Một bài viết sưu tầm về sao Thiên Lương. Mời bạn đọc tham khảo nghiên cứu.
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Thiên lương tổng luận
Thiên lương là sao thứ hai của Nam Đẩu, ngũ hành thuộc dương Thổ.
Trong Đẩu Số, Thiên Lương được ở vị trí “giám sát ngự sử”. Cổ nhân nói “Thanh danh vinh hiển ở vương thất, chức vị đến phong ninh” (Hiển thanh danh vu vương thất, chức vị lâm vu phong ninh). Thời xưa, quan phong ninh có nhiệm vụ là “nghe chuyện mà tấu vua” (văn phong tấu sự), can gián hoàng đế, đàn hạch đại thần, tuy không chủ quản về hình pháp, nhưng trong thực tế thì có ý vị của hình pháp, kỷ luật, nguyên tắc.
Thiên lương tuy được gọi là “ấm tinh” (sao che chở), nhưng về bản chất lại có tính “cô kị”. Thích hành động một mình, tính tình mạnh mẽ, tính nguyên tắc rất mạnh, đây là tính cách thuộc phương diện “cô kị”. Ở phương diện khác, thì căn cứ vào những nguyên tắc mà bản thân mình đã định hình, để giải quyết bất hòa, tranh chấp, phân xử thị phi, do vậy thường bị cuốn vào vòng nan giải khó khăn, kéo theo sự bất toàn của bản thân. Chính vì vậy, phàm người có Thiên lương thủ mệnh, rất nên theo ngành y dược, bảo hiểm, công tác xã hội,… tức những nghề liên quan đến “che chở” (ấm tinh).
Thiên lương không ưa Hóa Lộc, hoặc có Lộc tồn đồng độ, nếu không, sẽ vì tiền bạc mà bị đố kị, dẫn tới xảy ra thị phi; hoặc tiền bạc của Thiên lương thuần túy nhờ vào việc hóa giải khó khăn của người khác mà có, vì vậy Thiên lương thích hợp với những nghề có sắc thái giải nạn cho người, cởi bỏ khúc mắc cho người, xóa tan phiền toái cho người. Cùng là Thiên lương Hóa Lộc, đối với bác sỹ thầy thuốc, thì Thiên lương là sao hóa Cát, còn đối với thương nhân, thì Thiên lương là sao hóa Hung, bởi vì xóa tan phiền toái cho bệnh nhân là chức trách của bác sỹ và thầy thuốc; còn đối với thương nhân thì phải trải qua khó khăn mới kiếm được tiền.
Nhưng bất kể như thế nào, Thiên lương mà có sao Lộc, tất sẽ khơi động một tính chất mạnh mẽ nào đó thuộc về bản chất của nó. Ví như hệ “Thiên lương Thiên đồng” vốn chủ về mệnh tạo có phong cách đặc biệt, nhưng gặp sao Lộc thì trở thành “buông xuôi theo dòng nước”.
Lúc luận giải và luận đoán về sao Thiên lương, cần quan sát hai phương diện sau:
1- Các sao hội hợp có sảnh hưởng như thế nào đối với tính “cô kị” của nó? Làm mạnh thêm hay làm yếu đi?
2- Tính tình của sao Thiên lương sẽ vì các sao hội hợp mà thay đổi như thế nào?
“Cơ Nguyệt Đồng Lương” là một cách nổi tiếng. Cổ nhân nói “Cơ Nguyệt Đồng Lương chủ về làm lại người” (Cơ Nguyệt Đồng Lương tác lại nhân).
Nhưng khi Thiên đồng và Thiên lương đồng độ, hay Thiên cơ và Thiên lương đồng độ, Thiên lương độc tọa, Thiên đồng độc tọa, Thiên cơ và Thái âm đồng độ… thì tình hình cung mệnh của cách “Cơ Nguyệt Đồng Lương” trên thực tế vẫn có sự phân biệt. Mói một cách khái quát, lấy Thiên lương độc tọa thủ mệnh là cách tốt, bởi vì so với các trường hợp khác, thì nó ít có tâm kế thủ đoạn hơn.
