Bi hài chuyện xông đất ngày Tết
Tết năm ngoái, Hoàng (19 tuổi, tập thể Đại học Bách Khoa, Hà Nội) đi chơi với bạn gái từ chiều tối 30. Hết ngắm hoa, ngắm phố, họ lại đến một cuộc nhậu linh đình với nhóm bạn. Ăn uống hát hò đến 10 giờ đêm, cả hội phóng ra đường, rồi chen chân trong đám đông đón giao thừa và xem bắn pháo hoa. 1h sáng, mệt phờ, Hoàng từ chối lời rủ rê đi chơi tiếp của đám bạn, về nhà để ngủ.
Nhưng vừa dừng xe, cậu đã nghe tiếng mẹ nói vọng xuống rằng cậu chưa được vào nhà, vì ông anh trai, người có nhiệm vụ xông đất năm nay, vẫn chưa về: “Con chịu khó đi loanh quanh đâu đó chơi thêm lát nữa đi. Năm nay thằng Hưng hợp tuổi, nó xông đất cho may mắn, nhé”. Hoàng rút điện thoại gọi anh thì được trả lời: “Anh về ngay đây, 15 phút nữa có mặt”. Cậu đi loanh quanh một lát rồi quay lại, mẹ vẫn chưa cho vào. Lại gọi điện cho anh, lại được hứa về ngay, cứ thế mãi đến 2h30, Hoàng mới được vào nhà khi ông anh ham vui về xông đất.Hầu như các gia đình Việt Nam đều quan tâm đến chuyện xông đất đầu năm, với quan niệm người đầu tiên bước chân vào nhà mình sẽ đem đến điều may hoặc rủi trong suốt cả năm, tùy thuộc vào việc họ có “tốt vía”, có hợp tuổi, hợp mạng với gia chủ hay không. Nhiều người rất cầu kỳ trong chuyện chọn người xông đất, và thực sự sợ hãi nếu người đầu tiên đến nhà mình trong năm mới lại không được như ý. Điều này dẫn đến lắm chuyện buồn cười như trường hợp của Hoàng.
Đối với Kiên, 25 tuổi, sống ở Thanh Xuân, Hà Nội, chuyện xông đất năm ngoái lại là một kỷ niệm vui. Là người độc thân, quê ở xa, bố mẹ đã qua đời nên anh không về quê mà đón năm mới ở Hà Nội. Cũng vì lý do này, một đồng nghiệp mời anh xông đất và ăn Tết cùng gia đình ở Hoàng Mai. Đêm 30 là phiên trực của người bạn này, anh ta dặn: “Cậu cứ đến đi, tớ đã dặn cả nhà rồi. Sau giao thừa vài tiếng tớ sẽ trốn về”.
Theo hướng dẫn của bạn, Kiên vào ngõ rồi đến ngách, loanh quanh mãi mới đến đúng số nhà được dặn, bấm chuông gọi cửa. Một cậu bé chạy ra hớn hở: “A, chú là bạn của chú cháu, đến xông đất phải không ạ?”. Đoán đây là đứa cháu mà bạn vẫn kể, Kiên tươi cười gật đầu. Anh vào nhà chúc mừng năm mới, rồi cùng uống sâm banh, nói chuyện rôm rả. Lát sau, anh con trai trở về, cả nhà ồ lên vui sướng, lại rót sâm banh. Trước lúc cụng ly, anh ta bảo bố mẹ giới thiệu khách, lúc đó ai nấy mới ngớ người ra. Hỏi lại, hóa ra vì nhà bạn Kiên ở quá sâu, đường lại quanh co nên sau khi đi vòng vèo, anh vào đúng số nhà nhưng lại là của một ngách khác.
Sau phút ngỡ ngàng, ai nấy lại nâng ly chúc mừng cho cuộc kỳ ngộ. Hai chàng trai trẻ làm quen, nói chuyện khá ăn ý. Kiên đang định nhờ hướng dẫn cho địa chỉ mình cần đến thì có điện thoại: “Cậu đang ở đâu đấy? Sao giờ này còn chưa tới”, anh chàng đồng nghiệp thắc mắc. Anh ta vô tình đã trở thành người xông đất ngoài dự kiến bởi về đến nhà vẫn chưa thấy bạn đâu.
“Lúc biết mình nhầm, tôi ngượng chín cả mặt. Nhưng hóa ra đó lại là duyên lành đầu năm, vì tôi có thêm một người bạn, một gia đình thân thiết”, Kiên tâm sự.
Đối với phần nhiều gia đình Việt Nam khác, xông đất chỉ đơn thuần là một mỹ tục có ý nghĩa tượng trưng, không đặt nặng chuyện chọn người. Ông Cường, sống ở Sơn Tây, Hà Nội, nói: “Năm nào nhà tôi cũng phân công thằng cháu nội xông đất. Tôi không biết tuổi nó có hợp không, nhưng vì cả nhà quý nó nhất nên dành cho nó cái vinh dự ấy. Vả lại, nó đáng yêu như thế, không thể đem đến điều xấu được”.
Còn chị Mai, nhà ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, cho biết năm nào nhà chị cũng phân công một ai đó trong gia đình xông đất, nhưng nhiều khi vì chuyện nọ chuyện kia nên sự việc xảy ra không như dự kiến. “Có khi người xông đất là họ hàng, hoặc bạn của chú em chồng. Nhưng là ai thì cả nhà cũng đều niềm nở đón tiếp. Đầu năm có khách đến chơi là quý lắm”.
Và với thái độ này, cả người xông đất lẫn gia chủ đều vui vẻ, nhẹ nhõm, sự may mắn trong năm mới cũng theo đó mà đến.
(Theo Zing.vn)
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Trúc Loan (##)