Nghiên cứu hay cách mạng tử vi?
BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ NGHI NGHI TRẦN NHẬT TƯỜNG
Từ xưa đến nay, các sách viết về Tử vi những bài báo, những bài sưu tầm, khảo cứu nói về tử vi…chỉ thấy phần lớn đề cập đến vấn đề giải đoán hay nói về tính chất của các vị sao hoặc trình bầy về những đặc điểm của môn
Tử vi sau hai, ba, bốn chục năm kinh nghiệm mà không thấy có vị nào luận bàn về cách an sao, lập số…
Có chỗ nào thiếu sót? Đúng hay sai? Sao nào đúng, sao nào sai?
Sao này có phải của Tử vi không? Hay chỉ là sản phẩm của những tay thuật sĩ giang hồ bịa ra để kiếm chác?...
Chỉ thấy, riêng có cụ Cố Ba La là đưa ra thêm lối an của cặp Kình Đà thuận, nghịch tuỳ theo Âm Dương Nam Nữ mà hiện nay chúng ta đã áp dụng.
Có lẽ các cụ sợ rằng, nếu sửa đổi đi rồi mỗi người một ý, dần dà nó mất đi sự chính xác so với bản Tử vi mẫu của đức Trần Đoàn?
Hôm nay tôi mạo muội đưa ra bài này chỉ có một mục đích là ước mong được sự thuận thảo cũng được sự tham khảo ý kiến của quí vị độc giả, nhất là những vị uyên thâm, cao thủ về môn Tử vi hầu để môn Tử vi của chúng ta không bị sai lạc, do đó mới có thể giúp cho sự giải đoán chính xác được.
Trường hợp thứ nhất mà tôi muốn đề cập đến là cặp sao: Không Kiếp.
Địa không là gì?
Các sách Tử vi ở Việt Nam đều cho là có cặp: Địa Không, Địa Kiếp.
Cuốn Tử vi đẩu số toàn thư do La Hồng Tiên thời nhà Minh bên Tầu biên soạn (khoảng thế kỷ thứ 14), trong lời tựa, có nói: Đó là Tử vi đẩu số tập của Đức Hi Di Trần Đoàn mà tác giả muốn phổ biến ra khắp thiên hạ để trong thế gian này hiểu được cuộc đời là có mệnh số…mà trong tập sách Tử vi này chỉ thấy có cặp sao Thiên Không, Địa Kiếp và gọi tắt là Không Kiếp chứ không thấy có sao Địa không.
Khoa Tử vi ở Việt Nam hầu như chỉ lấy một cuốn sách này làm căn bản để khai triển (vì sách này cũng còn nhiều thiếu sót, có lẽ bị mất mát hay thất truyền) nhưng vì khai triển nhiều quá, người nào cũng muốn có một cái hay, cái lạ riêng cho mình nên nghiên cứu thêm, bổ túc thêm hay vì một lý do này hoặc lý do nọ mà thêm vào bản số của chúng ta rất nhiều cái kỳ quặc, làm cho nó một ngày một mất đi cái căn bản chính và đưa dần nó vào sự mù mờ, huyền hoặc của huyền bí…!
Tôi nhận thấy, trên bản số Tử vi của chúng ta còn rất nhiều điều “tà đạo” mà phải cần có sự rộng lượng của quý vị mới dám luận bàn đến…
Tôi nghĩ rằng: Nếu cứ ôm đồm một mớ sao, một lý thuyết “Lô Can” này thì có mà học Tử vi đến 2, 3, 40 năm cũng chẳng ăn thua gì…có loà cả mắt cũng chẳng được gì!
Tôi đã sưu tầm được qua sách vở, báo chí đến hơn một chục cách nói về hạn cưới hỏi, hôn nhân. Đem áp dụng vào các lá số của những người quen biết thấy chẳng đi đến đâu cả, trúng ít còn trật nhiều…và lúc giải đoán cũng chỉ nói rất hời hợt, gượng ép mà thôi.
