Vì sao Tào Tháo xây 72 ngôi mộ?
Tuổi trẻ, Tào Tháo đã có chí lớn. Từ những việc lúc còn nhỏ đã có thể nhìn, thấy sự xảo trá và quyền biến của ông.
Chân dung Tào Tháo |
Nói đến cùng, đều là những suy diễn cụ thể từ câu nói “Thà ta phụ người đừng để người phụ ta”. Từ xưa đến nay, nhiều người đã lấy câu nói đó làm điểm xấu của Tào Tháo. Tào Tháo có thể thốt ra câu nói đó biểu hiện cái “trá” của ông; cái “trá” đó cũng có thể gọi là “trí”; chỉ có mưu trí cao mới có thể “trá”; “trá” đến mức khiến người ta bất tri bất giác, không hiểu nổi, ấy mới là “trí”.
Đối với công việc hậu sự của mình, Tào Tháo có quan niệm khác hẳn với đế vương các đời. Ông là vị vua đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã đưa ra quan niệm “bạc táng” (chôn cất đơn giản).
Trong lịch sử, Tào Tháo tuy chưa xưng đế nhưng địa vị quyền lực không kém hoàng đế. Vì sao ông không những đề xướng “chôn cất đơn giản” mà còn đích thân thi hành.
Tương truyền, Tào Tháo suốt đời đề xướng tiết kiệm. Thời nhỏ, Tào Tháo từng câu kết với bọn đào trộm mồ mả, tận mắt thấy chúng lấy hết của cải tùy táng. Vì vậy, để đề phòng bản thân sau khi chết không rơi vào thảm cảnh ấy, ông đã nhiều lần yêu cầu “chôn cất đơn giản”.
Tào Tháo còn sử dụng biện pháp xây “mộ giả” để bọn đào trộm mộ không biết đâu là mộ thật. Việc xây mộ giả đương nhiên liên quan đến tính đa nghi của ông. Khi còn sống, ông vì đa nghi nên đã giết nhầm rất nhiều người. Ngày an táng Tào Tháo, có tới 72 cỗ quan tài từ 4 hướng Đông, Tây, Nam và Bắc cùng một lúc được khênh ra các cổng thành. Dân trong thành, thậm chí lính khênh cũng không biết quan tài nào là quan tài thật.
Trong 72 ngôi mộ này, ngôi mộ nào là thật? của Tào Tháo.
Tương truyền, trong những năm quân phiệt hỗn chiến, 1 nhà buôn đồ cổ của công ty Ấn Độ muốn tìm ngôi mộ thật của Tào Tháo đã thuê dân công đào mười mấy ngôi mộ giả. Ngoài một số đồ gốm đồ sứ ra không thu được cái gì khác.
Năm 1988, tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng bài Bí ẩn 72 ngôi mộ giả của Tào Tháo bị khám phá. Bài báo nói: “Quần thể mộ cổ ở huyện Từ, tỉnh Hà Bắc nổi tiếng gần đây được Quốc vụ viện coi là đơn vị bảo hộ văn vật trọng điểm toàn quốc lớp thứ ba. Những ngôi mộ cổ này trong truyền thuyết dân gian xưa bị coi là “72 ngôi mộ giả của Tào Tháo” nay đã được coi là quần thể mộ cổ loại lớn thời Bắc Triều. Tuy nhiên, số lượng mộ không phải là 72 mà là 134”.
Hài cốt thực của Tào Tháo chôn ở đâu vẫn là một bí ẩn. Có người căn cứ vào “thơ mộ Tào Tháo” suy đoán mộ ông ở đáy sông Chương. Theo cuốn Chương Đức phủ chí, lăng Nguỵ Vũ Đế Tào Tháo ở thôn Linh Chi, cách đài Đồng Tước 5km về phía chính Nam. Theo khảo sát, điều này chỉ là giả thiết. Mộ Tào Tháo có thể ở đâu?
Có ý kiến cho rằng, mộ Tào Tháo ở “Cô Đôi Tào Gia” (Mộ phần họ Tào) thuộc huyện Tiều. Đây là quê hương của Tào Tháo.
Chương Văn Đế trong cuốn Nguỵ thư: “Năm Giáp Ngọ (năm 220) mở tiệc chiêu đãi quân lính và dân chúng ở Ấp Đông (Thuộc huyện Tiều)”. Sách Bột Châu chí chép: “Văn Đế đến huyện Tiều, thiết đãi lớn phụ lão ở đây. Lập đàn trước nhà lập bia được gọi là bia thết đãi lớn”.
Tào Tháo mất ngày 2 tháng Giêng năm Giáp Ngọ. Nếu chôn ở Thành Nghiệp, Nguỵ Văn Đế Tào Phi vì sao không đi thành Nghiệp mà lại quay về quê hương? Mục đích chuyến đi này của Tào Phi là để kỷ niệm ngày mất của Tào Tháo? Sách Nguỵ Thư còn nói: “Năm Bính Thân, (Tào Phi) đích thân đến tế ở lăng Tiều”.
Lăng Tiều chính là “Cô Đôi Tào Gia”, nằm cách Thành Đông 20km. Nơi này từng là nhà ở của Tào Tháo, cũng là nơi Tào Phi ra đời. Ngoài ra, sách còn chép: “Bột Châu có quần thể mộ thân tộc Tào Tháo. Trong đó có mộ ông nội, cha, con cái của Tào Tháo. Từ đó suy đoán, mộ Tào Tháo cũng chôn ở đó. Tuy nhiên, cách giải thích này cũng không có bằng chứng đáng tin.
(Theo Toquoc)
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Minh Tuyết (##)