Bài viết sơ lược về lịch sử Tử Vi Trung Hoa và Trung Châu Phái. Mời các bạn cùng đọc!
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Nguồn: TRUNG CHÂU TỬ VI ĐẨU SỐ TAM HỢP PHÁI - NGUYỄN ANH VŨ dịch.
Tương truyền, Tử Vi Đẩu Số có nguồn gốc từ Khâm Thiên Giám của triều đại nhà Đường, ở Lạc Dương, Trung Châu.
Trung Châu là tên một vùng đất cổ, tức "Trung Thổ", "Trung Nguyên". Theo nghĩa rộng, "Trung Châu" là chỉ toàn nước Trung Hoa, còn gọi là "Thần Châu", "Hoa Hạ". Nghĩa ban đầu của "Trung Châu" là chỉ vùng đất thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay, hay thuộc lưu vực sông Hoàng Hà. Vì vùng đất này ở giữa Cửu Châu thời cổ đại nên có tên gọi này. Phần lớn thời gian trong lịch sử, vùng đất này là trung tâm văn hóa, chính trị, và Kinh Tế của Trung Quốc. Thời cổ, Lạc Dương là vùng đất trọng yếu của Trung Châu tọa lạc ở bờ nam sông Hoàng Hà, miền tây tỉnh Hà Nam, phía Bắc dựa núi Mang Sơn, phía nam đối diện Long Môn, phía tây liền với Tần Lĩnh, phía đông là vách núi Tung sơn, ở giữa là một vùng bình nguyên. Nơi này địa hình hiểm yếu, đất đai phì nhiêu, nguồn nước dồi dào; trong lịch sử, đây là vùng đất mà các binh gia phải chiếm lấy, còn là nơi lý tưởng để lập quốc đô. Bắt đầu từ năm 770 TCN, trước sau đã có chín vương triều là Đông Chu, Đông Hán, Tào Ngụy, Tây Tấn, Bắc Ngụy, Tùy, Đường, Hậu Lương, và Hậu Đường, chọn nơi này làm kinh đô, vì vậy Lạc Dương được gọi là "Cửu Triều Cố Đô".
Vào thời Đường, thiên văn học và chiêm tinh học từ phía Tây Vực du nhập vào Trung Quốc đã thúc đẩy Tinh Mệnh Học của Trung Quốc phát triển một bước lớn, từ đó lịch pháp và bát tự sinh thần trở thành nhân tố trọng yếu trong Tinh Mệnh Học. Những hoạt động sôi nổi này chủ yếu tập trung ở Lạc Dương, Trung Châu.
Trong số các Đạo kinh truyền lại từ đời Đường có Bắc Đẩu Kinh, Nam Đẩu Kinh, Phật thuyết bắc đẩu thất tinh Diên Mệnh kinh, trong đó đã có những ghi chép tường tận về phương pháp bài bố sao mệnh chủ và sao thân chủ như trong Tử Vi Đẩu Số. Theo quan niệm của đương thời, sao mệnh chủ và sao thân chủ luôn là mấu chốt quan trọng của kiếp số nhân sinh, vì vậy Đạo Giáo có "Kì an lễ đẩu", "Kì nhương khoa nghi" (một loại nghi lễ cúng sao trong đạo giáo). Trong bắc đẩu kinh còn đề cập 12 cung, "Giáp cát trợ tinh", cho đến các cách cục hung dẫn đến các loại mệnh vận tai kiếp như trong Tử Vi Đẩu Số. Điều này cho thấy 3 cuốn kinh kể trên có liên quan mật thiết đến Tử Vi Đẩu Số sau này. Nếu các bản chú giải kinh văn thời ấy còn lưu truyền cho đến ngày nay, có lẽ chúng ta sẽ biết yếu quyết của Tử Vi Đẩu Số vào thời ấy tường tận hơn. Hiện tượng chọn Tử Vi làm sao tôn quý nhất trong 14 chủ tinh có nguồn gốc từ Bắc Đẩu Kinh, Nam Đẩu Kinh, trong đó ẩn chứa khái niệm "số" trong Huyền Học, hậu thế gọi là "Tử Vi Đẩu Số" thực sự có hàm ý uyên nguyên của nó.
Sau thời Bắc Tống, các hệ thống tinh mệnh học dần dần hoàn thiệt, Ngũ Tinh Thuật (Thất Chính Tứ Dư) và Tử Bình thuật đã phát triển thành 2 lưu phái Tinh Mệnh học lớn ở Trung Quốc. Trong đó, Ngũ Tinh thuật phái Cẩm Đường là chi phái Thất Chính Tứ Dư nổi tiếng nhất thời ấy, nguồn gốc xuất phát từ Mật Tông, tổ sư là Nhất Hạnh(CN. năm 683 - 727), người đời Đường, tên tục là Trung Trục, có sách truyền lại là Hư Thục Ngũ Tinh nguyên lưu; truyền đến tăng Xuân ở núi Thanh Thành, Xuân truyền cho tăng Phổ Trừng ở Giang Tây, Trừng truyền cho Tứ Minh tăng Huệ Minh ở Chiết Giang, Minh truyền lại cho quốc sư nước Liêu là Gia Luật Sở Tài. Gia Luật là một dòng họ quý tộc nổi tiếng đời Liêu, có rất nhiều người làm quan lớn và văn nhân học sĩ. Ba quyển Tinh Mệnh Tổng Quát là do Hàn Lâm học sĩ Gia Luật Thuẩn biên soạn. Sách sử không ghi tên ông, cho nên trong Tứ Khố đề yếu nghi là sách thác danh, nhưng trong quyển đầu ghi: "Nguyên Tự" thiên Gia Luật Thuần viết vào niên hiệu Thống Hòa thứ 2 (CN, ngày 10, tháng 9 năm 984); Văn Hồ các thư mục ghi là một bộ, không phân chia số sách; Lục Trúc Đường thư mục chia làm 5 sách, nhưng không ghi số quyển; bộ sách này thấy chép trong Vĩnh Lạc đại điển và Tứ Khố toàn thư, ngoài nhân gian không có truyền bản nào khác. Ngoài ra, bộ Hư Thục Ngũ Tinh nguyên lưu còn được chùa Thiên Giới cất giữ một bản; vào niên hiệu Hồng Vũ thứ 6, truyền lại cho Thương Quý Đổng. Truyền bản ngày nay phần nhiều là Cẩm Đường Ngũ Tinh, Chỉ Kim Hư Thục Ngũ Tinh Thiên Cơ thất ngũ phú. Do đó có thể thấy phái Cầm Đường là một phân chi Tinh Tông quan trọng. Còn có thể khảo chứng thư tịch Tinh tông trong bộ sách Trương Quả tinh tông chép trong Tứ Khố toàn thư, và Tinh Mệnh tố nguyên do Trương Quả trước tác, thân thế Trương Quả có ghi chép trong Tân Đường truyện - Phương Kĩ truyện. So sánh đối chiếu với phương pháp đoán mệnh của Thất Chính Tứ Dư, người ta thấy có nhiều dấu vết diễn biến thành Tử Vi Đẩu Số ngày nay.
