Tục thờ và nghi lễ Tứ Vị Thánh Nương ở Nam Định
Lại còn có một số Thần người nước ngoài xâm lăng nước ta, khi chết tạo sự bất an cho dân, như Nguyễn Bá Linh theo nhà Nguyên đánh Đại Việt, Trương phụ là tướng nhà Minh…cũng được thờ ở Ninh Bình, Quảng Ninh cho bớt sự quấy đảo… Nhưng các Thần người nước ngoài có công với chúng ta, thể hiện đạo đức phù hợp với bản chất dân tộc Việt được nhân dân tôn thờ, sùng kính. Ví như đền thờ Mỵ Ê ở Lý Nhân, Hà Nam, là vợ vua Chiêm có khí tiết đáng kính. Triệu Trung là tướng nhà Tống theo Đại Việt đánh giặc Nguyên được thờ ở Cao Đài - Mỹ Thành – Nam Định và đặc biệt Tứ Vị Thánh Nương, triều đình Nam Tống kháng chiến đế quốc Mông – Nguyên không thành, cơ đồ nhà Tống tan nát, hận mất nước mang nặng, tình nguyện âm phù cho Đại Việt đánh giặc cũng như nhân dân Việt làm ăn, phát triển sĩ, nông, công, thương… được dân gian chiêm ngưỡng rộng rãi khắp Trung, Bắc, Nam và lịch đại phong tặng danh hiệu Thượng đẳng thần.
Việc sùng bái này tuy có thời sóng gió, nhưng một vài thập kỷ gần đây được phục hồi, Nhà nước quan tâm tu bổ di tích như đền Cờn - Nghệ An, đền Mẫu – Hưng Yên, đền Lộ - Hà Nội, đền Ninh Cường, đền thờ Mẫu ở Thái Bình, đền các xã Quần Anh cũ, đền xã Trực Khang – Nam định… Phải chăng đạo nghĩa dân tộc, tầm nhìn tổ tiên đã vượt qua biên giới, nói cách khác là đã có quan điểm toàn cầu. Quý hoá thay, đáng kính thay! Riêng với Nam Định nay (vì Nam Định xưa, đầu thế kỷ 19 quản lãnh cả Thái Bình và một phần Hưng Yên) tục thờ Tứ Vị Thánh Nương còn được khôi phục ở khá nhiều nơi, đặc biệt vùng biển, nay thuộc huyện Hải Hậu, huyện Trực Ninh. Xin dẫn chứng lịch sử tôn thờ Tứ vị, với công trình khẩn hoang mở đất phía Nam sông Cường Giang (nay là sông Ninh Cơ) để có được phần lớn đất đai huyện Hải Hậu, huyện Trực Ninh ngày nay. Theo di tích, truyền thuyết địa phương thì các cụ tổ sáng lập đất Quần Anh là Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập (địa chí ghi là Tứ tính) cùng chín họ Lại, Nguyễn, Lê, Bùi… (địa chí ghi là Cửu tộc) vượt sông Cường Giang, từ vùng Tương Đông - Trực Ninh sang khai hoang lấn biển vào cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, khi điền địa hình thành, lập xóm trại, họ đã lập đền thờ. Phần này trong sách chép tay Quần Anh tiểu sử của Tiêu Viên Hoàng Diễn (1872-1914), do Phương Châu Đoàn Ngọc Phan dịch và chú thích năm Ất Sửu 1985, mục xây dựng đền, miếu, đàn, chùa và bi ký có ghi: “Nguyên trước đền thờ Tống Thái hậu (người họ Dương là vợ vua Tống Độ Tông, mẹ Tống Đế Bính cùng hoàng hậu và hai công chúa bị nạn giặc Mông - Nguyên chết đuối ở bể năm Kỷ Mão 1279). Đền Bóng