Khi đi dâng hương lễ Phật đầu năm có những điều cần biết về cúng bái, cầu nguyện chư Phật, tiếp đó là trang phục, đi lại, cúng dường, công đức sao cho đúng
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Những ngày đầu tiên của năm mới mọi người đều muốn đi chùa dâng hương lễ Phật để thành tâm cầu khấn hồng ân chư Phật, chư đại Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng gia hộ cho bản thân, người thân và gia đình mạnh khoẻ, tai qua nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, gia đình hoà thuận, thế giới hoà bình, chúng sinh an lạc.
Đi chùa lễ Phật đầu năm là một phong tục tốt đẹp, dĩ nhiên rồi. Dù đi làm ăn ở đâu xa, tết trở về làng mình, thắp nén nhang trước mộ tổ tiên, viếng thăm ngôi chùa làng nhỏ bé, nhưng gần gũi và thiêng liêng. Chùa làng không phải chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là chỗ để mỗi con người lắng lại lòng mình với những ý nghĩ tốt lành.
Tuy nhiên, việc sửa soạn đi lễ chùa, hoặc sắm lễ vật để đi lễ chùa, người đi lễ cần phải biết những quy định căn bản của nhà chùa mà người hành lễ phải tuân thủ là:
Nguyên tắc ra vào chùa
– Điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ khi bước vào nhà chính của chùa là nên bước vào từ cửa bên, không bước vào cửa chính giữa; đồng thời không dẫm lên bậu cửa, phải bước qua bậu cửa, nếu không sẽ phạm tội bất kính. Cửa chính nhà chùa từ xưa đến nay chỉ Đức Phật, Ngọc đế, Quốc vương một nước mới được ra vào. Vì thế nhiều ngôi chùa ngày thường không mở cửa chính.
– Vào chùa, nên dùng Phật danh “A di đà Phật” thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt, công đức mang lại vô lượng, cho cả người vãn cảnh và nhà chùa.
– Khi đi lễ chùa bạn nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài, hạn chế thắp hương bên trong chùa, vì có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí. Chỉ cắm 1 nén hương vào bát hương, nếu bát hương có hương rồi không cần cắm tiếp. Không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ…
– Không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa.
– Không đứng lễ hoặc quỳ chính giữa Phật đường lễ Phật vì đó là vị trí tối cao của trụ trì. Chỉ đứng lễ hoặc quỳ chếch sang bên một chút.
– Không tự ý lấy sử dụng hoặc mang bất kỳ loại đồ đạc gì của nhà chùa về làm của riêng. Theo nhiều kinh sách và quan niệm truyền thống, những hành vi như vậy gọi là “đạo dụng thập phương thường trụ” (trộm dùng đồ lễ của chúng sinh cúng dàng). Phạm giới luật này khi chết sẽ bị giam vào địa ngục, chịu khổ vô kể. Phật điển ghi rõ, “nhân nhỏ, quả lớn”, thành tâm cúng dàng, lễ dù nhỏ nhưng phúc báo lớn lao; trộm của chùa, vật tuy sơ sài nhưng quả báo không gánh hết.
– Vào Phật đường và Tam Bảo không nên đi giầy dép, nhai trầu, hút thuốc. Tam bảo là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương, đòi hỏi phải trì giới để di dưỡng thanh tịnh, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp.
– Không nên ngắm tượng Phật như một tác phẩm nghệ thuật, trước tượng Phật nên cung kính nghiêm trang, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước Tam Bảo. Nếu muốn chiêm ngưỡng tượng Phật, nên đứng từ ngoài để quan sát.
– Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường. Không tùy tiện hắt hơi sổ mũi, khạc nhổ… quanh khu vực Phật điện, Tam Bảo.
– Khi vào Phật đường, đi vòng quanh tượng Phật và khu vực Tam Bảo, lưu ý đi từ phải sang trái, niệm tên Phật “A di đà phật” sẽ được hưởng 5 điều phúc đức: Hậu sinh đoan chính, đẹp; lời ăn tiếng nói rõ ràng dễ nghe; hóa sinh thăng thiên; có thể được sinh ra trong gia đình quyền quý; siêu sinh đạo Niết Bàn.
– Sử dụng đồ của chùa, như ăn uống, thụ lộc, nên lưu công đức, dù ít hay nhiều. Không nên coi đó là của chùa, trụ trì cho thì nhận mà không bố thí chút công đức, vì nếu làm vậy sẽ phạm tội “luân đạo thực quả báo” là căn nguyên rơi vào địa ngục.
