Một bài viết của tác giả Võ Văn Châu trình bày giới thiệu về 10 cuốn sách Tử Vi kinh điển thời hiện đại. Bài viết rất hay, giúp bạn một cách nhìn trong việc lựa chọn sách học Tử Vi.
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ VÕ VĂN CHÂU
Khoa Tử vi xuất hiện ở VN không phải mới mẻ gì nhưng thử tính đến nay có được bao nhiêu tác phẩm xuất hiện trước công chúng? Chỉ vỏn vẹn hơn 10 cuốn.
Với số lượng ít ỏi đó, người đang học hỏi, nghiên cứu tử vi lúc nào cũng cảm thấy không thỏa mãn, mặc dù các quyển lý số này từa tựa nhau trên căn bản lập số, đoán số nhưng cũng có những điểm đặc thù thích thú.
Trong tinh thần học hỏi để tiến bộ, người viết sẽ lần lượt phân tích dưới nhãn quan của người hậu học 10 tác phẩm sau đây:
- Tử vi chỉ nam của Song An Đỗ Văn Lưu
- Tử Vi bổ túc của Nguyễn Mạnh Bảo
- Tử vi Đẩu số tân biên của Vân Đằng Thái Thứ Lang
- Tử vi áo bí Hà Lạc Dã Phu Việt Viêm Tử
- Tử vi hàm số của Nguyễn Phát Lộc
- Tự tìm hiểu đời mình của Nguyễn Mạnh Long
- Tử vi nghiệm lý của Thiên Lương
- Tử vi Đẩu số toàn thư của Vũ Tài Lục
- Tử vi phú giải của Thái Vân Trình
- Tử vi dưới mắt khoa học của Vu Thiên Nguyễn Phát Lộc
Và cũng vì khuôn khổ hạn hẹp của tờ báo, người viết sẽ chỉ ghi lại những nét đại cương của từng tác phẩm với hậu ý tóm tắt toàn bộ vấn đề hầu quý độc giả thưởng lãm trong mùa xuân Ất mão 1 cách trọn vẹn.
Đó là điều mong muốn của mọi người, ở năm này, các nhà Tử vi lẫy lừng phổ biến các bí quyết, các kinh nghiệm, các tuyệt chiêu cho dàn hậu bối thụ hưởng qua các soạn phẩm tử vi mà các vị còn ôm ấp, còn luyến tiếc, còn mơ màng thời vàng son rực rỡ.
1. TỬ VI CHỈ NAM – SONG AN ĐỖ VĂN LƯU
Đây là quyển sách lâu đời, ra đời năm 1934 và tái bản lần thứ 3 năm 1957, đến nay kể như tuyệt tích trên thương trường.
Tác giả kể lại hoàn cảnh tin số mệnh, tìm hiểu số mệnh để rồi biết số mệnh và long nhiệt thành, quyển sách này mới ra đời.
Toàn bộ Tử vi chỉ nam gồm có 3 quyển, có tất cả 236 trang. Với số trang khiêm nhượng trên, độc giả không phải thất vọng vì được tác giả hướng dẫn cách thức an sao lập số, cách đoán tử vi trên các cung số rõ ràng, đầy đủ, trọn vẹn. Và với 32 lá số mẫu, tác giả giúp cho ta thấm nhuần phương pháp giải đoán thông thường mà mỗi người học số đều phải vượt đến.
Ở tác giả, ta thấy tác phẩm có lời văn bình dị, mộc mạc mà người đọc cũng thâu nhận dễ dàng, tuy rằng sự xếp đặt thứ tự các mục chưa được khúc chiết cho lắm, còn nhiều lẫn lộn. Điều đó không đáng kể vì người ta chỉ cần cha đẻ của đứa con tinh thần đó thật tâm truyền thụ cho đứa con xứng đáng, danh dự phô trương với đời. Có lẽ trong kinh nghiệm tìm kiếm thầy hay mà tác giả cay đắng gặp phải nên ở tác phẩm này, các tinh hoa của nền học thuật Đông phương cổ cộng với kinh nghiệm hành nghề, được cụ dốc hết tâm ý giãi bày cho hậu thế thưởng lãm. Vì vậy, sách TVCN đã tiết lộ thêm nhiều tình tiết Thái tuế từng năm (trang 170), xem số trẻ con (trang 121) nhất là bang bạc các trang của quyển thứ 3.