trước tại xứ Cồn Khuôn bị xã Cát Chử chiếm mất, bèn lập lại đền Bóng tại phía Bắc sông Trệ (nay thuộc cầu Xẻ, xã Thượng). Tương truyền khi Tú Tổ khai trương, phía đông có đền xã Quần Mông, phía tây có đền thờ Tống hậu còn gọi là Tứ Vị Thánh Nương (do ai xây, xây từ bao giờ?... Các tổ nhân sẵn đền cũ tu bổ lại, đúc tượng đồng phụng sự… Niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ 13 mới đúc tượng đồng ở đền Bóng sông Trệ lại trang hoàng từ vũ. Diện tích khu đền rộng hơn một mẫu, nước hồ trong vắt, cây cối um tùm, nhân dân kỳ đảo linh ứng, trải qua nhiều triều đại có sắc phong… Sau khi Quần Anh phân làm ba xã (1804) đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821), xã Hạ lập đền Bóng tại phía bắc chợ Đông Cường, xã Trung, xã Thượng vẫn thờ tại đền Bóng phía bắc sông Trệ. Năm Thành Thái thứ 10 (1890), xã Trung mới lập đền Bóng ở phía nam sông Trà, phía đông Cầu Đông. Từ đó các xã đều có đền Bóng riêng, tục gọi là đền Chánh. Còn đền tại Vĩ Châu do Ninh Cường phụng sự, nhưng hai xã Thượng và Trung thay phiên nhau hàng năm lên kinh tế”… Như vậy, trong vòng 5-7 km, các xã giáp nhau đều có đền Bóng thờ Tứ Vị Thánh Nương. Theo truyền thuyết đây là đời sống tinh thần của dân khai hoang mở đất Quần Anh. Sách Quần Anh dấu xưa mở đất của Trần Xuân Mậu (Hội Văn học nghệ thuật Nam Định - 2002) còn ca ngợi đền Chánh xã Trung là công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Thợ nề Quần Anh có tài nặn, đắp, tạo hình…Đôi nghê chầu do hai phó nề quây cót đắp thi khá thành công, đã có thơ ca ngợi… Gần 4 ngôi đền phía nam sông Cường Giang, phía bắc sông có đền Lạc Chính nay thuộc xã Trực Khang, huyện Trực Ninh. Lịch sử lập đền vào cuối thế kỷ 19, xin chân nhang ở đền Ninh Cường (cửa biển Lác) về thờ và ngày càng tu bổ đẹp đẽ, lại là cơ sở cách mạng, kháng chiến của địa phương. Đơn cử một số điểm thờ Đại Càn Thánh Mẫu, hoặc Tứ Vị Thánh Nương ở Nam Định để chúng ta tìm hiểu về nguyên nhân cũng như ảnh hưởng của Tứ Vị Thánh Nương đối với cộng đồng dân tộc Việt. Có thể có sự đồng cảm bởi Vương hậu, Vương phi nhà Tống vì kháng chiến chống kể thù chung Mông – Nguyên. Có thể bởi đức độ giữ chư tiết nghĩa mà ngọc phả dẫn, phù hợp với chất đạo lý dân tộc, hoặc do sự âm phù vua Trần Anh Tông cho nên biển lặng, sóng yên giúp quân Trần nhanh chóng chinh phạt kẻ thù phương Nam thành công, hay có sự anh linh, một niềm tin nào đó cho sĩ, công, nông, thương Đại Việt trước kia, rồi Đại Nam, Việt Nam chúng ta ngày nay cầu được ước thấy, mưa thuận gió hoà, thuận buồm xuôi gió…dẫn đến đời sống ấm no, hạnh phúc mà dân gian hết lòng tôn kính, lập đền thờ tự.
