Tản mạn tâm linh
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Vào thời nhà Lý, tại vùng đất Phú Lương – Thái Nguyên xuất hiện một chàng trai ưu tú của dân tộc tài tên là Dương Tự Minh. Ông có công dẹp loạn tiễu phỉ, đem lại sự yên bình no ấm cho các dân tộc thiểu số dọc vùng sông Cầu, được vua Lý gả công chúa. Khi ông mất đi hiển thánh, linh ứng, được nhân dân lập đền thờ, tục gọi là Thánh Đuổm.
Cuối thời nhà Lê, đầu thời Tây Sơn, một ngôi đền nhỏ được xây dựng bên bờ sông Cầu để tưởng nhớ công lao của ông (khác với ngôi đền nằm trên Quốc lộ 3, ở khu vực Phú Lương ngày nay). Nghe các cụ kể lại, ngôi đền rất rộng, nhân dân lễ bái, xin quẻ, xem bói quanh năm, hương lửa bốn mùa không bao giờ tuyệt dứt. Cách đền mấy trăm mét ở hai đầu có bia “Hạ mã”, phàm người đi qua đó thường phải xuống ngựa dắt bộ để giữ sự tĩnh lặng cho ngôi đền.
Trải qua mấy thế kỷ chiến tranh binh lửa liên miên hết Nhật, đến quân Tưởng, quân Pháp, nhiều người sơ tán, nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh cứ bám riết lấy con người, thành ra hương lửa nguội lạnh.
Có ông Mỗ, được giao nhiệm vụ trông giữ ngôi đền, nhân vì tình cảnh túng quẫn, mình là người trông giữ ngôi đền mà lộc lá chẳng thấy đâu, quanh năm hạn hán, sương muối, mất mùa, nghèo đói dìm cho không khá lên được. Ông Mỗ cho là Thánh không linh, nên nhân buổi giao thời thị phi phải trái còn lẫn lộn, đã đem vài pho tượng bỏ xuống sông.
Vào thời Cách mạng Tháng Tám bùng lên phong trào bài trừ mê tín dị đoan, người ta đã phá dỡ ngôi đền, lấy gạch, gỗ và nhiều cổ vật đem sử dụng vào mục đích kiếm lợi hoặc xây dựng cho cá nhân. Năm qua tháng lại, kẻ ở người đi, nhưng những điều tôi được chứng kiến, khiến bản thân phải thay đổi hẳn tư duy và nhận thức, mà trước đó, tôi được đào tạo, trau dồi rất kỹ về khoa học duy vật.
Hậu quả của những người tham gia vào vụ phá hoại ngôi đền thì hãy cứ tin chắc một điều rằng kết cục không có hậu. Như ông Mỗ, người bỏ tượng xuống sông, vốn đã nghèo, cuộc sống vẫn cứ bám chặt với nghèo đói. Ông sinh được hai người con trai, người anh vốn rất khôn ngoan, lanh lợi, đến khi ông cụ qua đời, anh này trưởng thành và đi làm thuê cho một gia đình nhà giàu có trong vùng, với bản tính lanh lợi và chịu khó, ông được người chủ này tin cậy, hứa sẽ gả con gái cho, vì ảo tưởng vào điều đó, nên anh lao động quần quật, không lấy tiền công, và cũng chả có văn tự khế ước gì cả.
Đến khi, ông chủ bị tai nạn đột ngột qua đời, thì màn kịch “cây tre trăm đốt”, trong thời hiện đại lại được tái diễn, bà mẹ vợ hờ và mấy ông con trai của gia đình nhà đó, quỵt luôn tiền thù lao, mồ hội công sức của anh trong mấy năm trời cầy cuốc. Phát phẫn, anh đổ bệnh tâm thần, giờ là một kẻ lang thang, ăn đường ngủ chợ, rách rưới bẩn thỉu, cảnh ngộ thật đáng thương tâm.
Người em trai của anh ta cũng là một kẻ hâm dở, quanh năm có duy nhất một nghề đốn củi bán cho những khác, cơm cháo độ nhật qua bữa, hai anh em trong một túp lều rách từ thời cha mẹ. Thật đáng thương thay.
