Nguồn gốc Tam đa Phúc - Lộc - Thọ
Do ảnh hưởng giao lưu về kinh tế, văn hóa trong lịch sử, cho nên một số phong tục tập quán của Trung Hoa được cha ông ta khơi trong gạn đục, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác, làm giàu có, phong phú hơn đời sống tâm linh, tinh thần. Trong những tục lệ đó có tục lệ thờ Tam Đa.
Tam đa là gì? Bắt nguồn từ đâu? Có nguồn gốc xuất xứ như thế nào? Ý nghĩa ra làm sao?
Xin thưa, Tam đa chính là ba ông Phúc, Lộc, Thọ mà nhân dân ta vẫn hay treo tranh đặt tượng để thời theo phong thủy. Bàn về nguồn gốc xuất xứ của ba vị thần này thì có hai thuyết.
Thuyết thứ nhất bắt đầu từ thời thượng cổ Trung Hoa, giai đoạn đăng cơ trị vì của Hoàng đế Nghiêu. Sử sách Trung Hoa, hay các truyền thuyết ghi lại rằng. Vua Nghiêu là một bậc thánh đề, hiền minh sáng suốt, ông có công lao rất lớn, trong lịch sử Trung Hoa. Dưới thời kỳ trị vị của ông, khắp cõi Hoa Hạ không bị chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch tàn phá. Cuộc sống nhân dân no ấm đầy đủ, ngoài đường người ta không nhặt của rơi, đêm ngủ không cần đóng cửa. Vì trái tim nhân ái, và trí tuệ thần thánh của mình Vua Nghiêu mang lại sự no ấm, thái bình thịnh trị, hạnh phúc, an lạc của muôn dân. Trong Nho giáo, hay trong văn học cổ điển có những câu ca ngợi thời kỳ huy hoàng của nhân dân Trung Quốc thời kỳ đó và nó trở thành một niềm khát vọng, mơ ước của tất cả mọi thời đại.
Một năm, vào dịp Tết, Vua đi tuần thú để xem cảnh núi non và thăm hỏi cuộc sống của trăm họ. Có một viên đại thần yết kiến và chúc vua: Đa phúc, sinh được nhiều con trai ! Đa lộc, giàu có thịnh vượng, nhiều của cải ! Tuổi thọ, sống lâu muôn tuổi…!
Vua nghe vậy và than rằng: Nhiều con trai thì sẽ phải lo lắng nhiều. Nhiều của cải thì sẽ phải suốt ngày bận rộn, chẳng phút thảnh thơi (quản lý và phát triển để nó sinh lời). Sống càng lâu, thì càng phải trải nghiệm nhiều, tâm tư nhọc nhằn lo toan, mặt mày dầy dặn. Vua không nhận lời chúc đó, mà nhường lời chúc đó cho muôn nhân trăm họ.
Từ đó nhân dân Trung Hoa có tục lệ thờ Tam đa, tức là thờ ba ông Phúc, Lộc, Thọ.
Thuyết thứ hai cho rằng: Ba ông Phúc – Lộc – Thọ là ba nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa, khi mất được nhân dân tôn làm thần và thờ phụng.
Ông Phúc: Là nhân vật lịch sử Quách Tử Nghi.
Chân dung Phần Dương vương - Quách Tử Nghi
Quách Tử Nghi sống vào thời nhà Đường. Ông sinh năm 697, mất năm 781. Xuất thân trong một gia đình quý tộc. Ông làm quan dưới 4 đời vua Đường Huyền Tông, Đường Túc Tông, Đường Đại Tông và Đường Đức Tông. Ông được phong là Phần Dương vương, có công dẹp loạn An Lộc Sơn – Sử Tử Minh, chống lại sự xâm lấn của bộ tộc Thổ Phiên…
Sinh thời ông là một viên tướng thao lược, dũng mãnh nhưng ông cũng là một người không chủ chiến, thường dùng ngoại giao hay mưu lược để thắng giặc, hạn chế tổn thất về xương máu cho binh sỹ hai bên. Không chỉ là tướng tài, ông còn là một viên đại thần có tài lương đống, kinh bang tế thế, giúp vua sủa sang về chính trị, phát triển về kinh tế. Về đời sống hàng ngày, dù xuất thân là quý tộc, ruộng vườn thẳng cánh cò bay, của cải rất nhiều, địa vị cao trong triều đình, nhưng ông luôn có nếp sống, giản dị, tiết kiệm và khiêm tốn. Cựu Đường thư ghi lại về ông rằng: “Công lao trùm thiên hạ mà chủ không nghi ngờ. Địa vị vượt muôn người mà không ai đố kỵ”.
Quách Tử Nghi trên sa trường
Ông mất khi ngoài 80 tuổi, con cháu rất đông đúc, nhiều người là nhân tài, trụ cột của quốc gia. Có tới 8 người con trai, có người làm phò mã trong triều, và có cả cháu chắt. Người như ông, công danh phúc quý đều song toàn, cuộc sống cuối đời lại được dự khán sự trưởng thành của con cháu, được con cháu chăm sóc chu đáo và ra đi trong sự thanh thản, nhẹ nhàng, không có gì luyến tiếc.
Vì vậy, sau khi ông mất, nhân dân tôn ông là ông Phúc, cai quản những điều may mắn, phúc đức, có thể gặp dữ hóa lành, phùng hung hóa cát. Cầu khấn ông với mong ước gặp được phước lành, may mắn, thuận lợi trong cuộc sống, đồng thời cũng ca ngợi đề cao đạo đức, đề cao lòng nhân ái độ lượng, khuyên răn người sau nên học tập theo tấm gương của ông.