Hoặc do dân quê thuần phác, đời sống khó khăn, trong công cuộc khai hoang lấn biển, nhiều lần nước mặn phá vỡ đê biển, nhiều lần tràn ngập cướp đi hàng ngàn, hàng vạn ngày công… dân quê không còn cách nào hơn là lập đền ở Vĩ Châu, rồi sau là đền Chánh, đền Bóng thờ Tứ Vị Thánh Nương mong sự cứu độ và đây là liều thuốc an thần, giúp dân khai phá thành công, thiết lập làng xã với một nếp sống nông thôn nghĩa tình, có từ đường thờ tổ, văn đàn, võ đàn, đền, miếu, chùa cảnh, thờ Thần, Phật, Tổ lập lăng. Còn chấn hưng việc học, xây cầu, lập quán tạo cuộc sống đầy đủ vật chất, chu đáo về tâm linh cho dân. Đây là văn hoá bản địa, văn minh bản địa khá tiêu biểu ít nơi có. Và để minh chứng xin trích dịch “Tân đình bi ký” (1815) tại xã Trung, nay là Hải Trung, Hải Hậu, Nam Định. … “Đất ta cổ truyền là đất chua mặn, cát chữa nên ruộng, bằng phẳng bốn bề, chỗ cao có thể dựng nhà cửa, chỗ thấp có thể cấy dâu gai, ngàn mẫu tạo nên mà trăm nhà dựng, xanh tươi sầm uất thành vũ trụ trời Nam… từ niên hiệu Hồng Thuận chung nhau một xã, đình làng cùng chung, chợ cùng nhau họp, cầu cùng nhau leo, đều cùng nhau cúng. Năm Giáp Tý (1804) mới cắm mốc chia làm ba làng”… Văn bí chùa Phúc Sơn (Quần Phương Trung, Phúc Sơn tự ký) lập năm 1932 còn ghi: … “Năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) lập thành tên xã Quần Anh, dựng đền Quốc Mẫu tối linh Thần ở thôn An Cường, nguyên trước là thôn Tây Cường, nay là xã Ninh Cường, cửa bể sông Lác bãi Vĩ Châu, dựng thêm đền Bóng ở cửa sông Trệ, dựng chùa thờ Phật gọi là chùa Phúc Lâm”. Những dòng chữ Hán của người xưa, muốn cho cộng đồng cư dân Nam Định ghi nhớ dấu tích đời sống tinh thần trong đó có tục thờ Tứ vị, cũng như đức tin của người Nam Định đối với các vị Thần Tổ lập biển lập làng, tạo an sinh xã hội”
Nhìn chung các di tích thờ Tứ Vị Thánh Nương ở Nam Định khá lớn, khá nhiều, thường có hai hoặc ba toà chính, có hệ thống tường hoa, cột trụ vây quanh tạo khuôn viên nội chữ đinh, hoặc nội chữ công, ngoại chữ quốc, quy mô hoành tráng. Phần thư tịch, câu đối đều có nhắc tới nạn xâm lăng của nhà Mông – Nguyên, triều đình Nam Tống bị diệt vong, thái hậu cùn ba con bị nạn trôi đến Càn Môn - Quỳnh Lưu - Nghệ An, nêbn dân gian coi đền Cờn - Nghệ An là nơi phát tích, hàng năm vẫn có người vào đền Cờn dâng lễ tỏ rõ lòng thành, không 1uên gốc. Đơn cử câu đối đền Lạc Chính nay là xã Trực Khang ghi: Nam Hải thần phong thiên hữu sắc Cần môn ba tố địa giai binh Tạm dịch: Nam Hải thần do trời ban sắc, Cầu môn nổi sóng đất anh linh. Lễ hội ở đây, ngoài việc tế lễ, ngày 7 tháng giêng có lệ thi trâu béo, khoẻ. Để làm việc này, ngay từ ngày 6 tháng giêng các giải pháp tắm rửa cho trâu, cho trâu ăn no, lại trang trí trên đầu, trên sừng trâu. Các nhà trong giáp góp gạo thổi xôi làm lễ, tối mồng 6 thắp đuốc rước trâu. Người cưỡi trên lưng trâu giơ cao ngọn đuốc và đoàn người trống chiêng hối hả theo sau. Đoàn rước có tới hàng chục con trâu béo, trâu đẹp được tập trung để dự