Điêu Thuyền chưa đủ tầm, ai mới là "Tam Quốc đệ nhất mỹ nhân"
Điêu Thuyền có xứng là một trong "tứ đại mỹ nhân" Trung Quốc?
Tam Quốc là thời đại mà đàn ông "độc chiếm" vũ đài chính trị cũng như văn hóa. Trong hơn 70 năm của giai đoạn này, vô số nhân vật nam đã trở nên nổi tiếng và đi vào chính sử cũng như dã sử. Thế nhưng, chỉ có 3 mỹ nhân được nhắc đến nhiều nhất: Điêu Thuyền, Đại Kiều, Tiểu Kiều.
Đặc biệt, Điêu Thuyền - nhân vật mà đến nay sự tồn tại thực tế vẫn bị nghi ngờ - được văn hóa dân gian Trung Quốc xếp vào "tứ đại mỹ nhân" trong lịch sử quốc gia này, bên cạnh Tây Thi, Vương Chiêu Quân và Dương Ngọc Hoàn.
Tuy nhiên, cho dù Điêu Thuyền là một mỹ nhân có thực và có sắc đẹp như "Trầm Ngư Lạc Nhạn", thì nàng vẫn chưa đủ tầm để xứng danh là "Tam Quốc đệ nhất mỹ nhân".
Thứ nhất, Dương Quý Phi, Tây Thi và Vương Chiêu Quân đều được gả cho các vị quân vương một nước và được cưới hỏi danh chính ngôn thuận.
Trong khi đó, cho dù Điêu Thuyền hầu hạ bên cạnh Đổng Trác hay làm tình nhân của "chiến thần" Lữ Bố thì nàng cũng chỉ đóng vai trò "bồ nhí". Ngoài ra, cả hai "tình lang" của Điêu Thuyền đều không ai hoàn thành đế nghiệp và kết thúc sinh mạng một cách bi thảm.
Thứ hai, Điêu Thuyền chỉ thực sự nổi tiếng nhờ bộ tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của tác giả triều Minh La Quán Trung.
Sắc đẹp của mỹ nhân này thực tế hết sức mờ nhạt. Điêu Thuyền chỉ được mô tả như một phụ nữ có diện mạo xinh đẹp và giỏi ca múa - mẫu người dễ dàng "lọt vào mắt xanh" của những nhân vật thô thiển như Đổng Trác và Lữ Bố.
Trong khi đó, dư luận Đường triều phải thừa nhận khả năng âm nhạc cũng như thơ từ đáng nể của Dương Quý Phi; Tây Thi là một trong những điển phạm của người phụ nữ "hy sinh tuổi thanh xuân làm gián điệp báo quốc", còn Vương Chiêu Quân là nhà ngoại giao xuất sắc.
Chỉ là "bồ nhí" của Đổng Trác, Lữ Bố, Điêu Thuyền chưa đủ tầm để đứng trong "tứ đại mỹ nhân"?
"Tam Quốc đệ nhất mỹ nhân" là ai?
Trên thực tế, bên cạnh Điêu Thuyền và Đại - Tiểu Kiều, thời đại Tam Quốc còn một mỹ nhân danh tiếng khác. Người này từ nhỏ là một thần đồng, lớn lên được gả cho một vị khai quốc Hoàng đế.
Tài năng văn học của nàng được đánh giá là siêu việt, khiến cho 3 "cây đại thụ" trong văn đàn Tam Quốc là Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực phải nghiêng mình thán phục.
Con trai của mỹ nhân này về sau kế vị ngai vàng, trở thành minh quân của Ngụy triều. Đại mỹ nhân này không ai khác ngoài Hoàng hậu Chân Lạc của Ngụy Văn Đế Tào Phi.
Từ "Tam Quốc diễn nghĩa", người người đều khen Điêu Thuyền đẹp, nhưng sắc đẹp của nàng không hề được mô tả. Trong khi đó, nhan sắc của Chân Hoàng hậu đã được Tào Thực ca ngợi hết lời trong bài phú "Lạc Thần Phú".