Trong suốt khoảng thời gian từ đời Tống đến đầu đời Nguyên, Tử Vi Đẩu Số hầu như im hơi lặng tiếng, người ta không tìm thấy một văn bản nào khác liên quan đến Tử Vi Đẩu Số. Hiện chỉ lưu giữ được 1 bản chép tay sách các cổ quyết của Tử Vi Đẩu Số đời Nguyên.
Đến đời Minh, giai đoạn cuối thời kì chấp chính của Chu Nguyên Chương, vị vua khai quốc triều Minh này đã hạ lệnh cấm dân gian không được học thiên văn, cho nên Tinh tông mệnh lí học dần dần bị chìm trong bóng tối, mãi đến niên hiệu Gia Tĩnh thứ 26 (CN năm 1547) mới giải trừ luật cấm học thiên văn.
Tinh tông mệnh lí học thoát khỏi lệnh cấm này, dần dần từng bước hoàn thiện hệ thống. Tên gọi "Tử Vi Đẩu Số" sớm nhất được thất trong Tục Đạo Tạng, do Trương Quốc Tường, Chính Nhất thiền sư đời thứ 50 của đạo giáo, tập thành vào thời Minh Thần Tông niên hiệu Vạn Lịch thứ 35 (1607), trong đó có 3 quyển Tử Vi Đẩu Số, không rõ tác giả, căn cứ nội dung của 3 quyển Tử Vi Đẩu Số này thì đúng là thuật "Thập Bát Phi Tinh". Đầu đời Thanh, trong Tử bộ thuật số của Tứ Khố toàn thư, tổng cộng ghi nhận được 50 loại thuật số, bao gồm cả "Thập Bát Phi Tinh" và "Tử Vi Đẩu Số". Cũng chính vì vậy mà một số học giả cho rằng Tử Vi Đẩu Số là hình thức cải cách của "Thập Bát Phi Tinh" được thu thập trong Tục Đạo Tạng.
Tuy triều Minh cấm dân gian học thiên văn, nhưng cơ cấu triều đình vẫn có một cơ quan chuyên trách về khí tượng và thiên văn, gọi là "Khâm Thiên Giám", cho nên môn học thuật này vẫn phát triển trong cung đình hoàng gia. Vì nhân tố hoàn cảnh thời đại, Đẩu Số bị khoác lên một bức màn che, làm tăng vẻ thần bí của nó. Tử vi Đẩu Số bắt nguồn từ ngũ tinh thuật, do xuất phát từ Khâm Thiên Giám đời Đường ở Lạc Dương, Trung Châu, nên còn gọi là "Khâm Thiên Giám Bí Cấp".
Sách Tử Vi Đẩu Số toàn thư và Tử Vi Đẩu Số toàn tập đều đề do Trần Đoàn cuối đời Ngũ Đại sáng tác, trong dân gian thì lưu truyền thuyết Lữ Đồng Tân truyền Tử Vi Đẩu Số cho Trần Hi Di. Trần Hi Di lại mang Tử Vi Đẩu Số truyền cho các đồ đệ của mình, trong suốt mấy trăm năm, Tử Vi Đẩu Số mang hình thức bí truyền từ đời này sang đời sau, đây là một trong những nguyên nhân khiến sách Tử Vi Đẩu Số xuất hiện rất hiếm hoi.
Khoảng niên hiệu Gia Tĩnh đời Minh, La Hồng Tiên, một nhà kham dư gia ở Cát Thủy, Giang Tây, khắc in và lưu truyền sách Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư. Về sau Phan Hi Doãn, hiệu là Phụ Tử Tử ở Giang Tây, biên tập sách Tử Vi Đẩu Số Toàn Tập, và hậu thích của Phan Hi Doãn là Dương Nhất Vũ ở Quan Tây, Phúc Kiến tăng bổ.
Hiện nay hai bản TVĐS này là tư liệu hàng đầu để nghiên cứu TVĐS cổ đại, nhưng đều là bản khắc vào thời kì Đồng Trị đời Thanh. Xét về nội dung thì biết được hai bản này về đại thể thì đại đồng tiểu dị, và không phải do một người biên soạn.
Vào khoảng cuối đời Minh đầu đời Thanh, toán học và Thiên Văn Học phương tây theo các giáo sữ Mục Ni Các, Thang Nhược Vọng, Nam Hoài Nhân, v.v... truyền vào Trung Quốc. Theo đó, Tinh Tông mệnh lí học và Trạch Cát thuật lại hưng khởi, càng làm cho khoa Tử Bình hưng thịnh hơn. Khoa Tử Bình đồng thời cũng hấp thu tinh hoa của Tinh Tông mệnh lí học. Việc ứng dụng các thần sát cũng xuất hiện nhiều trong khoa Tử Bình, còn khoa Tử Vi Đẩu Số thì ít người biết đến, nên càng mang sắc thần bí.
