Có nhiều chỉ dấu để phỏng đoán cái nghèo nói chung : – chính tinh ở những cung tài sản bị hãm địa. Nếu đó là tài tinh thì mức độ nghèo không mấy nặng vì dù sao, tài tinh hãm địa thì cũng còn ít nhiều ý nghĩa tài lộc, nhất là hợp vị ở Tài, Điền. Có thể có hai trường hợp hãm địa gần như tương đương nhau: hoặc chính tinh miếu, vượng và đắc địa bị Tuần hay Triệt án ngữ, hoặc chính tinh hãm địa thiếu Tuần, Triệt án ngữ. Lẽ dĩ nhiên, chính tinh hãm địa thiếu Tuần, Triệt đồng cung thì xấu hơn là miếu, vượng hay đắc địa gặp Tuần Triệt vì Tuần hay Triệt chỉ có hiệu lực cản trở cái tốt của chính tinh một thời gian nào đó, đến một mức độ nào đó mà thôi.
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
– những cung tài sản thiếu phụ tinh tốt hội chiếu, nhất là thiếu tài tinh. Những cung này có tài tinh hãm địa thì vẫn còn đỡ khổ hơn là thiếu cả tài tinh lẫn cát tinh khác.
– những cung tài sản thiếu sao giữ của. Nếu bị thêm sao hao (Đại, Tiểu Hao hãm địa) thì càng kém, nhất là khi hao tinh nằm ở Tài và Điền mà không gặp sao nào chế ngự.
– những cung tài sản thiếu sao trợ tài, sao may mắn, sao hưởng của.
– những cung tài sản bị sát tinh, hung tinh, bại tinh, hao tinh, hình tinh cùng hãm địa. Đây là trường hợp xấu nhất, đặc biệt là khi gặp sát tinh nặng lại không hợp cách của Mệnh và cũng không bị sao nào khác chế ngự.
Có đủ 5 trường hợp trên thì mức nghèo sát ván: đó là hoàn cảnh của những người cùng khổ, không có gì để giữ, không có gì để mất. Họ dễ trở thành đạo tặc, trộm cướp.
1. Cách nghèo về điền trạch: do cung Điền mô tả qua những sao dưới đây:
- Phá Quân ở Dần, Thân
- Thất Sát ở Thìn, Tuất
- Thiên Đồng, Cự Môn đồng cung
- Cự Môn ở Tỵ, Thìn, Tuất
- Vũ Khúc, Thất Sát đồng cung
- Thái Dương hãm địa
- Thái Âm hãm địa
Bảy bộ sao trên đều có nghĩa là không có tài sản.
- Tử Vi, Thất Sát đồng cung
- Tử Vi, Phá Quân đồng cung
- Tử Vi, Tham Lang đồng cung
- Liêm Trinh ở Dần, Thân
- Vũ Khúc, Phá Quân đồng cung
- Cự Môn, Thái Dương ở Thân
- Tham Lang ở Dần, Thân, Tý, Ngọ
- Cự Môn ở Hợi, Tý, Ngọ
- Thất Sát ở Tý, Ngọ
- Phá Quân ở Thìn, Tuất
- Liêm Trinh, Tham Lang đồng cung
Đó là những trường hợp có ít nhiều di sản, nhưng không giữ được, không hưởng được, bị phá sản, phải lìa bỏ tổ nghiệp, chỉ có thể tự lập mới có chút ít điền sản nhưng phải hết sức chật vật và chậm lụt, nhiều khi phải tha phương lập nghiệp.
- Liêm Trinh, Thiên Phủ đồng cung
- Liêm Trinh, Thất Sát đồng cung
- Liêm Trinh, Phá Quân đồng cung
- Thái Dương, Thiên Lương ở Dậu
Những cách trên tương đối khá hơn, cụ thể như có di sản nhưng bị sa sút về sau (Liêm, Phủ), chậm của (Liêm, Sát), lập nghiệp thất bại buổi đầu (Liêm, Phá), về già mới có nhà đất (Dương, Lương).
- Địa Không, Địa Kiếp hãm địa: đóng hay chiếu cung Điền, Kiếp Không có nghĩa: không có của cải, nhà đất; bị chiếm hữu nhà đất; bị phá hủy nhà đất; bị tai họa lớn vì điền sản. Kiếp Không hãm địa báo hiệu một đại họa bất khả kháng, có hậu quả lớn lao và lâu dài cho sở hữu chủ. Họa đến một cách hung hãn và bất ngờ, không lường trước được, không thể tránh khỏi. Hai sao này là một nghiệp chướng thật sự về mặt điền sản.
