Lá số tử vi Tào Tháo- Tào Mạnh Đức
Trong nhiều nhân vật của bộ Tam Quốc diễn nghĩa, Tào Tháo (sinh năm 155 – mất năm 220) là một trong những người nổi tiếng nhất và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với những người say mê pho truyện này.
Ông là nhà chính trị, quân sư kiệt xuất cuối đời Đông Hán trong lịch sử Trung Hoa, sáng lập nên triều đại Tào Ngụy thời Tam Quốc và để lại cho hậu thế quá nhiều đánh giá khác nhau, có khi đối lập nhau. Vậy ông là người anh hùng hay kẻ gian hùng? Phân tích lá số, ta sẽ sáng tỏ thêm đôi điều về con người và cuộc đời ông, cũng để phần nào giải đáp cho câu hỏi ấy.
Tào Tháo sinh giờ Tuất, ngày 6/12 năm Ất Mùi (155). Khi lập lá số tử vi thoạt nhìn dễ tưởng rằng đây là một lá số quá bình thường, bởi không thấy ngay những cách cục đặc biệt vẫn nói trong sách Tử vi. Kỳ thực, với người mệnh Kim, được thế cục Thổ phù sinh là thuận “thiên thời”. Người âm nam, cung mệnh ở Mão (âm Mộc) là thuận cách; người mệnh Kim ở cung Mộc thì tuy khắc chế được, làm chủ tình hình, nhưng cũng mất phần “địa lợi” từ nhỏ đến năm 30 tuổi, thủa thiếu thời vất vả, cô độc, phải làm con nuôi họ khác. Nhưng cũng vì thế mà tạo cho ông tính cách tự chủ, độc lập, quyết đoán rất cao.
Đặc biệt nhất là bộ chính tinh thủ Mệnh; Các sao Vũ Khúc – Thất Sát đều là âm Kim, hợp mệnh cả âm dương, ngũ hành, nên tính cách và khả năng của ông bao gồm cả văn lẫn võ cách. Sao Vũ Khúc, trong bộ “Tứ Phủ Vũ Tướng” – chủ về lãnh đạo, chỉ huy, chiến lược còn sao Thất Sát, trong bộ “Sát Phá Tham”, chủ quyền biến, sát phạt, hành động, xông pha nơi sa trường. Đặc sắc hơn nữa là mệnh ông có sao Bạch Hổ (đồng hành Kim với mệnh) đóng đúng Tam hợp tuổi (tam hợp Thái Tuế). Ông có lòng tự hào, tự tôn rất cao về sứ mệnh cải cách của mình và đã làm làm tới cùng, cứng rắn kiên định, bất chấp gian nguy, bất chấp tất cả, dùng mọi mưu kế, kể cả tàn nhẫn và thủ đoạn để thành công, miễn là “mục đích biện minh cho phương tiện”.
Nhớ lúc Tào Tháo vung ngọn giáo nói trước ba quân, trên mũi soái thuyền trước trận Xích Bích trên dòng Trường Giang: “Ta cầm cây giáo này phá giặc Khăn Vàng, bắt Lữ Bố, thu Viên Thuật, diệt Viên Thiệu, vẫy vùng ngang dọc khắp trong thiên hạ, thật chẳng phụ trí tài của kẻ trượng phu…” mới thấy hết cá tính và hùng khí trong con người mệnh âm Kim, mang cách: “Sát Phá Tham” này!
Nhưng có lẽ, vì các sao trong cách này chủ yếu là hãm địa, nằm trong tam hợp Mệnh – Thân là “âm” (Hợi-Mão-Mùi), ông lại là âm nam nên tính cách có phần thâm hiểm, nhiều thủ đoạn, dám tàn nhẫn nếu cần. Bởi vậy, người đời vẫn coi ông là kẻ gian hùng. Câu chuyện Tào Tháo một tay chém chết oan cả nhà Lã Bá Sa, tiếm quyền át vua Hiến Đế … chỉ là một vài trong nhiều chuyện “gian hùng” của ông. Thêm nữa, cung Quan có các sao Tử Vi, Thái Tuế gặp Triệt; sao Thái Dương, Điếu Khách ngộ Tuần, lại thêm sao Mộ, Đà La, Quả Tú đồng cung nên danh tiếng sau này cứ bị lấp đi, ánh sáng trời như có mây che kín; lúc ông có quyền uy, có miệng mà không giãi bày được … đành để lại bao sự đàm tiếm, ngộ nhận từ lớp người hậu thế.