Dẫu biết rằng các cách đặc thù kể trên đều được tiền nhân kê cứu sẵn nhưng thử hỏi các tác phẩm Tử vi hiện thời đã có mấy quyển “xì” các bí quyết đó ra?
Thế cho nên, với số sách hạn chế trong Tử vi, ta sẽ còn phải đắn đo chọn lựa và chắc hẳn rằng sách xem được dung nghiên cứu được sẽ không vượt quá số đầu ngón tay.
Một dịp nào thuận tiện, chúng ta sẽ phân tích tận tường các nguyên nhân thúc đẩy đến tình trạng nghèo nàn nhất, bi thảm nhất của làng Tử vi VN.
2. TỬ VI BỔ TÚC – NGUYỄN MẠNH BẢO
Tôi được biết 1 sĩ quan QLVNCH đã thuộc làu các bài thơ trong quyển Tử vi bổ túc này, mặc dù ông không biết tử vi là gì. Được hỏi lý do, ông cho biết rằng tại thể thơ hợp với sở thích, vì vậy ông đọc tới đọc lui lâu ngày nên thuộc
Nói như vậy để độc giả thấy rằng quyển TVBT ít ra đã làm hài lòng giới hâm mộ thi phú và người học hỏi tử vi sẽ thích thú khi đọc qua tác phẩm này. Các câu phú trên do Ma Y lão tổ trước tác và cụ Lê Quý Đôn diễn giải ra quốc âm với hơn 400 cách lý đoán mà phần nhiều đề cập đến các bàng tinh.
Nhiều lúc gặp thầy giải đoán chuyên chú, má sát vào các chính tinh, tôi đâm ra nghi ngời sự diệu dụng của khoa Đẩu số vì với 14 chính tinh vận hành trên 12 cung số dĩ nhiên sự khác biệt sẽ bị thu hẹp rất nhiều, sự trùng hợp do đó sẽ xảy ra. Tôi cùng các bạn hữu bèn quay qua quan sát các sao nhỏ, tuy gọi là không quan trọng nhưng thật ra chúng đã từng làm đảo lộn thế cờ giải đoán. Quyển sách này đã trợ giúp chúng tôi đắc lực và trong 183 trang, chúng ta được đọc qua phần Tử vi tổng luận phú, các sao đắc hãm tại 12 cung, luận Mệnh viên nam nữ….tạm gọi khá đầy đủ để bổ túc them kiến thức đẩu số toàn vẹn, nhất là bổ túc cho quyển tử vi đẩu số cùng tác giả
Công cuộc sưu tầm của tác giả thật tỉ mỉ và quan trọng với sở nguyện khoa học hóa môn tử vi, đemmôn lý học này phổ biến cho ngoại quốc, thì với ấn bản trên làm vững niềm tin cho đám hậu học chúng ta khá nhiều, xem như là 1 tài liệu khả tín, ứng dụng chính xác vào bản số.
Tiếc thay, trong giờ phút này, người thừa kế không tiếp tục toàn vẹn hóa khoa Tử vi như ý nguyện của tác giả mà hình như hững hờ trước việc làm của tác giả khiến cho người thích nghiên cứu phải dò dẫm trở lại từ con số 0.
3. TỬ VI ĐẨU SỐ TÂN BIÊN – VÂN ĐẰNG THÁI THỨ LANG
Chúng ta dành 1 phút để tưởng niệm linh hồn cụ Vân Đằng Thái Thứ Lang đã tử nạn lưu thông, trước khi xem lại Tử vi của người.
Ta thấy tác phẩm của cụ từng ghi “Tham Lang ngộ Bạch hổ: phải phòng cá thú cắn”. Đối với ngày nay, ác thú của loài người không phải cọp beo vô uy lực trong các chuồng ở vườn Bách thú mà chính là các xe cộ qua lại như mắc cửi hung hãn hơn vị hung thần.