Ông Lộc: Là thần cai quản của cải tiền bạc. Hình ảnh của ông này thường đứng cạnh một con hươu, vì trong Hán văn, con hươu phát âm là Lộc, được tượng trưng cho của cải luôn. Ta thường nghe cụm từ: Chém rắn, đuổi hươu (Tranh giành lợi lộc mở mang bờ cõi cương thổ), hay: Nhà Tần sổng mất con hươu, thiên hạ tranh nhau đuổi bắt (là ý nghĩa như vậy).
Ông Lộc có tên thật là Đậu Từ Quân, ông làm Tể tướng đời Nhà Tấn. Ông này là người tham lam, suốt cuộc đời làm quan của mình ông chỉ lo vơ vét, đục khoét, tham nhũng, bòn rút, bóc lột nhân dân, nhận hối lộ, xoay sở đủ mọi mưu kế, biện pháp để kiếm tiền. Ông rất là giàu có, của cài tài sản không thể nào kể hết. Thế nhưng khi già cả đến 80 mươi tuổi ông vẫn không có cháu đích tôn nối dõi.
Ông bị bệnh nằm liệt giường lâu ngày, thịt da hoại tử, con cái của ông không dám đến gần để chăm sóc, khi ấy ông mới than thở rằng, giàu có và của cải chất như núi như vậy rồi cũng để làm gì.
Nhân dân thờ ông là thần cai quản tài lộc. Nhưng xưa nay, tài và phúc vốn trái ngược nhau, rất khó dung hòa được. Một ví dụ điển hình là khi kinh doanh buôn bán, muốn giàu có thì kiểu gì cũng phải có mánh mung, thủ đoạn, nếu ngay thẳng thật thà rất khó trở thành giàu có. Bởi vậy các nhà đẩu số thường có thuật ngữ: Kích tài giảm phúc là vì thế.
Trong cuộc sống, con người ta không thể nào thiếu lộc, từ người lao động, đến doanh nhân, trí thức, ai cũng cần phải có lộc mới sống được. Tuy nhiên, của cải bất chính như Đậu Từ Quân kiếm được nó tỷ lệ nghịch với phúc đức và hậu vận về sau. Nhà chính trị Đặng Tiểu Bình có nói: Giàu có là vinh quanh. Chúng ta thờ ông Lộc, với mong ước để ông phù hộ, độ trì cho chút lộc, gặp được may mắn trong làm ăn, công tác. Tài vận được cải thiện và tươi sáng hơn một chút. Nhưng ông Lộc cũng là lời cảnh tỉnh hay tấm gương cho những kẻ vì lợi mà mù quáng, cận thị xem xét lại bản thân và tính ngộ
Hình ảnh ông Lộc
Ông Thọ: Là vị thần cai quản tuổi thọ và sức khỏe trong nhân gian. Ông là Đông Phương Sóc, đại thần thời vua Hán Vũ Đế.
Đông Phương Sóc làm quan dưới thời vua Hán Vũ Đế, sinh thời ông là người uyên bác, thông kim bác cổ, văn phong nói chuyện rất hài hước. Và vì thế ông luôn khéo léo can gián Hoàng đế, và đả kích mỉa mai đám tham quan ô lại.
Về cuộc sống của ông, Sử ký của Tư Mã Thiên ghi rõ, tính ông hay bông bùa, cử chỉ hay hước, tự nhiên, không câu nệ tiểu tiết. Mỗi khi được Vua phong thưởng ông đều dành hết tiền đó để cưới những cô gái trẻ. Nghe đồn, ông là người theo đạo giáo, có thể, cưới vợ trẻ để điều hòa hai khí âm dương, giúp ông trẻ lâu sống thọ. Ông thọ tới 125 tuổi, trước khi ngao du chốn bồng lai tiên cảnh, ông còn cưới thêm một cô vợ 17 tuổi nữa. Có lẽ vì lối sống phóng khoáng, ít lo toan suy nghĩ, tác phong thích bông đùa hài hước mà ông không mấy khi bị căng thẳng, cộng với phương pháp dưỡng sinh của đạo gia nên tuổi thọ ông mới cao như vậy.
Người ta nói: một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Hơn nữa, nhờ phong cách đó mà ông can gián vua thành công, lại không làm vua nổi giận mà bắt tội.
Khi ông mất thì chắt đích của ông đứng ra tổ chức tang lễ cho ông. Người ta thờ ông với mong ước có được sức khỏe, tuổi thọ. Người còn trẻ thì cần sức khỏe để lao động, công hiến, người gia cả cần sức khỏe để dự khán sự thành công của con cháu. Hình ảnh của ông thường đứng cùng một con chim hạc. Một loài chim trong truyền thuyết tượng trưng cho tuổi thọ.
Chân dung Đông Phương Sóc
Trong thực tế cuộc sống, người ta ghép ba ông lại với nhau, ông Đa Phúc có diện mạo phúc đức nhân từ, tay bế đứa trẻ con, ông Đa Lộc tay cầm ngọc bài, trang phục rạng rỡ, rất mập, đứng cạnh một con hươu và mấy đĩnh vàng, tượng trưng của phú quý, của cải, giàu có. Ông Đa Thọ, râu tóc trắng như cước, tay cầm gậy thổ địa và có trái đào tiên. Người ta thờ ba ông với mong ước cuộc sống của mình đều đạt được cả phúc, lộc và tuổi thọ nữa. Tuy nhiên trong cuộc sống, rất hiếm người đạt được viên mãn, đầy đủ cả ba điều tốt trên.
Theo phong thủy số, nhân dân thờ ba ông này thể hiện khát vọng, ước mơ của cá nhân với cuộc sống và thế giới chân thiện mỹ. Đồng thời, cũng là một nét đẹp có tính giáo dục đạo đức và hướng thiện rất cao.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Thanh Vân (##)