– Không để trẻ em chạy loạn Tam bảo, nghịch ngợm các đồ tế khí, sờ mó tượng phật…
– Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.
– Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy.
– Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương. Tùy vào từng môn phái, có thể đứng/quỳ khi làm lễ nhưng cần phải lên trước.
Sắm sửa lễ vật cúng Phật
– Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm các lễ chay: Hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi, chè… Không được sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả…
– Hoa tươi lễ Phật thường là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu, hoa hồng, hoa cúc…Tuyệt đối không dùng các loại hoa tạp, hoa dại.
– Quả chín dâng lên ban thờ tốt nhất là các loại quả như chuối, thanh long, nho, bưởi, táo, hồng, đu đủ, hồng xiêm…
– Tuyệt đối không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính điện), tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Việc sắm sửa lễ mặn (như gà, giò, chả, rượu, trầu cau…) chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông (vị thần cai quản toàn bộ công việc của một ngôi chùa), Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ mà thôi.
– Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật, Bồ Tát tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì thí chủ đặt ở bàn thờ Thần Linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.
– Tại chùa, không để tiền thật lẫn tiền âm phủ lên ban thờ hay mâm lễ. Tại đình, đền có thể đặt tiền âm phủ nhưng không nên đặt tiền thật.
– Rượu, bia, thuốc lá không đặt được trên ban thờ Phật nhưng có thể đặt trên ban thờ Thánh.
Trang phục mặc khi đi lễ chùa
– Không nên mang theo mũ áo, khăn, túi xách, gậy gộc, bao tay… vào tam bảo bái Phật. Lỡ đặt những đồ đạc như vậy trên bàn, trên chiếu hoặc trong góc tam bảo để bái Phật thì mọi công quả tu dưỡng bấy lâu đều tiêu tán. Đi lễ chùa, tốt nhất không mang theo những đồ tùy thân khi vào tam bảo.
– Khi vào chùa cần mặc quần áo dài, kín cổ, giản dị, sạch sẽ, đặc biệt không mặc váy ngắn, quần cộc, áo hở lườn hở nách… Nhiều người khi lễ Phật, thậm chí nhiều vị trí nhạy cảm phơi hết ra ngoài, vừa phạm giới uế tạp Phật đường, vừa phạm giới bất kính, khẳng định công quả tiêu tán hết, quả báo vô cùng.
Cầu nguyện nơi chùa chiền và đình miếu
Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho con Phật chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi chúng ta làm lễ cầu tới cửa Phật nên xin được Phật che chở, bảo vệ. Vào đình, đền bạn có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm…
Ghi công đức
Tất cả tiền thật đều nên đặt vào hòm công đức chính. Không nên đi “rải” tiền trên tất cả ban thờ hoặc đặt vào tay tượng. Một lưu ý quan trọng là thay vì đặt tiền vào hòm công đức chính giữa, bạn nên đặt tiền vào hòm công đức nằm lệch bởi hòm công đức đặt chính giữa.
Lộc chùa thụ hưởng
– Không lấy cành lộc mang về đặt lên ban thờ nhà mình. Cành lộc chứa nhiều trường khí âm, bất lợi cho gia tiên, thần linh tại gia.
– Có thể lấy lộc là bánh kẹo, bao diêm, bật lửa nhưng đều không mang về đặt lên ban thờ.
Đến Chùa hành lễ cần theo thứ tự như sau
- Đặt lễ vật: Thắp hương và làm lễ ban thờ Đức Ông trước.
- Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang.
- Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
- Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu)
- Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tuỳ tâm công đức.
Dưới đây là vài bài khấn truyền thống tại chùa
Văn khấn Đức Ông
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Kính lạy Đức Ông Tu Đạt Tôn Giả, Thập Bát Long Thần, Già Lam Chân Tể.
Hôm nay là ngày ….. tháng ….. năm …..
Tín chủ con là ……………………………………
Ngụ tại ……………………………………………..
Cùng cả gia đình thân tới cửa Chùa …………………trước điện Đức Ông, thành tâm kính lễ, hiến dâng phẩm vật, kim ngân tịnh tài. Chúng con tâu lên Ngài Tu Đạt Tôn Giả từ cảnh trời cao soi xét.
Chúng con kính tâu lên Ngài Già Lam Chân Tể cai quản trong nội tự cùng các Thánh Chúng trong cảnh nhà Chùa.