"Lạc Thần phú" được Tào Thực sáng tác khi Chân Hoàng hậu - chị dâu của ông - đã qua đời. Tào Thực dùng hình ảnh ẩn dụ của "Mật Phi - thần của Lạc Thủy" để nói về vẻ đẹp của nàng Chân Lạc.
Người đời sau thậm chí đã nghi ngờ giữa Tào Thực và chị dâu đã có một cuộc tình lãng mạn nhưng không thành, khiến em trai Ngụy Văn Đế một đời đau khổ. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng.
Chân Lạc sinh năm 182, thời Hán Linh Đế, người quận Trung Sơn (nay là Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc).
Cha của Chân Lạc mất năm nàng 3 tuổi. Đến 9 tuổi, Chân Lạc trở nên vô cùng thông minh, biết cách tự học chữ đọc sách.
Sau này, khi đến tuổi thành thân, Chân Lạc được bá chủ phương Bắc đương thời là nhà quân phiệt Viên Thiệu cưới về cho con trai Viên Hy.
Viên Thiệu và Tào Tháo được ví như Chu Du với Khổng Minh. Không có Gia Cát Lượng và Tào Tháo, Viên Thiệu, Chu Du chắc chắn trở thành vô địch theien hạ.
Tại đại chiến Quan Độ, cha con Viên Thiệu thất bại trước liên quân của 18 chư hầu Quan Đông. Vài năm sau, cha con họ Viên qua đời.
"Lạc Thần" Chân Lạc từng gây sóng gió giữa 3 cha con, anh em Tào Tháo trong nhiều năm.
Tào gia sóng gió vì người đẹp
Trong vị thế phe thắng trận, Tào Tháo vốn đã chú ý tới sắc đẹp của "Lạc Thần" Chân Lạc. Trước khi tiêu diệt Viên gia, Tào đã toan tính hòng bắt mỹ nhân về tay mình. Tiếc rằng, con trai ông là Tào Phi cũng mê mẩn trước Chân Thị.
Sau khi công hạ Nghiệp Thành, Tào Phi lập tức đưa 1000 binh mã xông vào Viên phủ cướp bóc. Lần đầu gặp nàng Chân Lạc tại đây, Tào Phi đã "hồn xiêu phách lạc". Năm đó, Tào Phi mới 17 tuổi, ông ra sức cầu xin cha được... lấy Chân Lạc làm vợ.
Trước "sự đã rồi", Tào Tháo buộc phải chấp thuận hôn sự của Tào Phi.
Hồng nhan bạc mệnh
Cuộc hôn nhân của Chân Lạc với Tào Phi có vài năm hạnh phúc. Chân Hoàng hậu sinh cho Phi một con trai và một con gái. Con trai bà chính là Ngụy Minh Đế Tào Duệ mà "kẻ diệt Ngụy" Tư Mã Ý rất e sợ và khâm phục.
Tuy nhiên, Chân Thị vốn lớn hơn Ngụy Văn Đế tới 5 tuổi, nhan sắc không tránh khỏi suy giảm theo thời gian. Dần dần, Tào Phi chán ghét hoàng hậu và chuyển sang sủng ái các phi tần trẻ tuổi hơn.
Chân Lạc vốn là người khảng khái, bà bất mãn với thái độ của Tào Phi và nhiều lần lên tiếng chất vấn, thậm chí làm thơ để phản đối nhà vua.
Hành động của Chân Hoàng hậu khiến Tào Phi nổi giận, cuối cùng quyết định ban cho một chén rượu độc. Chân Lạc qua đời bị Tào Phi ra lệnh lấy tóc che kín mặt mũi, mục đích để bà "xuống Âm phủ cũng không có mặt mũi gặp ai".
Mãi tới khi Tào Phi qua đời, Tào Duệ lên ngôi thì Chân Lạc mới được truy phong làm Văn Chiêu Hoàng hậu. "Lạc Thần Phú" mà Tào Thực viết về mỹ nhân này cũng trở thành tác phẩm nổi tiếng Trung Quốc suốt hàng nghìn năm.
"Lạc Thần Phú" được các nhà phân tích văn học trong lịch sử Trung Quốc nhận định là tác phẩm nói về mỹ nhân Chân Lạc.
theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Ngọc Sương (##)