Phần “sao” thì thuận mệnh như vậy, nhưng với ông, phần “cung” lại là cả một thiệt thòi, bất lợi. Mệnh đóng cung Mão (âm Mộc) bị cung Thiên Di ở Dậu (âm Kim) khắc, tức về “địa lợi” thì kém hơn về thế, luôn bị khắc – nhập so với các đối thủ, gặp nhiều khó khăn, trở lực trên đường sự nghiệp, nhất là trước năm 30 tuổi. Cũng may, từ Đại vận 35-44 tuổi vào cung Tý (Cự Môn – Thiên Khôi đắc cách) khắc thắng được các đối thủ ở phương Ngọ (Thiên Cơ, Đại Hao ngộ Triệt) nhưng các cuộc chiến đều cam go, có thắng có bại chứ không phải “Bách chiến bách thắng”.
Đắc cách nhất là đại vận 45 54 tuổi trùng với cung an “Thân”, lại là tam hợp tuổi, có đủ Tướng – Ấn (Tướng Quân, Quốc Ấn), Tứ Linh (Thanh Long, Phượng Cát, Bạch Hổ, Hoa Cái). Đại vận này ở cung Hợi (âm Thuỷ) khắc thắng phía đối nghịch ở Tỵ (âm Hoả); nhưng cũng không bề vì tam hợp cung này là Mộc (Hợi – Mão – Mùi) vẫn ở dưới cơ tam hợp Kim (Tỵ – Dậu – Sửu) của thời thế. Thêm nữa, sao Tử Vi gặp Triệt, trong bối cảnh tranh chấp (Tử Vi – Phá Quân) và tính thế rối ren, loạn lạc (cung Mùi – chính là quẻ Địa Hoả minh di; thời mù mịt, ánh sáng bị che lấp). Có lẽ thế, mặc dù thừa đủ cơ hội, ông cũng không lên làm vua mà dành ngôi báu cho con mình. Ông mệnh Kim, cả hai Đại vận này đều là hành Thuỷ, mệnh phải sinh xuất nên đủ thấy ông ham tâm tổn trí lớn đến thế nào; cũng rõ thêm về tài năng, trí tuệ và mưu cơ của ông ghê gớm, vượt lên hoàn cảnh đến thế nào … Do vậy, ông phải chịu tổn thọ và chỉ hưởng dương được 65 tuổi mà thôi.
Người xưa nói: “Cái quan định luận”, đánh giá về Tào Tháo là việc của lịch sử, nhưng cần gắn với điều kiện thời thế cụ thể khi ấy mới thật là công bằng, khách quan. Thật ra, với người được cách tam hợp Thái Tuế như ông, ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng còn tư cách, trong sâu thẳm tâm can vẫn giữ được tấm lòng sắt son, dám làm và chịu hy sinh danh tiếng vì đại nghiệp. Vươn tới nhữg điều cao cả lớn hơn bản thân mình.
Người Hùng Tào Tháo có gian không ?
Tào Tháo là một nhân vật có thể nói là rất quan trọng ở cuối thời Hậu Hán (25-220 Tây Lịch) đã làm tốn hao quá nhiều bút mực trong lịch sử Trung Quốc và sách vở tiểu thuyết diễn nghĩa ngày nay. Có một số tác phẩm phê bình ông là một danh sĩ có giá trị dính liền sau quân sư Gia Cát Lượng và trên cả Quan Vân Trường, một trượng phu trung tín nghĩa khí không ai bì, là bộ ba danh nhân trong thuở bấy giờ.
Lòng tôi vẫn ước ao được thấy lá số của ông, vì một sự tình cờ mới rồi có ông bạn người Việt gốc Hoa cho biết là Tào Mạnh Đức tuổi Ất Mùi (155 TL.), sanh ngày 6 tháng 12 giờ Tuất và chết năm Kỷ Hợi (220TL) tức là thọ 65 tuổi.
