Phong Thủy là gì ?
Một trong những lý do Một trong những lý do khiến người ta vững lòng là hình dạng hải cảng Hồng Kông trông giống như cái túi đựng tiền của người Hoa, mà miệng túi thắt nhỏ lại, giữ tiền bạc trong túi không bị hao hụt hay đổ ra ngoài.
Thêm vào đó, Cửu Long là đất được chín con rồng bảo vệ, cho nên người ta tin tưởng Hồng Kông, với những đặc điểm về Phong Thủy như vậy, bất cứ thời đại nào, cũng là nơi trù phú, thịnh vượng, và là vùng đất của cơ hội cho những kẻ có tài, có ý chí và muốn vươn lên. Đó là một ví dụ về niềm tin vào khoa Phong Thủy.
Như vậy, Phong Thủy là gì ?
Từ xưa đến nay, khi nói đến Phong Thủy, đa số đều nghĩ đến chuyện của các bậc thầy chuyên đi tìm những mộ huyệt phát công hầu, khanh tướng hay đế vương, hoặc những huyền thoại như Cao Biền dựng trụ đồng để trấn yểm long mạch của nước ta ngày trước v.v... Những ý niệm đó làm cho khoa Phong Thủy trở nên cao xa huyền bí và có vẻ xa vời với cuộc sống hôm nay.
Phong Thủy nguyên là một khoa học của người Trung Hoa, có từ bốn ngàn năm trước. Thoạt đầu, thuở mà người Trung Hoa còn sống dọc hai bên lưu vực sông Hoàng Hà, họ có kinh nghiệm về việc đói no của họ tùy thuộc rất nhiều vào chuyện mưa gió của trời đất, và việc nghiên cứu về mưa gió cho vụ mùa có kết quả tốt, đã phát sinh ra khoa Phong Thủy.
Dần dần, qua kinh nghiệm thực tiễn, con người cảm thấy cuộc sống hằng ngày còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác của thiên nhiên, và sự chi phối này thuận lợi hay không, tùy thuộc chặt chẽ vào vị trí của mỗi người trong khoảng không gian mà họ đang sinh sống. Do đó, sau chuyện mùa màng, thì chỗ ở của mỗi người đã trở thành lãnh vực chính của khoa Phong Thủy. Dần dần, theo sự tiến hóa của xã hội và kinh tế, khoa Phong Thủy đi vào lãnh vực cơ sở làm ăn và mộ phần.
Khoa Phong Thủy dựa trên căn bản của Kinh Dịch, và cũng chia ra nhiều trường phái khác nhau. Hai trường phái được biết đến nhiều nhất, một là trường phái Địa Lý (Form School). Trường phái này lấy hình thể đất đai làm căn bản. Và trường phái thứ hai lấy phương hướng như là một yếu tố chính, gọi là trường phái Bát Trạch (Compass School). Cho đến cuối thế kỷ 19 và qua đầu thế kỷ 20, hai trường phái này sát nhập lý thuyết căn bản với nhau để tạo thành trường phái Địa Lý Bát Trạch cho đến ngày hôm nay. Cuốn sách này viết dựa trên những nguyên tắc căn bản của Địa Lý Bát Trạch.
Theo đà tiến hóa của xã hội với thời gian, Phong Thủy hôm nay chỉ còn áp dụng nhiều trên hai lãnh vực nhà ở và cơ sở thương mãi. Phần mồ mả, còn áp dụng chăng, có lẽ chỉ ở các nước Á Đông, và tại những vùng chưa đô thị hóa mà thôi. Riêng phần áp dụng khoa Phong Thủy vào hai lãnh vực nhà ở và cơ sở thương mãi, vì để theo đúng bối cảnh sinh hoạt hiện tại, những nguyên tắc của khoa Phong Thủy ngày càng được biến đổi cho phù hợp với thực tế, ngày càng đơn giản. Bởi vậy, có thể nói một cách không quá đáng là:
Khoa Phong Thủy ngày nay được xem như một nghệ thuật trang trí nhà cửa và văn phòng làm việc, cơ sở thương Khoa Phong Thủy ngày nay được xem như một nghệ thuật trang trí nhà cửa và văn phòng làm việc, cơ sở thương mãi, theo những nguyên tắc nào đó, để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, công việc làm ăn khả quan hơn.