Nhưng bất kể như thế nào, trong tổ hợp “Cơ Nguyệt Đồng Lương”, đối với Thiên lương ắt có tính “cô kị”, gặp tứ sát Kình dương, Đà la, Hỏa tinh, Linh tinh, thì tính “cô kị” càng nặng, cần phải có Văn xương, Văn khúc hội hợp, mới có thể điều hòa. Nếu Thiên lương đi với các sao Kình dương, Đà la, Hỏa tinh, Linh tinh, có thêm Hóa Kị, thì tai nạn càng thêm nặng.
Cổ nhân nói “Thiên lương, Thiên đồng, Thiên cơ, Thái âm” ở Dần hoặc ở Thân, chủ về cuộc đời lợi về nghề nghiệp, thông minh” (Lương Đồng Cơ Nguyệt Dần Thân vị, nhất sinh lợi nghiệp thông minh), nói “lợi nghiệp thông minh”, nhưng tính “cô kị” vẫn là chuyện tất nhiên.
Ngoại trừ tứ sát ra, Thiên lương còn không ưa gặp Thiên mã, Địa không, Địa kiếp.
Thiên lương vốn có sắc thái hành động một mình, gặp Thiên mã sẽ biến thành “ngựa không cương”, dụng ý ngựa không có chủ là ngựa đi hoang, chủ về phóng đãng. Cổ nhân nói “Thiên lương Thiên mã ở hãm địa, chủ về trôi dạt, không còn nghi gì” (Thiên lương Thiên mã hãm, phiêu đãng vô nghi).
Phàm Địa không hay Địa kiếp ở cung Mệnh, vốn đã có sắc thái cuồng ngạo, không kềm chế, lạnh nhạt không chịu hòa hợp với người khác, lý tưởng chủ nghĩa xuông. Nếu Thiên lương đồng độ với một trong hai sát tinh này, thì tư tưởng của mệnh tạo càng trở nên khó hiểu.
Truyền thừa khẩu quyết của phái Trung Châu là “Thiên lương gặp Địa không hoặc Địa kiếp, chủ về người này là Nguyển Tịch, Kê Khang” (Thiên lương Không Kiếp, kỳ nhân Nguyễn Tịch, Kê Khang). Nguyễn Tịch, Kê Khang là danh sỹ đời Tấn trong nhóm “Trúc lâm thất hiền”, uống riệu như dùng thuốc, lại có nhiều lời bình luận về thế sự, chính vì những lời bình luận này mà bị giết.
Thiên lương đồng độ cùng với Thiên hình, làm mạnh thêm tính nguyên tắc của Thiên lương, có thể biến thành lòng dạ như sắt thép, nên nói gặp người Thiên lương không dễ thỏa hiệp. Nếu lại gặp Kình dương, thì tính càng thêm “cô độc”. Khẩu quyết của phái Trung Châu là “Thiên lương gặp Thiên hình, người này giống như Bao Chửng mặt sắt” (Thiên lương Thiên hình, kỳ nhân thiết diện Bao Chửng), truyền thừa này ví với “thiết diện vô tư” Bao Chửng đời Tống, con người không sợ quyền quý, rất sùng thượng pháp trị. Trường hợp ở Ngọ Mùi thì càng nặng.
Thiên lương là “hình tinh”, cho nên không thích đồng độ với Kình dương, Thiên hình, ba sao đều là “hình tinh”, bất luận ở một cung nào trong 12 cung, đều chủ về bất lợi, không bị bệnh thì cũng bị ngoại thương, hoặc thị phi kiện tụng.