Người tuổi Ất Mùi mệnh đóng tại Mão, Thân ở Hợi. Người này không hẳn là người không những chỉ nghĩ đến việc tiến thân lao đầu làm việc mà làm việc có suy tính thức thời và cũng không phải là người không có tâm hồn nghĩ đến nước đến dân (đúng Tam hợp tuổi). Vũ Sát thủ Mệnh là bức Vạn Lý trường thành dựng đứng lên con người này: Vũ khúc đắc địa, còn Thất Sát không kém phần hiên ngang đối với tuổi Ất, thực ra rất ít khi được hai sao cùng thủ Mệnh lại được đồng hành với Mệnh, nhất là mạng Kim chỉ có hai cung Mão phải là tuổi Ất và Dậu, phải là tuổi Tân Vũ-Sát mới đắc cách.
Đã là tuổi Ất Mùi mệnh đóng tại Mão có Vũ Sát thủ mệnh thêm Tả Hữu phò tá, tôi xin thú thật không biết tả sao cho hết cái đặc biệt của Tào Thừa Tướng, và thành thật phục cái người đã xắp đặt Tào Tháo đứng liền sau Khổng Minh là người có tài xét người rất giỏi, là người biết cái chân giá trị của Tào Công.
Dầu vậy Mệnh ở cung Mão đem so với đối phương (Dậu) bị ở thế khắc nhập nghĩa là mình yếu kém hơn người, nhưng Tào là người thấu hiểu biết rõ kẻ đối đầu (Phủ, Tướng, Không, Kiếp) chỉ là một đoàn người ô hợp nên vẫn thắng như thường như đuổi Đổng Trác, đánh Viên Thiệu để đưa thân thế ông lên địa vị một chánh khách quan trọng của thời cuộc.
Số người nào Mệnh Thân đã đóng đúng tam hợp tuổi là người biết mình, biết người có lòng tự hào rất cao cho nên Tháo tự đặt mình là anh hùng của thời cuộc khi đối ẩm với Lưu Bị ở Hứa Xương và lúc cầm giáo đứng ở mũi thuyền trên dãy trường giang trong trận Xích Bích bảo các tùy tùng: “Ta cầm cây giáo này phá giặc khăn Vàng, bắt Lã Bố, diệt Viên Thuật, thu Viên Thiệu, khi vào Hà Bắc lúc tới Liêu Đông vẫy vùng ngang dọc trong thiên hạ, thật chẳng phụ tài khí kẻ trượng phu”
Ta phải chịu Tháo mỗi câu nói, mỗi cử chỉ đều có suy tính đối với nhà chính trị cho là thủ đoạn (vị trí của Thân có Liêm Tham ở Hợi) và luôn luôn dựa trên cái thế mạnh của vô lực (Liêm Tham, Hữu Bật, Hỏa Tinh) mà vẫn có chính nghĩa được người theo (vị trí tam hợp tuổi). Hai việc trên không phải là không có ý dò tâm tình Lưu Bị và áp đảo khủng bố tinh tinh thần kẻ dưới tay, cũng như khen Quan Vân Trường là một đại trượng phu trung tín và nghĩa khí trước mặt thuộc hạ không ngoài cố ý nhắc nhở mấy người hãy trung thành với ta như ông mặt đỏ râu dài đối với Lưu Bị. Trường hợp này là thủ đoạn của những lãnh tụ (Vũ Sát và Liêm Tham) khác hẳn và là đàn anh của những tiểu xảo man trá của phường tiểu nhân (Không Kiếp).
Người ta chê trách Tào Tháo là gian hùng có lẽ ở bộ Sát Phá Tham hãm địa này. Xin thưa rằng, nếu là tuổi Tỵ Dậu Sửu thì thật là một tay gian hùng bất mãn, với tuổi Hợi Mão Mùi đứng ở trên cái thế chính nghĩa rõ ràng, dầu sao vẫn là người có tâm hồn phục vụ cho quê hương đất nước.
