Chùa Keo Hành Thiện - Nam Định
Địa Điểm: Chùa Keo Hành Thiện tọa lạc ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Chùa Keo Hành Thiện có tên chữ là chùa Thần Quang, chùa không sư, nằm cách thành phố Nam Định trên 30 km về phía Đông Nam. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi. Có lẽ, đây là ngôi chùa duy nhất không có sư ở.
Trước kia, chùa nằm trên khu đất được triều nhà Lý cắt đất cho Đức Không Lộ, nên cả làng phải thay nhau cắt cử để trông coi, thờ cúng ngài. Đó là “cái lý” mà người dân thôn Hành Thiện làm công việc nhang khói, trông coi chùa thay sư sãi”.
Lịch Sử Chùa Keo Hành Thiện
Tương truyền, Chùa do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng ở ven sông Hồng (1061) dưới thời Lý Thánh Tông, tại hương Giao Thủy, phủ Hải Thanh (nay là xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.
Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, nơi có chùa. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ) hay chùa Keo Hành Thiện (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định). Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình, về sau cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng).
Kiến Trúc Chùa Keo Hành Thiện
Ban đầu, chùa được xây dựng tạm trên nền đất của làng. Năm Hoằng Định thứ 13 (1612), chùa được tu sửa hoàn chỉnh và có dáng dấp như ngày nay. Trong 400 năm tiếp theo, chùa nhiều lần được tu bổ lớn như vào các năm Cảnh Trị thứ 9 (1671), Chính Hoà thứ 25 (1704), Thành Thái thứ 7 (1896) và đặc biệt từ năm 1962 chùa Keo đã được nhà nước công nhận là tích lịch sử văn hoá, nên đã được tôn tạo nhiều lần.
Kiến trúc chùa Keo Hành Thiện có ảnh hưởng rất lớn đến chùa Keo ở Thái Bình. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt nước trong xanh, soi bóng tháp chuông mái cong uy nghiêm, thơ mộng. Không gian chùa là là cả một khu kiến trúc cổ to lớn, bề thế với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau soi bóng xuống mặt hồ lung linh huyền diệu. Hai bên đường kiệu lát gạch, kề liền hai dãy hành lang, mỗi dãy gồm 40 gian bề thế.
Gác chuông chùa Keo Hành Thiện là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7m50. Dáng vẻ thanh thoát với mái cong, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn. Phía dưới là 8 đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng chạm khắc hoa văn cánh hoa sen nở.
Chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ 17 thời Hậu Lê. Đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp nhiều chuông khánh, văn bia cổ, hoàng văn phi đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo. Sau chùa là đền Thánh thờ Đức Thánh Tổ Đại pháp thiền sư Không Lộ, người chữa khỏi bệnh cho vua Lý Nhân Tông.
Lễ Hội Ở Chùa Keo Hành Thiện
Chùa Keo Hành Thiện là một trong những lễ hội độc đáo ở miền Bắc. Hàng năm, chùa mở hội hai lần. Đó là hội Xuân vào dịp Tết nguyên đán và hội tháng 9 mở vào ngày 13, 14, 15 để kỷ niệm ngày sinh của Thánh tổ Không Lộ. Hội tháng 9 còn là nơi hội tụ của những sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân nông nghiệp. Tổ chức bơi chải từ ngày 10-9 đến hết hội. Chính vì vậy, vào ngày hội, nhân dân không những trong vùng mà cả trong Nam ngoài Bắc đều nô nức kéo về dự.
Trong thời kỳ đô thị hóa nông thôn phát triển nhanh chóng như hiện nay, việc giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hóa, những lễ hội truyền thống như lễ hội Chùa Keo ở làng Hành Thiện là điều hết sức quý báu. Cùng với một số lễ hội nổi tiếng ngoài miền Bắc như lễ hội Yên Tử, lễ hội Chùa Bái Đính, lễ hội Chùa Hương,… lễ hội Chùa Keo là lễ hội có quy mô và sức hút lớn đối với du khách thập phương.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Đoan Trang(##)