Thành ra những quan niệm xưa áp dụng vào thực tế ngày nay phải thay đổi theo từng thế hệ, từng thời đại trên chiều hướng tiến bộ của loài người. Khi đọc tác phẩm này, trong tinh thần mới đó, chúng ta sẽ dễ dàng thâu nhận các tinh hoa của khoa Tử vi vậy.
Sách phân là 3 phần: Lập thành; Luận đoán tổng quát; và Luận đoán vận hạn.
- Ở phần 1, chắc rằng mọi người đều đã rõ. Chỉ riêng đại mục lý giải ngũ hành, Can chi, biên giả cũng như hầu hết các tác giả khác ghi ra lấy lệ chứ không nói rõ công dụng của nó sinh, khắc, hòa hợp với nhau như thế nào trong tử vi. Một dịp nào đó, ta sẽ bàn chi tiết hơn vấn đề này
- Trong phần 2, ta sẽ lưu ý đến phần hướng dẫn của tác giả khi luận đoán 1 lá số. Đây là căn bản nhập môn mà í tai chịu hướng dẫn rạch ròi, đầy đủ mà áp dụng khá chính xác. Nói về tính lý các sao, biên giả sắp xếp thật phân biệt, kỹ lưỡng và phối hợp khá đầy đủ 1 cách đơn giản (kết hợp 1 số ít sao để luận) cũng như phụ luận các cung số qua kinh nghiệm của cụ, đã rộng mở đường hiểu biết của độc giả không phải nhỏ.
- Tại phần 3, phần quan trọng khả dĩ hướng dẫn 1 bộ óc thông minh trung bình tạm thời giải đoán khá ổn thỏa, đúng phương pháp sau 1 thời gian ngắn theo dõi tác phẩm này.
“Tôi học ít. Sự suy xét còn nông cạn…Nhưng với tấm long thành muốn góp 1 phần nhỏ vào công việc phổ biến tử vi đẩu số, tôi mạo muội biên soạn và đưa xuất bản cuốn sách này”. Ai lại không phục lời nói khiêm cung, hòa nhã của cụ Vân Đằng? Trước 1 nhiệt tình đầy dẫy, trước 1 người hữu công đã khuất, tôi mạo muội dừng bút nơi đây mà chưa vội lạm bàn đến các khiếm khuyết của tác phẩm.
4. TỬ VI ÁO Bí – HÀ LẠC DÃ PHU VIỆT VIÊM TỬ
Nhìn qua quyển sách dày như quyển tự điển, với tên đề, ta thấy tử vi sẽ ảo diệu bao nhiêu, sẽ ngăn chùn bước chân chập chững vào vườn hoa lý số của bao người.
May mắn thay, nhìn vào trang cuối, ta thấy tác giả để địa chỉ liên lạc hầu giải quyết các thắc mắc của độc giả ham tìm tòi. Tôi chưa có dịp tìm đến cụ Hà Lạc, tuy nhiên tôi cảm thấy vui sướng khi tác giả làm việc đó mà các tác giả khác, các soạn giả, biên giả khác chưa hoặc quên làm. Tôi có cảm tưởng họ buông thả đứa con tinh thần của họ, mặc sống chết ra sao, cũng chả cần biết đến hậu quả hành động của chúng hữu ích hay tác hại (?) để gánh lấy 1 phần hãnh diện hay trách nhiệm.
Trở về nội dung của tác phẩm, ta thấy tác giả thực sự chỉ dẫn độc giả phương pháp lập thành lá số, nhưng lại dài dòng ở chương 2. Nhưng ta phải thành tâm nhận xét rằng, với chương 3, chương đặc biệt hơn tất cả, tác giả đã phân tích các quan niệm an sao của các hệ phái để cuối cùng dứt khoát nên chọn con đường nào hợp lý nhất để đi, nhất là cách an Vòng Tràng Sinh. Tại chương 8 và 9, tác phẩm giúp ta nắm vững các cách của đẩu số, vận hành và tương quan 12 cung đối với mệnh viên.