Nói như vậy, chắc chắn câu hỏi đầu tiên của những người có ý lưu tâm đến khoa Phong Thủy sẽ đầy vẻ hoài nghi:
- Đơn giản quá thì có hiệu lực gì?
Vâng, giống như tâm lý của một số người chỉ bị cảm mà đi khám bệnh, nếu bác sĩ cho trụ sinh, thì khen bác sĩ hay. Nếu bác sĩ chỉ cho Tylenol, thì nghi ngờ bác sĩ không biết chữa bệnh. Cái hay ở chỗ là uống Tylenol mà hết bệnh, không cần phải dùng trụ sinh. Đó cũng là câu trả lời: Đơn giản mà hiệu nghiệm. Câu chuyện nhỏ sau đây có thể biện minh cho điều này:
Bà Jenny lập gia đình hơn 10 năm. Năm nay bà đã 36 tuổi, nhưng chưa có đứa con nào. Hai vợ chồng cùng đi làm và có một cuộc sống khá đầy đủ. Họ mong muốn có một đứa con. Một hôm, bà Jenny tâm sự với bà Yvonne Cheng, là bạn đồng nghiệp người Trung Hoa. Bà này hỏi bà Jenny có bao giờ nghe nói về khoa Phong Thủy của người Trung Hoa không? Bà Jenny nói chưa, nhưng sẵn sàng muốn thử xem.
Một ông thầy Phong Thủy được giới thiệu. Khi ông thầy đến nhà bà Jenny, ông đi thẳng vào phòng ngủ của hai vợ chồng bà để xem xét. Sau đó ông đề nghị dời cái giường qua hướng Tây-Nam của căn phòng, sơn lại căn phòng màu vàng, là màu hợp với hướng Tây-Nam. Trên vách tường hướng Tây của căn phòng, treo 7 bức tranh nhỏ trong khung màu trắng bạc, và đặt dưới chân tường một con cọp nhồi bông, loại cho trẻ con chơi.
Một năm sau, ông thầy được mời trở lại căn nhà này, để ăn mừng đầy tháng đứa con đầu lòng của bà Jenny.
Đơn giản nhưng hiệu nghiệm. Hiệu nghiệm đến nỗi ngày hôm nay, khoa Phong Thủy đã được phổ biến sâu rộng ở các nước Tây Phương nói chung, và ở Mỹ nói riêng. Những nhà Phong Thủy người Mỹ đã theo học các danh sư về khoa này ở Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Mã Lai, hoặc ngay tại các China Town lớn như ở San Francisco, Los Angeles v.v... Sau khi thành tài, họ truyền bá lại bằng cách viết sách, mở những lớp giảng dạy, hoặc giữ các mục thường trực trên các nhật báo, các talkshow của các đài truyền thanh, truyền hình để giải đáp và hướng dẫn những thắc mắc về khoa Phong Thủy cho độc giả, thính giả và khán giả người Mỹ.
