Phòng khách là căn phòng đặc biệt trong ngôi nhà vì nó là căn phòng được nhiều người khách đến thăm, là căn phòng thể hiện phong cách của chủ nhà cũng như nó là bộ mặt của ngôi nhà. Vì thế phòng khách được quan tâm đặc biệt, được trang hoàng cầu kỳ hơn những căn phòng khác trong ngôi nhà.
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Một phòng khách nên là một không gian vui vẻ và dễ chịu; là một không gian thể hiện cá tính riêng; là một không gian thoải mái và thân thiện; là một không gian phù hợp với sự yên tĩnh của một người hoặc náo nhiệt của nhiều người. Chúng tôi xin giới thiệu một số kinh nghiệm bố trí phòng khách.
1. Vị trí và cách tổ chức phòng khách
– Phòng khách được bố trí trung tâm của ngôi nhà, gần cửa ra vào. Tất nhiên là cửa ra vào chính không nên trực tiếp vào phòng khách mà thường qua một tiền phòng để mọi người để mũ, nón, giày dép… ở ngoài.
– Phòng khách cũng nên được bố trí gần phòng ăn, để khách đến chơi sau khi thăm phòng khách, chuyện trò thì qua phòng ăn thưởng thức bữa ăn.
– Có 2 loại phòng khách: Phòng khách mở và phòng khách kín.
Phòng khách mở thường có diện tích tường ít nhất; khu vực phòng khách, bàn ăn, và có thể có một phần của bếp được bố trí thông với nhau hoặc ngăn cách không gian bằng những quầy bar hay vách kính, vách thấp. Những ngôi nhà có diện tích nhỏ và vừa phải thì nên bố trí loại phòng khách này vì nó sẽ làm không gian thông thoáng và hiện đại.
Phòng khách hở thông với phòng ăn
Phòng khách kín: thường có tường chạy đến sát trần, và sẽ có những mặt tiếp xúc với thiên nhiên thoáng đãng để tạo những góc nhìn đẹp. Những ngôi nhà có diện tích lớn thì nên bố trí loại phòng khách này để có thể sắp đặt trưng bày nhiều đồ theo nhu cầu gia chủ, thể hiện được cá tính gia chủ.
Phòng khách kín thể hiện sự sang trọng lộng lẫy
– Phòng khách là nơi được khách đến thăm nhiều nhất nên phải tạo cho nó những khung nhìn đẹp, như nhìn ra vườn, mở ra ban công, hiên…
Trong phòng khách nên tạo điểm nhìn ra thiên nhiên
– Nếu có thể thì nên bố trí phòng khách hướng Nam, vì hướng này đón nhận nhiều ánh sáng mặt trời nhất, và vào mùa đông ta cũng nhận được nhiều nhiệt từ hướng này. Tất nhiên là những bức tường hướng này cũng phải chú ý vật liệu để tránh những ảnh hưởng xấucủa nắng.
– Thông thường phòng khách hình chữ nhật là dễ bố trí nhất, mặt bằng hình vuông thì có một chút khó khăn.
– Trung tâm của phòng khách nên có một vài điểm nhấn như lò sưởi, cửa sổ rộng, sofa hoặc những đồ nội thất đặc biệt.
Bộ sofa và lò sưởi ở vị trí trung tâm tạo điểm nhấn cho phòng khách
– Phong cách trang trí phòng khách phải tương đồng với phong cách ngôi nhà. Nếu ngôi nhà có phong cách hiện đại thì trang trí nội thất phòng khách nên dùng những đường nét đơn giản, tinh giản để phản ánh được phong cách. Nếu ngôi nhà mang phong cách cổ điển châu Âu thì nên trang trí những bức tường theo phong cách cổ điển như có gờ, phào, vật liệu che phủ có thể dùng giấy gián tường với những loại hoa văn nhẹ nhàng hoa lá và màu sơn phải nhẹ nhàng theo gam màu tự nhiên.
– Phòng khách là điểm nhấn chính của ngôi nhà, gây ấn tượng với khách nhiều nhất, nó là không gian trình diễn, thể hiện phong cách gia chủ. Nó cần được thoải mái, tiện nghi, thú vị, hấp dẫn, gọn gàng,không quá nhiều đồ đạc. Nó phải được kết hợp hài hòa từ nhiều yếu tố như những đồ đạc nội thất, những bức tường trang trí, ánh sáng, vật liệu sàn…theo một phong cách thống nhất.
– Đồ đạc chính trong phòng khách thường là 1 bộ sofa, tivi, tủ trang trí; nên bố trí nhóm đồ đạc này hợp lý theo từng loại phòng khách và nên kết hợp các đồ vật khác để tạo nên điểm nhấn chính. Khu vực trò chuyện này phải có đường kính từ 2,4-3m.
Khu vực trò chuyện là trung tâm của phòng khách
– Bạn không nên bố trí đồ đạc trong phòng khách một cách tuỳ tiện, nên bố trí sao cho toát lên vẻ cân xứng, gọn gàng vừa mắt. Đồ đạc nên đi từng đôi như đôi đèn, đôi ghế… để tạo sự cân đối.
