Sao Phá Quân trong Tử Vi Đẩu Số mang hình tượng của Trụ Vương, một vị hôn quân tàn bạo được kể ở Phong Thần Diễn Nghĩa. Mỗi vì sao của Tử Vi ứng với một nhân vật của Phong thần
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Các vì sao trong Tử Vi Đẩu Số không xuất hiện một cách ngẫu nhiên, mà đều có nguồn gốc từ câu chuyện thần thoại thần tiên của Trung Quốc cổ đại - Phong thần diễn nghĩa, mỗi vì sao đều tương ứng với một nhân vật Phong thần, thuộc tính của mỗi vì sao cũng tương tự như tính cách của nhân vật tương ứng đó. Và như vậy, những tri thức mệnh lý thâm sâu đã được hình tượng hoá mà trở nên sống động, linh hoạt, đem lại ấn tượng sâu sắc cho người học, giúp họ có thể nhận thức, nắm bắt vấn đề một cách thuận lợi, dễ dàng hơn.
Sao Phá Quân - hình tượng vua Trụ Vương
Trong "Phong thần bảng", nhân vật được coi là tượng trưng cho đặc tính của sao Phá Quân chính là Trụ Vương. Theo nội dung "Phong thần diễn nghĩa", vào tháng 2 năm Trụ Vương thứ 7, có 72 lộ chư hầu tại Bắc Hải làm phản, cầm đầu là Viên Phúc Thông. Bá quan văn võ tại kinh đô Triều Ca ai nấy đứng ngồi không yên, quan Thái sư Văn Trọng bèn dâng tấu xin thống lĩnh quân đội tây chinh, việc triều chính tạm giao lại cho các đại thần như Tể tướng Thương Dung, Vũ Thành hầu Hoàng Phi Hổ.
Ngày 14 tháng 3 năm đó, Tể tướng Thương Dung vào triều bẩm cáo rằng: "Tâu bệ hạ, ngày 15 tháng 3 là ngày thánh đản (sinh nhật) của Nữ Oa nương nương, thỉnh cầu bệ hạ đến dâng hương cầu nguyện nương nương bảo vệ cho triều đình ta được quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, vận nước dài lâu, bốn mùa yên ổn, tám tiết thanh bình".
Vua Trụ nghe lời hữu lý, bèn chuẩn tấu. Hôm sau, Trụ Vương ngự trên long xa, văn võ bá quan tuỳ tùng hộ giá, đi ra cửa nam, đến cung Nữ Oa. Trụ Vương bước lên đại điện, dâng hương tế lễ, trăm quan cũng hàng ngũ chỉnh tề khấu đầu bái lạy. Vua Trụ ngắm nhìn tượng thần, thấy Nữ Oa nương nương dung mạo tuyệt trần, thực là bậc quốc sắc thiên hương, thì thần hồn chao đảo, dục vọng dâng trào, nhất thời hưng phấn mà đề lên vách tường một bài thơ như sau:
Phượng loan bảo trướng cảnh phi thường;
Khúc khúc viễn sơn phi thuý sắc;
Lê hoa đới vũ tranh kiều diễm;
Đãn đắc yêu kiều năng cử động;
Tận thị nê kim xảo dạng trang.
Phiên phiên vũ tụ ánh hà thường.
Thược dược lung yên trì mỵ trang.
Thủ hồi Trường Lạc thị quân vương.
Nghĩa là:
Trướng phượng rèm loan thực bất phàm;
Nuột nà mày mỏng hơn núi biếc;
Hoa lê ngậm móc tranh kiều diễm;
Nếu người đẹp ấy như người thật;
Đất nung vàng dát khéo điểm trang.
Phấp phới xiêm y tựa dáng lành.
Thược dược trong sương tựa dung nhan.
Rước về Trường Lạc hầu quân vương!
Trụ Vương đề xong bài thơ, Tể tướng Thương Dung thấy lời lẽ khinh mạn, bèn nghiêm sắc mặt mà nói rằng: "Muôn tâu bệ hạ, Nữ Oa nương nương là vị thần chính phái suốt ngàn đời nay, bệ hạ đáng ra không nên đùa cợt. Nay bệ hạ lại làm thơ nhục mạ thần linh, như vậy là rất không phải, xin bệ hạ hãy mau mau sai người lấy nước rửa sạch bài thơ kia đi, đừng để trăm họ bàn tán rằng bệ hạ là vua một nước lại thất đức như thế!".
Trụ Vương không đếm xỉa đến lời can gián của Thương Dung, mà lớn tiếng nói với quần thần rằng: "Trẫm thấy nàng dung mạo tiên sa, mới làm bài thơ ca ngợi, đâu có ý gì khác! Các ngươi chớ nên nhiều lời!"
Nghe Trụ Vương nói vậy, văn võ bá quan đều không dám ho he, chỉ biết im lặng hồi triều.