Trước năm 1950, phương thức đoán mệnh ở Đài Loang phần lớn chỉ dùng khoa Tử Bình. Sau đó trên thị trường lưu truyền cuốn Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư, do Trúc Lâm thư cục xuất bản vào năm 1958, sách đề do Hi Di Trần đoàn trước tác, ban đầu chi làm 2 tập, về sau in gộp thành một tập.
Trong khoảng thời gian từ 1947 - 1955, toàn Đài Loan không có thêm bộ TVĐS nào khác. Mãi đến giữa tháng 2, năm 1966, Phúc Châu Xuất Bản Xã mới xuất bản Thập Bát Phi Tinh Sách Thiên Tử Vi Đẩu Số toàn tập, đề tác giả là Đại Tống Hoa Sơn Hi Di Trần Đồ Nam, người tăng bổ là Bạch Ngọc Thiềm. Chủ của bộ sách cổ này là Thiết Bản Đạo Nhân Trần Nhạc Kì.
Điều đáng chú ý là, sách này ở phần phàm lệ của tác giả đề rằng:" Tử Vi Đẩu Số truyền thế, chia ra hai phái Nam Bắc, sách này thuộc Bắc Phái, là chính thống chân truyền, ứng nghiệm vô song, còn Nam Phái là bản lưu truyền trong dân gian, do hậu nhân ngụy thác tên của Hi Di, không ứng nghiệm, là ngụy thư gạt người..."
Bản sách này tự xưng thuộc Bắc phái, thực ra so với bản Thập Bát Phi Tinh Sách Thiên Tử Vi Đẩu số Toàn Tập do Tập Văn thư cục xuất bản năm 1971, nội dung hoàn toàn tương đồng, chỉ khác là không có câu kể trên.
Giữa TVĐS toàn thư và TVĐS Toàn tập có nhiều chỗ khác biệt, như sau:
(1) Mệnh Chủ:
Trong TVĐS Toàn Thư lấy địa chi cung mệnh làm chủ. Còn trong TVĐS toàn tập thì lấy địa chi năm sinh làm chủ.
(2) Tứ Hóa:
Năm CAnh và năm Nhâm phương pháp an khác nhau. Trong quyển 2 TVĐS toàn thư, phương pháp an của năm Canh là "Nhật Vũ Đồng Âm"; nhưng trong quyển 4 thì lại có mục cổ lệ, phương pháp an là "Nhật Vũ Đồng Tướng"; phương pháp an của năm Nhâm là "Lương Vi Phủ Vũ". Trong TVĐS toàn tập, phương pháp an của năm Canh là "Nhật Vũ Âm Đồng"; phương pháp an của năm nhâm là "Lương Vi Phụ Vũ".
(3) Hỏa Tinh, Linh Tinh:
Trong quyển 2 của TVĐS toàn thư, chỉ lấy địa chi của năm sinh làm chủ, không thấy nói phải phối hợp với giờ sinh hay không; nhưng theo cổ lệ ghi trong quyển 4 thì lại thấy rất rõ ràng là không phối hợp với giờ sinh (ngoài ra, bản đầu tiên còn ghi người sinh năm Tị Dậu Sửu thì Hỏa Tinh ở cung Mão, Linh Tinh ở cung Tuất); phương pháp an trong TVĐS toàn tập là lấy địa chi năm sinh phối hợp với giờ sinh.
(4) Độ sáng của sao:
Trong quyển 2 và quyển 3 của Tử Vi Đẩu Số toàn thư có liệt kê thành 1 bảng các sao ở 12 cung có 7 cấp độ sáng: miếu, vượng, đắc địa, lợi ích, bình hòa, không đắc địa, hãm. Trong TVĐS toàn tập không có bảng liệt kê này, nhưng có "Vượng cung hãm địa cát hung chi đồ" và "Thập nhị cung Lộc Quyền Khoa Kỵ miếu vượng luận"
(5) Đại Hạn:
Trong TVĐS toàn thư, khởi đại hạn là dương nam âm nữ lấy ttru7o7co1 cung mệnh 1 cung (tức là cung phụ mẫu), đi thuận; âm nam dương nữ thì từ sau cung mệnh một cung (tức cung huynh đệ), đi nghịch. Còn trong TVĐS toàn tập, khởi đại hạn từ cung mệnh rồi mới đi thuận hay đi nghịch.
(6) Lưu niên Thái Tuế Thần Sát:
Trong Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư, lưu niên thái tuế thần sát chỉ có "Tứ Phi tinh quyết Tang Hổ Khách Phù", tức là chi an năm thần sát của "lưu niên Thái Tuế thập nhị chi Thần Sát". Trong Tử Vi Đẩu Số toàn tập, lưu niên Thái Tuế thần sát thì an 11 cát thần, 47 hung sát, tổng cộng 58 thần sát.
TVĐS toàn thư và TVĐS toàn tập đều có ghi phương pháp an lưu niên tam cát thần "Thiên Đức, Nguyệt Đức, Giải Thần", phà phi thiên tam sát "Tấu Thư, Tướng Quân, Trực Phù".
(7) Thiên Không và Địa Không:
Trong TVĐS toàn thư lấy địa chi giờ sinh đi nghịch và đi thuận để an Thiên Không, Địa Kiếp. Còn TVĐS toàn tập thì lấy Thiên Không của TVĐS toàn thư gọi thành Địa Không; còn lấy địa chi của năm sinh an một sao khác trước Thiên Không một cung. Do đó có thể biết, Thiên Không và Địa Kiếp của TVĐS toàn thư chính là Địa Không Địa Kiếp của TVĐS toàn tập; còn Thiên Không của TVĐS toàn tập khác với Thiên Không của TVĐS Toàn Thư.
Có một số sao thần sát trong hai cuốn đều có cách an và có giải thích (như Thiên Mã, Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa, Hồng Loan, Thiên Không, Địa Kiếp, Hóa Kị, Thiên Thương, Thiên Sứ, Thiên Hình, Thiên Riêu, Thiên Khốc, Thiên Hư); có một số sao thần sát trong 2 cuốn đều có phương pháp an nhưng không có giải thích (như Thiên Hỉ, Tam Thai, Bát Tọa, Đài Phụ, Phong Cáo, Long Trì, Phượng Các, Tiệt Không, Tuần Không); có một số sao trong TVĐS toàn thư không có, nhưng trong TVĐS toàn tập có phương pháp an (như Thiên Tài, Thiên Thọ, Thiên Quan, Thiên Phúc, Ân Quang, Thiên Quý, Cô Thần, Quả Tú, Kiếp Sát, Hoa Cái, Đào Hoa Sát, Đại Hao, Phá Toái, Địa Không).