thi, con nào đạt thì được giải. Lệ này được duy trì cho mãi đến ngày nay, vừa khích lệ tinh thần chăn nuôi tạo sức kéo, vừa nhớ lại chuyện xưa trẻ trâu thấy đền Cửa Lác thờ, bắt chước đắp đất làm đèn, vì thế các cụ mới sang Ninh Cường xin chân nhang về thờ… Theo sách Thần tích Việt Nam của Lê Xuân Quang – Nxb Thanh Niên, 2003, thì thôn Thiện Đăng, xã Thời Mại, huyện Tây Châu, Nam Định có 2 tướng Đinh Thuyên và Nguyễn Phụng dưới trướng Trần Quốc Điền, theo lệnh của Hưng Đạo Đại vương đem 500 quân vào Châu Hoan do thám tình hình địch, trong cuộc kháng chiến lần thứ II – 1285. Nhưng kế hoạch bại lộ, bị địch truy đuổi, các ông cho quân sĩ lên bờ rút lui, bỗng trông thấy đền thờ Tứ vị, liền vào đền khẩn cầu kêu xin âm phù. Ít phút sau trời đất tối sầm, sấm chớp nổi lên, gió bão ập đến làm cho thuyền giặc gãy cột buồm trôi dạt trở lại. Quân ta thừa cơ tấn công, địch rút chạy, thu được hon chục thuyền chiến… Biết chuyện đánh thắng quân Toa Đô có nhờ sự âm phù của Thần ở Càn Hải. Vua Trần ban phong “Càn Hải Tứ vị linh thần”. Lại cho vàng bạc tu sửa đền thờ… Đáng tiếc một thời, các đền thờ Tứ vị nhiều nơi bị cấm đoán, thậm chí phá công trình, tẩu tán đồ thờ. Nhưng do ý thức tôn trọng Tứ vị trong dân gian, họ vẫn ngấm ngầm tìm đi các nơi cầu đảo Thánh Nương phù hộ. Các tư liệu, câu đối còn lưu, ca ngợi sự âm phù của Tứ vị cho triều đình chống ngoại xâm thắng lợi, âm phù cho các thuyền buôn, thuyền đi trên biển, trên sông an toàn. Tài liệu của ông Lê Xuân Quang còn ghi lại đạo sắc ngày 4/12 Quang Trung thứ 5 (1793) trong văn có câu: “Phi tự Đại Tống ngật kim tích tại Tiên tảo, danh tại sử, tướng duy ngã Việt lập quốc, công ư đế thế, trạch ư dân”. Tạm dịch: - Trải từ thời Đại Tống đến nay, dấu tích ghi trong sổ người Tiên, tiếng tâm ghi tự điển. - Âm phù nước Việt ta lập quốc, công giúp nhà vua, ơn sâu với dân cũng thấm nhuần khắp mọi nơi. Đạo sắc trên đây ở đền Hương Nại, xã Yên Nhân, Yên Mô, Ninh Bình phong Tứ vị là người Tiên. Liệu đây có là nguyên nhân để trong điện Thần tứ phủ có văn chầu Đại Càn Thánh Mẫu. Ảnh hưởng của Tứ vị được nhân lên, được dân gian hàon toàn đưa vào nội đạo của dân gian Việt Nam. Xin giới thiệu lại văn chầu Đại Càn Thánh Mẫu, sưu tầm trong những người hát văn ở Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng. Gương tứ đức sáng cùng nhật nguyệt, Nghĩa tam tòng tỏ hết Bắc Nam, Ngàn thu thơm nức hương lan, Đời càng ca tụng, tích càng hiển dương… Đức lồng lộng muôn dân khôn lượng, So bể, trời hình tượng cao sâu Sáng soi khắp chốn đâu đâu, Thơm danh Dương Thị hồi đầu Tống gia Trăm họ nức âu ca cổ vũ, Bốn bộ đều áo mũ đai xiêm. Khắp hoà Thuấn nhật, Nghiêu thiên, Đã vui cõi thọ lại lên xuân đài, Đang vui lúc lòng trời yên thuận, Quốc gia đều hoà khí xuân phong. Sau vì nhất quốc tam công, Người Nguyên ác độc đặt bày mưu mô. Nhà Tống phải thiên đô châu Quảng, Bóng tà dương soi rạng bể Nam. Thợ trời khôn tỏ cơ hoàn, Chúa tôi một dạ những toan phục hồi. Giang sơn Tống dẫu mười