữa, mà là hai cây xà gồ thép đặt hai bên đỉnh để thuận tiện hơn về cấu tạo và liên kết ngói đỉnh mái. Cũng vì ngày xưa do cây đòn dông nằm giữa nên số đòn tay (xà gồ gác trên mái) trong bộ mái nhà luôn là số lẻ, dẫn đến ngày nay nhiều người vẫn còn đếm số lượng đòn tay theo kiểu “sinh lão bệnh tử” (vốn lưu truyền trong đếm bậc thang) mang nhiều màu sắc mê tín.
Cấu trúc mái hiên truyền thống vươn rộng giúp tạo khoảng đệm cân bằng về không gian
Nên khai thác khoảng xiên dưới mái vào các công năng thờ cúng, sinh hoạt chung hoặc thư giãn nhẹ nhàng
Cũng xin nói thêm về hai chữ “đòn dông”, đó là một cách đọc bị biến thể của chữ “đòn đông”, do ngôi nhà truyền thống vốn đa phần quay mặt dài về hướng nam (lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng nam) nên phần đỉnh mái nhà kéo từ đông sang tây, mà cư dân nông nghiệp thì xem phương Đông là khởi điểm mùa xuân, nơi mặt trời mọc buổi sớm, thuộc Mộc, nên cây xà gồ đỉnh mái trong nghi lễ thượng lương thường được bọc vải đỏ hai đầu (tượng trưng cho mặt trời mọc và lặn) đồng thời treo tấm bùa bát quái ở giữa như một sự trân trọng kiêng nể với bộ phận kết cấu đặc biệt này của ngôi nhà.
Các cụ thuở trước còn lưu truyền câu ngạn ngữ: Giá thú Bất Tương, thượng lương Sát Cống, tức là có hai ngày lưu ý, ngày Bất Tương tốt cho việc hôn nhân, ngày Sát Cống tốt cho việc thượng lương. Bất Tương và Sát Cống là tên gọi những ngày có sao tốt trong Nhị thập bát tú. Còn theo kinh nghiệm dân gian mà nhiều nơi (nhất là ở vùng Nam bộ) chọn ngày con nước lớn để làm lễ động thổ và gác đòn dông thì có thể hiểu xuất phát từ văn hóa của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước (trong đó có nước ta) trước đây phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Do đó Lịch pháp Đông phương (lịch Âm) từ xưa đã gắn bó chặt chẽ với các tiết khí, thủy văn… chi phối các hoạt động hằng ngày của con người. Kinh nghiệm chọn ngày nước lớn để tiến hành các công việc là rất có cơ sở khí hậu vì những việc như gieo trồng, ra khơi, đánh bắt thủy sản… sẽ khá thuận lợi khi con nước lớn. Đặc biệt Nam bộ vốn là vùng sông nước mênh mông, làm gì cũng phải nhìn con nước để tính sao cho thuận lợi. Nhưng việc động thổ làm nhà hay gác đòn dông thì lại không thuộc dạng công việc… cần nước lớn như vậy (còn vấn đề “phúc lộc vào nhà dồi dào như nước” chỉ là cảm nhận chủ quan theo kiểu suy diễn hình tượng nước với lộc, không có cơ sở khoa học). Giả sử ngày nay làm nhà khởi công đào móng ở khu vực đất thấp triều cường mà chọn ngày nước lớn thì có khi phải… bơm hút nước suốt ngày vì hố móng bị ngập, không thể đào được!
Ngày tốt để gác đòn dông
Trong dân gian lưu truyền khá nhiều những quan niệm kiêng kỵ liên quan đến việc làm mái nhà, như kiêng “góc ao, đao đình”, kiêng nhà bị đòn đông chĩa sang, đếm số đòn tay khi lợp mái nhà, xem ngày tốt xấu theo tuổi để chọn giờ tốt gác Đòn Dông. “Nhất góc ao, nhì đao đình” nói lên cách bố cục nhà cần tránh các góc ao cũng như góc cạnh của mái đình, đền, miếu hướng vào chính diện nhà.