Sách vở, báo chí khắp thế giới cũng phổ biến rất nhiều tài liệu nói về trường hợp những sòng bạc lớn được thiết kế đúng theo nguyên tắc của Phong Thủy, và những nhà băng lớn như Citibank, N. M. Rothschild và những đại công ty như Shell, Sime Darchy... khi mở các chi nhánh tại Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Mã Lai... đều thiết trí cơ sở theo đúng sự chỉ dẫn của các thầy Phong Thủy địa phương. Có thể lúc đầu họ nghĩ là “Nhập gia tùy tục”, và làm theo những điều này, nếu không có lợi thì cũng chẳng có hại gì. Nhưng họ thật ngạc nhiên khi thấy sự hiệu nghiệm, và đã mang những kinh nghiệm đó về Mỹ. Người ta cũng nghe những màn đấu Phong Thủy như những trận đấu phép trong chuyện Phong Thần. Chẳng hạn như câu chuyện sau đây thường được truyền khẩu tại Kuala-Lumpur, thủ đô của Malaysia:
Có hai building thương mãi lớn nằm ngay trung tâm thủ đô Kuala-Lumpur. Building thứ nhất mà chúng ta tạm gọi là building A, building này có hai cái thang cuốn ở hành lang mặt tiền, chéo nhau, trông giống như một cái thập tự giá, và hướng thẳng ngay vào mặt tiền của một building đối diện bên kia đường, tạm gọi là building B. Từ lúc đó, thương vụ của building B từ từ giảm sút thấy rõ.
Người quản lý của building B bèn thỉnh một thầy Phong Thủy đến để cố vấn. Sau khi tìm ra nguyên nhân, ông thầy đề nghị với người quản lý tìm mua một khẩu súng đại bác bằng đồng, loại để chưng trước cổng, đặt nhắm ngay vào cây “thập tự giá của building A. Một thời gian ngắn sau đó, việc làm ăn của building B lên lại mức bình thường, và ngược lại, công việc của building A ngày càng xuống. Quan sát “trận chiến”, các thầy Phong Thủy tại thủ đô Kuala-Lumpur cùng đồng ý, nếu chủ nhân của building A vấn kế, thì họ sẽ đề nghị dùng kiếng gắn trước mặt tiền của building này để phản hồi uy lực của khẩu đại bác của building bên kia.
Nếu vậy, thì trận chiến sẽ tiếp diễn mãi. Cho nên, ngày nay, một vài thành phố như ở Hồng Kông, Đài Loan, khi xây cất, họ tế nhị tránh không đụng chạm đến những building láng giềng chung quanh. Chẳng hạn, góc cạnh của building sẽ được xây tròn, tránh sự tổn hại về mặt Phong Thủy đối với những building khác.
Phong Thủy không chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ tại các nước tư bản, mà ngay cả Trung Quốc, một nước Cộng Sản, chủ trương vô thần, nhưng thực tế vẫn không chối bỏ được nguồn cội. Khi chính quyền Bắc Kinh cho thiết trí xây dựng Bank of China ở Hồng Kông, thoạt tiên, ai cũng nghĩ kiến trúc này rất xấu về mặt Phong Thủy. Toàn bộ kiến trúc gồm nhiều góc cạnh và như một lưỡi kiếm sắc bén chĩa thẳng lên trời. Nhưng sau khi công trình đã hoàn tất, các nhà Phong Thủy lão luyện ở Hồng Kông mới thấy rằng, Bank of China đã được sự cố vấn của các nhà Phong Thủy trong nội địa khi vẽ thiết kế, và điều đáng nói là kiến trúc này, xét về phương diện Phong Thủy, có hình dạng với ý đồ nhằm triệt hạ những ngân hàng khác chung quanh bằng tiềm lực vô hình mà chỉ những người am tường về Phong Thủy mới nhìn thấy.
Và như đã nói ở trên, Phong Thủy ngày hôm nay được đơn giản như là một nghệ thuật chưng dọn, trang trí nhà cửa, văn phòng, cho nên, trong khuôn khổ của cuốn sách này, chỉ trình bày những nguyên tắc căn bản của khoa Phong Thủy và lướt qua một vài ý niệm về Âm Dương, Ngũ Hành v.v..., chứ không đề cập đến những nguyên lý cao xa của Kinh Dịch, để mọi người đều hiểu một cách dễ dàng, nhất là đối với những độc giả còn trẻ.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Khánh Linh (##)