Điều đáng ngạc nhiên là, có một số sao như Giải Thần, Thiên Vu, Phỉ Liêm, Thiên Nguyệt, Âm Sát, trong TVĐS toàn thư lẫn TVĐS toàn tập đều không có, nhưng hiện nay sách TVĐS nào cũng thấy.
Hai Bộ Sách TVĐS toàn thư và TVĐS toàn tập có một điểm chung, đó là đều đề cập đến La Hồng Tiên. Theo truyền thuyết, vào đời Minh, La Hồng Tiên từng chỉnh lí Đẩu Số, nhưng về sau sự phát triển cũng không có chứng cứ rõ ràng. Hai bản TVĐS toàn thư và toàn tập lưu truyền trong dân gian vào khoảng cuối triều Minh đầu triều Thanh, nhưng thời bấy giờ dường như ít người xem trọng TVĐS, cho nên phát triển khá chậm, trong khi đó khoa Tử Bình lại rất thịnh hành. Lúc sách TVĐS được đưa vào Đạo Tạng, Đẩu Số vẫn im hơi lặng tiếng (xét về mặt văn bản). Mãi đến năm 1911, TVĐS tuyên vi của Quan Vân Chủ Nhân (thuộc Bắc Phái) mới tái hệ thống, chú giải, bình luận TVĐS một lần nữa.
Năm 1950, xuất hiện hai nhân vật khá quan trọng trong lịch sử phát triển TVĐS, đó là Thiết Bản Đạo Nhân và Hà Mậu Tùng (cao thủ Tam Hợp Phái). Tư tưởng của một phái muốn phát huy ảnh hưởng, thu nhận môn đồ, trước thư lập thuyết là điều bắt buộc, nhưng trong số môn đồ phải có người dương danh thiên hạ mới càng quan trọng, trong 2 người kể trên, Hà Mậu Tùng lão tiên sinh đúng là có đủ 2 điều kiện này. Đại đệ tử của ông là Tử Vân, nhờ trước thư lập thuyết, nói những điều tiền nhân chưa nói, ngày nay đã trở thành nhất đại tông sư trong giới nghiên cứu đẩu số.
Trong khoảng thập nhiên 50 của thế kỷ 20, TVĐS danh gia Lục Bân Triệu (cao thủ Tam Hợp Phái) đến Hương Cảng công khai trương bảng đoán mệnh, độ chính xác khá cao khiến ông nổi tiếng như cồn, ông còn mở lớp dạy, về sau những bài giảng của ông được xuất bản với tên Tử Vi Đẩu Số Giảng Nghĩa. Trong thời kì này còn có một người nổi danh trước Lục Bân Triệu là Trương Khai Quyển, biệt hiệu "Vô Muộn Trai Chủ", với cuốn Tử vi Đẩu Số mệnh lý nghiên cứu, được Vương Đình Chi xưng tụng là cao thủ Bắc Phái.
Vào thập niên 60 của thế kỷ 20, trong giới nghiên cứu Đẩu Số ở Đài Loan xuất hiện một người tên là Trương Diệu Văn, đại tông sư của "Thái Phái". Vốn là tiến sĩ kinh tế học, vào khoảng những năm 1966 trở về trước ông ở Nhật Bản dạy học, tự xưng mình là truyền nhân đời thứ 13 của Minh Đăng phái (tức Thấu Phái). Năm 1967 ông trở về Đài Loan, mang TVĐS của Thấu Phái truyền bá tại Đài Loan. Phái Đẩu Số này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của TVĐS ở Đài Loan giai đoạn này. Các bản dịch Đẩu Số từ tiếng Nhật sang tiếng Hán cũng dần dần xuất hiện, thời kì đầu có A Bộ Thái Sơn, về sau có Bảo Lê Minh, v.v... đều là các tác gia thuộc nhóm nghiên cứu đẩu số Đông Dương.
Đương thời, có rất nhiều bản dịch TVĐS của A Bộ Thái Sơn xuất hiện ở Đài Loan, cho nên ông khá nổi tiếng. Ông là người trong thấu phái, Đẩu Số của ông đương nhiên theo phương pháp "quá tiết khí".
Tương truyền người sáng lập Thấu Phái là một phụ nữ đời Minh tên Mai Tố Hương.
Thấu phái gọi Đẩu Số là "Tử Vi chiêm tinh thuật"; phái này thần thoại hóa các "tinh diệu", lấy bối cảnh cuộc chiến tranh giữa nhà Ân và nhà Chu thời viễn cổ, mang các nhân vật trong Phong Thần diễn nghĩa gán vào các tinh diệu. Đặc điểm của Thấu phái là vấn đề "quá tiết khí" khi khởi mệnh bàn. Đến khoảng giữa thập niên 80 của thế kỉ trước, do giới nghiên cứu Đẩu Số ngày càng tăng và càng chuyên sâu hơn, đương thời, quan điểm này của Trương Diệu Văn bị khá nhiều học giả Đẩu Số công kích. Do đó Thấu Phái Đẩu Số lưu truyền đến ngày nay ko còn như trước kia, phần lớn đều bỏ không dùng nguyên tắc "quá tiết khí".
Khoảng giữa thập niên 70 của thế kỉ trước, TVĐS ở Đài Loan dần dần thịnh hành. Trong số các nhân vật xuất hiện vào thời kì này có một người đáng được đề cập, đó là Lương Tương Nhuận, ông là lão tiền bối trong giới nghiên cứu Tử Bình, các tác phẩm về TVĐS của ông cũng rất có giá trị, phần nhiều viết chung với bà Lương Thiên Lan.