Chẳng hạn như câu này:
Vũ Cơ Lộc, Mã, Quả, Loan
Hôn nhân thuở ấy mới tròn thất gia
Bảo là của cụ Bảng Lê Quí Đôn? Hội tụ được từng ấy sao trên một lá số đã là một chuyện hi hữu rồi huống chi lại có mặt của Vũ khúc, Quả tú (hai sao có tính cách lẻ loi, cô độc) nữa. Không hiểu làm sao mà lại thành gia thất được cũng tài. Chắc phải có sự huyền bí gì ở trong?
Trong khi rất giản dị và minh bạch là chỉ cần hạn hành (với điều kiện phải có lối tính hạn cho chính xác) được cặp Nhật Nguyệt (hình ảnh của vợ chồng) với bộ Đào Hồng Hỉ là có thể đưa lời tiên tri của ta đến mức độ “thần sầu” được rồi.
Cho nên, tôi đề nghị trường hợp thứ nhất ở loạt bài này là:
I- Khai tử sao Địa Không
Cái lỗi lầm lớn nhất của công việc soạn thảo, nghiên cứu, bổ túc thêm…là cho vào khoa Tử vi đẩu số sao Địa Không làm hỏng mất cặp Không Kiếp và làm lệch lạc mất đi vị trí của sao Thiên Không.
Người nào có nghiên cứu đẩu số cũng đều phải công nhận rằng lối an sao, lập số của Đức Hi Di Trần Đoàn luôn luôn dựa trên một nguyên tắc căn bản: sự điều hoà thuận nghịch rất nhịp nhàng của Âm, Dương.
Đây, nhìn vào vị trí của bộ Tử Phủ dưới đây sẽ thấy ngay điều đó:
- Vòng Tử vi thuộc Dương đi nghịch
-Vòng Thiên Phủ thuộc Âm đi thuận.
Cả hai bộ đều ở thế đối nghịch Âm Dương rất đều đặn, nhịp nhàng.
Hay lấy một cặp Tả, Hữu làm tiêu biểu.
Tả Hữu đều được khởi từ hai vị trí đối nghịch nhau là hai cung Thìn Tuất và luôn luôn được điều hoà bởi hai cung Sửu Mùi (Thìn, Tuất, Sửu, Mùi là mộ địa Tả Hữu thuộc thổ nên khai ở Thìn Tuất và thành ở Sửu, Mùi vậy).
Một Tả một Hữu
Một Âm một Dương
Một thuận một nghịch
…
Luôn luôn đều đặn, nhịp nhàng.
Hoặc có lối an theo phương vị của một sao như cặp Kình Đà được an theo sao Lộc tồn hay tứ Phi tinh Tang, Hổ, Khách, Phù đi theo sao Thái Tuế vậy (giống như trường hợp ngày nay: Muốn định sao Bắc đẩu phải tính theo phương vị của nhóm Đại Hùng tinh).
Vậy: Kình, Đà an như sau:
Nếu trước Lộc tồn là Kình Dương thì phải sau lộc tồn là Đà La (hoặc ngược lại).
Luôn luôn theo nguyên tắc thuận nghịch, điều hoà của Âm Dương.
Chú ý: Phải luôn luôn để ý triệt để đến nguyên tắc này mới hiểu được vị trí Miếu, Vượng, Đắc, Hãm của các tinh đẩu. Nếu xa rời nó sẽ bị mù mờ, lệch lạc, (chỉ nội vấn đề này không cũng chưa có ai hệ thống hóa cho chính xác được mà mỗi người một ý, một cách riêng). Chẳng hạn như: sao Thiên Cơ đóng tại cung Sửu, đắc hay hãm? Có sách cho là đắc địa (sách của cụ Thái Thứ Lang), có sách lại cho là hãm địa (Tử vi đẩu số Nguyễn Mạnh Bảo) hay, tại sao Liêm Trinh thuộc Hoả, lọt vào cung Tỵ là Hoả địa lại bị hãm. Thất Sát (Hoả đối Kim) vào Kim cung cũng bị hãm?
Tôi sẽ xin có một bài giải thích đầy đủ về vấn đề này.