Lại nói đến một ông Mỗ, hàng xóm lân cận với nhà tôi, ông này vốn là người khôn ngoan mưu mẹo, thường nhân lúc hỗn loạn mà đầu cơ buôn bán làm giàu. Không những thế, ông còn là người khôn ngoan che đậy tâm cơ, bằng lối nói chuyện ngọt nhạt, đạo đức. Trong thời kỳ phá hoại ngôi đền, bản thân ông nhúng tay vào hai việc cực ác, mà ông che đậy, giấu giếm suốt nhiều năm. Thứ nhất, ông lấy gạch của ngôi đền về xây công trình phụ. Thứ hai, ông lấy cổ vật phong thủy của ngôi đền để bán kiếm lợi.
Thời gian cứ trôi đi, bản thân ông không hề mảy may gặp tai nạn hay biến có gì quan trọng hết. Nhưng rồi, người gieo nghiệp, tất sẽ gánh lấy hậu quả. Ông sinh được nhiều con, có ba anh con trai và mấy cô con gái. Nhưng rồi ba người con trai của ông đều lần lượt qua đời, trong vòng có một hai năm. Người con trai trưởng, vì bệnh vỡ động mạch não mà mất, người thứ hai, bị xuất huyết đường tiêu hóa mất, người thứ ba, nghiện ngập, buôn ma túy, mất trong trai giam. Người con gái út, không có chồng, nhưng sinh con. Một người cháu trai của ông bị sát hại do một hiểu lầm, trong một lần đi chơi.
Giờ ông con trông chờ vào hai người cháu trai, một cậu có biểu hiện nghiện hút. Một cậu thì sinh toàn con gái. Chuyện ly kỳ hơn, khi một cô cháu dâu của ông, từng mơ thấy một đám người, kéo đến nhà, tự xưng là thuộc hạ ngôi đền, đến đòi trả lại những gì gia tộc đó đã lấy. Cô này vốn là người tự phương khác đến làm dâu, chuyện trước đó cô chẳng hề biết gì, thấy chuyện lạ lùng, cô đem kể lại với mọi người trong họ, và khi ấy câu chuyện mới dần được hé mở.
Nhân gian có câu: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Hay Thánh nhân từng dạy: Đức quỷ thần thịnh lắm.
Đáng lý ra, ở cái tuổi ngoại lục tuần mà còn khỏe mạnh, minh mẫn như ông, thì niềm hạnh phúc nhất đó là được con cháu phụng dưỡng, và dự khán sự trưởng thành khôn lớn của con cháu. Nhưng giờ đây, cắt ruột đau lòng trước những biến cố không may của đời người, nước mắt người già lặn vào trong. Chuyện đã xảy ra, và những điều sai trái, lỗi lầm trong quá khứ, ám ảnh dày vò một người già cả cô độc cho tới cuối cuộc đời.
“Sinh vi tướng, tử vi thần”, những bậc anh hùng, thánh nhân, người có công được thờ phụng, đều rất linh thiêng, phương chi, xét về đạo lý, việc hủy đền, phá miếu, vốn đi ngược hẳn lại truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của cả dân tộc. Chưa kể đến những vấn đề liên quan tới tâm linh, khoa học dù chưa giải thích tường minh, cặn kẽ, rõ ràng về việc này, nhưng thực tiễn khách quan, những điều trông thấy hẳn khiến chúng ta rùng mình, kinh hãi.
Thời gian gần đây, do chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước, một cụ già tốt bụng nhân khi náo loạn có giữ lại tài liệu ghi chép về lịch sử của ngôi đền (cuốn sách bằng Hán văn, đã rất cổ), những người có tâm gom tiền, quyên góp với ý muốn, xây dựng lại ngôi đền trên nền đất cũ, đây cũng chính là cơ hội sửa chữa lỗi lầm của những người từng phá hoại nó.
Hải Triều
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Minh Thư (##)