còn một, Có lẽ đâu chịu mất ngay đi. Ngoài thì tướng sĩ phù trì, Trong thì Thánh Mẫu khuê nghi luận bàn. Người son phán mà gan vàng đá Việc binh nhung vững dạ kiên tâm. Thần dân báo đáp quân ân, Nặng tình sơn hải mấy thân liễu bồ. Quyết giữ lại cơ đồ nhà Tống, Hẳn không dung những giống bất nhân. Lại khuyên võ tướng mưu thần, Gắng công vì nước đền ơn sinh thành… Nghe dụ chỉ quân dân quyết đánh, Nhưng khôn đua sức mạnh quân Nguyên Mới hay thành bại do thiên, Cơ huyền vẫn giữ, cơ huyền vẫn xoay. Cuộc thế sự hết bày trò rối, Trận Nhai Sơn hết đỗi gian nan… Lênh đênh trên biển liều thân, Quyết lòng thu thập quan quân phục thù, Nhược chẳng được mặc cho thuyền lắng, giãi gan cùng trời trắng bề trong. Ôi thôi thả lá giữa dòng, Qua ba bực sóng đều cùng thảnh thơi. Ấy mấy biết người trời khác giá, Trải gian nguy vẫn dạ trung trinh. Chí thành Phật cũng chứng minh. Bè từ đã đón thênh thênh lên ngồi Phép Phật độ tỉnh rồi mới biết, Chùa La Sơn Nam Việt là đây. Ung dung ở chốn am mây Khấu đầu lễ Phật giãi bày vân vi… Độ bốn vị đều nên Thần phúc, Hoá chân thân bốn khúc trầm hương. Gió đưa thoảng ngát một phương, Hào quang trước mắt ngư phường khô hay. Thuyền qua lại mấy ngày mới hiển, Rước lên thờ kính tiến khói hương. Nhờ ơn từ đấy mấy làng Lưới chài phong vận bạc vàng đầy chen. Đua cầu phúc lập đền tế lễ Độ cho người sông bể biết bao Kể chi giông tố ba đào Kêu cầu khắc ứng chuyện nào cũng yên… Công hộ quốc thơm ghi Nam sử, Lễ suy tôn khởi sự Đông – A Mẫu về chắc giáng điện toà Khuông phù đệ tử vinh hoa thọ trường. Như trên đã nói về ý thức người Quần Anh trong việc tôn thờ Đại Càn Thánh Mẫu. Ý thức trân trọng này được ghi vào tục lệ của làng. xin trích dẫn đôi điều cần thiết. Ngay trang đầu “tục lệ vào đám” có ghi: “Khoảng thế kỷ thứ 15, tiên tổ Quần Anh từ Tương Đông xuống khẩn điền lập ấp. Lúc đó đắp đê bể rất gian khổ nên đã lập đền thờ Tống hậu ở ngay cửa bể Lác Môn (đền Ninh Cường ngày nay) để cầu Thần ủng hộ”… “Khi xã Trung chưa làm đền Chánh, mỗi lần vào đám phải xuống xã Thượng rước kiệu Thần về đình… phải hưng công lập dịch bồi trúc con đường rước Thánh cho thật cao ráo, bằng phẳng. Ngoài ra các con đường khác cũng phải sửa chữa cho tiện đi lại và đón khách gần xa”. Theo lệ tục, những người rước Thánh phải là đàn ông, con trai đi rước, hoặc đi xem hội trên đường, còn các cụ già, đàn bà, em nhỏ thì đi thuyền dưới sông, nên sông Giữa, sông Múc nằm cạnh đường rước phải sửa, vét lại. Phàn đường, phần sông xã phân giao cho các giáp, các xóm, các tư nhân đảm nhận dưới sự kiểm soát của ban đốc công. … Đền Chánh là nơi khởi đầu cuộc rước phải tu sửa cho thật uy nghi, xứng đáng như cung điện Tống triều. Còn các đền khác cũng sửa sang cho tốt để quan khách trông vào. Xã lo phí tổn tu sửa đền Chánh, còn các đền khác các giáp tự lo… Khoản đồ rước như cờ, áo, kiệu, võng, tàn quạt, chiêng trống, gươm, roi… phải bắt tay từ năm, bảy tháng trước. Thợ thêu, thợ mộc, thợ sơn… mỗi hiệp hàng chục người phải làm