Trước năm 1981, trong giới nghiên cứu Đẩu Số còn có ba người khác nổi tiếng khác là Lục Dị Công, Khổng Nhật Xương, Chung Trực Lâm.
Có thể nói trước thập niên 80 của thế kỉ 20, TVĐS giống như đang ở trong thời kì tiềm phục, cho đến năm 1982, TVĐS tân thuyên của Tuệ Tâm Trai Chủ ra đời, giới nghiên cứu Đẩu Số mới nổi cơn sóng gió mạnh kéo dài hơn 10 năm. Trong quá trình này, nhiều phương diện bí truyền ẩn tàng của TVĐS đã được đưa ra ánh sáng.
Người gây ảnh hưởng sớm nhất ở giai đoạn này có thể nói là Tuệ Tâm Trai Chủ, tên tuổi của bà có ấn tượng rất sâu trong phần lớn độc giả ở Đài Loan và Hương Cảng. Trước năm 1980, người học Đẩu Số phần nhiều tham dự các lớp học nhỏ là chính, nhưng từ lúc Tuệ Tâm Trai Chủ bắt đầu bàn luận Đẩu Số trên báo, giống như đã thổi vào Đẩu Số một luồng sinh khí mới. Tuệ Tâm Trai Chủ đã sử dụng ngôn ngữ thường ngày dễ hiểu để giải thích Đẩu Số, khiến những điều cổ truyền khó hiểu trở thành rất dung dị. Bộ sách TVĐS tân thuyên có thể nói là rất thành công, về sau bà viết thêm nhiều cuốn khác cũng đều thành công. Sự thành công của bộ sách TVĐS tân thuyên không phải là ngẫu nhiên, nó đã làm cho độc giả thời ấy có thể tự lập mệnh bàn và tự mình phân tích từng cung. Nhưng do bà dùng cách giải đoán từng cung cho dễ hiểu, nên cũng khiến người đọc dễ hiểu lầm về kĩ thuật và quy tắc luận đoán Đẩu Số. Tóm lại, đối tượng của bà là đại chúng phổ thông, vì vậy có mặt hạn chế, không đi sâu vào sự tinh tế của Đẩu Số, nhưng cũng không phải là không có tuyệt kĩ.
Từ lúc Đẩu Số bắt đầu được xem trọng, nhiều tác phẩm Đẩu Số ra đời, thuyết của các nhà trăm hoa đua nở. Một số thì giảng giải tâm pháp cổ truyền, một số thì chủ trương Đẩu Số và Tử Bình phối hợp tham chiếu, một số thì thần bí hóa, mang Đẩu số gộp chung với tôn giáo, một số khác thì tuyên bố mình được truyền bí pháp chép tay của tiên sư, v.v... Trung số này đáng chú ý có những người sau đây:
- Ngô Tình, đáng tiếc sách của ông này hầu như đã tuyệt bản, rất khó mua trên thị trường. Ông phê bình Đẩu Số cổ truyền rất nghiêm túc. Một số đặc điểm trong sách của ông như: Phần lớn các sao nhỏ trong Đẩu Số ông đều không dùng tới, Thiên Thương và Thiên Sứ theo thuyết cổ truyền có thể đoán sinh tử, ông cho rằng chỉ hù dọa người ta; thuyết "miếu, vượng, lợi, hãm" cũng không dùng, v.v... Thuyết của ông toàn bộ trọng điểm nằm ở sự biến hóa của tứ hóa, cho rằng Hóa Lộc và Hóa Kị mới là nhân tốt quyết định. Đồng thời ông còn nhấn mạnh mình có "bí kíp ngàn năm bất truyền". Thuyết của ông ngày nay ảnh hưởng mạnh trong lưu phái Phi Tinh trong Bắc Phái TVĐS.
- Sở Hoàng, phải kể là người đầu tiên công khai phương pháp bày bố tinh bàn trên bàn tay, trước ông, các sách Đẩu Số phần lớn đều chỉ căn cứ vào "cổ quyết". Ông trước thư lập thuyết, chủ trương Đẩu Số và Tử Bình phối hợp tham chiếu, trong Đẩu Số còn ứng dụng một số nguyên lí đoán mệnh của Tử Bình. Trong thuyết tương sinh tương khắc, tác giả còn sáng tạo ra lí luận "Lạp Hoàn", dùng để giải thích vận tác giữa các tinh diệu với phép tắc bát tự, cũng được cho là thành một pháo.
- Chính Huyền Sơn Nhân, là người sáng lập ra thuyết "thiên địa nhân TVĐS", nói Đẩu Số là do "thần tiên" dạy cho ông. Chính Huyền Sơn Nhân viết rất nhiều sách Đẩu Số, trong đó nói nhiều về quá trình và tinh thần cầu đạo của ông. Chính Huyền Sơn Nhân mang các sao trong TVĐS liên hệ với chư vị tiên nhân ở trên trời, thần bí hóa TVĐS đến cực độ. Đồng thời, chủ trương "Cung can phi xuất tiên thiên tứ hóa tinh".
- Phan Tử Ngư trương bản đoán mệnh khá sớm, học trò rất đông, trước tác cũng không ít, phải kể là rất thịnh hành một thời. Đặc sắc trong các trước tác Đẩu Số của ông là lời đoán mệnh phán như đinh đóng cột.
