Lịch Sử Ngày Giáng Sinh Ở Mỹ
Chính ra thì từ bao thế kỷ trước mùa giáng sinh của chúa Giê Su, cả thế giới đã tổ chức nhiều lễ hội truyền thống đón mừng ngày Đông Chí ... Đông chí, trong thiên văn học, là thời điểm liên quan đến vị trí của hành tinh trên quỹ đạo quanh Mặt Trời. Nó là lúc kinh độ Mặt Trời nằm thẳng ở 270 độ. Đông chí là ngày mà thời gian ban ngày ngắn nhất và thời gian ban đêm dài nhất nếu vị trí của người quan sát không phải ở hai cực. Đối với nhiều nước, Đông chí rơi vào khoảng thời gian giữa mùa Đông. Họ ăn mừng vì vũ trụ đã bước vào Đông. Không bao lâu cái lạnh rét buốt sẽ tan, nhường lại cho sự đâm trồi nẩy lộc cho sức sống, ngày sẽ dài hơn, nắng sẽ lâu hơn...va.n vật sẽ tái sinh. Nhưng ở Mỹ thì ngày Đông chí chính là ngày lập đông.
Tại xứ Scandinavia, người Na Uy đã có tục lệ ăn mừng Lễ Yule từ ngày Đông Chí, 21 tháng 12, cho đến tháng Giêng tây. Để đón mừng nắng sắp trở lại trên vạn vật, các người cha cùng với con trai của họ đều mang về nhà những khúc gỗ thật lớn để đốt sưởi. Mọi người ăn mừng cho đến khi khúc gỗ tàn...có khi lên đến tới 12 ngày mới tàn hết khúc gỗ. Người Na Uy tin tưởng rằng mỗi tiếng tí tách phát ra từ củi lửa là hiện thân của các chú heo con, các chú trừu con sẽ được sanh ra trong năm sắp tới..biểu hiệu của sự gặt hái, thành đạt.
Đối với đa số các quốc gia bên Âu châu thì cuối tháng 12 là thời gian tốt nhất để ăn mừng. Lúc ấy, các thú nuôi, gia súc sẽ bị làm thịt dùng làm thức ăn cho suốt mùa Đông. Đây cũng là khỏang thời gian mọi người có được thịt tươi để dùng và rượu bia cũng được chín mùi để mọi người tha hồ ăn nhậu.
Người Đức thì lại tôn thờ vị thánh Oden trong mùa này. Họ rất nể sợ Oden. Truyền thuyết cho rằng Oden thường hay bay bổng trên không vào ban đêm để kiểm sóat hành vi của mọi người và quyết định cho số phận của họ. Vì thế, trong khỏang giữa đông này, họ thường trốn kỹ trong nhà.
Thời đế quốc La Mã, nơi mùa Đông không lạnh giá như những vùng miền Bắc, dân chúng thường có lễ hội Saturnalia để tôn vinh Saturn, vị thánh của ngành nông nghiêp. Bắt đầu từ tuần lễ lập đông kéo dài cho cả tháng trời, lễ Saturnalia là mùa hưởng thụ...thức ăn, thức uống ê chề. Đời sống hằng ngày, giai cấp xã hội, quy tắc luật lệ trong cộng đồng cũng như tục lệ đều đảo ngược. Trong tháng này, dân nô lệ được lên làm chủ, dân quê được nắm chính quyền địa phương. Trường ốc, công sở, công ty thương mại đều đóng cửa suốt để ăn mừng.
Cũng trong mùa lập đông này, người La Mã cũng ăn mừng lễ Juvenalia, ngày lễ đặc biệt cho thiếu nhi. Còn giòng quý tộc và giới thượng lưu cũng ăn mừng sinh nhật Mithra vào ngày 25 tháng 12 dương lịch. Huyền thọai cho rằng, Mithra là thánh hài đồng được sanh ra từ đá, có sức mạnh vô song, dân chúng gọi là thần mặt trời.
rong thời sơ khai của Cơ Đốc Giáo, Lễ Phục Sinh là đại lễ lớn nhất. Đến thế kỷ thứ 4, các giáo xứ mới quyết định nhận ngày sinh của chúa Giê Su là ngày lễ hội. Tiếc rằng, trong kinh thánh không ghi rõ ngày sanh của ngài. Có những dấu hiệu cho thấy chúa Giê Su có thể sanh vào mùa Xuân. Đức Giáo Hòang Julius Đệ Nhất đã chọn ngày 25 tháng 12 là ngày giáng sinh của chúa Giê Su. Thọat đầu, ngày lễ này được gọi là "the Feast of the Nativity" (tức là Lễ Giáng Sinh như người Việt chúng ta đang gọi); phong tục này truyền bá sang Ai Cập năm 432 và đến Anh Quốc vào cuối thế kỷ thứ 6. Đến cuối thế kỷ thứ 8 thì "Christmas" đã lan rộng đến tận Scandanavia. Ngày nay, tại các thánh đường chính thống ở Hy lạp và Nga, lễ Giáng Sinh đến sau ngày 25 tháng 12; thực vậy, họ mừng lễ Giáng Sinh 13 ngày sau đó và họ gọi đó là ngày "Epiphany" hay "Ngày Lễ Ba Vị Vua" vì họ tin rằng đó là ngày ba vị quốc vương này đã tìm được chúa Giê Su trong máng lừa.