- Kình Dương, Đà La, Hỏa Tinh, Linh Tinh hãm: nếu hãm địa và hội tụ ở Điền, bốn sao này hung hiểm không kém: chỉ sự phá sản, tai họa về điền sản (họa về lửa nếu gặp Hỏa Linh), sự cực nhọc lúc mua sắm, lúc gìn giữ, số lượng tài sản ít oi, phẩm chất nhà đất tầm thường, việc mất nhiều mối lợi về điền sản.
- Tuần, Triệt ở Điền: chẳng những phải tự lực mua sắm mà nhà đất còn khó tạo hay chậm có hoặc có rồi bị phá, hao, sa sút. Nếu cả hai đồng cung, triển vọng vô sản hoặc phá sản càng rõ rệt. Ai có di sản mà cung Điền có Triệt thì dễ bị hao tán sớm và mạnh, nếu có Tuần thì di sản ít mới khỏi hao, còn nhiều thì hao dần. Ai tự lập mà cung điền có Triệt thì chậm của, có thể từ 45 tuổi trở đi. Gặp Triệt, thời gian thủ đắc chậm thêm một thập niên nữa. Nếu gặp Tuần, điền sản tự lập hoặc ít, nếu có nhiều thì hao tán tuần tự, mặc dù của cải có thể được thủ đắc sớm, vào tuổi lập thân.
Có hai biệt lệ đối với cung Điền vô chính diệu:
– Điền vô chính diệu gặp Tuần hay Triệt đồng cung: việc mua sắm chỉ khó lúc đầu của buổi lập thân, có sự mua vào bán ra điền sản và thay đổi nhà cửa luôn. Càng về già thì mới có sản nghiệp, nhưng tầm thường.
– Điền vô chính diệu có Tuần hay Triệt án ngữ và có Nhật Nguyệt sáng sủa hội chiếu: sự nghiệp tuy có khó khăn lúc đầu nhưng về sau rất phong túc, trở thành đại phú nông, đại trạch chủ, đại tư bản.
2. Cách nghèo về tiền bạc: biểu lộ ở cung Tài và ba cung hội chiếu Tài, cùng với cung nhị hợp với Tài nhưng cung Tài có ý nghĩa trực tiếp.
- Liêm Trinh, Tham Lang đồng cung
- Phá Quân ở Dần, Thân
- Thất Sát ở Thìn, Tuất
- Tham Lang ở Dần, Thân, Tý, Ngọ
Bốn trường hợp này là tệ nhất: nghèo túng, nợ nần, hoang phí, bị hình ngục vì tiền (Liêm, Tham).
- Tử Vi, Thất Sát: kiếm tiền mau lẹ
- Tử Vi, Phá Quân: chật vật buổi đầu, càng về sau càng sung túc
- Tử Vi, Tham Lang: tiền bạc bình thường, có của hương hỏa nhưng về sau bị sa sút
- Liêm Trinh ở Dần, Thân: việc kiếm tiền phải cạnh tranh và chậm nhưng làm giàu chắc chắn
- Liêm Trinh, Thiên Phủ: giàu có lớn, giữ của
- Liêm Trinh, Thất Sát: tiền bạc thất thường, hết lại có
- Liêm Trinh, Phá Quân: dễ kiếm tiền lúc tao loạn, nhưng hay bị họa vì tiền
- Thiên Đồng, Cự Môn: tiền bạc vào ra thất thường
- Vũ Khúc, Phá Quân: tiền bạc có vào nhưng lại ra hết
- Vũ Khúc, Thất Sát: tự lập, vất vả lúc đầu
- Thái Dương hãm, Thái Âm hãm: phải cực nhọc mới tạo ra tiền, chậm có tiền
- Cự Môn ở Hợi, Tý, Ngọ: tự lập, phát tài mau lẹ lúc tao loạn
- Cự Môn ở Tỵ, Thìn, Tuất: tiền bạc thất thường, hay bị kiện tụng, thị phi vì tiền
- Phá Quân ở Thìn, Tuất: tiền bạc thất thường, hết lại có
3. Những sao hao tiền bạc:
Đại, Tiểu Hao hãm địa: rất hoang phí, ham vui, tiêu pha không tiếc tiền, dù không tiền cũng không biết lo kiếm tiền, do đó thường túng thiếu, nợ nần. Tâm lý của nhị Hao rất phù du, lãng tử, chỉ biết có hiện tại, không có chí làm giàu, không có khả năng kiếm tiền, chỉ có tài ném tiền qua cửa sổ cho thỏa thích, cho dù không muốn tiêu cũng thường gặp dịp phải chi. Cung Tài đại kỵ hai sao này, dù có được tài tinh đồng cung thì mức chi vẫn nhiều hơn mức thu.
Văn Xương, Văn Khúc: đôi khi có nghĩa mê cờ bạc, một trong những nguyên nhân hao tán tài lộc. Đôi khi, người có Xương Khúc ở Tài sống bằng nghề cờ bạc.