- Tử Vân là học trò của Hà Mậu Tùng, một cao thủ Tử Vi Đẩu Số thời kì đầu. Năm 1987, ông xuất bản cuốn Đẩu Số dữ nhân sinh, làm chấn động giới nghiên cứu Đẩu Số ở Đài Loan và Hương Cảng. Trong cuốn Đẩu Số dữ nhân sinh, Tử Vân tự thuật quá trình nghiên cứu Đẩu Số của mình, và thuyết minh quan điểm của ông về tính chất và ứng dụng của 12 cung. Trong thời gian này, sách Đẩu số liên tục được xuất bản với số lượng lớn, nhưng phần nhiều chẳng có cống hiến gì. Riêng sách của Tử Vân tiên sinh được cho là đã bổ sung những chỗ trống trong Đẩu số cổ truyền. Ngày nay trong giới nghiên cứu Đẩu Số, người được tôn là bá chủ về phương diện kĩ thuật luận đoán chính là Tử Vân tiên sinh. Nhất là vào năm 1990, trong Đẩu số luận hôn nhân, Tử Vân tiên sinh đã đưa ra thuyết "Thái Tuế nhập quái pháp" và nguyên tắc "Tương khê", đã giải quyết vấn đề kĩ thuật mà cả trăm năm nay không cách nào giải thích, nhờ vậy cũng đã giải quyết chỗ khiếm khuyết trong bộ Hiện đại Tử Vi của nhóm Liễu Vô Cư Sĩ. Thuyết này đã biết Đẩu Số thành một phương pháp chỉ ra xu thế và phương hướng của mệnh vận; từ đó Đẩu Số có cách để phân biệt những người sinh ra cùng một giờ có mệnh vận khác nhau. Đây đúng là một bước đột phá trong lịch sử phát triển TVĐS.
Vai trò của Tử Vân tiên sinh rất quan trọng trong hệ phái Tam Hợp. Về cơ bản, phương pháp luận Đẩu Số của ông cũng tương tự như Vương Đình Chi, lấy truyền thống làm chính tông, làm khung giá cho phép luận đoán, lấy bối cảnh thực tế để diễn giải, tổng hợp cổ kim, và rất chú trọng phương diện tâm lí, sinh lí, nhân tính để ứng dụng trong luận đoán.
Trước năm 1989, Tử Vân đã cho ra đời bộ Đẩu Số luận danh nhân, các sách này đã gây sự chú ý trong giới nghiên cứu Đẩu Số, va đã có uy danh. Năm 1990, trong lúc thị trường chứng khoán của Đài Loan đang từ thịnh chuyển thành suy, phong trào đầu tư vào cổ phiếu bị giảm mạnh, Tử Vân lại hoàn thành cuốn Đẩu Số luận cầu tài, sách này đưa ra phương pháp luận đoán mới, bổ sung phép đoán của tiền nhân, cho rằng, hễ tiền có được nhờ đầu cơ hay đầu tư, cần phải xem cung phúc đức. Tức là, tiền kiếm được không do sức lực hay trí lực của bản thân thì không xem ở cung tài bạch. Trong cuốn đẩu số luận hôn nhân, về phương diện lí luận và thực tế luận đoán của Đẩu Số, đều có sự phát triển mang tính đột phá.
Ngày nay, địa vị của Tử Vân trong giới nghiên cứu Đẩu Số ở Đài Loan được xếp ngang hàng với Vương Đình Chi của Trung Châu Phái ở Hương Cảng. Học trò của ông cũng rất đông, trong số đó nổi tiếng nhất là Liễu Vô Cư Sĩ và Tuệ Canh. Ngày nay ở Đài Loan tên tuổi Liễu Vô Cư Sĩ cũng khá lớn.
Trong số những người còn lại phải kể đến Khôn Nguyên và Vu Ngoan Dã Nông, thực ra đây chỉ là một người, "Vu Ngoan Dã Nông" là biệt danh mà sau này ông ít dùng đến. Khôn Nguyên có nhiều bút danh như Hoàn Hữu Thủy Ngân, Lam Thần, Trịnh Giả Học. Trước tác Tử Vi Đẩu Số của ông có bộ Tử Vi Đường Áo khá nổi tiếng.
Kế đến là Phál Quảng Cư Sĩ và Nam Bắc Sơn Nhân, trong hai người thì Pháp Quảng Cư Sĩ trước tác nhiều hơn, ông có một bộ tùng thuy Truy Tung Chính Thống Đẩu Số, khá thịnh hành vào thời điểm đó, hơn nữa còn có tính liên tục khá mạnh, kéo dài cho đến ngày nay. Còn Nam Bắc Sơn Nhân, tên thật là Đồng Bành Niên, đương thời lấy danh nghĩa "Chính Tông Bác Phải TVĐS" để đoán mệnh, tác phẩm xuất bản không nhiều, chỉ có một quyển Chính Tông TVĐS toàn thư mà thôi.
Bắt đầu từ năm 1984, TVĐS bước vào thời đại mới, có thể quy công cho một nhóm người, trong số đó có 2 nhân vật trung tâm là Hoàng Trung Lâm, và Chu Vi. Nhờ nỗ lực của họ, Đẩu Số hiện đại hóa dần dần rõ nét, lí thuyết mệnh lí mang tính khoa học bắt đầu được xây dựng. Hoàng Trung Lâm có bút danh là Liễu Vô Cư Sĩ, vốn là một kí giả, về sau ông nghiên cứu mệnh lí và bắt đầu viết sách đẩu số vào năm 1981. Năm 1984 ông viết cuốn Tử Vi luận mệnh, làm cho ông có tiếng nói trong giới nghiên cứu đẩu số. Cuốn sách này khá thành công, sau đó trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến 1986 ông đã hoàn thành bộ sách quan trọng 7 quyển là Hiện đại tử vi, đây là bước đầu tiên quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa Đẩu Số.
Nội dung cuốn Tử Vi luận mệnh chủ yếu là phê phán các tác phẩm của các đại sư thời đó, và từ những luận chứng của mình, tác giả đã đưa ra quan niệm và kĩ thuật luận mệnh mới. Đương nhiên lúc đó các đại sư cũng phản kích dữ dội. Sau cuốn TV mệnh luận, LVCS trở thành nhân vật ưu tú mới trong giới nghiên cứu Đẩu Số. Nhờ phương pháp luận và mô thức khảo cứu hiện đại, Liễu Vô Cư Sĩ còn được coi là nhân vật trí thức phát biểu về mệnh lý truyền thống.
Bộ hiện đại tử vi ra đời từ năm 1985 đến 1986, tổng cộng gồm 7 tập. Về tác giả, ngoài Liễu Vô Cư Sĩ, còn có giáo sư Hứa Hưng Trí, thuật sĩ Tuệ Canh, Quách tiên sinh, Tượng Sơn Cư Sĩ, Phi Vân Cư Sĩ,...