Nhìn chung, quyển Tử vi áo bí có 1 trình độ cao hơn các quyển đồng loại khác: độc giả muốn nghiên cứu thông đạt ắt hẳn phải có 1 kiến thức dồi dào về môn lý số này vì có nhiều chủ đề (ví như Ngũ hành) tác giả quảng diễn thiếu khúc chiết, mạch lạc và chân thực, từng gây lung túng cho độc giả không ít. Sự chủ quan của cụ hà Lạc trong các cách giải thích rườm rà hẳn phát sinh trong đầu óc người xem những nghi vấn cần được giải tỏa
Và cũng như đa số tác giả khác, những “tại sao như thế này…” không được cụ hướng dẫn kỹ càng, thành ra đọc xong, ta chấp nhận như là 1 kết quả thực tế kinh nghiệm chứng minh chứ không thể tìm đến chân lý của vấn đề.
5. TỬ VI HÀM SỐ - NGUYỄN PHÁT LỘC
Non 500 trang, do Khoa học Nhân Văn xuất bản năm 1972, Tử vi hàm số được sắp xếp thật khoa học, giúp cho người nghiên cứu nắm vững các vấn đề phiền toái của môn tử vi học.
Đặc biệt, tác giả nêu ra qui tắc luận đoán 1 lá số thật cầu kỳ, tỉ mí, đầy đủ khiến cho ta cảm thấy rằng khoa lý học này rất toàn vẹn, toàn bích và đâm ra ngỡ ngàng trước kiến thức hạn hẹp của mình. Thật vậy, tôi đã từng nhìn thấy 1 nhà tử vi thiết lập lời giải đoán dài 100 trang giấy học trò, cũng chưa đủ các yếu tố cần thiết như tác giả đã trình bày. Thế mới biế, tử vi là bao la, rộng lớn đến dường nào?
Trong phần luận thuyết về Hàm số tử vi được xem như 1 chủ đề mới mẻ, trong đó, bao giờ tác giả cũng lưu ý đến cung Phúc đức, 1 cung có giá trị tột độ ảnh hưởng mật thiết với các yếu tố khác. Đây là phần có giá trị thiết thực như 1 tài liệu tham khảo mà mọi người không thể bỏ qua được.
Tiếc thay, đôi lúc tác giả tự mâu thuẫn với mình vì quá mê say phối hợp các hệ phái tử vi khi chứng minh rằng tử vi không thần quyền mà tại phần tính lý các sao, ông lại rơi vào các điều thần bí mà ông bài bác ở trên.
Tiếp đến là phần ý nghĩa các chính và phụ tinh, ta thấy tác giả đã công phu sưu tầm, biên khảo với kinh nghiệm dồi dào, sắp xếp mạch lạc, giúp cho những ai muốn rạch ròi phân biệt khi nghiên cứu, học hỏi tử vi.
Tác phẩm TVHS có 1 giá trị khá cao trong làng sách hiện hành và người muốn tham khảo môn này, ít nhất phải có quyển sách này làm căn bản tối thiểu để tiến tới, tuy rằng nó có khuyết điểm cố hữu ở sự gán ép của tác giả khiến cho ta không nắm vững vấn đề hoặc làm thừa thãi ở sự phối hợp các sao.
Dù sao, quyển TVHS vẫn còn thiếu sót như tác giả mặc nhiên thú nhận: phải có quyển Tử vi tổng hợp (chưa xuất bản) mới định rõ giá trị thật sự của tác phẩm này được
6. TỰ TÌM HIỂU ĐỜI MÌNH – NGUYỄN MẠNH LONG
Sách do hương Giang ấn hành năm 1971 với giá đề 400 đồng, dày 350 trang, khổ nhỏ. Đây là quyển sách có thể gọi là tiêu chuẩn sơ cấp cho những ai mới có dịp tìm hiểu tử vi đẩu số, vì với lối hành văn giản dị, dễ hiểu, với cách an sao rút gọn thành hệ thống đồ bản sẽ giúp hoàn thành 1 lá số rất dễ.