36 ngày tốt
Trong xem phong thủy nhà ở thì việc gác Đòn Dông rất hệ trọng vì nó là cái rường nhà, chỗ cao nhất của ngôi nhà. Muốn nhà ở được yên ổn và thịnh vượng nên chọn trong 36 ngày tốt sau đây:”Giáp Tý, Ất Sửu, Đinh Mẹo, Mậu Thìn, Kỷ Tị, Canh Ngọ, tân Mùi, Nhâm Thân, Giáp Tuất, Bính Tý, Mậu Dần, Canh Thìn, Nhâm Ngọ, Giáp Thân, Bính Tuất, Mậu Tý, Canh Dần, Giáp Ngọ, Bình Thân, Đinh Dậu, Mậu Tuất, Kỷ Hợi, Canh Tý, Tân Sửu, Nhâm Dần, Quý Mẹo, Ất Tị, Đinh Mùi, Kỳ Dậu, Tân Hợi, Quý Sửu, Ất Mẹo, Đinh Tị, Kỷ Mùi, Tân Dậu, Quý Hợi.
Nên chọn các Sao tốt
Thiên Đức, Nguyệt Đức, Thiên Đức Hợp, Nguyệt Đức Hợp, Thiên Phúc, Thiên Phú, Thiên Hỷ, Thiên Ân, Nguyệt Ân.
Nên chọn các Trực: Mãn, Bình, Thành, Khai .
Nên kỵ các Sao xấu
Chánh Tứ Phế, Thiên Tặc, Địa Tặc, Thiên Hỏa, Địa Hỏa.
Các ngày kị trong tháng
– Tháng giêng : kị cất nhà vào ngày : 5,6,17, 18, 29, 30
– Tháng 2,3 : cất nhà kị ngày : 4,5,16,17,28,29
– Tháng 4 : Cất nhà kị ngày : 2,3,14,15,26,28
– Tháng 5,6 : Cất nhà kị ngày : 1,2,13,14,25,26
– Tháng 7 : Cất nhà kị ngày : 11,12,23,24
– Tháng 8,9 : cất nhà kị ngày : 10,11,22,23
– Tháng 10 : Cất nhà kị ngày : 8,9,20,21
– Tháng 11, 12 : Cất nhà kị ngày : 7,8,19,20
Chú ý: Trong ngày dựng cột, nếu kịp lúc gác đòn đông thì gác luôn khỏi chọn ngày gác đòn đông, vẫn tốt như thường.
Văn khấn Lễ gác Đòn Dông
Chuẩn bị
Mâm lễ vật bao gồm: Mâm ngũ quả, con gà, trà, bánh. Đặc biệt trên mâm lễ vật còn có cây thước nách và ống chỉ mực là hai công cụ thiết yếu đã dùng để làm nên ngôi nhà.
Lễ vào nhà mới là lễ rước ông bà và các vị gia thần vào nhà mới. Ngoài các lễ vật thì gia chủ phải xách hai lu nước đầy, một lu gạo, một lu muối. Người thợ chánh khấn vái tạ lễ Tiên sư, Tổ sư, Bà Cửu Thiên đã phò trợ cho công việc làm nhà diễn ra suôn sẻ.
Bài văn khấn lễ gác đòn dông
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy quan Đương niên.
– Con kính lạy các tôn thần bản xứ.