Trong bộ hiện đại Tử Vi (HĐTV) có một phần gọi là "Tử Vi quảng trường", tức là phần đăng thư do độc giả gửi đến và giải đáp của các tác giả, đây cũng là một sáng kiến, và cũng là nhân tố khiến bộ sách này có sức ảnh hưởng khá lớn vào lúc đó. Bộ HĐTV mỗi tập đều có đặc sắc, nhất là tập 7, có nhiều quan niệm đáng chú ý. Điều đáng được nhắc đến là nỗ lực hiện đại hóa Đẩu Số của bộ sách này. Trong đó đưa ra quan điểm cần nhấn mạnh tính thời đại trong việc tìm hiểu bản chất của Đẩu Số. Một số vấn đề khác còn đợi sự nỗ lực của hậu học. Phương hướng của phái Hiện Đại là sử dụng logic để khảo nghiệm mệnh lý, từ đó xác nhận khả năng và chỗ hạn chế của đẩu số, đây là bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa đẩu số. Vì trước đó, quan niệm của người luận mệnh đẩu số là: bất kể sự tình nào cũng đều có thể dựa vào mệnh bàn mà đoán ra, dù mệnh tạo có quan hệ với người khác hay không. Nhưng trong bộ HĐTV lại phủ định nguyên tắc bành trướng này, chủ trương rằng, đối với những sự vật mà bản thân mình có thể quyết định được, Đẩu Số mới có thể luận đoán, nếu mệnh tạo không có quan hệ gì với người khác thì không cách nào luận đoán, trừ phi ở trong mối quan hệ với họ. Đây là thành tựu lớn của bộ Hiện Đại Tử Vi, tuy chỉ hoàn thành một nửa trước. Về nửa sau liên quan đến "điều kiện ở trong mối quan hệ" thì phải đợi sư phụ của ông là Tử Vân giảng giải.
Vào tháng 3 năm 1985, trong giới nghiên cứu Đẩu Số xảy ra một sự kiện lớn, đó là sự xuất hiện của bộ sách "thiên cổ bí cấp" gọi là Hoa Sơn Khâm Thiên Tứ Hóa Tử Vi Đẩu Số phi tinh bí nghi, là bí truyền của Tố Tâm Lão Nhân truyền lại cho Sái Minh Hoành. Sự xuất hiện của nó tạo thành một trào lưu cực lớn về sau, ban đầu được rao bán trên tạp chí Tinh tướng với giá một vạn năm ngàn nguyên (đơn vị tiền tệ của Đài Loan), sau giá nâng lên tới ba trăm vạn nguyên.
Phi Tinh phái là một chi của Bắc phái TVĐS cũng nổi rộ lên trong thời kì này, hiện đang rất thịnh hành ở Đài Loan và Trung Quốc lục địa. Đại biểu nổi tiếng hiện nay là Lương Nhược Du mà sự phụ của Lương Nhược Du là Chu Thanh Hà, một cao thủ tiền bối của Phi Tinh Phái, nội dung TVĐS của phái này sẽ được trình bày đầy đủ trong Trung Châu Tử Vi Đẩu Số - Tứ Hóa Phái của cùng tác giả Nguyễn Anh Vũ.
Có nhiều người cho rằng TVĐS Phi Tinh phái là do người cận đại phát minh. Sở dĩ có sự hiểu lầm này, là do họ cứ nghĩ rằng TVĐS phi tinh bí nghi của Sái Minh Hoành là căn nguyên Phi Tinh phái. Rất nhiều người cho rằng TVĐS của Phi Tinh phái là do Sái Minh Hoành tự sáng chế ra.
Thực ra, trước khi TVĐS phi tinh bí nghi lưu truyền rộng rãi, lí luận TVĐS của Phi Tinh phái đã xuất hiện từ lâu. Vả lại, Phi Tinh Phái cũng có nhiều phân chi, Sái Minh Hoành cũng là một chi phái trong số đó, nhưng là phái được nhiều người biết đến vào thời kì này.
Ngoại trừ các bậc tiền bối như Ông Phúc Dụ, Phương Ngoại Chân, Từ Tăng Sinh, và Lương Nhược Vọng (học trò Sái Minh Hoành)... còn có một số người ít ai biết đến ở Trung Quốc lục địa, nhưng cũng là cao thủ truyền dạy theo truyền thống Bắc Phái Phi Tinh. Ngay như ở Đài Loan, chỉ nói số đồng môn cùng lứa với Sái Minh Hoành, ít nhất cũng có năm người. Hơn nữa, Sái Minh Hoành trong quyển 1 của Khâm Thiên tứ hóa TVĐS phi tinh bí nghi cũng có nói, "bí nghi" là do ông tập đại thành truyền thống Phi Tinh TVĐS. Cho nên, phải nói "bí nghi" là sở học của ông được truyền thừa mới đúng. Ví dụ như "Phi Tinh chuyển yết quan quyết" trong Khâm Thiên tứ hóa TVĐS phi tinh bí nghi (Phan Tử Ngư gọi là "Phi Yến Quỳnh Lâm", ông được bí truyền từ TQ lục địa) đã lưu truyền rộng rãi trước khi "bí nghi" xuất hiện, rất nhiều phái xem nó là "bí bảo".
Tử Vi đẩu số của bắc phái Phi Tinh (hay còn gọi là Tứ Hóa Phái) có nhiều truyền thừa khác nhau, lí luận của các chi hệ đều đại đồng tiểu dị. Đương nhiên, trong đó cũng có xuất hiện tư duy mới. Như "Đồng bộ đoán quyết" của Phương Ngoại Nhân chính là phát hiện độc đáo, nhưng nếu nghiên cứu tỉ mỉ nội chung của nó, chúng ta sẽ phát hiện kết luận của Phương Ngoại Nhân không tách rời lí luận cơ bản của Bắc Phái Phi Tinh, Phương Ngoại Nhân cũng nói thẳng, "Đồng bộ đoán quyết" chỉ là suy luận ra từ nền tảng truyền thống, chứ không phải là phát minh nguyên lý gì.
