Cách giải họa và các sao hóa giải (phần 3). thảo luận các sao, các cách tốt hóa giải vận hạn trong lá số tử vi.
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Cách giải họa và các sao hóa giải (phần 3)
3. Họa cho nghề nghiệp:
a. Cách chức, thôi việc:
Tuần, Triệt ở cung Quan: trắc trở cho quan trường bằng nhiều hình thái: chậm công danh, công danh vất vả, thấp kém, không bền vững, thăng giáng thất thường. Sao Triệt báo hiệu sự gãy đổ ít nhất một lần trong sự nghiệp. Sao Tuần tác họa nhẹ hơn nhưng lâu dài hơn. Gặp cả Tuần, Triệt đồng cung thì tai họa nghề nghiệp vừa nặng, vừa nhiều. Tuy nhiên:
– Tuần, Triệt gặp Âm, Dương ở Sửu, Mùi thi không phá mà làm vượng quan.
– Tuần, Triệt gặp Sát, Phá, Liêm, Tham hãm tối hay bại tinh mờ ám cũng làm vượng quan.
– Tuần, Triệt gặp Tử, Phủ, Cự, Nhật, Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương sáng sủa thì bất lợi cho chức vụ rất nhiều như chậm quan, chóng tàn, gặp hung họa, thăng giáng thất thường. Nếu tám sao trên mà hãm địa thì khá hơn, tức là gặp khó khăn, thất thường trong việc thăng tiến nhưng tựu chung có chức vị khá lớn, nhất là về sau.
– Tuần, Triệt gặp Sát, Phá, Liêm, Tham đắc địa cũng còn đỡ khổ, không đáng lo ngại về sự thăng giáng hay gãy đổ sự nghiệp. Nếu hãm địa thì lại đẹp: công danh bộc phát mạnh mẽ.
Cung Quan vô chính diệu cần có Tuần, Triệt trấn thủ tại đó mới hay. Bằng không thì dễ sa sút. Nếu chính tinh xung chiếu mà sáng sử thì còn khá, ngược lại nếu mờ tối thì bất lợi.
Thin Tướng gặp Tuần, Triệt thì dù được đắc địa, quan chức không những bị truất giáng mà còn dễ chết thảm khốc. Tướng Quân gặp Tuần, Triệt cũng lâm vào họa hại như thế.
Không, Kiếp: chỉ sự thăng trầm, lên voi xuống chó. Hãm địa thì càng nguy, chắc chắn phải ít ra một lần mất chức nhục nhã, bị đổi đi xa vì kỷ luật, chưa kể những hung họa dẫy đầy, dễ chết vì binh lửa, chiến nạn. Như vậy, sự gián đoạn chức vụ có thể bắt nguồn từ hai nguyên nhân bị chết hoặc bị cách chức. Còn những họa nhỏ khác như vất vả, đè nén, đố kỵ thì khỏi kể. Tai họa công vụ của Không Kiếp cũng còn do tật xấu của chính mình. Người có Không Kiếp có lá số xấu thường xử xự bằng thủ đoạn, bá đạo, ám muội, phi pháp, kiểu như tham lận, cướp của, hối lộ, tham nhũng, buôn lậu, biển thủ đưa đến việc mất chức.
Thiên Hình, Thiên Tướng, Tuần, Triệt: Hình hãm địa ở Quan có nghĩa gián đoạn công vụ vì bị ngục tụng, những tai bay vạ gió làm cho viên chức phải bị liên lụy trong quan trường, chẳng hạn như bị khiển trách, bị điều tra, bị ngưng chức, bị truy tố, bị sa thải. Nếu đi với sát tinh, dễ bị hình tù vì Thiên Hình chỉ hình phạt, bằng kỷ luật hay bằng tòa án. Cho dù Hình gặp Tuần hay Triệt, ngục tụng cũng khó tránh. Cũng đồng nghĩa đó nếu Hình đi với Thiên Tướng ở cung Quan. Nếu có thêm Thiên Khôi, sẽ có thể bị mất đầu. Những họa nói trên sẽ tránh được nếu đương sự bị đau phải mổ hay bị chết nhưng dù sao, Tướng Hình Khôi ở Quan bao giờ cũng đập nặng vào chức vụ: Thiên Hình ở Quan là hình thương đến công vụ. ý nghĩa này vẫn tồn tại nếu Hình đi chung với Liêm Trinh; với Quan Phù, Thái Tuế, Quan Phủ; với Hóa Kỵ; với Cự Môn hãm địa ...