liên tục…”. Tục vào đám còn ghi tỉ mỉ các khoản đóng góp, phân công cử người vào đám, đề chương trình tế lễ, đề nhật ký tiến cúng cho các giáp, quy định bầy đám, bầy điểm để phô trương văn vật địa phương. Đám do xã lo, thường bày giữa đình là gian thờ kiệu Thần nên phía trên và 4 mặt căng phủ màn thêu, hai gian bên thì đơn giản hơn, ngoài rạp cũng căng phủ màn, treo câu đối, cửa võng…Đồ thờ Thần có sập ngữ, võng ngự theo nghi thức hoàng hậu, hai bên tả hữu thiết đồ thờ theo nghi thức vương công. Điếm hát do các giáp lo nhưng cũng phải tươm tất, xứng với danh vị chủ nhân của giáp. Lại phân chia điếm văn, điếm võ,điếm thể sát để giải quyết mọi pháp lý, điếm đoàn áp (trị an, tuần phòng), điếm tổng cờ (chỉ huy thi đấu cờ), điếm tướng cờ nam, nữ… Phần rước Thần được ghi chép tỉ mỉ, nào phân công cầm “lộ bộ” (đi rước kiệu Thánh), nào người cầm mã đao, cầm cờ “thanh đạo” (dẹp đường), cầm tán, biển có chữ “tĩnh túc” (nghiêm tĩnh), “hồi tỵ” (tránh lại), cờ nhật nguyệt, bộ trống ngũ lôi (10 người), cầm thập kỳ (cờ đỏ viền xanh trắng, hoả xanh) rồi cầm tán, cờ ngũ hành “kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ”, cờ bát quái, tán, tàn… Ngay các hiệu lệnh, trống, chiêng cũng ghi chép tỉ mỉ, các phường hội sư tử, múa rồng, phường động, phường chèo, các trò đi kheo, đô vật… cũng được phân công, trước sau rất cụ thể. Nêu vấn đề trên để thấy việc tế lễ trịnh trọng như thế nào, nghiêm chỉnh như thế nào nhất là vai trò Thàn đền Chánh – Tứ Vị Thánh Nương là chủ chốt, oai linh nhất đối với dân Quần Anh – Nam Định nh thế nào. Phần cỗ rất linh đình. Có cỗ mặn, cỗ chay. Xin đề cập lễ rước cỗ chay tại xã Trung, nay là xã Hải Trung. Ngày 7 tháng giêng lễ khai hạ, lại là dịp kỷ niệm Đại Càn Thánh Mẫu cùng Tam vị, nên ngoài việc tế lễ, sang đêm ngày 8 tháng giêng tổ chức rước cỗ chay. Rước cỗ chay thường làm hai lễ, một lễ sang đền Chánh thờ Tứ vị, một lễ rước sang đền Khải xã, thờ liệt tổ khai sáng Quần Anh. Cỗ đặt trên “mân dàn” (mâm có nhiều tầng). Giữa bày hòn non bộ, bốn góc bầy tứ linh. Đi rước kiệu có đinh nam bưng mâm bồng có trầu rượu cùng cờ, quạt, chiêng trống… Cỗ chay thường có các loại bánh như bánh xu xê, nhựa mận, bánh dứa, bánh quế, bánh nhãn… Những cỗ chay cũng là nét riêng của từng địa phương, dùng sản phẩm riêng của địa phương. Ví như dùng quả đu đủ trổ thành các hoạ tiết, nấu thành mứt trong như kính rồi cắm vào tấm bánh, bày lên đĩa xung quanh có các thứ bánh chay. Mâm cỗ chính có 120 đĩa, các mâm bồng phụ, khoảng 12 đĩa làm toàn bằng ngũ cốc, nông sản, hoa quả. Điều đặc biệt là khi rước Thánh qua thôn xóm nào đèu có sự nghênh tiếp trịnh trọng. Việc này còn có câu đối lưu lại. Tạm dịch: Đền Thần mới sửa bên sông Trệ Kiệu Thánh mừng qua trạm xã Trung Hoặc câu: Âu ca một hội Xuân sau trước, Lễ nhạc trăm năm nghĩa láng giềng. Câu đối trên còn chứng tỏ đất Quần Anh sau khi tách làm ba, vẫn giữ được tình nghĩa làng cũ, nhất là ý thức đối với Tứ vị. Thần linh, coi như Thành hoàng che chở