Tử Vi Đẩu Số đang trong giai đoạn hưng khởi, sự xuất hiện một nguồn tư liệu mới đã gây thêm hứng thú cho giới nghiên cứu Đẩu Số. Truyền thống Bắc Phái Phi Tinh đặc biệt ở chỗ vận dụng tứ hóa khác với truyền thống của Tam Hợp Phái. Phái này cho rằng sau khi lập xong mệnh bàn tiên thiên, trong 12 cung đều có thiên can riêng, thiên can của cung mệnh ngoại trừ dùng để tương phối với địa chi (nạp âm) để tính toàn bày bố 14 chính tinh, nó còn được dùng để bày ra một bộ tứ hóa, như vậy mệnh bàn tiên thiên sẽ thêm một tầng biến hóa, việc luận đoán cũng theo đó mà thâm sâu hơn. Càng tinh vi hơn là, không phải chỉ có cung mệnh phi xuất một bộ tứ hóa, mà 11 cung còn lại cũng vậy.
Trước tác của các cao thủ nổi tiếng trong Bắc Phái Phi Tinh gồm có Sái Minh Hoành, Tử Dương, Từ Tăng Sinh, Phương Ngoại Nhân, Khuyến Học Trai Chủ, Lương Nhược Du,v.v... đều có cống hiến đã kể. Phương pháp luận mệnh của họ khá phức tạp, nếu có điều kiện các bạn nên tìm hiểu trong Trung Châu Tử Vi Đẩu Số - Tứ Hóa Phái của cùng tác giả Nguyễn Anh Vũ.
Cũng trong khoảng thời gian này Vương Đình Chi xuất hiện và tự xưng mình là truyền nhân của phái Trung Châu, công nhận Tử vi Đẩu Số Giảng Nghĩa của Lục Bân Triệu là truyền bản của Khâm Thiên Giám Bí Cấp, và tiết lộ nội dung bí truyền Tử Vi Tinh Quyết của môn phái Trung Châu. Ảnh hưởng của Vương Đình Chi khá lớn ở Hương Cảng, về sau lan rộng qua Đài Loan, Singapore, Bắc Mĩ, v.v... kéo dài cho đến ngày nay. Phương pháp luận mệnh của ông là nội dung chủ yếu của bộ Trung Châu Tử Vi Đẩu Số - Tam Hợp Phái mà chúng tôi biên soạn để giới thiệu đến bạn đọc ở đây.
Nhờ sự thành công của bộ Hiện Đại Tử Vi, một số tác giả cũng bắt đầu viết sách, như Đường Sơn Dật Sĩ, Tuệ Canh, v.v... Trong số đó, các công trình của Tuệ Canh Thuật Sĩ là có ảnh hưởng nhất. Tác phẩm của Tuệ Canh là Tử Vi Đẩu Số khai vận toàn tập, trong đó quan niệm và ứng dụng của 12 cung, cho tới tính chất các tinh diệu đều được ông giảng giải rất tinh tế. Đây là sự kiện xảy ra sau năm 1988.
Cũng trong khoảng thời gian này, có một số học giả mới cũng trước thư lập thuyết, trong đó cũng có vài người đáng chú ý, như Ngô Đông Tiều trong Đẩu số tân quan niệm, Trần Thế Hưnh trong Tử Vi Đẩu Số đạo luận, Phúc Canh trong Đẩu Số tâm lí học, Tượng Sơn Cư Sĩ trong Thiên Tinh Đẩu Số bí cấp và Thiên Tinh Đẩu Số chân cơ điển phạm. Nhưng sách này phần lớn thảo luận về đặc tính cơ bản của tinh diệu và các cách cục, cũng có thành tựu.
Trong thời gian này, Liễu Vô Cư Sĩ mang Tử Vi Đẩu Số tuyên vi và Tử Vi Đẩu Số toàn tập ra chú giải; sau đó ông còn đem hết tâm lực ra để hệ thống hóa phương pháp Đẩu Số của mình, lúc này Liễu Vô Cư Sĩ đã dần dần có những quan điểm khác với sư phụ của mình là Tử Vân. Ông đề xuất một số điều, ví dụ như: Bỏ Lộc Tồn, Thiên Mã và các sao cấp 2; ông còn đề xuất: phế bỏ Hóa Quyền và Hóa Khoa, tứ hóa chỉ còn Hóa Lộc và Hóa Kị; ngoài ra còn có một số nguyên tác "khoa học thích dụng tính".
Lúc này TVĐS lộ rõ sức quyến rũ của nó. Ngày nay, có thể nói TVĐS chia thành hai dòng chính:
- Một là, chủ yếu lấy tinh diệu để luận đoán, gọi chung là Tam Hợp Phái (hay Nam Phái). Trong số các chi lưu thuộc Tam Hợp Phái, thì phái Trung Châu Vương Đình Chi là có hệ thống hoàn bị nhất.
- Hai là, chủ yếu lấy "tứ hóa" để luận đoán, gọi chung là Tứ Hóa Phái (hay Bắc Phái). Trong số các chi lưu thuộc hệ phái Tứ Hóa, thì Khâm Thiên Môn là có hệ thống nghiêm cẩn nhất.
Riêng tại Trung Hoa lục địa, trào lưu nghiên cứu thuật số nói chung, TVĐS nói riêng, cũng khá rầm rộ. Các lưu phái Tử Vi Đẩu Số ở đây phần lớn đều có khuynh hướng tổn hợp hai dòng chủ lưu kể trên. Đáng kể nhất có:
- Tử Vi phái do Vũ Quảng Thịnh sáng lập, chủi trương dung hợp tinh hoa của các phái hệ, với nguyên tắc "Đơn giản và trực tiếp thâm nhập chủ đề". Lí luận đẩu số của ông rất có giá trị tham khảo.
- "Kì Môn Phái", đại biểu hiện nay là Đại Đức Sơn Nhân với bộ Tử Vi Đẩu Số tinh thành, v.v... Ông chủ trương lấy các nguyên tắc của bản môn làm nền tảng, và cũng dung hợp tinh hoa của các phái để luận đoán.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Thiên Nga (##)