Tín chủ (chúng) con là: ……………………………
Ngụ tại: ……………………………
Hôm nay là ngày ….. tháng ……… năm …………
Tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương, dâng lên trước án, có lời thưa rằng: Vì tín chủ con khởi tạo ……….. cất nóc căn nhà ở địa chỉ: ……… ngôi dương cơ trụ trạch để làm nơi cư ngụ cho gia đình, con cháu. Nay chọn được ngày lành tháng tốt, kính cáo chư vị linh thần, cúi mong soi xét và cho phép được cất nóc. Tín chủ con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên Đường cai Thái Tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Định phúc Táo quân, các ngài Địa chúa Long Mạch tôn thần và tất cả các vị Thần linh cai quản trong khu vực này. Cúi xin các Ngài, nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho chúng con được vạn sự tốt lành, công việc hanh thông, chủ – Thợ được bình an, ngày tháng hưởng phần lợi lạc, âm phù dương trợ, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm. Tín chủ lại xin phổ cáo với các vị Tiền chủ, Hậu chủ và các vị Hương linh, cô hồn y thảo phụ mộc, phảng phất quanh khu vực này, xin mời các vị tới đây thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ, cũng như chủ thợ đôi bên khiến cho an lành, công việc chóng thành, muôn sự như ý. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Cần gạn đục khơi trong
Như vậy, các kiêng kỵ về mái nhà kể trên xuất phát từ tâm lý coi trọng cái gì thì đâm ra… sợ cái ấy, nên nhiều người rất lo ngại cây đòn dông của nhà khác hướng sang nhà mình, rồi tiếp đến là lo về cách đếm số đòn tay, lo xem ngày đổ tấm mái bê tông cuối cùng… Xét về hình thế trong Phong thủy, nóc nhà có hình tam giác thuộc hành Hỏa, mà theo ngũ hành thì Hỏa khắc Kim (tiền tài) nên nhiều người lo ngại nếu bị chĩa Hỏa sang nhà mình thì tiền tài sẽ hao tổn. Về cấu tạo thì nóc nhà xưa có các khe hở thông gió làm nơi thoát các khí nóng tích tụ trong nhà ra ngoài, nếu nhà mở cửa ra gặp ngay cái “tam giác ấy” thì sẽ bất lợi. Từ đó, không riêng gì cây đòn dông mà các đòn tay lợp mái cũng bị kiêng nếu nhìn thấy chĩa sang nhà của nhau, rồi thấy cái mái tam giác chung chung cũng… kiêng kỵ luôn. Xét về văn hóa ứng xử, điều này đem lại sự cẩn trọng khi làm nhà lợp mái, tạo hình trang trí, giữ gìn cho người cũng là cầu an cho mình. Còn về thực tế xây dựng thì hiện nay nhiều biệt thự lợp mái ngói đã dùng thép tấm làm thành nẹp bịt kín đầu các xà gồ như là một giải pháp “an toàn về tâm lý” để không gây e ngại gì đến các nhà đối diện hoặc chung quanh.
Nghi lễ thượng lương cũng là một trong những biểu hiện văn hóa truyền thống. Thông qua các nghi lễ văn hóa như vậy, người dân bày tỏ thái độ trân trọng của mình với môi trường, từ thiên nhiên cho tới xã hội, những việc trọng đại trong đời người như cưới hỏi, làm nhà… đều được cúng tế nghiêm chỉnh để cầu mong sự thuận lợi, an lành và mọi việc suôn sẻ. Một số quan niệm cho rằng đó là biểu hiện của “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng thực ra cũng cần xem xét nhiều khía cạnh. Cha ông ta thuở trước dù không hề giàu có vẫn luôn giữ nếp chuẩn mực trong mọi sinh hoạt, việc cúng lễ rất linh hoạt tùy theo hoàn cảnh mỗi vùng, mỗi nhà, mỗi người và không hề phô trương rình rang.
Vì thế, với tinh thần “gạn đục khơi trong” những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc, chúng ta cần trân trọng các nghi thức dân gian, miễn là phù hợp với nếp cư xử văn minh và cuộc sống hiện đại.