Bộ Sát Phá Tham này thêm Vũ Khúc tức là đủ bộ Kim Tinh (Vũ Khúc Âm Kim, Thất SátDương Kim) kèm thêm Bạch Hổ (Kim) thủ mệnh làm sao cản nổi người này hành động không cứng rắn mạnh tay cưa đứt đục khoét còn có tính cách thâm độc nữa là khác (Ân Tuế đóng Âm cung và Vũ Khúc lại là Âm kim) không thể nể nang cảm tình để di lụy mai hậu, xét ra cần để làm gương.
Một cái nghi án ở cung Quan Tử Phá (thần bất trung, tử bất hiếu) có Hóa Khoa với sứ mạng đủ tư cách điều chỉnh, vì thế Tào Tháo đâu có hạ bệ vua Hiến Đế để chiếm ngôi, ông vẫn bị mang tiếng gian hùng vì Liêm, Tham, Hỏa, Tướng-Ấn. Một ngôi vị thừa tướng đủ uy quyền hiếp vua kiểu chúa Trịnh và vua Lê Việt Nam lấy danh nghĩa phò vua trị loạn chư hầu, vì thế ngôi Thái Tuế mới bị triệt thành một nghi án.
Tào Tháo xuất thân làm hiếu liêm, một chức vị hành chánh địa phương năm 20 tuổi (đại vận ở Dần) rồi thấy nó không hợp với sở nguyện của mình, ông từ chức năm 30 tuổi (đại vận ở Sửu Không Kiếp). Ông lui về đọc sách đem hết tâm trí vào việc rèn luyện về chính trị và quân sự lập đảng phái mộ quân đứng lên dẹp loạn khăn vàng đến 45 tuổi có căn bản chiếm cứ được Duyên Châu (đại vận ở Hợi) từ đó tung hoành giết Lã Bố, diệt Viên Thuật, phá Viên Thiệu cho đến 54 tuổi (năm giao vận sang Tuất) bị thua trận Xích Bích mang quân về Bắc và cái thế tam phân của nước Tàu bắt đầu hình thành cho đến khi Lưu Bị vào Xuyên chiếm thành đô lập nổi cái thế của Tây Thục kình chống với Bắc Ngụy Tào Tháo và Đông Ngô Tôn Quyền.
Tào Tháo chết năm Kỷ Hợi, hưởng thọ 65 tuổi là thời gian nhẩy đến cung Dậu. Không biết câu nói của ông thầy tướng Hứa Thiện có bị sau này sửa chữa hay không, chỉ thấy sách truyện ghi lại là Tháo rất bái phục lời nói phê bình mình: “Người là một vị tôi có tài trong thời bình, cũng là một kẻ gian hùng trong thời loạn” .
Thời đại độc tài phong kiến người thống trị luôn luôn củng cố địa vị thường dùng đủ cách ngu dân bằng mọi phương pháp có cả đạo đức, luân lý như trung quân ái quốc bắt buộc người dân dầu có tài ba cách mấy cũng phải tận tâm hy sinh tôn thờ ông vua vô tài kém đức, nếu hành động trái lại là gian hùng bá đạo bị coi là ngụy quyền.
Tào Tháo sinh vào buổi loạn ly nếu không dùng sức mạnh làm sao bình được đất nước, hầu hết các thủ lãnh chư hầu toàn là con nhà quí tộc lòng tham không đáy. Cái gương Khổng Phu Tử đời Xuân Thu muốn thực hiện hòa bình bằng giải pháp ôn hòa đều không được ai nghe , ngài đành ôm hận thành người nặng lo mà không kết quả. Vậy người hùng Tào Tháo xét theo số tưởng ghép chữ thủ đoạn thì trúng vì giang sơn tổ quốc là của chung toàn dân, không phải là cơ nghiệp dành riêng cho một dòng họ thụ hưởng ngôi cao vĩnh viễn, người có tài hoán cải được thời cuộc có lợi cho dân cho nước, dầu ít hay nhiều lâu hay mau bị gán chữ gian hùng chưa chắc đã là hợp lý.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Mỹ Ngân (##)