Điếu Khách: cờ bạc đều đều, có thể là người sống về nghề đổ bác hoặc chủ sòng bạc.
Đại, Tiểu Hao, Hỏa hay Linh Tinh: Hỏa hay Linh là bệnh nghiện. Nếu Hỏa, Linh không đi với nhị Hao, có lẽ bệnh nghiện không nặng và không tốn hao lắm.
Đại, Tiểu Hao, Đào, Hồng: đây là bệnh nghiện gái/kép, hảo ngọt mà dại gái/trai, bị tốn tiền vì tình nhân bòn của. Đào, Hồng, Song Hao không cần đóng ở Tài, có thể đóng ở Mệnh, Quan, Phúc cũng vẫn có ý nghĩa nói trên. Duy Đào Hồng đi với Hóa Lộc hay Lộc Tồn thì nhờ phái đẹp hoặc nhờ sắc đẹp mà trở nên giàu có.
Phục Binh: đóng hay chiếu cung Tài, Phục Binh dễ bị mất trộm, thường bị ăn chặn, ăn gian, lường gạt, hoặc mất bất cứ của cải gì. Trong lá số gian phi, Phục Binh là chính mình đi trộm, đi giựt, chính mình là thủ phạm hay tòng phạm. Đóng ở cung Nô thì tôi tớ trong nhà lấy đồ đạc của chủ, bạn bè quỵt tiền mình.
Thiên Hình: ở một cung Tài đẹp không có lợi vì chỉ tụng ngục, hình tù vì nguyên do tiền bạc, cũng có thể bị bắt rồi phải hao tiền chạy chữa. Nếu cung Tài xấu, Thiên Hình có thể chỉ sự trộm cắp, lường gạt, cướp giật mà bị tù tội. Nếu có Song Hao hãm địa thì có tái phạm ít ra hai lần. Thiên Hình đồng cung với Thiên Tướng (cho dù có đắc địa đi nữa) ở Tài cũng xác nhận tai họa vì tiền khó tránh. Nếu Hình đi chung với Không Kiếp thì bị cướp đánh đập khảo của, bắt giữ để tống tiền. Nếu cung Tài xấu, thì chính đương sự là kẻ phạm pháp. Nếu đồng cung với Liêm Tham ở Tỵ Hợi, tù tội khó tránh và phải vướng mắc nhiều lần.
Thiên Hình, Lực Sỹ: ở cung Tài xấu, Hình Lực có nghĩa bần cùng sinh đạo tặc. Lực Sỹ chỉ sức mạnh cho nên thường phạm pháp bằng bạo lực và bằng dụng cụ nhà nghề như cạy cửa, đào tường, khoét vách để lấy trộm. Vì có Hình, ắt có lần bị bắt quả tang, phải vướng lao tù. Cũng vì có Lực, phạm nhân có thói quen thoát ngục bằng bạo lực. ở cung Tài xấu, hai sao này xác nhận thêm sự nghèo khó.
Hóa Kỵ: chỉ: hao tài, tán của nhưng không mạnh bằng Song Hao; bị dị nghị, đàm tiếu, tai tiếng trong việc kiếm tiền; bị cạnh tranh, đố kỵ, ghen ghét vì tiền bạc. Ngoài ra, nếu Mệnh xấu có Kỵ mà giáp Kình Đà thì cũng nghèo, lang thang tìm miếng ăn rất khổ cực.
Quan Phù, Quan Phủ, Thái Tuế: trừ phi đương số hành nghề luật sư, thẩm phán, bằng không, ba sao này chỉ sự kiện tụng vì tiền bạc, sự hao tài vì thưa kiện, sự tranh chấp tài sản giữa anh em hay với người ngoài, kéo nhau đến tòa án. Mặt khác, Quan Phù và Quan Phủ trong cung cách gian phi còn chỉ sự phản bội, sự lường gạt cụ thể như mượn tiền không trả, giật hụi, chia "chiến lợi phẩm" không sòng phẳng thường đi đến cãi vã, kiện thưa, thanh toán, trả thù. Ba sao này nếu đi chung với Đà La, Hóa Kỵ: càng nhấn mạnh cường độ của sự tranh tụng.
Liêm, Tham đồng cung: báo hiệu sự kiện thua vì tiền, có thể đi đến ngục tù.