cho dân khẩn điền, lấp biển thành công. Riêng xã Hạ (nay là xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu) lễ hội trong khu di tích thờ Phật, thờ Đại Càn Thánh Mẫu, thờ Liệt tổ, thờ Mẫu Liễu Hạnh, thờ Trần Hưng Đạo, xưa vẫn lấy ngày 6, ngày 7 tháng giêng là trọng tâm. Truyền thuyết cho ngày này là kỷ niệm Liệt tổ và Tứ Vị Thánh Nương. Ngoài việc tế lễ, rước kiệu Thánh du xuânb còn có các trò vui như tổ tôm điếm, đấu cờ tướng, cờ người, hát chèo, hát Ả Đào. Hát chèo, hát Ả Đào ở đây có truyền thống. Bởi xưa đây là xóm chuyên nghề này, sau xóm chuyển thành phố với tên phố Cô đầu, nhân dân sống nhờ nghề này và đã lập miếu thờ “Cầm ca nhĩ tổ” (Tổ nghề đàn, ca). Hiện miếu thờ không còn, nghề cũ cũng mai một, nhưng trong ký ức về rạp hát Thanh Kỳ do nghệ sĩ Quách Thị Hồ mở hàng chục năm, rồi nghệ sĩ Linh Nhâm, người con quê hương cũng ít nhiều gợi lại về một địa phương có nghề cầm ca. Xa xưa nghề cầm ca phục vụ các đám hát trong ngày hội Thánh, hầu Dương hậu, vương phi có các chức sắc, quan lại về dự, sau nghề cũ không phù hợp, nhưng truyền thống nghề nghiệp còn bảo lưu, giúp cho phong trào ca hát, đội văn nghệ địa phương trưởng thành. Và ngày hội hiện tại có các chiếu chèo, hoặc các nghệ sĩ hát ca trù dưới con thuyền trôi lững lờ trên sông nước trước đền chùa, gợi cảnh lệ vào đám xưa kia của tiên tổ Quàn Anh. Tục thờ Tứ Vị Thánh Nương ở Nam Định nhen nhóm từ thế kỷ 15-16, thịnh hành vào các thế kỷ 17, 18, 19 và đầu thế kỷ 20. Đặc biệt nhân dân ở các cửa lạch, cửa sông và người làm nghề trên sông biển. Dân gian tin Tứ Vị Thánh Nương lúc nào cũng từ bi cứu độ muôn dân, như xưa đa âm phù giúp vua Trần, tướng Trần, cùng vua Lê đánh giặc, lại âm phù cho ngư dân vào lộng ra khơi đánh bắt cá, thương thuyền buôn bán sóng lặng, bể yên. Phù hộ cho việc khẩn hoang lấn biển, ngự trị được nước cường, sóng lớn cho đê biển vững bền… Sự hiển linh tạo thành đức tin và để đền đáp, kính cẩn thần linh, dân gian lập miếu tôn thờ, theo cách nhìn: Ai có công giúp nước, giúp dân thì thờ. Việc thờ tự có lễ, lễ dâng hương tưởng niệm và hàng năm hoặc 3 năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu làng vào đám. Vào đám để biểu hiện lòng thành cao độ. Nhưng vào đám cũng bày vẽ quá đáng, khiến dân thôn phải phục vụ hao tổn sức người, sức của. Ấy vậy mà không ai bảo ai cứ cố gắng hoàn thành tục lệ tế lễ, hội hè do làng xã quy định. Bởi tâm linh mọi người; đây là giờ phút thể hiện sự thành tâm của con dân đối với liệt tổ mở đất, đối với Tứ vị thần linh âm phù cho nước bình yên, cho dân hạnh phúc theo đạo lý dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Phải chăng đây là bản chất ưu việt của cộng đồng cư dân Nam Định và như câu nói cổ nhân: “Thực kỳ tự giả, bất huỷ kỳ khí, ấm kỳ thụ giả, bất chiết kỳ chi”. (Ăn cơm không đập vỡ mâm bát, đứng dưới bóng cây không bẻ gẫy cành).
Hồ Đức Thọ - Chi hội trưởng Chi hội VHDG tỉnh Nam Định
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Bích Ngọc (##)