Tìm hiểu về ngũ hành tương hòa
Nói đến quy luật tương khắc là nói đến sự khống chế của hành này tới hành kia, làm cho hành bị khống chế sẽ suy yếu, bị huỷ diệt. Còn nói đến quy luật tương hòa của Ngũ hành là nói đến sự hòa hợp vì cùng tính chất của 2, 3 hoặc 4 hành. Ví dụ: Thổ hòa Thổ, Kim hòa Kim, Thủy hòa Thủy, Mộc hòa Mộc, Hỏa hòa Hỏa.
Chữ tương ở đây có nghĩa chỉ sự liên quan giữa Ngũ hành. Chữ hòa ở đây có nghĩa là chỉ sự thích hợp để duy trì và tồn tại. Chính vì có sự hòa hợp về đặc tính đó nên quy luật tương hòa được xem như là tốt cho các hành đó.
Cũng như quy luật Ngũ hành tương sinh - Ngũ hành tương khắc, ở quy luật Ngũ hành tương hòa này, người nghiên cứu không thể bỏ qua quy luật Âm - Dương của Ngũ hành.
Tính chất trong Âm (-) có Dương (+), trong Dương (+) có Âm (-), Âm (-) cực sinh Dương (+), Dương (+) cực sinh Âm (-) của dịch lý nên khi 2 hành tương hòa, nếu có một Âm (-) và một Dương (+) thì sự phù hợp và phù trợ nhau sẽ rất đắc lực.
Ví dụ: Dương Thổ và Âm Thổ, Dương Thủy và Âm Thủy, Dương Hỏa và Âm Hỏa, Dương Kim và Âm Kim, Dương Mộc và Âm Mộc.
Nhưng, nếu 2 hành tương hòa đó cùng khí Âm (-) hoặc cùng khí Dương (+) thì sự hòa hợp đó trở thành vô nghĩa. Ví dụ: Dương Thổ và Dương Thổ, Âm Thủy và Âm Thủy, Dương Mộc và Dương Mộc... Trong trường hợp này, sự tương hòa về đặc tính của các hành đó không tốt mà cũng không xấu.
Khi tìm hiểu về nguyên lý Ngũ hành tương hòa, bạn đọc cũng không thể bỏ qua yếu tố nạp âm Ngũ hành, để hiểu rõ thực ra sự tương hòa đó có tồn tại hay không?
Khi nhắc đến quy luật tương hòa của Ngũ hành, tại sao lại có câu: Lưỡng Hỏa thì Hỏa diệt, lưỡng Thủy thì Thủy kiệt ... ?
Đây chính là sự phức tạp nhưng khá tinh tế và linh hoạt của cổ nhân khi lấy Âm Dương Ngũ hành làm căn bản cho sự vận động không ngừng của vũ trụ. Rõ ràng sự đồng tính chất của Ngũ hành, chưa hẳn đã là điều tốt đẹp mà còn phụ thuộc vào sự hòa hợp, thuận lý Âm Dương của Ngũ hành, tức lý tính của Ngũ hành. Đây cũng chính là nguyên tắc bất di bất dịch khi tìm hiểu về nguyên lý chuyển dịch của Ngũ hành.
Lấy 2 tuổi có bản mệnh là Đại Hải Thủy với Giản Hạ Thủy làm ví dụ.
Đại Hải Thủy có nghĩa là nước biển rộng mênh mông, là nơi dung nạp mọi nguồn nước từ sông, suối đổ về. Trong khi Giản Hạ Thủy chỉ là nước dưới khe suối, như vậy, sự kết hợp giữa 2 hành Thủy này tưởng rằng được tương hòa nhưng thực chất là gần như tương khắc, bởi Đại Hải Thủy đã hút hết nước của Giản Hạ Thủy, làm cho Giản Hạ Thủy bị suy yếu, thậm chí bị cạn kiệt.
Hay như Sơn Hạ Hỏa là lửa chân núi rất sợ Tính Lịch Hỏa (lửa sấm sét) vì nếu có sự kết hợp giữa 2 loại Hỏa này thì Sơn Hạ Hỏa sẽ bị Tính Lịch Hỏa tiêu diệt ánh sáng. Đây chính là ví dụ của cách “lưỡng Hỏa thì Hỏa diệt”.
Tóm lại, khi tìm hiểu về Ngũ hành tương hòa, người đọc nhất thiết cũng phải tuân thủ nguyên tắc 3 yếu tố:
- Lấy đặc tính của Ngũ hành làm căn bản.
- Lấy Âm Dương của Ngũ hành làm căn bản.
- Lấy lý tính của Ngũ hành làm căn bản.
Cả 3 yếu tố trên đều phải được cân nhắc và chú trọng như nhau, không coi nhẹ bất cứ yếu tố nào, cho dù yếu tố thứ 3 có thể coi là yếu tố quan trọng, có giá trị gần như quyết định nguyên lý tương sinh - tương khắc và tương hòa của Ngũ hành trong khá nhiều trường hợp. Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp, người luận giải phải uyển chuyển, linh hoạt để có lời kết luận xác đáng.
(Trích trong TỬ VI KIẾN GIẢI của Đặng Xuân Xuyến, nxb Thanh Hóa)
Bài viết được tác giả gửi đến trang nhà Xem Tướng chấm net, tháng 9 năm 2015
Một số sách của tác giả Đặng Xuân Xuyến đã xuất bản như:
- Tử Vi Kiến Giải - nxb Thanh Hóa, 2009
- Tử Vi Vấn Đáp - nxb Thanh Hóa, 2009
- Vào chùa lễ Phật, những điều cần biết - nxb Văn Hóa Thông Tin, 2006
- Tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng trong dân gian - nxb Thanh Hóa, 2007
- Điềm báo và kiêng kỵ trong dân gian - nxb Lao Động - Xã Hội, 2007
- Khám phá bí ẩn con người qua bàn tay - nxb Thanh Hóa, 2007
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Bích Ngọc (##)