Hóa Quyền, Thiên Hình hay Tuần, Triệt: Hóa Quyền tượng trưng cho quan tước, gặp Hình hay Tuần, Triệt thì có gián đoạn công vụ, thông thường là bị bãi nhiệm, bị đổi chỗ hoặc phải thôi việc. Nếu có chức phận cũng không giữ được lâu bền, phải từ bỏ vì một nguyên nhân nào đó. Những sao đồng nghĩa với Hóa Quyền mà gặp một trong ba sao này cũng rơi vào tai họa tương tự. Đó là các bộ sao: Quốc ấn, Thiên Hình hay Tuần, Triệt; Phong Cáo, Thiên Hình hay Tuần, Triệt; Thái Dương hãm, Thiên Hình hay Tuần, Triệt. Thông thường, ý nghĩa mất việc chỉ rõ ràng nếu bộ sao này đóng đồng cung ở Quan, nếu chỉ hội chiếu thì việc mất chức không rõ ràng lắm, có thể là tự ý thôi việc. Một số quý tinh khác như Thai Phu, Đường Phù gặp Tuần, Triệt hay Hình không đến nỗi nặng lắm, có thể có nghĩa như hụt thăng trật, hụt huy chương ...
Tuế, Đà, Kỵ: hội ở cung Quan chỉ mọi sự xui xẻo liên tiếp do sự tố cáo, chỉ trích, vu khống, xuyên tạc, đố kỵ, cạnh tranh làm cản trở bước tiến quan lộc, từ đó có thể đưa đến sự thôi việc, sự thay đổi công việc. Vì có Đà La, bộ sao này cho thấy có sự tranh cãi, gây lộn, ăn thua, khiếu nại, có khi ẩu đả giữa đồng nghiệp, xô xát với cấp chỉ huy để rồi cuối cùng gián đoạn công vụ.
b. Đè nén, đố kỵ
Phục Binh: điển hình cho sự hãm hại bằng thủ đoạn ngầm, sự đố kỵ, ghen ghét giữa đồng nghiệp hay giữa mình với cấp chỉ huy. Phục Binh còn có nghĩa âm mưu, kết bè, kết phái để đào thải, loại trừ đối thủ, có khi tổ chức phục kích, ám sát, thanh toán hoặc gài đương sự vào chỗ chết, chỗ kẹt, chỗ bị án, bị tù, bị quy trách. Thông thường, Phục Binh hay sử dụng mánh lới, thủ đoạn bất chính và bí mật để phá hoại đồng nghiệp, có khi liên kết với tòng phạm, bè cánh, tổ chức. Nếu có Tả Phù, Hữu Bật đi kèm thì nạn nhân phải chạm trán với cả một hệ thống chằng chịt bao gồm nhiều tay sai ở nhiều ngõ ngách, muốn khiếu nại cũng không được như ý, nhiều khi chẳng đi đến đâu.
Hóa Kỵ: chỉ đó kỵ, ganh ghét, cạnh tranh bằng thủ đoạn gièm pha, thêm bớt, thọc gậy. Hóa Kỵ là người bị nghi ngờ, bị theo dõi, bị để ý. Đi chung với Phục Binh, sự đố kỵ có tính cách ám hại, tầm thù, chẳng những bằng lời nói mà còn bằng hành động. Đi với Thiên Hình, Hóa Kỵ dễ sinh quan tụng, thưa gửi, khiếu nại, điều trần, cảnh cáo, khiển trách, ẩu đả lẫn nhau. Chỉ trừ khi đi với Thanh Long mới đẹp.