Thiết nghĩ: Chúng con sinh nơi trần tục, nhiều sự lỗi lầm, hôm nay tỏ lòng thành kính, cúi xin Đức Ông thể đức hiếu sinh, rủ lòng tế độ che chở cho chúng con, tiêu trừ bệnh tật tai ương, vui hưởng lộc tài may mắn, cầu gì cũng được, nguyện gì cũng thành.
Dãi tấm lòng thành, cúi xin bái thỉnh.
Cẩn nguyện!
Văn khấn Lễ Tam Bảo
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Đệ tử con thành tâm kính lạy Mười phương chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, Hộ pháp Thiện thần, Thiên Long Bát Bộ.
Hôm nay là ngày ….. tháng ….. năm …..
Tín chủ con là ……………………………………
Ngụ tại ………………………………………………
Thành tâm dâng lễ bạc cùng sớ trạng lên cửa Mười phương Thường trụ Tam Bảo.
Chúng con xin dốc lòng kính lễ:
– Đức Phật A Di Đà giáo chủ cõi Cực Lạc Tây phương.
– Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo chủ cõi Sa Bà.
– Đức Phật Dược Sư Lưu Ly giáo chủ cõi Đông phương.
– Đức Thiên thủ, Thiên nhãn, Ngũ bách danh tầm thanh cứu khổ cứu nạn, linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
– Kính lạy Đức Hộ Pháp thiện thần Chư Thiên Bồ Tát.
Kính xin chư vị rủ lòng từ bi, phù hộ độ trì cho con, nguyện được ………………………………(công danh, tài lộc, giải hạn, bình an…).
Nguyện xin chư vị, chấp kỳ lễ bạc, tâm thành (sớ trạng) chứng minh, chứng giám cho con được tai qua nạn khỏi, điều lành đem đến, điều dữ tiêu tan, phát lộc phát tài, gia trung mạnh khỏe, trên dưới thuận hòa an khang thịnh vượng.
Chúng con người phàm trần tục lầm lỗi còn nhiều. Cúi mong Phật, Thánh từ bi đại xá cho con (và gia đình) được tai qua nạn khỏi, mọi sự tốt lành, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Dãi tấm lòng thành, cúi xin bái thỉnh.
Cẩn nguyện.
Văn khấn Lễ Đức Thánh Hiền
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con cúi lạy Đức Thánh Hiền, Đại Thánh Khải Giáo A Nan Đà Tôn Giả.
Hôm nay là ngày ….. tháng ….. năm …..
Tín chủ con là ……………….
Ngụ tại ………………………….
Chúng con thành tâm tiến dâng lễ bạc, oản quả, hương hoa. Cầu mong Tam Bảo chứng minh, Đức Thánh Hiền chứng giám, rủ lòng thương xót phù hộ cho con được mọi sự tốt lành, hạnh phúc an lạc ………… (tài lộc, cửa nhà)
Cúi mong Ngài soi xét tâm thành, phù hộ cho gia đình chúng con được sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Dãi tấm lòng thành, cúi xin bái thỉnh.
Cẩn nguyện
Văn khấn Phật bà quan âm
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Nam mô Đại từ, Đại bi Linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
Kính lạy Đức Viên Thông giáo chủ thùy từ chứng giám.
Hôm nay là ngày ….. tháng ….. năm …..
Tín chủ con là …………………
Ngụ tại ……………………………
Thành tâm đến trước Phật đài, nơi điện Đại bi, kính dâng phẩm vật, hương hoa kim ngân tịnh tài, ngũ thể đầu thành, nhất tâm kính lễ dưới Toà sen hồng.
Cúi xin Đức Đại Sỹ không rời bản nguyện chở che cứu vớt chúng con như mẹ hiền phù trì con đỏ. Nhờ nước dương chi, lòng trần cầu ân thanh tịnh, thiện nguyện nêu cao. Được ánh từ quang soi tỏ, khiến cho nghiệp trần nhẹ bớt, tâm đạo khai hoa, độ cho đệ tử cùng gia đình bốn mùa được chữ bình an, tám tiết khang ninh thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, gia đạo hưng long, mầm tai ương tiêu sạch làu làu, đường chính đạo thênh thang tiến bước. Cầu gì cũng được, nguyện gì cũng thành.
Dãi tấm lòng thành, cúi xin bái thỉnh.
Cẩn nguyện
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Ngọc Sương (##)