Những ngoại lệ của khoa Tử vi
1– Bào thai
Bào thai dù là người sống, nhưng chưa sinh. Vì chưa sinh nên chưa có cuộc sống ngoài thế gian, nhất là chưa thể biết được nam hay nữ, chưa có ngày, tháng, giờ, năm sinh để lấy lá số. Khoa Tử-Vi không nghiên cứu bào thai. Sau này chưa có ai thử làm công việc này. Có người cho rằng có thể lấy ngày thụ thai làm ngày sinh cho bào thai, căn cứ vào đó mà lấy lá số cho bào thai để tìm hiểu vận kiếp của bào thai suốt thời gian 9 tháng trong bụng mẹ.
Tuy nhiên, sự nới rộng phạm vi nghiên cứu con người từ lúc chưa sinh gặp nhiều khó khăn và nghịch thế. Khó khăn vì khó biết được giờ thụ thai chính xác. Lúc đậu thai không có triệu chứng gì báo hiệu thời điểm tinh trùng vào quả trứng. Nghịch thế là, vì dù có lấy lá số cho bào thai được đi nữa, người giải đoán làm cách nào để gạn lọc các sao áp dụng cho bào thai, các sao không áp dụng cho bào thai ? Các sao trong lá số bao hàm các biến cố và cá tính của người đã sinh chớ không phải của người chưa sinh.
2- Người chết
Phật lý cho rằng người chết còn có một kiếp sống ở thế giới khác để chờ luân hồi đầu thai lại trên một người mới. Nhưng, khoa Tử-Vi không chấp nhận phật lý luân hồi. Người nào chết là hết kiếp sống trần gian. Khoa Tử-Vi không dùng ngày giờ chết để lấy số cho một âm hồn. Lý do là vì khoa Tử-Vi không phải là khoa học huyền bí, không khảo sát cõi âm, không cho rằng con người còn có kiếp sống nào khác hơn trần thế. Khoa Tử-Vi không có kỹ thuật nào truy tầm linh hồn kẻ quá vãng để biết nó phiêu bạt nơi đâu. Vì vậy, thuật cầu cơ rất trái ngược với quan niệm thế tục của Tử-Vi. Tuy khoa này có chịu ít nhiều ảnh hưởng của khoa địa lý Trung Hoa, nhưng vẫn không cảm nhận ảnh hưởng nào của người đã chết trên cuộc đời người còn sống. Tử-Vi học chỉ vay mượn nơi khoa điạ lý vài ý niệm để xét âm phần (địa thế, hình sắc và thế đất) để giải đoán về mồ mả tổ tiên, nhưng lại không cho điều đó có một hiệu lực gì đáng kể trên con người và đời người. Có quan điểm nhân bản gạt bỏ hẳn phần giải đoán mồ mả tổ tiên trong giải đoán Tử-Vi, vì nó không bổ ích gì mà còn làm cho khoa này trở nên thần bí.
Tóm lại, theo chủ thuyết sinh của Khổng học, khoa Tử-Vi chỉ nghiên cứu người còn sống. Kẻ chết là một ngoại lệ, ngòai phạm vi khảo sát.
3.– Những người ái nam, ái nữ
Đó là những người mà ta thường gọi là lại cái.
Tuy họ có một ngày sinh, có một kiếp sống hẳn hòi, nhưng họ không có phái nhất định: có thể xem họ là nam, cũng thể cho là nữ. Duy vì kỹ thuật lấy số đòi hỏi tính chất nam hay nữ cho rõ rệt để có thể an sao, cho nên gặp trường hợp ái nam ái nữ, không có thể lấy số được.
Kỹ thuật y học giải phẫu ngày nay có thể giúp xác định phái của người ái nam ái nữ. Có lẽ kể từ ngày được xác định, lá số có thể lấy được, dựa vào ngày sinh. Nhưng, vì trường hợp này quá ư hiếm hoi và quá ư đặc biệt cho nên... chưa có ai rút tỉa kinh nghiệm trong việc tìm tòi điểm đó.
4.– Những tu sĩ, cư sĩ và thuật sĩ
Ba loại người này tự ý đặt mình và ra ngoài vòng tục lụy, không màng đến phú quý vinh hoa, không sợ chết, sợ khổ, lấy sự tiết chế tình dục làm phương châm sinh hoạt.
Tu sĩ và cư sĩ đã chọn một ý thức hệ vọng đạo chớ không theo đời, thoát tục chớ không vướng tục, xem nhân thế như tạm bợ, xem niết bàn như cứu cánh. Nhãn quan phi thế tục của họ khiến họ trở thành người ngoại lệ của đối tượng Tử-Vi.
Thuật sĩ là người chống lại bản năng, cố ý tìm sự khổ nhục thể xác để tập sự cho linh hồn chịu đựng giỏi hơn, cũng không mang đến vinh hoa phú quý. Ý thức hệ của họ khác với nhân sinh quan của đại chúng.
Đó là nói về các tu sĩ, cư sĩ tu Phật hay tu tiên chân chính, không cần biết đến số kiếp, vận mạng. Còn đối với vài lối tu theo Tin Lành, tu mà còn sống với đời để sửa đời, còn làm bóng xã hội, còn có vợ con (Tin Lành) thì vẫn còn áp dụng được lá số Tử-Vi.
Đối với thuật sĩ cơ hội hay tài tử, chỉ tập khổ nhục để biểu diễn, kỳ dư vẫn sống như phàm nhân thì vẫn là đối tượng của Tử-Vi.
5. – Tập thể
Có người cho rằng Tử-Vi có thể áp dụng để xem vận mệnh ch một tập thể nào đó, dùng ngày thành lập làm ngày sinh để lấy số, dùng lối suy luận tương tự để đoán số. Ví dụ như đối với một hiệp hội hoặc một nội các thì lấy ngày giờ ra mắt chính thức làm thời điểm lấy số. Rồi tùy theo các sao quý, phú, bệnh, họa mà suy luận về sự thịnh, suy, nguy, diệt cho hiệp hội hoặc nội các.
Cũng theo quan điểm này, cũng có thể xem vận mệnh cho một quốc gia bằng Tử-Vi, cũng lấy ngày sinh cho lá số quốc gia.
Đây là một quan điểm mới mẻ và táo bạo, cho đến nay chưa thấy ai áp dụng hay thí nghiệm. Duy pải công nhận rằng việc áp dụng Tử-Vi cho tập thể bao hàm nhiều cách, hoặc dựa vào ngày giờ cho phép lập hội, ngày giờ ký Sắc lệnh lập Nội các, hoặc dựa vào ngày giờ hội hoặc nội các ra mắt quốc dân. Còn đối với quốc gia, ngày sinh sẽ phức tạp hơn nhiều. Ví dụ như đối với Việt Nam, có thể chọn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hay ngày Quốc Khánh cũng hữu lý cả. Vì vậy, việc suy đoán vận mệnh dễ sai lầm. Hơn nữa, đời sống của một tập thể, của quốc gia không giống đời sống của một cá nhân. Trên một lá số nào đó, có thể đoán ngày chết của cá nhân, nhưng không ai dám quả quyết rằng tập thể hay quốc gia trúng số sẽ bị tiêu diệt cùng lúc.
Vì vậy, có thể nói rằng Tử-Vi không áp dụng cho tập thể và càng không áp dụng được cho quốc gia.
Lược trích cuốn "Tử vi tổng hợp" của Nguyễn Phát LộcNguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Thanh Vân (##)