Tác giả hướng dẫn cách luận đoán tạm thời bản số tử vi qua các cách cục xấu tốt, thuận nghịch, sinh khắc giữa ngũ hành bản mệnh, cục, sao cung. Tác giả bàn qua đặc tính tổng quát của các sao chính, phụ ứng chon am mệnh, nữ mệnh và vận hạn kèm theo 1 bản phụ giải về phú đoán, căn bản cố truyền của các nhà lý số dung trong việc đoán số.
Có thể nói, tác phẩm bao gồm đầy đủ các yếu tố cần thiết cho các truyền nhân của lão tổ Trần Đoàn.
Như đã nói trên, quyển sách này là căn bản sơ đẳng của người mới nhập môn nên dĩ nhiên còn thiếu sót rất nhiều từ cách kết hợp các sao đến việc trưng bày lá số mẫu. Muốn tiến hơn, người học cần phải trau dồi them ở các quyển tử vi khác, ở các kinh nghiệm bằng hữu, ở chiêm nghiệm thường xuyên, ở sự tiếp thu chân thành của mình.
Đó là chưa kể các vấn đề cần xét lại (tương sinh giữa mệnh và cục – trang 47 – hành mệnh và hành sao – trang 48-) hoặc thiếu sót (tính lý các sao tại các cung, ảnh hưởng ngũ hành Can chi ứng dụng vào tử vi,,ục lục…) hoặc cẩu thả (in sai, thứ tự sắp xếp các trang, sự sắp xếp các đại tiểu mục…).
Được thừa hưởng di sản của nhà tử vi tăm tiếng 1 thời, GS Nguyễn Mạnh Long hẳn đã góp phần vun vén, tái bồi cho khoa mệnh học chưa được xứng ý cho lắm.
7. TỬ VI NGHIỆM LÝ – THIÊN LƯƠNG
Chúng ta chưa thấy quyển tử vi nào được giới thiệu nhiều, bàn luận nhiều như quyển Tử vi nghiệm lý của cụ Thiên Lương, kể cả các quyển ấn hành đồng thời hoặc trước đó.
Không phải là ân sủng, đặc quyền. Quyển sách có 1 điểm đặc dị: phát kiến vòng Thái Tuế để nghiên cứu tính tình con người qua lý số. tương lai, những nhà nghiên cứu con người ắt hẳn không thể bỏ qua việc phối hợp tử vi vào các phương pháo và phương tiện khảo cứu sẵn có được.
Tuy rằng trên căn bản, các phát kiến của Thiên Lương không có gì sai lạc ý hướng cổ nhân, nhưng phải coi rằng nó mới lạ và giản dị, dễ hiểu và dễ ứng dụng vào các lá số không sai chạy. Kinh nghiệm đó tác giả không bắt buộc ta phải chấp nhận như 1 tín điều. Sự kiện này nếu có dịp tiếp xúc với tác giả, ta sẽ thấy ngay ý tưởng chân thành biểu lộ sự thanh cao, bất vụ lợi của tác giả. Nhưng khi đọc xong, ta vẫn khả chấp như 1 tin tưởng rằng Tử vi không đến nỗi mù mờ, dành đặc quyền cho 1 hạng người nào và cho ta thấy tính lý con người, thời vận hưng khởi hoặc suy tàn để tri thiên mệnh, để biết người biết ta. Hay ho là chỗ đó! Thâm thúy là nơi đó!
Tác giả đã không minh chứng các điều phát minh 1 cách rõ ràng làm đa số độc giả khó thâu nhận kịp thời các nguyên tắc lý số, nhưng bang bạc các lá số danh nhận ở phần thứ nhì của tác phẩm vừa giúp kinh nghiệm giải đoán, vừa áp dụng tức thời các nguyên tắc tìm thấy ở phần thứ nhất.
Ước mong rằng quyển TVNL ra đời là nguồn phấn khởi cho bao người còn nặng mang “bí kiếp” hãy mau mau cống hiến cho đời kẻo mai một – sự mai một đã được chứng minh cụ thể cho nền học thuật tử vi ngày nay – cho bao người đang lăm le hoặc đã nhúng tay vào nghiệp dĩ lý số có dịp ngắm các khám phá thực tiễn, các nguyên lý tối vi, các kinh nghiệm quý giá để nân cao đất đứng cho môn tử vi, để cởi bỏ lớp áo huyền vi của khoa đẩu số.