Địa Không, Địa Kiếp hãm địa: nghèo túng, nợ nần cực khổ, thậm chí có thể ăn mày, nếu có chút của cũng tán tài, sự mất của xảy ra bất ngờ, mau chóng, liên quan đến số tiền lớn và thường đi liền với bạo hành như đánh đập, cướp giật, phá nhà, hoặc dùng thủ đoạn phi pháp như lường gạt, sang đoạt, thậm chí có khi giết người. Tóm lại, Kiếp Không có hai nghĩa chính: hoặc là vô sản, hoặc là bị họa vì tiền bạc. Đi chung với Tướng Quân, Phục Binh hay Tả, Hữu thì có thêm tòng phạm. Kiếp Không hãm địa ở cung Tài của một lá số gian hùng có nghĩa là chính mình đi cướp của, dùng thủ đoạn ám muội và táo bạo để tạo ra tiền. Cách này thường đi liền với cách ăn mày trong bối cảnh các cung Phúc, Mệnh, Thân cùng xấu.
Kình, Đà, Hỏa, Linh hãm địa: càng hội nhiều vào cung Tài thì càng nghèo khó. Các sao này thường chỉ con người rất bủn xỉn, đê tiện, chỉ biết có đồng tiền và hành động tráo trở để xoay tiền. Nếu Mệnh xấu mà giáp Kình, Đà thì cũng rất nghèo, có khi phải ăn xin.
Tuần, Triệt ở cung Tài: như Tuần Triệt ở cung Điền.
Thiên Không: phá tán, không cầm của được nhiều, không giữ của được lâu dài. Những nguyên nhân hao tán thường là bất khả kháng hoặc là hậu quả của một thủ đoạn thủ đắc tiền bạc về trước.
Thiên Giải: ở Tài Điền thì không cầm giữ của cải được nếu ở cung Tài xấu. Nếu đi với tài tinh thì sẽ có nhiều dịp may kiếm lợi.
CÁCH THỌ, CÁCH YỂU - NHỮNG SAO YỂU, THỌ
1. Cách yểu của trẻ con:
a. Giờ kim sà: Phạm giờ kim sà, triển vọng của đứa trẻ rất bấp bênh. Cho dù có sống cũng hết sức khó nuôi vì đau yếu luôn luôn. Nếu Bản Mệnh đứa trẻ bị cha (hay mẹ) khắc hành, thì càng khó sống.
Cách tính giờ kim sà rất phức tap:
- dùng cung Tuất, kể là năm Tý, đếm theo chiều thuận đến năm sinh;
- đến cung nào, kể cung đó là tháng giêng, đếm theo chiều nghịch đến tháng sinh;
- đến cung nào, kể cung đó là mùng một, đếm theo chiều thuận đến ngày sinh;
- đến cung nào, kể cung đó là giờ Tý, đếm theo chiều nghịch đến giờ sinh thì dừng lại ở cung này.
Nếu là trai, mà cung này là cung Thìn hoặc cung Tuất thì phạm giờ kim sà.
Còn nếu cung này là cung Sửu hay Mùi thì phạm vào bàng giờ.
Nếu là gái, mà cung này là cung Sửu hoặc Mùi thì phạm giờ kim sà, còn nếu rơi vào cung Thìn hay Tuất thì chỉ phạm bàng giờ.
Trong các trường hợp phạm giờ kim sà, trai hay gái, dễ yểu trước 13 tuổi. Còn nếu chỉ phạm bàng giờ thì có cơ may tồn tại, nhưng sẽ hết sức khó nuôi. Tuy nhiên, nếu Bản Mệnh đứa trẻ bị Bản Mệnh người mẹ hoặc người cha khắc thì ít hy vọng, đứa nhỏ sẽ có thể yểu, sau nhiều lần đau yếu. Tuy nhiên, trong trường hợp có hy vọng tồn tại, còn phải xem thêm các sát tinh thủ Mệnh đứa trẻ để quyết đoán cho chắc chắn.
b. Giờ quan sát:
Phạm giờ quan sát, trẻ con hoặc hay đau yếu, hoặc bị tai nạn bất ngờ đe dọa sinh mệnh. Cách tính chỉ dựa theo giờ, tháng sinh theo bảng dưới đây:
tháng sinh + giờ quan sát
1 Tỵ + 7 Hợi
2 Ngọ + 8 Tý
3 Mùi + 9 Sửu
4 Thân + 10 Dần
5 Dậu + 11 Mão
6 Tuất + 12 Thìn
Cần lưu ý rằng tai nạn sơ sinh có ảnh hưởng sâu rộng đến tính nết đứa trẻ. Thông thường, tai nạn đó khiến đứa trẻ sau này rất ngỗ ngược, liều lĩnh, ngang tàng.