– Nên bố trí một sofa giường để thư giãn và nghỉ ngơi buổi trưa, đôi khi dùng cho khách.
– Nếu phòng khách rộng bạn có thể bố trí thêm khu vực giải trí cho phòng khách như bàn để chơi cờ, đánh bài…
– Để tiện đặt đèn hoặc cắm điện cho dàn âm thanh,ti vi… bạn nên bố trí dọc chân tường cứ 3m một ổ cắm điện.
2. Màu sắc
– Màu sắc trong các không gian nói chung và phòng khách nói riêng đều phải tuân theo những yếu tố gồm màu chủ đạo và màu trang trí.
– Màu chủ đạo (màu nền) chính là màu được sử dụng nhiều nhất và cũng cần cẩn thận nhất vì nó đóng vai trò quyết định cho sự logic của không gian và những màu sơn còn lại. Màu chủ đạo phải được dựa trên sự nghiên cứu tổng thể của những phần liên quan như sàn, tường, trần và những đồ nội thất khác thuộc vào sự ảnh hưởng qua lại.
– Thông thường, sơn tường nên chọn màu không quá đậm, để tạo cảm giác thoải mái cho người cư ngụ, và cũng để kết hợp dễ dàng với các đồ trang trí khác. Do đó, những gam màu trung tính (không quá đậm, nhưng cũng không nhạt) sẽ rất phù hợp, chẳng hạn như trắng, xanh nhạt, vàng nhạt, ghi…
– Hiện nay, màu trắng được sử dụng phổ biến cho màu nền, giúp không gian có cảm giác rộng thêm. Một căn phòng chỉ toàn sắc trắng sẽ rất dễ dàng khi muốn thay đổi màu sơn theo mùa hoặc đơn giản chỉ thêm bớt một số chi tiết nội thất để tạo bộ mặt mới. Căn phòng một màu cũng có thể khiến các mảng không gian như tường hay trần nhà dễ dàng trở thành một khối thống nhất.
– Tuy nhiên, căn phòng toàn màu trắng cũng có thể bị cảm giác nhàm chán sau một thời gian sử dụng. Do đó, việc chọn màu mạnh (màu trang trí) để tạo điểm nhấn ấn tượng như đỏ, da cam, xanh sẫm… sẽ là một giải pháp hay. Chẳng hạn, phòng khách toàn màu trắng hoặc vàng nhạt, nhưng được nhấn ở một số vị trí như mảng tường phía sau nơi đặt TV, hoặc nơi treo tranh… sẽ rất ấn tượng. Không nên sử dụng những màu mạnh này làm màu chủ đạo.
Các gam màu trung tính thường được sử dụng rộng rãi
3. Ánh sáng
– Phòng khách thường là nơi sinh hoạt chung của các thành viên trong gia đình và giữa chủ nhà với khách nên cần một không gian gợi mở. Vì thế, ánh sáng trong phòng tận dụng được nguồn sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt. Nếu phòng khách nằm ngay tầng một, có thể dùng kính thay cho những bức tường kín mít. Phòng khách nhìn ra hướng vườn, không gian trong suốt của kính sẽ tạo nên sự giao hòa giữa thiên nhiên và nhà ở, ngồi trong nhà nhưng cảm giác như đang ngồi chơi giữa vườn có mái che.
– Bố trí nguồn sáng cho phòng khách bằng ánh sáng điện vào buổi tối cũng rất cần thiết. Khi dùng nguồn sáng điện, phải tạo được không khí ấm cúng, gần gũi. Đèn chính của phòng khách rộng nên là những loại đèn mang đến sự sang trọng, chẳng hạn như đèn chùm. Nếu không gian phòng khách theo phong cách cổ một chút nên dùng ánh sáng gián tiếp hơn là trực tiếp. Các đèn tuýp có thể được giấu trên trần hắt xuống, đèn hắt treo ở tường hắt ngược lên trần.
– Ánh sáng gián tiếp sẽ tạo cảm giác chan hòa, thoải mái và không bị chói mắt, đặc biệt khi xem TV. Tường có thể dùng đèn trang trí để chiếu sáng phụ cho các phòng rộng. Xu hướng hiện nay là trang trí ánh sáng bằng các đèn điện mà không lộ ra bóng đèn. Dùng đèn âm trần, âm tường tạo ra nguồn sáng trang trí từng góc có chủ định.
– Đối với các loại đèn âm trần thường bố trí các loại đèn bóng tròn, halogen, neon, compact để cho một ánh sáng nền vừa phải. Gian phòng khách có sofa màu ấm hay sáng nên dùng những cây đèn nhỏ chiếu sáng từng góc để tạo nên sự ấm cúng. Nếu tường sơn sáng màu và có lắp gương lớn thì không cần mắc nhiều bóng đèn.
– Không nên lạm dụng quá nhiều đèn trong phòng khách. Chỉ nên bố trí khoảng 2 đến 3 loại ánh sáng khác nhau.
Đèn âm trần và các nguồn sáng kín tạo sự hấp dẫn cho phòng khách
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Đoan Trang(##)