Tết cổ truyền dưới góc nhìn văn hoá học và sự biến đổi của Tết trong bối cảnh đời sống mới, văn hoá mới đã mang sắc mầu mới.
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Tết là một sinh hoạt văn hoá cổ truyền quan trọng - nếu không nói là quan trọng nhất của người Việt ở đồng bằng. “Năm hết Tết đến”, mọi công cuộc làm ăn - sản xuất - trước hết là sản xuất nông nghiệp - đều dần dần giảm thiểu đến mức tối đa - thậm chí ngày trước có khi tạm ngưng hẳn - để đổ dồn cho việc sửa soạn cái Tết, tắm mình trong không khí Tết, hưởng thụ Tết, sinh hoạt Tết rồi thư dãn sau Tết. “Ra Giêng ngày rộng, tháng dài...”
Tết cổ truyền dưới góc nhìn văn hoá học và sự biến đổi của Tết trong bối cảnh đời sống mới, văn hoá mới đã mang sắc mầu mới.
Một cách chặt chẽ, Tết bắt đầu từ ngày mồng Một tháng Giêng đầu năm mới theo lịch cổ truyền mà ta quen gọi là Âm lịch - thật ra là Âm - Dương hợp lịch, vì “Tháng” được tính theo trăng (từ “mồng một lá trai, mồng hai lá lúa - đến ba mươi không trăng), còn “24 tiết” trong năm được định theo mặt trời; ấy là không kể lịch - còn được điều chỉnh theo sao, “nhật - nguyệt - tinh” đều được tham chiếu để làm lịch, đó không phải là lịch thuần Âm hay thuần Dương.
Tết là ngày đầu năm mới, trước hết và quan trọng nhất là “mồng Một”, rồi bao hàm cả “3 ngày Tết” (từ mồng Một đến mồng Ba). Nhưng, trong ngôn ngữ cổ truyền của người Việt, bắt đầu từ 23 tháng Chạp năm cũ, người ta gọi là “23 Tết” (ít ai gọi là 23 tháng Chạp), cứ thế kéo dài đến “30 Tết” (30 tháng Chạp). Đêm ấy - hay nửa đầu đêm ấy - được coi là tối tăm nhất trong năm - “tối như đêm Ba Mươi Tết, dầy như đất” - Và “ông Hùm” được bảng giá trị cổ truyền coi là thế lực đáng sợ nhất, tối tăm nhất nên lại được gọi một cách tượng trưng - văn hoá là “ông Ba Mươi”. “30 Tết”, qua “Giao thừa” lại được gọi là “Mồng Một Tết” rồi “Mồng Hai Tết” v.v… cho đến ít nhất là “Mồng Bảy Tết” v.v…
Thật ra lễ lạt đầu năm mới được gọi thu gọn là Tết chứ nếu gọi một cách đầy đủ thì dân gian nói là Tết Cả hay gọi theo “tên chữ” (Hán - Việt) là Tết Nguyên Đán. Nguyên là “đầu tiên”, Đán là “buổi sớm”. Theo nguyên nghĩa, “Nguyên đán” là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của năm mới. Vậy “Tết Nguyên đán” là “Tết đầu năm mới”.
Còn Tết Cả nghĩa là Tết hàng đầu, Tết đứng đầu, Tết to nhất và quan trọng nhất. Với tên gọi ấy, trong tâm thức dân gian đã tiềm ẩn cái ý là sau Tết Cả, có những tết khác, “Tết con”, Tết không to bằng, không quan trọng bằng Tết Cả.
Dân ta còn gọi nhiều lễ nữa trong năm là “Tết”, thí dụ “Tết mồng ba tháng Ba” (Hàn thực hay “tiệc bánh trôi”), “Tết Đoan Ngọ” (mồng 5 tháng 5), Tết “Trung thu” (Rằm tháng Tám), “Tết cơm mới” (mồng 10 tháng 10 hay mồng 1 tháng 10 tuỳ vùng).
Vậy Tết theo nghĩa rộng bao hàm những định kỳ lễ trong năm, quanh năm. Tết nhân văn vẫn nương theo thời tiết tự nhiên chuyển vần theo mùa vụ một năm, chẳng hạn tết Đoan Ngọ là khoảng trước sau ngày Hạ chí, tết Cơm mới ở khoảng tiết Đông chí, tết Trung thu ở khoảng tiết Thu phân v.v... Tết Cả hay Tết Nguyên đán là nương theo cái tiết Lập Xuân. Có điều là giữa cái Văn hoá và cái tự nhiên có một độ dung sai nhất định, không hoàn toàn trùng khít với nhau.