c. Giờ tướng quân: Phạm giờ này, trẻ hay bị bệnh, đặc biệt là ghẻ lở và thần kinh không quân bình, thẻ hiện bằng tính khóc hoài không nín, khóc rất dai. Tuy nhiên, tính mạng đỡ lo, có hy vọng tồn tại nhiều hơn hai giờ kim sà và quan sát. Cách tính giờ tướng quân theo mùa và giờ sinh theo bảng dưới đây:
Giờ tướng quân theo mùa sinh:
Xuân
1-1 đến 30-3 Thìn - Tuất - Dậu
Hạ
1-4 đến 30-6 Tý - Mão - Mùi
Thu
1-7 đến 30-9 Dần - Ngọ - Sửu
Đông
1-10 đến 30-12 Thân - Tỵ - Hợi
d. Giờ Diêm vương:
Phạm giờ này, trẻ con thường có nhiều chứng dị kỳ, như hay giật mình, hốt hoảng, trợn mắt, lè lưỡi, hầu như bị một ám ảnh nào lớn lao trong tâm trí mà đứa trẻ cơ hồ như ý thức được. Cách tính giờ Diêm vương theo tháng và giờ sinh như sau:
mùa sinh giờ diêm vương
Xuân Sửu - Mùi
Hạ Thìn - Tuất
Thu Tý - Ngọ
Đông Mão - Dậu
e. Giờ dạ đề: Phạm giờ này, trẻ chỉ hay khóc về đêm. Cách tính cũng dựa theo tháng và giờ sinh âm lịch:
mùa sinh giờ tướng quân
Xuân Ngọ
Hạ Dậu
Thu Tý
Đông Mão
f. Trường hợp Mệnh Không, Thân Kiếp: cho dù cả hai sao đắc địa cũng nguy kịch đến tính mạng, nhất là cung Mệnh hoặc cung Thân có Thiên Đồng, Thiên Lương hoặc Phá Quân tọa thủ, cho dù có cát tinh nào tốt đi cùng cũng vậy. Càng có thêm hung tinh, hao tinh, bại tinh, hình tinh, càng chắc yểu. Cung Phúc ở đây không quan trọng vì đối với trẻ mới sinh, 1 tuổi thì xem cung Mệnh. Dù Phúc có tốt cũng không đỡ nổi vì cung Phúc chỉ ứng vào 5 tuổi.
g. Trường hợp Mệnh Kiếp, Thân Không:
Gặp Thiên Đồng hoặc Thiên Lương hoặc Phá Quân ở Mệnh hay Thân hội với Kiếp, Không thì yểu. Ngoài ra, nếu Mệnh vô chính diệu mà có Đào, Hồng và sát tinh khác hội tụ thì cũng chết non hoặc yểu sinh.
h. Trường hợp xung khắc Bản Mệnh với người mẹ:
Nếu Bản Mệnh của Mẹ khắc Bản Mệnh con sơ sinh thì càng nguy kịch cho đứa trẻ. Nếu gặp thêm hai trường hợp trên thì chắc chắn không thọ. Nếu bị Bản Mệnh người cha khắc, không nguy kịch bằng.
i. Những xung kỵ khác:
– Sinh năm Dần, Ngọ, Tỵ, Dậu vào bốn giờ Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì tối độc.
– Sinh năm Dần, Hợi, Tỵ vào giờ Ngọ, Thân, Dậu, Hợi thì khắc cha, cha chết trước lúc con còn nhỏ tuổi nhưng nếu qua 16 tuổi mà chưa mồ côi cha thì sự hình khắc đó coi như tiêu tán và cha con có thể chung sống lâu dài được.
– Sinh năm Thìn, Tỵ, Sửu, Mùi vào giờ Tý, Ngọ, Mão, Tỵ, Hợi, Thân, Dậu thì khắc mẹ trước.
Ba loại xung khắc này phải được tính chung với ba cung Mệnh, Phúc và Phu để có thêm yếu tố xét đoán.
2. Cách yểu của người lớn:
a. Sự nghịch lý của Âm Dương: gây trục trặc căn bản và đa diện, tạo một yếu tố bất lợi cho cuộc đời nói chung và sự yểu nói riêng.
b. Sự đối khắc giữa Bản Mệnh và Cục: rất quan trọng, tuy không hẳn là quyết định.
c. Sự đối khắc giữa cung Mệnh và Bản Mệnh: trong trường hợp Mệnh vô chính diệu thì xấu.
d. Sự đối khắc giữa cung Mệnh, chính tinh của Mệnh và Bản Mệnh: nếu cung Mệnh có chính tinh, cung an Mệnh khắc chính tinh đó rồi chính tinh đó khắc lại Bản Mệnh một lần nữa thì trực tiếp hại cho Bản Mệnh.
e. Trường hợp bại địa và tuyệt địa của cung an Mệnh: rất bất lợi.
f. Cung Phúc xấu: làm dễ yểu hơn nữa. Cung Phúc xấu trong những trường hợp sau:
– có chính tinh tốt, đắc địa mà bị Tuần hay Triệt hoặc cả Tuần lẫn Triệt. Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là Âm, Dương đắc địa ở Sửu, Mùi cần gặp Kỵ, Tuần, Triệt mới sáng lại;
– có chính tinh (tốt hoặc xấu, nhất là xấu) mà bị sát tinh nghịch cách xâm phạm. Số lượng sát tinh càng nhiều thì càng bất lợi. Nếu gặp hung, hao, hình, bại tinh thì đỡ hơn.