Ngày 15 tháng 3 tuy là ngày thánh đản của Nữ Oa nương nương, nhưng Nữ Oa từ sáng sớm đã rời cung bay đến cung Hoả Vân vấn an Phục Hy, Viêm Đế, Hiên Viên, đến xế trưa mới trở về. Nhìn thấy những lời thơ trêu ghẹo của vua Trụ trên vách tường, Nữ Oa vô cùng giận dữ mà mắng rằng: "Tên hôn quân vô đạo Ân Trụ không những bất kính với trời, lại làm thơ hạ nhục ta, thật thô bỉ đê tiện cùng cực. Ta xem khí số của nhà Thương đã tận, nếu không cho hắn biết thế nào là báo ứng, sao có thể chứng tỏ được thần uy?"
Trụ Vương sau khi từ cung Nữ Oa trở về, ngày đêm tơ tưởng đến nhan sắc của nữ thần mà lạnh nhạt với hoàng hậu và các phi tần mỹ nữ trong cung. Và sau cùng, ông ta đã nảy ra một ý, dự định ra lệnh cho bốn đại chư hầu tuyển chọn mỹ nữ trong lãnh thổ của họ để tiến cung. Từ lúc tuyển chọn phi tần cho đến khi Đát Kỷ nhập cung phá hoại triều đình, một loạt các hành vi của Trụ Vương đã khởi đầu cho một loạt câu chuyện bi thương, phẫn hận trong "Phong thần diễn nghĩa".
Khi Trụ Vương mới bắt đầu chấp chính, trong triều vẫn còn rất nhiều trọng thần, như hoàng thúc Á tướng Tỷ Can, hoàng thúc Cơ Tử, Thái sư Văn Trọng, Tể tướng Thương Dung, Vũ Thành hầu Hoàng Phi Hổ, tứ đại chư hầu, điện tiền đại tướng Phương Bật, Phương Tương... Thế nhưng các trung thần đều lần lượt bị sát hại tàn khốc, cuối cùng người thì chết, người thì bỏ trốn, cũng không ít người theo về với Tay Bá hầu Cư Xương.
Triều Thương chính sự bại hoại, trăm họ cùng khổ đồ thán, lòng người ly tán, tất cả những tiền đề đó đã khiến cho Vũ Vương sau này dễ dàng liên kết các lộ chư hầu thảo phạt vua Trụ, xây dựng nên triều Chu.
Khi Trụ Vương phát hiện ra hiểm hoạ gần kề, thì đã quá muộn, cục diện đã không thể vãn hồi, cũng không còn đường bỏ trốn. Khương Tử Nha liên tục công hạ năm thành, tiến sát đến chân thành Triều Ca. Trụ Vương chỉ còn cách tìm đường tự sát. Khi đó, bên cạnh Trụ Vương chỉ còn lại một tuỳ tùng, còn tất cả các thần dân khác đều đã bỏ đi. Trụ Vương chỉ còn cách tự tìm củi khô, đến lầu Trích Tinh tự thiêu, kết thúc hơn sáu trăm năm lịch sử với hai mươi bảy đời vua của triều Thương.
Sau khi Trụ Vương tự thiêu mà chết, hồn phách của ông ta bay về đài Phong Thần tại Tây Kỳ, được phong làm sao Phá Quân, trở thành vị thần hao tài, chủ về phá tán, tiêu hao.
Nhân vật Phong thần tương ứng với sao Phá Quân trong Tử Vi Đẩu Số chính là Trụ Vương - vị vua cuối cùng của nhà Ân Thương, hay còn gọi là Đế Tân, tên là Thụ, "thiên hạ đều gọi là Trụ", nên gọi chung là Ân Trụ Vương hay Thương Trụ Vương. Đây là vị hôn quân tàn bạo nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Nữ Oa là một nhân vật thần thoại rất quan trọng, là vị nữ thần sáng thuỷ nên loài người. Tương truyền bà đã dùng đất vàng dể nặn ra con nguôi mô phòng theo hình hài của mình, sáng tạo nên xã hội loài người. Sau dó, trong giới tự nhiên xuất hiện một tai hoạ khủng khiếp, khiến cho bầu trời sập xuống, mặt đất sụt lún, các loài mãnh thú hung hãn đua nhau tàn hại con người. Nữ Oa đã luyện đá ngũ sấc để vá trời, tiêu diệt các loài thú dữ. Bà còn chế tạo ra một loại nhạc cụ là Sênh hoàng (một loại sáo), xây dựng chế độ hôn nhân cho loài người, nên được dân gian tôn làm nữ thần âm nhạc và nữ thần hôn nhân.
Dẫu rằng Nữ Oa không đại diện cho vì sao nào trong Tử Vi Đẩu Số, nhưng những sự kiện Đát Kỷ gây loạn triều đình, Trụ vương vô đạo đều bắt nguồn từ sự trừng phạt của Nữ Oa dành cho vua Trụ, bởi vậy, có thể coi Nữ Oa chính là động lực phía sau những câu chuyện trong "Phong thần diễn nghĩa".
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Thiên Nga (##)