Về giải pháp, khi gặp các không gian nằm dưới mái dốc thì cần tránh bố trí vào dưới góc xéo, ví dụ như chỗ ngủ hay học tập. Còn phòng thờ thì lại khá hợp với gian áp mái, vì cùng là hành Hỏa tương đương, miễn sao chỗ đặt bàn thờ và đứng thắp nhang khói không bị đụng dầm đà xéo là ổn. Nếu vì diện tích chật hẹp phải tận dụng thì nên làm dịu bớt bằng cách đóng trần phẳng hoặc vòm cong, kê vật dụng và dời chỗ sinh hoạt ra bên ngoài khoảng vát chéo, dùng cây xanh che chắn để giảm đi lại vào gầm mái, tránh vướng víu khi sinh hoạt (tương tự như việc đặt một tiểu cảnh dưới gầm thang để tránh bất tiện và tù hãm khí xuất hiện trong không gian nội thất).
Vườn trên mái, tam hợp để tiện ích hơn
Với nhà có mái bằng, vườn trên mái hiện nay giúp bổ sung khoảng thiên nhiên cho cư dân đô thị đất chật người đông. Nhưng chọn lựa – thiết kế – thi công – chăm sóc vườn trên mái ra sao thì lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà nếu thiếu xác định từ đầu sẽ dễ gây tốn kém, thậm chí khiến vườn trên mái trở thành “cục nợ” về sau. Nguyên tắc nhỏ “tam hợp” dưới đây sẽ phần nào giúp gia chủ quyết định hợp lý hơn khi tổ chức vườn trên mái.
Hợp trời: Mỗi phương hướng, khu vực sẽ có tính chất khác nhau, như nắng gắt hay bị nhiều bóng râm, gần khu thoáng đãng hay nơi bụi bặm. Cần xác định rõ tính chất vườn trên cao không thể như vườn dưới đất, nên chọn những loại cây chịu nắng gió và ít rụng lá. Tránh trồng cây quá rậm hoặc pha tạp nhiều thứ cây gây rối mắt và khó chăm sóc tốt. Các chậu cây nên chọn lọc kỹ về chất liệu (sứ, đất nung, hay đá) cũng như đồng bộ về kiểu dáng, quy cách. Các nghệ nhân có kinh nghiệm khuyên nên chọn những loại đơn giản như cau, dừa cảnh, hoa mười giờ, lan chi, tùng bách tán… cho vườn mái, nếu được đặt trong chậu phù hợp, khéo bố trí thì vẫn đạt hiệu quả thẩm mỹ cao.
Hợp đất: Về cấu tạo, vườn mái nên theo kiểu “vườn treo” tức là các phần để chậu, đất trong cây hoặc hồ nước không đặt trực tiếp lên sàn sân thượng, mà được làm cách khoảng nhằm chống thấm và tiện xử lý kỹ thuật. Nhìn từ ngoài vào thì những loại vườn này trông như sàn bình thường nhưng bên trong là các tấm đan bê tông kê trên gối gạch (sàn hai lớp, trải tấm chống thấm, có ống thoát nước đi chìm). Nhờ tính chất của các lớp cách nhiệt, chống thấm… mà hiệu quả sử dụng và bảo vệ của mái nhà tăng cao hơn là để mái bằng trơ trọi. Các vật liệu sử dụng trên vườn mái có thể là gạch gốm, đá chẻ, sỏi… và cần sự tư vấn cụ thể của nhà chuyên môn.Hợp người: Ngay cả khi chọn được cây cối và thiết kế đẹp mắt thì không phải ngôi nhà nào cũng duy trì được khoảng vườn trên mái. Do mỗi người mỗi ý, công việc, thời gian chăm sóc vườn ít sẽ khiến cây cối xơ xác, đọng nước, thấm dột… Vì thế, nên tính tới hoàn cảnh từng gia đình, thời gian dành cho vườn, cơ cấu sinh hoạt có hay sử dụng vườn hay chỉ là trồng cho… vui. Cũng cần bố trí khoảng tập thể dục hoặc lối đi lại, chỗ ngồi nghỉ, một bộ bàn ghế cắm dù… sẽ giúp gia chủ thưởng thức trọn vẹn hơn không gian xanh nơi tổ ấm của mình.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Đoan Trang(##)