Thiên Không: chỉ phần tử lưu manh trong công/tư sở, chuyên môn phá hết kẻ này đến người khác, thọc gậy bánh xe, cản trở bước tiến của đồng nghiệp với ác tâm, có tà ý, âm mưu phá hoại. Bị Thiên Không, viên chức khó lòng ngóc đầu lên nổi, bị khép trong kỷ luật, khống chế, mình làm mà thiên hạ hưởng, bị cấp trên hay cấp ngang cướp công.
Đà La, Kình Dương: chỉ sự ngăn trở quan trọng vì ganh đua, cạnh tranh gay gắt. Tại vị trí hãm địa, đương số là nạn nhân của chia rẽ, phân hóa trong nghề nghiệp, làm việc nặng nhọc, gánh trách nhiệm mà bị tội vạ, hiểu lầm, khiển phạt. Những bạc bẽo của nghề thường do hai sao này quảng diễn.
Cự Môn hãm địa: đồng nghĩa với Hóa Kỵ nhưng nặng nề hơn. Con người Cự Môn cũng như Hóa Kỵ lúc nào cũng bất mãn, mưu tìm sự canh cải theo ý mình, không bảo thủ mà đấu tranh thay đổi thành phần bảo thủ. Nếu đắc địa thì việc đấu tranh có cơ hội thành công, trái lại, Cự Kỵ sẽ là nạn nhân của thái độ cấp tiến của mình, gánh lấy hậu quả của sự kìm chế, đè nén, cô lập. Đi chung với các sao ám khác như Thiên Không, Kình Dương, Đà La, Phục Binh, là những người hay kết bè kết đảng để đấu tranh. Nếu có sát tinh đi kèm thường có đổ máu, hình ngục, thanh toán, trả thù qua lại.
Tuế, Đà, Kỵ: tượng trưng cho những xui xẻo liên tiếp trong quan trường, trong nghề nghiệp, trong đó có sự đè nén, thị phi, gièm pha, đố kỵ.
Đại Hao, Tiểu Hao: đi chung với quyền, quý, dũng tinh, Nhị Hao thường chỉ sự sa sút hậu thuẫn, sự sút kém tín nhiệm, sự mất mát thế lực. Viên chức có Song Hao ở Quan, ngoài ý nghĩa hư danh, hư quyền, bị tổn thương uy tín, thất sủng, từ đó làm việc gì cũng không lâu bền, ở với ai cũng khó hòa hợp, có thể ngồi xơi chơi nước hay được giao những công việc chạy vặt, liên lạc, kém quan trọng. Về mặt tâm lý, Đại Tiểu Hao ở Quan còn chỉ những người đứng núi này trông núi nọ, bất mãn không khí đang sống, lúc nào cũng chực hờ, tìm chỗ tốt, chỗ bở, hay thay đổi chức vụ mà chũng chẳng hiển vinh gì bao nhiêu. Tính tình của Nhị Hao thường bất nhất, không bền chí, không kiên tâm tiến thủ trên cái gì đã có mà chỉ lo đổi chỗ để tìm lợi lộc, tìm thăng tiến. Nếu được đắc địa thì Nhị Hao có lợi hơn về mặt tài lộc, kinh nghiệm.