Vì nhận xét cách an sao, lập số như trên nên ta thấy:
- Trường hợp thứ nhất: Cho sao Địa Không đi cặp với Địa Kiếp là sai hẳn. Địa không, Địa Kiếp cũng bởi địa mà thành nên cả hai sao đều thuộc âm, không thể đi cặp với nhau được.
Vả lại Thiên Không đối với Địa Kiếp mới có nghĩa. Còn Địa Không là gì? Đã gọi là Địa rồi thì chỗ nào là đất không, chỗ nào là đất trống?...Rất tối nghĩa trong khi trên trời chỗ nào cũng trống cả rất sát nghĩa với sao Thiên không.
-Trường hợp thứ hai: Làm lệch lạc cả vị trí của sao Thiên Không.
Nếu cứ theo lối an cũ, bây giờ ta tự hỏi:
-Trước Thái Tuế an: Thiên Không. Vậy sau Thái Tuế an cái gì? Không có gì hết! Cho nên vị trí của sao Thiên Không an trước Thái Tuế là sai.
Vậy cho nên tôi xin minh định lại thế này:
II- An lại sao Thiên Không
- Bỏ hẳn sao Địa Không, gạt ra ngoài khoa Tử vi đẩu số
- An lại sao Thiên Không, bỏ lối an cho đứng trước sao Thái Tuế
- Phải để sao Thiên Không cho đi cặp với Địa Kiếp (thay vào vị trí của Địa Không) để hợp thành bộ Không, Kiếp cho đúng nguyên tắc của Âm Dương Thiên là trời thuộc Dương, Địa là đất thuộc Âm. Một Âm, một Dương mới đi cặp với nhau được.
- Cặp Không Kiếp phải được khai, thành và điều hoà ở hai cung Tỵ, Hợi là chỗ cùng cực của Thiên Địa cho nên Thiên Không ở Hợi mới thành (Nguyệt lãng thiên môn ở đấy) và Địa Kiếp ở Tỵ mới đắc vậy.
Đây cũng là một trường hợp Hoả Tinh, Thiên Không vào Thủy địa Hợi cung lại đắc. Cho nên không thể lấy lối vận động biện chứng của Ngũ hành để giải thích sự miếu vượng, đắc, hãm của các tinh đẩu được mà nó chính là các nguyên tắc sinh, thành của Âm Dương mà có vậy.
Lối an của Thiên Không, Địa Kiếp sẽ như sau:
Cả hai đều được khởi từ cung Hợi và tính đến giờ sinh. Thí dụ, sinh giờ thìn thì Thiên Không an tại Mùi, Địa Kiếp an tại Mão…các giờ khác cứ thế mà tính
Có như vậy mới có thể giải thích chính xác được.
III- Trường hợp: Mệnh vô chính diệu đắc tam không
Ai cũng thuộc câu phú đoán sau:
“Mệnh vô chính diệu đắc tam Không phú quí khả kỳ”
Nhưng không hiểu tam Không đây là những sao gì? Nếu cứ để Địa không vào thì chúng ta có tất cả bốn Không lận. Thiên Không, Địa Không, Tuần Không, Triệt Không. Và chính diệu đắc tứ “Không” cả. Có nói thì chỉ vì thấy có mà nói, chứ không dám giải thích nói có sách, mách có chứng.
Đa số các vị đều cho Tam Không đây là các sao: Thiên, Địa Không và Tuần Không còn gạt hẳn ra ngoài sao Triệt Không mà bảo rằng đó là triệt lộ chứ không phải sao Không trong khi sao đó vẫn có tên rõ ràng như ban ngày là: Triệt lộ Không vong.
Cho nên tôi xin xác định: đắc tam Không đây là được ba sao không vong:
- Tuần trung không vong
- Triệt lộ không vong
Và thứ ba Thiên không tức Không vong chi thần.
Có như thế, câu phú đoán:
“Xét xem phú quí mấy người
Mệnh Vô Chính diệu trong, ngoài Tam không”
Mới hay và mới linh diệu vậy!
KHHB số 74J2
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Thanh Vân (##)