Khi chọn ngày lễ Giáng Sinh vào cùng thời điểm với những lễ hội lập đông, các bậc lãnh đạo tôn giáo mong rằng ngày lễ này cũng sẽ thích ứng với quần chúng, nhưng họ lại không nghĩ tới việc thiết lập tập tục ăn mừng. Thời Trung Cổ, Cơ Đốc Giáo đã dần dần dẹp bỏ phong tục thờ thần thánh, tà đạo. Vào mùa Giáng Sinh, các con chiên cùng nhau đi lễ nhà thờ, rồi bắt đầu ăn mừng xả láng, phóng khóang như ngày lễ hội Mardi Gras. Mỗi năm, một học sinh hay một người ăn mày được chọn làm "Người Lãnh Đạo Bất Tài" (Lord of Misrule) và mọi người thay nhau giữ một vai trò góp phần trong cuộc vui này. Những người nghèo sẽ tìm đến nhà người giàu để đòi được hậu đãi. Nếu không được tiếp xúc hậu hỹ, họ sẽ phá phách. Christmas cũng là thời gian giới thượng lưu có cơ hội "trả nợ" xã hội bằng cách hoan hỉ, chiêu đãi những công dân bất hạnh hơn...khởi đầu cho ý nghĩa của sự bố thí vào mùa Giáng Sinh.
Đến đầu thế kỷ thứ 17, một luồng cải tổ tôn giáo xẩy ra khắp Âu châu đã đổi truyền thống mừng Giáng Sinh. Năm 1645, khi Oliver Cromwell và tín đồ Thanh Giáo của ông nắm chính quyền bên Anh, họ thề sẽ tiêu diệt văn hóa suy đồi của Anh và dẹp luôn lễ Giáng Sinh. Cũng may, dưới sự phẫn nộ và yêu cầu của quần chúng, vua Charles II đã đựơc trở lại ngai vàng, và ngày lễ quan trọng này đã được tồn tại.
Nhóm Pilgrims, nhóm người Anh theo chủ nghĩa phân lập đã di dân đến Châu Mỹ năm 1620, còn cuồng tín hơn nhóm của Cromwell. Kết quả, trong thời kỳ sơ khai của Châu Mỹ, lễ Giáng Sinh không được nhìn nhận. Từ 1659 cho đến 1681, tại thành phố Boston, ăn mừng lễ Giáng Sinh là phạm luật. Bất cứ ai có thái độ hay bày tỏ tinh thần mừng Giáng Sinh sẽ bị phạt 5 đồng (thời bấy giờ tiền tệ được dùng là shillings). Ngược lại, tại khu định cư Jamestown, Thuyền Trưởng John Smith thuật lại rằng mọi người đã đón chào và ăn mừng Giáng Sinh trong bình an và vui vẻ.
Sau American Revolution, phong tục của người Anh dần dần ít được hưởng ứng, ngay cả lễ Giáng Sinh. Thật vậy, ngay ngày 25 tháng 12 năm 1789, ngày Christmas đầu tiên dưới nền hiến pháp mới của Hoa Kỳ, Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn bận rộn họp hành. Mãi đến ngày 26 tháng 6 năm 1870, Christmas mới được chấp nhận là ngày lễ tòan quốc.
Tới thế kỷ thứ 19, người Mỹ mới bắt đầu đón mừng lễ Noel. Họ cũng thay đổi cách tổ chức và kiểu cách. Từ lối ăn mừng ồn ào, hỗn lọan, náo nhiệt, linh đình, Giáng Sinh trên đất Mỹ đã trở thành ngày dành cho gia đình và chú trọng tới bình an và ghi nhớ công ơn tổ tiên. Thế kỷ thứ 19 cũng là thời gian có nhiều biến lọan và tranh chấp giai cấp. Nạn thất nghiệp gia tăng; băng đảng thuộc các giai cấp bất mãn thường hòanh hành cướp bóc vào dịp Giáng Sinh. Năm 1828, hội đồng thành phố Nữu Ước thành lập lực lượng cảnh sát đầu tiên để đối phó với những cuộc náo lọan này. Những biến chuyển này đã thúc đẩy giới thượng lưu phải thay đổi phong tục đón mừng Giáng Sinh đánh dấu tầm quan trọng của việc đón mừng ngày lễ trong những thập niên 1800.