– không có chính tinh mà thiếu Tuần, Triệt trấn đóng;
– không có chính tinh mà thiếu Tuần, Triệt, Địa Không, Thiên Không hội chiếu;
– không có chính tinh mà bị xung chiếu bởi chính tinh hãm địa;
– cung Phúc ở bại địa và tuyệt địa;
– chính tinh của Phúc bị hành của cung khắc, chính tinh này lại khắc hành của Bản Mệnh;
Cần lưu ý rằng những bất lợi trên bổ túc thêm các bất lợi ở các mục trước. Nếu chỉ gặp riêng những trường hợp xấu của cung Phúc thì trước hết là yểu, hoặc là thọ mà nghèo hèn, hoặc là bị bệnh tật và họa nặng, hết sức bất lợi cho sự sống, hoặc có thể vì bệnh, họa, tật và nghèo đói mà tự tử.
g. Cung Mệnh, cung Thân, cung Hạn cùng xấu: Gặp thêm ba cung này xấu, càng dễ yểu hơn. Cái xấu của ba cung này tương tự như cái xấu của Phúc. Hạn nào xấu nhất thì dễ yểu trong thời gian đó. Nếu Mệnh tốt, Thân xấu gặp Hạn xấu sẽ yểu trong thời gian của Thân và của Hạn. Nếu Mệnh xấu, Thân tốt gặp Hạn xấu có thể đỡ khổ hơn: nếu không yểu trong thời hạn của Mệnh thì có thể qua khỏi và sẽ hanh thông sau 30 tuổi, chỉ hiềm phải hết sức vất vả trong vòng 30 tuổi đầu, đặc biệt là trong vòng hạn xấu (cụ thể như nghèo, thất nghiệp, bệnh, họa, tang khó, mồ côi, tự lập ...)
h. Cung Tật xấu: cá nhân bất hạnh về sức khỏe, về yểu dù có phú, có quý. Trong trường hợp này, ba cung Phúc, Mệnh, Thân phải đặc biệt tốt mới quân bình ít nhiều cái xấu của Tật.
3. Các sao yểu:
a. Yểu cách của chính tinh:
Tử Vi: đi chung với Tham Lang thì giảm thọ, với Phá Quân thì phải ly hương mới sống lâu, với Tuần hoặc Triệt thì yểu, với Kình Đà Không Kiếp thì bị hãm hại. Yểu cách càng rõ nếu Tử Vi ở những vị trí bình hòa như Hợi, Tý, Mão, Dậu.
Liêm Trinh: đi với Thất Sát hoặc Tham Lang, Liêm Trinh chẳng những yểu mà họ hàng cũng có người chết sớm, bằng không cũng bị ác bệnh, tù tội, nghèo hèn, tha phương cầu thực. Đi với Phá Quân thì phải xa quê và vất vả mới thọ.
Thiên Đồng: đóng ở Dậu, Thìn, Tuất có nghĩa giảm thọ và xa cách họ hàng. Đồng cung với Cự Môn cũng yểu, hay bị quan tụng và tranh chấp nhau trong gia đình. Đồng cung với Thái Âm ở Ngọ cũng kém thọ và cô độc.
Vũ Khúc: giảm thọ nếu đồng cung với Thất Sát hay Phá Quân. Ngoài ra còn cô độc, rời tổ. Họ hàng cũng nghèo và yểu.
Thái Dương: đóng ở những cung ban đêm thì xấu: yểu và chết bi thảm, nhất là đối với người sinh về đêm. Ngoài ra, Âm Dương cùng hãm địa phối chiếu với nhau hoặc xung chiếu nhau cũng là yếu tố đối khắc vận mệnh quan trọng.
Thiên Cơ: xấu nếu đồng cung với Thái Âm ở Dần, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Thiên Phủ: ở Sửu, Mùi, Mão, Dậu thì không hay. Đồng cung với Tuần, Triệt, Không, Kiếp, Thiên Không càng bất lợi hơn vì những sao này giảm thọ.
Thái Âm: đóng ở những cung ban ngày với người sinh ban ngày, Thái Âm hãm địa kém thọ, nhất là đối với nữ. Nếu Âm đồng cung với Thiên Đồng ở Ngọ hay Thiên Cơ ở Dần thì cũng có nghĩa tương tự.