Thiên Khốc, Thiên Hư hay Tang Môn, Bạch Hổ: Trừ phi đắc địa ở Tý Ngọ, Khốc Hư ở Quan biểu tượng cho những ưu tư, lo buồn, hoang mang, sợ sệt khi hành nhiệm. Ngoài ra, còn có đặc tính bị khinh ghét, chê bai vì bất lực, bất hòa. Người có Khốc Hư ở Quan không thoải mái trong công việc, phải quan tâm lo lắng nhiều mối, vì nhiều lý do, có khi phải gánh chịu nhục nhã, xấu hổ bởi tai tiếng, bởi thị phi. Nếu đắc địa, các sao này chỉ uy tín và hoạt động chính trị cũng như năng tài hùng biện, giáo khoa, tâm lý chiến.
c. Bất dụng, sai dụng, thiểu dụng:
Lực Sỹ, Kình Dương: tượng trưng cho sự bỏ quên, việc ngồi chơi xơi nước, việc nghỉ giả hạn. Lực Sỹ chỉ tài năng, sự tháo vát, linh hoạt, lanh lợi đồng thời cũng ám chỉ thành tích, công lao, chiến tích. Kình Dương chỉ sự ngăn cản, trở lực, trục trặc trong công danh. Cả hai hội ý chỉ sự thi thố không hết mức tài năng, sự đãi ngộ bất xứng với thành tích, sự thiểu dụng, từ đó nảy sinh sự bất mãn, bất đắc chí. Kình Lực không nhất thiết ngụ ý người có tài mà lắm khi ngụ ý người tự cho rằng mình có tài, vì bị bạc đãi nên bất mãn. Kình Lực đôi khi chỉ tham vọng, sự cậy tài, sự ỷ lại quá đáng làm cho quần chúng ghét bỏ, xa lánh.
Thiên Mã, Tràng Sinh ở Hợi: Thiên Mã thông thường chỉ tài năng. Gặp thêm Tràng Sinh là có cơ may tiến đạt. Nhưng hiềm vì ở cung Hợi cho nên năng tài này bị chìm trong bóng tối. Đây là hạn người kém may, không có cơ hội thi thố được, hoặc chỉ có danh mà không có quyền, chỉ có hư vị hơn là thế lực, hoặc bị đặt vào chỗ tượng trưng để lợi dụng uy tín chứ không phải để hành sử quyền binh. Công lao của Mã Sinh ở Hợi thường chỉ ở trong bóng mờ, hay bị người khác lấn át. Nếu gặp Phục Binh, ngụ ý người có tài mà bị ruồng bỏ, bị gièm xiểm, bị đào thải ...
Thiên Mã, Tuần, Triệt: không chỉ tai nạn xe cộ mà chỉ sự bất dụng, sự thiếu may mắn trong nghề nghiệp, làm cái gì cũng thất bại, tai ương, xui xẻo khiến cho thượng cấp mất dần tín nhiệm, không dám giao phó đại sự. Cho nên, công danh của Mã, Tuần, Triệt tương đối nhỏ.
Lộc Tồn, Tuần, Triệt: Lộc Tồn cũng chỉ tài năng như Thiên Mã, đặc biệt là tài tổ chức, quyền biến, khai sơn phá thạch, có nhiều sáng kiến giải quyết mọi việc. Gặp Tuần Triệt, tài năng, cơ may bị tiêu tán. Đó là trường hợp những người bị thiểu dụng, bị uổng dụng, bị sai dụng.
Thiên Tài: đi chung với Nhật, Nguyệt sáng sủa sẽ làm mất đi sự tốt đẹp, làm giảm ánh sáng của Nhật, Nguyệt. Đó là trường hợp tài năng thiếu cơ hội.
Tại cung Quan vắng bóng những sao trợ quyền, những sao may mắn thì tài năng thường cô độc, thiếu người công lực, nâng đỡ, thiếu may mắn của thời cuộc. Đó là những sao Ân Quang, Thiên Quý, Tả Phù, Hữu Bật, Thiên Quan, Thiên Phúc, Thanh Long-Lưu Hà, Thanh Long-Hóa Kỵ, Thiên Mã-Tràng Sinh (trừ ở Hợi), Bạch Hổ-Phi Liêm, Tràng Sinh-Đế Vượng, Thiên Hỷ-Hỷ Thần, Tứ Linh, Tam Hóa ...
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Đoan Trang(##)