8. TỬ VI ĐẨU SỐ TOÀN THƯ – VŨ TÀI LỤC
Ngay lời dẫn, dịch giả đã giúp ích nhiều cho kiến thức của chúng ta về môn Tử vi học và đi đến kết luận rằng, con người dù sao cũng bị số mệnh chi phối và biết số mệnh không phải là vô bổ, là huyễn hoặc, là hạ cấp vì “bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử”.
Ở đây ta thấy Vũ Tài Lục dịch và bình chú cuốn TVĐSTT của Trần Đoàn do La Hồng Tiên biên soạn, cùng bổ túc thêm vào ít khám phá mới của các tác giả khác. Vì thế ta có dịp biết tử vi qua truyền thuyết dân gian mà các sao được gán ghép qua các nhân vật truyện Phong Thần (nhưng nguyên bản Phong Thần, các sao được hình dung qua các nhân vật khác với của dịch giả). Dù là huyền thoại nhưng xem qua cũng thấy hay hay: ta có thể suy nghiệm kết quả các cuộc đấu chiến của các nhân vật trong truyện để luận đoán sao thủ Mệnh gặp sao nào ở vận hạn là khắc chế, thắng bại, tiền hung hậu kiết…
Dịch giả đưa ra 1 nghi vấn cho rằng trong TVĐSTT chỉ có 85 sao trong khi Tử vi Việt có đến 104 vị. ông cho rằng chỉ sao Đào hoa là có giá trị, còn các sao kia là gượng ép trong khi ông không rõ do đâu có sự sai biệt lượng số các sao. Thành ra ta phải dung thực tế, dung sự thật để chứng tỏ rằng các sao của Tử vi Việt không phải không có giá trị,chứ không thể căn cứ vào 1 quyển sách nhập cảng để bác bỏ đồ nội hóa vì luật sinh tồn từng hung hồn minh chứng rằng cái gì vô giá trị sẽ bị thải hồi qua thời gian như 1 số sao ta từng thấy, như các sao Mệnh chủ, Thân chủ.
Thiết tưởng sách TVĐSTT ra đời cũng chỉ góp phần vào vườn hoa tử vi thêm 1 loài hoa mới. Chúng ta phải áp dụng để chiêm nghiệm hơn là mặc nhiên chấp nhận như 1 chân thư. Đừng vì 1 lời nói, đừng vì 1 nhãn hiệu mà bài bác, phá hủy công trình nghiên cứu của làng tử vi Việt. “Thức đêm mới biết đêm dài”, “đường dài mới biết ngựa hay” có lẽ áp dụng được vào các mâu thuẫn của quyển sách này với các soạn phẩm tử vi của người Việt.
9. TỬ VI PHÚ GIẢI – THÁI VÂN TRÌNH
Hầu hết các quyển tử vi hiện hành, không nhiều thì ít, cũng có ghi ở phần phụ lục các câu phú của cổ nhân. Tất nhiên các câu phú được sao lục lại đó có thiếu sót.
Và quyển TVPG ra đời nhằm mục đích kết hợp các câu phú của mọi hệ phái lý học, giúp cho độc giả đỡ công tìm tòi, truy lục.
Sở dĩ tôi ke quyển TVPG này vào 1 trong 10 quyển sách tử vi hiện đại là vì căn bản xem số của các nhà tử vi đều lấy các câu phú làm tiêu chuẩn ứng dụng vào bản số. Tất cả cho rằng các sách vở hoặc bị ngoại nhân cướp đoạt nên các nguyên tắc về tử vi khó long ghi chép được đầy đủ để lưu tuyền đến nay. Do đó, đa số còn bám víu, tin tưởng vào chiếc phao cuối cùng do sự giáo luyện truyền khẩu các bí quyết lý số bằng những bài văn dễ nhớ, dễ thuộc: các câu phú vì lẽ ấy được các vị sư phụ chiếu cố kỹ cảng, tìm hiểu thâm sâu để truyền lại cho môn đệ có những miếng nghề tin tưởng hơn các lò khác.