Tham Lang: bất lợi ở Tý, Ngọ hoặc khi nào đồng cung với Tử Vi, với Liêm Trinh (ở Tỵ, Hợi).
Cự Môn: không tốt ở Thìn, Tuất vì giảm thọ, hay bị quan tụng. Đi với Thiên Đồng cũng có ý nghĩa tương tự.
Thiên Tướng: xấu ở Mão, Dậu lúc thiếu thời, chỉ khi về già mới có may mắn.
Thiên Lương: giảm thọ ở Tỵ Hợi hoặc đồng cung với Thái Dương ở Dậu.
Thất Sát: đóng ở Thìn, Tuất hoặc đồng cung với Liêm Trinh, Vũ Khúc thì yểu và chết vì binh đao, hình ngục. Riêng ở Tý Ngọ, tuy kém Phúc, ly hương nhưng cũng còn có ít nhiều cơ may thọ.
Tất cả các sao ở những vị trí kể trên mà gặp thêm sáu sát tinh Kình, Đà, Không, Kiếp, Hỏa, Linh thì tuổi thọ nhất định giảm. Nếu cung Mệnh, Thân cùng xấu, yểu cách càng dễ đoán.
b. Yểu cách của phụ tinh:
Địa Không, Địa Kiếp: hết sức tai hại lúc hãm địa, có hiệu lực quân bình hay lấn át cả Tử, Phủ. Lúc hãm địa, hai sao này có ý nghĩa xấu toàn diện có liên quan đến cái chết, cái nghèo, cái họa, cái bệnh, cái tật, tóm lại nó tượng trưng cho sự đổ gãy nặng nề, mau chóng và bất khả kháng (nếu thiếu cát và giải tinh). Đóng ở những cung Phúc, Mệnh, Thân, tác họa toàn diện đó sẽ kéo dài suốt đời, dưới nhiều hình thái hoặc một trong các hình thái kể trên. Con người càng lớn tuổi, hai sao này mạnh thêm với thời gian để gây họa, bệnh, tật hoặc đồng loạt trên nhiều phương diện, có thể xem như là họa vô đơn chí. Nếu đóng ở cung cường khác như Quan, Tài, Di, Phu Thê, hai sao này tác họa trên những lãnh vực này một cách không chối cãi. Đi với sát tinh hãm địa khác, Kiếp Không càng sát hại mạnh mẽ hơn. Đi với Đào hay Hồng cũng yểu.
Hỏa Tinh, Linh Tinh: là "đoản thọ sát tinh", có hiệu lực làm giảm thọ, nhất là ở hãm địa. Nếu đắc địa thì mức thọ cao hơn. Đi chung với Kình, Đà hãm địa thì phải chết thảm, với Kiếp Không thì càng nguy kịch hơn.
Kình Dương, Đà La: giảm thọ nếu hãm địa và ly hương lập nghiệp vất vả. Đặc biệt ở Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Kình Dương ở Mệnh thì chết non. Đi với sát tinh kể trên, tai họa càng khủng khiếp. Riêng ở Ngọ, Kình thủ Mệnh ví như gươm kề cổ ngựa, rất dễ nguy kịch. Nếu gặp thêm Thất Sát, Thiên Hình, chắc chắn phải yểu tử và chết tang thương. Được cát tinh đi chung thì may rủi đi liền với nhau.
Kiếp Sát: chỉ khi nào thủ Mệnh, Kiếp Sát mới nguy kịch, có ý nghĩa giống như sao Địa Kiếp, chỉ giảm thọ, đặc biệt là vì một bệnh hiểm nghèo, sau một cuộc giải phẫu.
Ngoài những sát tinh kể trên, yểu cách còn do bại tinh góp phần tăng hiệu lực. Đó là các sao: Tang Môn, Bạch Hổ - Đại Hao, Tiểu Hao - Thiên Khốc, Thiên Hư - Bệnh, Bệnh Phù - Suy, Tử, Tuyệt - Thiên Thương, Thiên Sứ nhập hạn.
Hóa Kỵ, Đà La, Thiên Riêu: giảm thọ nếu đồng cung hoặc hội chiếu hoặc ở vị trí tam ám liên hoàn (Mệnh có một sao, hai bên giáp hai sao) hoặc đi cùng với Thái Âm, Thái Dương (sáng hay mờ). Hóa Kỵ chỉ tốt khi đồng cung với cả Âm Dương ở hai cung Sửu và Mùi.
Cô Thần, Quả Tú: đi với sao xấu, Cô Quả chỉ giảm thọ hoặc là cô độc.
