Những bậc đại danh khai phá ngành địa lý phong thủy (phần 1)
Địa lý phong thủy bắt nguồn từ Trung Quốc, ngày nay đã trở nên vô cùng phổ biến, ứng dụng ở hầu khắp các lĩnh vực trong cuộc sống. Nhưng ít ai biết tới những người đặt nền móng cho ngành khoa học tâm linh vi diệu, sâu sắc này, họ được xưng tụng là ông tổ ngành phong thủy.
► Xem thêm: Ngũ hành tương sinh và những ảnh hưởng đến cuộc đời, vận mệnh |
Quản Lộ – đời Tam Quốc
Quản Lộ là thuật sĩ sống ở tỉnh Sơn Đông, thời Tam Quốc (226 – 248). Ông thờ chủ nghĩa thần bí qua nghề chiêm bốc và tướng địa, giỏi cả về âm trạch lẫn dương trạch.
Một trong những chuyện nổi tiếng nhất về tài xem đất của Quản Lộ là định thế cho ngôi mộ của Vu Khưu Kiệm. Nhân một lần đi ngang qua, ông ngồi nghỉ chân rồi nhìn vào ngôi mả của họ Vu mà than thầm : “Cây cối xanh tốt nhưng thế đất không bền, tấm bia đề tựa tuy văn hoa nhưng không có hậu. Ngôi mả đang ở thế Huyền Vũ giấu đầu, Thanh Long mất chân, Bạch Hổ ngậm xác, Chu Tước khổ đau. Tứ phía lâm nguy. Theo phong thủy, người nhà họ Vu chỉ hai, ba năm sau sẽ bị diệt”. Lời Quản Lộ quả nhiên ứng nghiệm.
Quản Lộ tự xem bói cho chính mình, biết chỉ sống được đúng bốn con giáp; quả thật vào năm 49 tuổi, Quản Lộ qua đời. 100 thiên truyện trong “Tam Quốc Chí – Quản Lộ truyện” đều rất thần bí và sâu sắc. Nên đã gần 2000 năm, Quản Lộ vẫn còn được mọi người xem là ông tổ của thuật “chiêm bốc” xem địa lý phong thủy, xem thiên văn nhìn phương hướng mà bói thành quẻ.
Quách Phác – đời Tấn
Quách Phác tự Cảnh Đôn, người Hà Đông, nay tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, sinh vào thời nhà Tấn (276 - 324) sau Quản Lộ. Ông được truyền tụng là người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giỏi những môn bói toán bằng mai rùa, quẻ thẻ, sấm truyền, không gì không tinh thâm. Quách Phác soạn cuốn “Táng thư” (coi mộ phần) và “Tướng địa thuật” (xem thế đất), nên được tôn xưng là tỵ tổ (tức ông tổ ngành địa lý). Tương truyền, khi Quách Phác chết, ông dặn người nhà an táng nơi đã xem trước, nên tu đắc đạo thành tiên. Sau ba ngày khi Quách Phác được chôn cất, người ở thành Nam Châu vẫn thấy ông ngồi nhà đàm đạo với người thân.
Dương Quân Tùng – đời Đường
Dương Quân Tùng tên húy là Ích, tự Thúc Mậu còn Quân Tùng là biệt hiệu, người Quảng Đông sống vào đời nhà Đường (792 – 906). Ông từng soạn cuốn “Chính long tử kinh”, được vua Đường phong làm Quốc sư, nắm phủ Linh đài địa lý sự (cơ quan trông coi thiên văn, địa lý, tế lễ).
Khi nhà Đường mất vào tay Hoàng Sào, Dương Quân Tùng cùng Bộc Đô Lâm đoán quẻ biết trước, lấy đi một số sách phong thủy lâu đời nằm trong Phủ, rồi bỏ Tràng An chạy về Cống Châu thuộc Ninh Đô quy ẩn.
Trong dân gian nói rằng, thuật phong thủy có từ đời Đường, vì từ Tràng An, Dương Quân Tùng đã truyền dạy nghề cho Liêu Tam người cùng thôn, Liêu Tam truyền cho con trai tên Vũ, Vũ lại truyền cho con rể là Tạ Thế Nam… thuật phong thủy của họ Dương lan rộng ra đến người ngoài họ, ngoài làng. Người đời sau mộ danh, cho rằng Dương Quân Tùng thuộc môn hình phái, tức xem đất đoán được nơi cát hay hãm địa, nên tôn ông làm đại sư môn địa lý.
ST
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Thanh Vân (##)