Sau Rằm tháng 7 có nên kiêng kỵ?
Xử trí các đồ chống tà khi không dùng
Thạch anh
Theo ông Doãn Phú (Bộ môn Phong thủy, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người), các vòng thạch anh, đồ thạch anh đúng đeo vào người năng lượng của đá sẽ hỗ trợ cho sức khỏe của người đeo, cảm thấy mạnh mẽ và thoải mái hơn. Đá tự nhiên màu sắc thường không hoàn hảo, nhưng sáng long lanh hơn đá nhân tạo, đặc biệt vòng tay đá tự nhiên không hạt nào giống hạt nào, không chiếc vòng nào giống chiếc vòng nào. Đeo một thời gian vòng và đồ đá quý tự nhiên càng đẹp hơn, đặc biệt là trang sức vòng tay, mặt dây chuyền luôn đeo thì lên nước sáng đẹp hơn (vì đá thạch anh hút năng lượng vũ trụ và cộng hưởng năng lượng với chủ nhân). Nếu đeo đá mà thấy người khỏe đẹp ra thì là đá quý. Nhưng nếu đeo đá mà da dẻ, sức khỏe xuống sắc thì đá không tốt (các thầy phong thủy gọi là đá có âm khí), cần nhờ thầy làm sạch năng lượng của đá rồi hãy đeo tiếp.
Các vòng gỗ
Với các loại vòng gỗ đắt tiền như vòng gỗ sưa, vòng trầm… thường thơm, ngừa được một số bệnh da liễu, tránh côn trùng đốt, có thể xua đuổi tà khí… thì vẫn nên đeo. Nhưng các loại vòng gỗ, vòng dâu tằm thì không có tác dụng tâm linh, chỉ mang tính thương mại, lợi dụng tháng 7 (Âm lịch) để đồn thổi và bán kiếm lời. Nếu trót mua những chiếc vòng đó thì nên bỏ, không nên đeo.
Bùa chống tà
Nếu mang một lá bùa về nhà, hay đeo trong người mà không có tác dụng như ý muốn, có khi còn tệ hơn thì xử lý thế nào? Các nhà tâm linh cho rằng, phần lớn bùa thị trường, bùa phôtô thương mại không phát ra năng lượng, hay có tác dụng rõ ràng gì dù có đóng dấu xanh đỏ. Lý do là hình vẽ lá bùa cũng không chuẩn cự ly giữa các nét vẽ, lời chú truyền miệng đọc không chuẩn và không phải ai cũng sử dụng được câu chú. Còn những người tu luyện thực sự có khả năng sẽ không sa đà vào việc làm bùa chú thương mại, thị trường. Các đồ vật trấn yểm cũng không thể dùng tùy tiện, mà chỉ do người buôn bán trục lợi lan truyền.
Với các nhà tâm linh, bùa thường kèm lời chú. Nếu lời chú chưa được giải, đốt bùa đi sẽ tệ hơn, vứt đi cũng không được. Tốt nhất là mang lá bùa trả lại cho thầy.
Chỉ nên kiêng tới Rằm
Theo các nhà tâm linh, việc kiêng không khởi công, tân gia, cưới hỏi, mở cửa hàng kinh doanh… trong tháng cô hồn chỉ nên kiêng tới Rằm, không phải kiêng hết tháng. Bởi những kiêng kị dân gian có cái kiêng đúng, có cái sai, có cả những việc không đáng kiêng bởi sẽ có ngày tốt với việc này, xấu với việc kia, tốt với người này, xấu người khác...
Ông Doãn Phú cho rằng, những kiêng kỵ tháng cô hồn chỉ tương đối theo quan điểm của từng vùng miền hay cá nhân, chứ khoa học chưa chứng minh được là không kiêng những điều cấm kỵ tháng 7 sẽ gặp họa. Cũng chưa ai chứng minh nếu kiêng được những điều cấm kỵ sẽ gặp an lành. Đừng vì sợ ma quỷ mà gò bó mình, bởi cũng có người có thể gặp tai họa vì kiêng quá mức. Ai cũng có thể có đức tin của mình, song không nên sa đà vào mê tín vì sẽ có thể vuột mất cơ hội tốt, vận may tốt.
Các nhà tâm linh đều cho rằng, lễ Vu Lan chủ yếu và chỉ có 3 ngày 14, 15, 16 tháng 7 Âm lịch, chứ không kéo dài cả tháng. Còn lễ “xá tội vong nhân” thì sau 3 ngày các vong linh được về dương gian, nhưng vẫn có trật tự và có quỷ giám sát để vong linh không làm bừa. Thời gian chỉ có 3 ngày, chứ không kéo dài cả tháng như rất nhiều người nhầm tưởng.
Sau Rằm tháng 7 nên làm gì?
Theo ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người), sau Rằm tháng 7 hoặc cuối tháng 7 (hoặc tốt nhất là sau hôm cúng chúng sinh) nên dùng bột trừ tà ma tiêu khử, tránh âm linh phảng phất tụ lại. Nên dùng nước thơm tẩy uế ngôi nhà để cân bằng lại sinh khí trong nhà.
Cuối tháng 7, nếu bát hương đầy nên tỉa bớt chân hương. Không nên để chân hương quá nhiều, vừa khó cắm hương, lại dễ bị hóa bát hương. Lau dọn bàn thờ chu đáo đúng cách, thắp hương hàng ngày, đèn trên bàn thờ luôn sáng để thu hút năng lượng tốt, rước may mắn về nhà.
Ngoài ra, cũng nên “lợi dụng” tháng 7 kiêng kị để chụp ảnh cưới, mua đồ cưới, nhẫn cưới… vì dịp này nhiều chiêu khuyến mại, giảm giá.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Thiên Nga (##)