Tuy nhiên, tin vào các câu phú cũng y như sử dụng con dao 2 lưỡi: lợi cũng nhiều mà hại cũng không ít (Cụ Phong Nguyên đã dẫn giải khá nhiều trên KHHB về các câu phú). Nói như thế để cho độc giả ước định được sự thật của vấn đề không có gì tuyệt đối cả. Cùng 1 câu phú, nhưng 2 ông thầy sẽ giảng giãi khác tùy theo kinh nghiệm giải đoán cũng như trí linh mẫn của mỗi người khác nhau. Điều này chúng ta sẽ nhận thấy rõ ràng trong quyển sách trên với lối ghi chú gượng ép, mơ hồ, đôi khi tối nghĩa.
Thái độ dè dặt của ta khi dung sách là điều cần có trước tiên, vì áp dụng phú vào mỗi lá số không phải công việc thay các con số vào công thức của toán học được.
Sách có giá trị ở công trình sao lục chứ chưa bày tỏ được quan điểm của soạn giả.
10. TỬ VI DƯỚI MẶT KHOA HỌC – VU THIÊN NGUYỄN ĐẮC LỘC
Thiếu quyển sách này là 1 thiếu sót trầm trọng cho kiến thức hạn hẹp về tử vi của ta hiện tại chỉ thuần về huyền bí, vì chưa có ai giải thích tại sao con người lại chịu ảnh hưởng mật thiết của các dữ kiện được gọi là “Sao” đó, tại sao ông sao này lại an thế này, ông sao kia lại an thế kia…?
Sử dụng tử vi ngày hôm nay cũng giống như mình sử dụng chiếc xe hơi, sử dụng hột gạo để nấu cơm, sử dụng căn nhà để ở chứ không quay về nguồn xem cách thức cấu thành chiếc xe hơi thế nào, xem các giai đoạn trồng trọt cây lúa ra sao…
Tác giả Vu Thiên đơn phương làm công việc về nguồn đó sao cho hợp với quan điểm của Hi Di Trần Đoàn mà không xa rời khoa học hiện đại. ông đã thành công 1 phần công trình nhiêu khê trên.
Việc chấp nhận hay không sẽ là 1 đề tài dài làm tốn bao nhiêu giấy mực của người ham học hỏi, thích nghiên cứu trước vấn đề mới mẻ này. Tại tác phẩm, tác giả có những quan niệm về an sao lập số đặc dị hơn các sách mà ta có trong tay. 1 cuộc cách mạng tử vi để thay đổi quan niệm lỗi thời, cũ rích ắt không phải là con đường xa lộ dẫn đến mục tiêu. Bởi 1 vấn đề nho nhỏ là ngũ hành các sao của các môn phái tử vi đương thời còn là 1 hố cách biệt thay huống hồ là công tác trọng đại này.
Tuy nhiên, năm này ta chưa cải cách được thì 10 năm, 20 năm sau giới trẻ chúng ta sẽ lại bắt tay vào công cuộc khám phá nối tiếp công trình của tác giả để khoa học hóa môn tử vi, đưa nó vào chương trình giáo dục văn hóa đặc thù của dân tộc Việt. âu cũng là 1 phương thức cải cách đời sống tinh thần của người VN cho hợp lẽ tự nhiên của tạo hóa mà tác giả đã bắt đầu gieo cuống nó 1 hạt giống rồi vậy.
Qua 10 tác phẩm tử vi, chúng ta vừa phớt qua trên căn bản tổng quát, ta thấy 10 tác giả là 10 quan niệm khác nhau do kinh nghiệm, do bí truyền, do sáng kiến của cá nhân. Thành ra khoa Tử vi thật sự chỉ cống hiến cho đời 1-2 khía cạnh tầm thường nặng về quyền lợi vật chất, nặng về danh quyền khoa bảng, nặng về cá nhân phù du (ba vạn sáu nghìn ngày là mấy?), và dưới nhãn quan của dân chúng, thầy tử vi được đồng hóa …
Theo tạp chí Khoa Học Huyền Bí
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Ngọc Sương (##)