Sao Thiên Cơ trong tử vi - hình tượng Khương Tử Nha
Khương Tử Nha vốn là đệ tử tài giỏi của Nguyên Thuỷ thiên tôn trên núi Côn Lôn, nhận mệnh thầy xuống núi giúp đỡ Tây Bá hầu Cơ Xương tiêu diệt Trụ sáng lập triều Tây Chu. Nhưng do thấy thời cơ chưa chín muồi, nên ông tạm thời đến ẩn cư bên khe Phàn Khê thuộc Tây Kỳ, chờ đợi cơ hội. Ông ngày ngày đọc kinh "Hoàng Đình", ngộ đạo tu chân.
Lúc nhàn rỗi thường ra ngồi buông câu bên bờ sông Vị Thuỷ. Một hôm, ông thầm nghĩ: "Thầy mệnh cho ta xuống núi, tính đến nay đã gần tám năm rồi, thực đúng với lời của thầy: Hai bốn năm đầu vận bĩ cực; Tám năm sau mới gặp thời cơ", trong lòng cảm thấy buồn rầu.
Lúc đó, chợt có một người tiều phu tên là Vũ Cát đi đến, thấy Khương Tử Nha nhấc cần câu lên, đầu dây câu chỉ có một chiếc kim thẳng, lại không mắc mồi câu, thì cười mà nói với ông rằng: "Người có chí không kể tuổi tác, làm người mà không biết mưu tính, sống đến trăm tuổi cũng uổng phí. Ông câu cá mà không dùng lưỡi câu, cũng không mắc mồi có câu đến cả trăm năm cũng chẳng được nổi con cá nhép".
Khương Tử Nha bèn nói: "Già này tuy buông câu, nhưng chí không ở cá, chẳng qua là ngồi đây chờ lúc đường mây rộng mở, thoả chí bình sinh mà thôi!". Rồi ngâm rằng:
Ninh hướng trực trung thủ
Bất vi cẩm lân thiết
Bất hướng khúc trung cầu
Chỉ điếu vương dữ hầu
Nghĩa là
Thà rằng tìm bằng thẳng
Không phải là vì cá
Không muốn lấy bằng cong
Chỉ câu bặc hầu vương
Tây Bá hầu Cơ Xương sau khi từ Dữu Lý trở về Tây Kỳ, dốc lòng vào việc triều chính, khiến cho quốc thái dân an, nhân dân an cư lạc nghiệp, ngay cả dần từ thành Triều Ca tỵ nạn đến Tây Kỳ cũng được đối đãi tử tế, chăm lo chu đáo. Một hôm, Cơ Xương đang nghỉ ngơi dưới Linh Đài, qua canh ba, chợt mơ thấy một con hổ trắng có cánh, chồm lên người mình, bèn giật mình tỉnh dậy, sợ đến toát mồ hôi lạnh. Hôm sau, ông kể lại giấc mơ cho đại thần Tán Nghi Sinh (sao Tả Phụ) nghe, Tán Nghi Sinh bèn nói: "Chúc mừng hầu gia, đó chính là điềm tốt, mách bảo rằng hầu gia sắp gặp được nhân tài làm rường cột, để kiến lập triều Chu".
Cùng ngày hôm đó, Tán Nghi Sinh qua chợ, gặp được tiều phu Vũ Cát. Vũ Cát bèn thuật lại câu chuyện về ông già kỳ lạ bên sông Vị Thuỷ cho ông nghe. Tán Nghi Sinh suy ngẫm hồi lâu, ngờ rằng đây chính là nhân tài mà Tầy Bá hầu đang muốn tìm. Ngày hôm sau, Cơ Xương dẫn theo các quan tả hữu xuất du, nhân thể tìm kiếm người hiền, đi về hướng Phàn Khê. Dọc đường, họ gặp một người tiều phu đang quảy gánh củi, vừa đi vừa hát rằng:
Xuân thuỷ du du xuân thảo kỳ
Thế nhân bất thức cao hiền chí
Kim lân vị ngộ ẩn Phàn Khê
Chỉ tác khê biên lão điếu ky
Nghĩa là:
Nước xuân dìu dặt cỏ xuân lạ
Người đời không biết chí cả cao
Lân vàng chưa gặp ẩn Phàn Khê
Làm người câu cá ở bên khe
Cơ Xương nghe lời ca, đột nhiên tỉnh ngộ mà thốt rằng: "Cao nhân nhất định ở quanh đây". Thế nhưng tìm kiếm suốt ba ngày vẫn không thấy bóng dáng hiền sĩ. Đến ngày thứ tư Cơ Xương đem theo lễ vật, dẫn đầu bá quan, điều động đội binh mã mở đường, vua tôi rầm rộ tiến về Phàn Khê. Đến nơi, Cơ Xương một mình lặn lội vào trong rừng và bắt gặp Khương Tử Nha đang ngồi buông câu bên suối. Vốn dĩ Khương Tử Nha đã tiên đoán được rằng hôm nay Cơ Xương sẽ đến, nên làm như vô tình mà ca rằng:
Tây phong khởi hề bạch vân phi
Ngũ phượng minh hề chân chủ hiện
Tuế dĩ mộ hề tương yên vi
Thuỳ điếu ty hề ngã vi
Nghĩa là:
Gió tây nổi chừ mây trắng bay
Năm phượng hót chừ vua sáng hiện
Tuổi đã cao chừ làm chi đây?