Năm 1819, văn hào Washington Irving ra mắt tác phẩm "The Sketchbook of Geoffrey Crayon, gent.", một tuyển tập bao gồm các mẫu chuyện về Giáng Sinh trong một trang viên của người Anh. Tranh họa trong tuyển tập kể lại truyện về một điền chủ mời những người nông dân làm công cho ông cùng dự ngày lễ với gia đình ông. Không như những vấn đề đang diễn biến tại xã hội Mỹ lúc ấy, những người này sinh họat rất vui vẻ, thuận hòa. Trong tâm tưởng của Irving, lễ Giáng Sinh phải được thưởng ngọan trong bình an, ấm cúng, tràn đầy lòng nhân ái, giữa loài người không phân chia giai cấp. Những nhân vật trong truyện vẫn có thể thưởng thức những phong tục cổ xưa, ngay cả trò chơi "Lord of Misrule" mà không làm tổn hại đến nhau. Tuy nhiên, truyện của Irving không dựa trên một ngày lễ hội nào mà ông đã tham dự. Các sử gia cho rằng ông chỉ lập luận và "phát minh" ra những truyền thống này và gọi đó là phong tục chính thực của mùa lễ.
Cũng trong thời gian này, văn hào người Anh, Charles Dickens, đã sáng tác một tập truyện rất hay. "A Christmas Carol" đã trở thành tác phẩm vô giá trong kho tàng văn chương thế giới mà trải qua bao thế hệ vẫn còn được yêu chuông. Câu chuyện nói lên giá trị của việc làm từ thiện và nghĩa cử cao đẹp đối với nhân lọai đã đánh thức mọi người tại Hoa Kỳ cũng như bên Anh quốc. Ngay cả thành viên của Hội Victorian cũng nhận thấy lợi quả của ngày lễ hội này.
Trong phạm vi gia đình, phụ huynh cũng đỡ khắc khe với con cái và cảm nhận được sự cần thiết của con cái. Từ đó, mùa Giáng Sinh đã tạo cơ hội cho các gia đình dồn hết tâm trí và tiêu xài rộng rãi cho con cái mà không cảm thấy mình làm chúng hư.
Khi người Mỹ đã bắt đầu chú trọng mùa Giáng Sinh là ngày lễ quan trọng cho gia đình, những phong tục cũ cũng dần dần được phát hiện trở lại. Rồi những di dân mới và các giáo hội khác cũng lần lượt áp dụng phong tục riêng để tăng thêm phần phong phú cho ngày lễ. Sang đến thế kỷ sau thì người Mỹ đã tự sáng tạo cho mình những phong tục được gom góp từ nhiều nét văn hóa, chủng tộc khác nhau như trang trí cây Noel, gửi thiệp chúc mừng, và quà tặng.
Nói đến trang hòang cây Noel cũng cần nhắc đến nguồn gốc của hai cây Noel quan trọng nhất trong vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Lịch sử hai cây Noel tại tòa nhà Bạch ốc và Quốc hội
Hằng năm, mỗi độ Giáng Sinh về, mọi nơi trên thế giới đều bận rộn sửa sọan ăn mừng mùa lễ lớn này. Tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, những ngày nhộn nhịp nhất ngòai xe xộ chật đường vì "shopping" là lúc mọi người trang trí nhà cửa, trưng bầy đèn đuốc.
Nếu thong thả thì chúng ta cũng có thể xuống phố, chạy xe vòng vòng, ngắm nghía đường phố kết hoa đèn sáng rực. Đặc biệt là tại thủ đô có những cây Noel rực rỡ, quyến rũ không biết bao du khách đến xem và chụp ảnh lưu niệm.
Trước nhất là cây Noel tại Tòa Bạch Ốc. Tục lệ trang trí cây Noel này đã phát nguồn từ năm 1923.
Thật vậy, vào tháng 11 năm 1923, đệ nhất phu nhân Grace Coolidge đã cho phép các trường học trong vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn thiết dựng một cây Noel tại khu Ellipse, thuộc hướng Nam của Tòa Bạch Ốc. Họ đặt tên cho cây Noel này là "the National Christmas Tree".