Cội nguồn của tết
Không gian văn hóa - xã hội của Tết Nguyên đán là Trung Hoa. Ai cũng biết Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam là những vùng ngoại biên của văn minh Trung Hoa và chịu ảnh hưởng đậm đà theo những khía cạnh khác nhau, với những mức độ khác nhau, độ sâu nông khác nhau và những góc khúc xạ khác nhau của văn minh Trung Hoa. Một cái Tết chung cho cả 4 nước trên dễ cho người ta cảm nhận rằng Tết đó vốn có cội nguồn Trung Hoa.
Trong các tộc người của cộng đồng quốc gia Việt Nam, tộc Việt chịu ảnh hưởng Trung Hoa sớm nhất và mạnh nhất và cũng “văn hiến” nhất. Có sự giao thoa văn hoá Việt Hoa - cả cưỡng bức và tự nguyện - qua hơn ngàn năm Bắc thuộc, bắt đầu từ hàng thế kỷ trước công nguyên, rõ rệt nhất là thời Hán Vũ đế (111 tr CN). Tết trước hết là Tết của người Việt.
Tết như hiện nay bắt đầu khoảng trước Công nguyên hơn 100 năm, từ đời Hán và có cội nguồn đan xen văn hoá Việt - Hoa. Văn minh Trung Hoa bắt nguồn từ bình nguyên hoàng thổ Hoàng hà, cùng với sự bành trướng của người Hoa xuống phương Nam, đã tích tụ và hội nhập nhiều nhân tố văn hoá phương Nam, miền Việt cổ. Lâu dần, với văn tự và thư tịch Trung Hoa, mọi nhân tố văn hoá Việt cổ ấy đã được xem là của người Hoa và đã được “Hoa hoá”. Về sau, người ta gán mọi thành tựu sáng tạo văn hoá cho người Hoa. Sự thực văn minh Trung Hoa là kết quả tích tụ và kết tinh nhiều nhân tố văn hoá của nhiều tộc người - Hoa và phi Hoa - ở vùng Đông Á và Đông Nam Á.
Mâm cỗ ngày xuân
Trong mỗi chúng ta chắc hẳn không có ai không được ăn cỗ. Bữa cỗ Việt Nam đã có từ xưa và gắn với truyền thống lâu đời của cả dân tộc, của đất nước, của làng xóm quê hương mình. Thú thật ăn cỗ không chỉ là niềm vui mà còn là nghĩa vụ của người lớn. Những đứa trẻ nhỏ được ăn cỗ là niềm vui, là kỷ niệm đọng lại trong ký ức tuổi thơ rất khó phai nhòa theo thời gian.
Trên mâm cỗ bao giờ cũng có các món ăn sẵn, mâm sắp đủ 4 hoặc 6 cái bát, có nơi lại sắp 5 cái và số đôi đũa đi theo số bát, chén uống rượu và một chai rượu trắng.
Đi ăn cỗ không phải chỉ để ăn mà còn là niềm mong mỏi, giao du, xum họp gia đình, họ hàng nội, ngoại. Lúc ăn cỗ ai cũng nói cười vui vẻ, vừa ăn vừa chúc tụng, thăm hỏi lẫn nhau, qua bữa cỗ những thắc mắc, giận hờn, hiểu lầm nhau sẽ được xóa nhòa. Từ đó mối quan hệ càng được thắt chặt hơn. Trong các bữa ăn cỗ tuy thân mật, vui vẻ song khi ăn uống cũng thể hiện nét văn hóa, lịch sự, nhất là khi được ngồi cùng mâm với ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi. Khi ăn không được chống đũa lên mâm mà phải dùng tay sửa đũa ngay ngắn, khi gắp thức ăn không đảo xới, không dùng đũa xê dịch bát, đĩa trong mâm, trước khi ăn phải mời người cao tuổi gắp trước, không nên vừa ăn vừa nói. Các cô con gái, con dâu phải ý thức, nhất là khi có khách lạ, có người lớn tuổi.
Mâm cỗ ngày tết ở trong gia đình cúng tổ tiên là làm cho ta có lòng tin ở sự có mặt của ông bà, cha mẹ trên bàn thờ, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con cháu. Ai cũng không dám làm điều gian dối, độc ác, e bị tội với ông bà, cha mẹ, tổ tiên và muốn được hưởng, phúc đức của tổ tiên để lại cho con cháu. Mâm cỗ ngày tết thường khác với tiệc liên hoan, khao gặp gỡ, ăn mừng thắng lợi. Mâm cỗ rất quen thuộc với người Việt Nam từ thành phố đến nông thôn vào những ngày tết xuân về. Những người đi xa quê hương xứ sở nhiều năm vào những ngày tết khi nghĩ về quê hương đều nhớ đến không khí ấm cúng gia đình và hương vị mâm cỗ tết đầu năm.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Ngọc Sương (##)