Buông câu chừ hiểu ta ít thay!
Và vua sáng tôi hiền đã gặp nhau trong tình cảnh đó. Khương Tử Nha lúc này đã tám mươi tuổi, được phong làm Thừa tướng. Nhưng Chu Văn Vương qua đời khi sự nghiệp còn dang dở, trước lúc lâm chung, đã truyền ngôi lại cho Cơ Phát, và uỷ nhiệm Khương Tử Nha làm tướng phụ phò tá Chu Vũ Vương.
Tương truyền đài Phong Thần tại Tây Kỳ là do Khương Tử Nha vâng mệnh Nguyên Thuỷ thiên tôn kiến lập nên, mục đích chủ yếu là để phong thần cho những người xả thân vì nước hoặc tử chiến trong giai đoạn An Trụ sắp diệt vong và trong quá trình Vũ Vương phạt Trụ, nhằm an ủi người đã khuất, khiến vong hồn của họ có nơi nương tựa. Khi sự nghiệp diệt Trụ của Vũ Vương đã thành công, chính quyền mới đã được kiến lập, mọi người đều đã được thụ phong tại đài Phong Thần, chỉ còn Khương Tử Nha vẫn sống thọ, chưa đến lúc về trời. Để hoàn thành nhiệm vụ phong thần, ông đã tự phong mình là chủ nhân của sao Thiên Cơ.
Có thể coi Khương Tử Nha là một khai quốc công thần hàng đầu của triều Chu. Ông một đời coi việc hưng vong của quốc gia là trách nhiệm của mình, mà không màng đến chuyện sống chết của bản thân, dùng trí tuệ trác việt và mưu lược cao thâm của mình để hết lòng phò tá Vũ Vương hoàn thành đại nghiệp diệt Trụ. Ông còn sở hữu nhiều pháp thuật cao thâm (do là học trò của Nguyên Thuỷ thiên tôn) và sách lược cai trị, nên đã giúp ích rất nhiều cho chính quyền nhà Chu còn non trẻ.
Tài văn thao vũ lược cùng sự nghiêp huy hoàng của ông cho đến nay vẫn được truyền tụng rộng rãi. Bởi vậy không hề thái quá khi ông tự phong cho mình làm chủ quản sao Thien Cơ, chủ về "thiện lệnh" (gồm cả văn đức, vũ đức), trở thành nhân vật đại diện cho trí tuệ và "thiện thần" của cung huynh đệ trong Tử Vi.
Khương Tử Nha qua sử sách
Khương Tử Nha là một nhân vật truyền kỳ rất đỗi quen thuộc, là người thông minh xuất chúng, rất phù hợp với tính cách của sao Thiên Cơ cai quản "thiện lệnh" trong Tử Vi Đẩu số. Ông là người trù bị những mưu lược quan trọng, là thống soái quân sự tối cao trong sự nghiệp diệt Trụ của Chu Vũ Vương, là khai quốc công thần của triều Chu, đồng thời lầ ông tổ của nước Tề, người khai sáng nên văn hoá Tề. Khương Tử Nha còn là một nhà thao lược, nhà quân sự và chính trị gia kiệt xuất dể lại nhiều ảnh huởng sâu dậm trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.
Khương Tử Nha vốn họ Lã, tên Vọng, tự Tử Nha, hiệu Phi Hùng, còn dược gọi là Lã Thượng. Thư tịch các đời đều xác nhận địa vị quan trọng của ông trong lịch sử. Các học phái Nho gia, Đạo gia, Pháp gia, Binh gia, Tung hoành gia đều truy nhận ông là nhân vật trong học phái của mình, nên ông được tôn là "Bách gia tông sư".
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Thiên Nga (##)