Phong tục Xông đất đầu năm của người Việt
Tục xông đất đầu năm là một trong những phong tục được ông cha ta lưu truyền đến ngày nay. Người Việt tin rằng việc xông đất có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh của gia chủ cả năm. Giờ xông đất bắt đầu từ sau giao thừa trở đi, khi tiếng chuông báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đến. Người xông đất là người được chọn lựa rất kỹ để đảm bảo may mắn và thịnh vượng cho gia chủ.
Theo truyền thống, chủ nhà sẽ chọn một người làm “nghi lễ” bước vào nhà mình đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết. Người xông nhà phải có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung”. Đó cũng phải là người vui vẻ, rộng rãi, hạnh phúc thì gia chủ sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới. Hay những người có tên hay, đẹp như Cát, Lộc, Kim, Ngân, Phúc, Thọ, An, Khang… xông đất cũng là một niềm vui với gia chủ.
Thời xưa chỉ có 2 cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuồi hợp tuổi với chủ nhà. Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều: Người được chọn xông đất phải khỏe mạnh, tốt tính, gia cảnh khấm khá, hòa thuận.
Cách xông đất sau giờ giao thừa cũng có khi để người thân trong gia đình tự xông lấy. Người ta chọn một người dễ vía ra đi từ lúc chưa hết giờ trừ tịch và dự lễ tại đình chùa, sau đó xin hương hái lộc. Lúc trở về nhà đã bước sang năm mới, người này tự “xông nhà”, mang sự tốt lành quanh năm về cho gia đình theo quan niệm của ông bà xưa. Đi xông nhà như vậy tránh được sự nhờ vả kẻ khác.
Với người ngoài, thời gian xông nhà tốt nhất vào buổi sáng mồng một Tết. Người đi xông đất, ngoài những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho gia chủ còn phải ăn mặc thật đẹp và mang theo một chút quà Tết. Quà ở đây không nhất thiết là quý giá, nhiều hay ít, mà chỉ có tính cách tượng trưng và phụ thuộc vào mức độ quen biết gia chủ thân hay sơ. Nó có thể là một chai rượu Tết, một gói trà ngon, một chiếc bánh chưng hay một phong bánh ngọt.
Xông đất xong còn mừng tiền, chủ yếu là cho trẻ con gia chủ. Sau đó chủ nhà cũng hoan hỉ chúc tụng lại vị khách xông nhà và thết đãi một vài món ăn hay thức uống. Chuyện ăn uống này cũng chỉ mang tính tượng trưng cho có lệ, như ăn vài miếng bánh, miếng mứt, uống một ly rượu hay chén trà. Mọi người sẽ cùng nhau nhấm nháp hương xuân đầu năm trong không khí đầm ấm và tràn trề hy vọng mới. Nhà nào đã có người đến xông đất rồi thì việc tiếp khách trong ngày mồng một Tết không có ảnh hưởng gì đến gia chủ kể cả người tốt vía lẫn xấu vía.
Người xông nhà chúc Tết thường lưu lại nhà gia chủ trong khoảng 10-15 phút. Tùy nhà tùy người mà có lời chúc riêng. Nếu nhà có cha mẹ già thì chúc “Bách niên giai lão”, “tăng phúc tăng thọ”; nếu là người buôn bán thì mong “buôn may bán đắt”, “làm ăn phát đạt”, “làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái”; nếu gặp người làm việc Nhà nước thì chúc “thăng quan tiến chức” hoặc “lên chức lên lương”; gặp trẻ em thì mừng các bé “hay ăn chóng lớn”, “học hành đỗ đạt”. Lời chúc tụng này thường kèm theo bao đỏ để mừng tuổi và lì xì cho trẻ em, bạn bè, đồng nghiệp.
Người Việt thường tránh xông nhà người khác ngày mùng một Tết nếu trong gia đình mình có những chuyện không hay xảy ra trong năm qua. Các gia đình người Việt cũng rất kỵ những người có phẩm chất đạo đức không tốt, lười biếng xông nhà.
Ngày Tết Nguyên đán, nghĩ về tục xông đất đầu năm để càng cảm thông cho khát vọng muôn đời của nhân dân ta khi trời đất vào xuân: Khát vọng thịnh vượng, an khang, hạnh phúc!
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Khánh Linh (##)