Vào lúc 5 giờ chiều ngày 24 tháng 12, năm 1923, Tổng Thống Calvin Coolidge đã bộ hành từ Tòa Bạch Ốc đến khu Ellipse và trước sự chứng kiến của 3,000 người ngưỡng mộ, ông đã "nhận nút" để thắp sáng cây Noel cao 48 feet. Lọai cây thông Balsam này được trường đại học Middlebury College tặng. Trường Middlebury College nằm trong tiểu bang Vermont, là nơi sanh trưởng của tổng thống Coolidge.
Từ 1924 đến 1953, mỗi năm đều có cây Noel được trưng bầy tại nhiều địa điểm quanh vùng Tòa Bạch Ốc. Đến năm 1954, cây Noel được trở lại khu Ellipse và truyền thống này được lan rộng hơn. Các hội đòan công và tư nhân đồng hợp lại tổ chức lễ hội "Christmas Pageant of Peace". Một số cây Noel nhỏ hơn đại diện cho 50 tiểu bang, 5 lãnh thổ của Hoa Kỳ, và thủ đô Hoa Thịnh Đốn, được trưng bầy chung quang và kết thành một lối đi được đặt tên là "Pathway to Peace"-Con đường đưa tới Hòa Bình.
Vào ngày 17 tháng 12, năm 1954, Tổng Thống Dwight D. Eisenhower đã thắp sáng cây Noel Quốc Gia do dân chúng tiểu bang Michigan trao tặng. Từ đó, tục lệ chặt cây Noel để trưng bầy cho Giáng Sinh được dùng cho tới năm 1973.
Vào ngày 20 tháng 10, năm 1978, cây thông lọai "blue spruce" từ Colorado được trồng tại khu Ellipse và trở thành cây Noel Quốc Gia vĩnh viễn. Ngòai sự tượng trưng cho linh hồn của Giáng Sinh, lễ thắp sáng cây Noel dưới sự chủ tọa của các vị tổng thống đương nhiệm đã trở thành truyền thống của người Hoa Kỳ.
Năm nay, lễ khai mạc thắp sáng cây Noel Quốc Gia đã được tổng thống George W. Bush chủ tọa vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ Năm, mùng 6 tháng 12. Theo tục lệ thì sau lời chào mừng và thông điệp hòa bình của tổng thống, buổi lễ thắp sáng cây Noel này chính thức khai mạc cho chương trình văn nghệ giải trí suốt đêm do những ban nhạc quân đội và các nghệ sĩ danh tiếng giúp vui mở đầu cho mùa chào mừng Giáng Sinh.
Nói về cây Noel tại Quốc Hội còn được gọi là "the Capitol Christmas Tree", thì tục lệ này đã được lưu truyền từ năm 1964 do Chủ Tịch Hạ Vịên John McCormack khởi xướng. Cây Noel đầu tiên là lọai thông Douglas, cao 24 feet, được trồng trong khu vườn hướng Tây của tòa Quốc Hội, thuộc góc đường Independence và Constitution Avenues. Tuy nhiên, sau một trận bão tuyết nặng nề vào năm 1968, rễ thông đã bị mục rữa và cây đã chết. Cơ quan bảo trì Nông Nghiệp và Lâm Sản đã phải nhổ cây và từ năm 1969 đã cung cấp cây Noel hằng năm cho nghi lễ này.
Cây Noel 2007 tại Quốc Hội là lọai thông Balsam, cao 55 feet, đến từ khu rừng Green Mountain National Forest thuộc tiểu bang Vermont. Cây được trang trí với 4,500 vật trang hòang do những nghệ nhân tại tiểu bang Vermont trao tặng. Đề tài trang trí cho cây Noel Quốc Hội năm nay là "Bringing an Old-fashioned Holiday to the Nation" để mang lại nét đặc thù cổ kính của ngày lễ này đến với mọi người trong nước. Những vật trang sức này thể hiện di sản, lịch sử, phong cách, và những tài nguyên thiên nhiên của người dân vùng Vermont.
Vào lúc 5 giờ chiều, ngày mùng 5 tháng 12, năm nay, Bà Chủ Tịch Hạ Viện, Nancy Pelosi, là người chủ tọa thắp sáng cây Noel tại Quốc hội.
Giáng Sinh mà chúng ta biết đến ngày nay tuy là sáng kiến của xã hội Victorian từ kỷ niên 1860, nhưng đã trải qua nhiều giai đọan. Có lẽ đây là mùa lễ được yêu chuộng nhất bởi vì Giáng Sinh trên đất Mỹ bao gồm những phong tục thần thọai cũng như thiêng liêng từ nhiều ngõ ngách trên thế giới đã đem đến từ mấy trăm năm qua và sẽ mãi mãi trường tồn.
(VATV-Lê Thùy Lan sưu tầm)
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Mỹ Ngân (##)