Giải Thần nhập hạn: nếu cả đại tiểu hạn cùng gặp Giải Thần cùng với các sao xấu khác thì chắc chắn phải chết một cách nhanh chóng. Sao này chỉ hóa giải được nạn nhỏ. Gặp đại nạn, đại bệnh, Giải Thần là tử thần, làm chết một cách nhanh chóng. Sao xấu dù đắc địa hội với Giải Thần ở đại tiểu hạn cũng không cứu gỡ được nguy cơ này.
Xương, Khúc: báo hiệu chết non nếu ở Nô hoặc đồng cung với Liêm ở Tỵ, Hợi, Sửu, Mùi, Mão, Dậu; với Phá ở Dần. Yểu cách lệ thuộc vào hai lý do: tại họa nặng nề và bất kỳ xảy ra; bệnh hoạn nặng nề mà có.
4. Cách thọ: Một cách tổng quát, cát tinh đắc địa nói chung đều có nghĩa thọ. Những cát tinh đó đóng ở Phúc và Thân thì càng hay.
a. Thọ cách của chính tinh:
Tử Vi: thọ nhất là Tử Vi ở Ngọ và khi Tử Vi đồng cung với Thiên Phủ hoặc Thiên Tướng. Tử Vi với Thất Sát thì kém hơn, nghĩa là cũng thọ nhưng phải ở xa quê cha đất tổ.
Liêm Trinh: thọ ở Dần, Thân, hoặc khi nào đồng cung với Thiên Phủ hoặc Thiên Tướng.
Thiên Đồng: thọ ở Mão hoặc khi nào đồng cung với Thiên Lương hoặc Thái Âm (ở Tý) hay Tràng Sinh.
Thái Dương: chỉ thọ khi tọa thủ ở các cung ban ngày như Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, nhất là đối với những người sinh ban ngày và tuổi dương. Tại Sửu, Mùi, đồng cung với Thái Âm, cần phải có Tuần, Triệt, Hóa Kỵ đồng cung mới thọ.
Thiên Cơ: thọ ở Tỵ, Ngọ, Mùi và khi đồng cung với Thiên Lương hoặc Thái Âm (ở Thân) hoặc Cự Môn.
Thiên Phủ: thọ ở Tỵ, Hợi hoặc đồng cung với Tử Vi, Liêm Trinh, Vũ Khúc.
Thái Âm: chỉ thọ khi đóng ở các cung ban đêm như Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý nhất là đối với người sinh ban đêm, đặc biệt vào giờ có trăng lên và người tuổi Âm. Tại Sửu, Mùi cần có Tuần, Triệt hay Hóa Kỵ đồng cung.
Tham Lang: thọ ở Thìn, Tuất hoặc khi đồng cung với Vũ Khúc hay Tràng Sinh, ở Dần Thân thì kém hơn.
Cự Môn: thọ ở Hợi, Tý, Ngọ hoặc đồng cung với Thái Dương ở Dần, với Thiên Cơ ở Mão Dậu.
Thiên Tướng: thọ ở Tỵ, Hợi, Sửu, Mùi hoặc đồng cung với Tử Vi, Liêm Trinh, Vũ Khúc.
Thiên Lương: thọ ở Tý, Ngọ, Sửu, Mùi hoặc đồng cung với Thiên Đồng, Thái Dương (ở Mão) và Thiên Cơ.
Thất Sát: chỉ thọ ở Dần, Thân, nhưng với điều kiện phải ly hương; hoặc khi đồng cung với Tử Vi.
Phá Quân: thọ ở Tý, Ngọ nhưng phải xa quê.
b. Thọ cách của phụ tinh:
Những phụ tinh có thọ cách độc lập gồm: Lộc Tồn, Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa, Thiên Mã, Long Trì, Phượng Các, Ân Quang, Thiên Quý, Thiên Quan, Thiên Phúc, Tràng Sinh, Đế Vượng, Thiên Giải, Địa Giải, Giải Thần, Long Đức, Nguyệt Đức, Phúc Đức, Thiên Đức, Thiên Thọ.
Những sao thọ liên đới tức là cần có sao tốt khác đi kèm, gồm có: Văn Xương, Văn Khúc, Thiên Khôi, Thiên Việt, Tả Phù, Hữu Bật, Cô Thần, Quả Tú, Đào Hoa, Hồng Loan và Đà La ở Dần Thân vô chính diệu, không có Tuần Triệt đồng cung.
Tất cả sao, chính hay phụ tinh, kể trên muốn toàn nghĩa phải có thêm điều kiện: không bị Tuần, Triệt trấn thủ, không bị sát tinh đồng cung. Nếu phạm những cấm kỵ này, tuổi thọ bị giảm. Đặc biệt tại cung hạn của tuổi già - hoặc là cung Thân, hoặc là cung đại hạn, tiểu hạn - cách thọ phải vẹn toàn, đông đảo thì mới mong sống lâu được.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Đoan Trang(##)