Lúc “Thái dương Thiên lương” đồng độ, lại có Văn xương, Lộc tồn hội hợp, là cách nổi tiếng “Dương Lương Xương Khúc”. Cổ nhân nói “Dương Lương Xương Khúc, tên truyền đứng đầu” (Dương Lương Xương Khúc, lư truyền đệ nhất danh), đây là kết cấu tinh hệ có lợi về thi cử, cấu tạo này chủ yếu là vì Thái dương hóa giải tính “cô” của Thiên lương, hơn nữa tính nguyên tắc khô cứng của Thiên lương được nhuyễn hóa thành tính nguyên tắc trong học thuật. Vì vậy, ở xã hội hiện đại, cách “Dương Lương Xương Khúc” trở thành tinh hệ có lợi trong việc nghiên cứu học thuật. Nghiên cứu học thuật chú trọng việc “tự học”, tức là bản thân phải không ngừng phủ định mình, thì học thuật mới tiến bộ, cho nên không sợ các Sát tinh, Hình tinh đồng độ. Nhưng, khi nhìn từ góc độ tranh chấp có thuận lợi hay không thuận lợi, thì gặp các sao Sát Hình là không nên.
Thông thường, Thiên lương bất lợi khi gặp Sát tinh, cổ nhân nói “nếu tứ sát xung phá thì mạ không trổ đẹp” (Nhược tứ sát xung phá tắc miêu nhi bất tú), “Thiên lương ở hãm địa gặp Kình dương Đà la, thương phong bại tục” (Thiên lương hãm địa kiến Dương Đà, thương phong bại tục), “Thiên lương ở hãm địa gặp Hỏa tinh Kình dương là phá cục, chủ về thấp hèn, cô quả, chết yểu” (Thiên lương hãm địa ngộ Hỏa Dương phá cục, hạ tiện cô quả yểu triết).
Thiên lương ưa gặp Tả phụ, Hữu bật, Văn xương, Văn khúc, cổ nhân gọi là “Có thêm Văn xương, Văn khúc, Tả phụ, Hữu bật hội hợp, là quan lớn cả văn lẫn võ” (Xương Khúc Tả Hữu gia hội, xuất tướng nhập tướng).
Thiên lương phân bố trong 12 cung, sẽ đồng độ hoặc đối diện với ba sao Thiên đồng, Thái dương, Thiên cơ, nên có mối quan hệ rất mật thiết.
- Ở Tý hoặc ở Ngọ, Thiên lương đối diện với Thái dương; Ở Mão hoặc ở Dậu, Thiên lương và Thái dương đồng độ. Cho nên, bốn cung Tý Ngọ Mão Dậu, là tổ hợp “Thiên lương – Thái dương”.
- Ở Sửu hoặc ở Mùi, Thiên lương đối diện với Thiên cơ; ở Thìn hoặc ở Tuất, Thiên lương đồng độ với Thiên cơ. Cho nên bốn cung Thìn Tuất Sửu Mùi là tổ hợp “Thiên lương – Thiên cơ”.
- Ở Tị hoặc ở Hợi, Thiên lương đối diện với Thiên đồng; ở Dần hoặc ở Thân, Thiên lương đồng độ với Thiên đồng. Cho nên bốn cung Dần Thân Tị Hợi là tổ hợp “Thiên lương – Thiên đồng”.
Thông thường, trường hợp Thiên lương độc tọa ở Sửu hoặc ở Ngọ dễ cấu tạo thành cách cục tốt, khi Thiên lương độc tọa ở Tị hoặc ở Hợi thì cấu tạo dễ thành phá cách.
Thiên lương tọa mệnh, chủ về sống cô lập
Các chính diệu có quan hệ mật thiết với Thiên lương là Thái dương, Thiên đồng, Thiên cơ. Tình hình cụ thể như sau:
- Thiên lương độc tọa ở Tý hoặc ở Ngọ, đối nhau với Thái dương.
- Thiên lương độc tọa ở Sửu hoặc ở Mùi, đối nhau với Thiên cơ.
- Thiên lương đồng độ với Thiên đồng ở Dần hoặc ở Thân.
- Thiên lương đồng độ với Thái dương ở Mão hoặc ở Dậu.
- Thiên lương đồng độ với Thiên cơ ở Thìn hoặc ở Tuất.
- Thiên lương độc tọa ở Tị hoặc ở Hợi, đối nhau với Thiên đồng.
(Độc tọa ở 2 cung dương 4 cung âm, đồng độ ở 2 cung âm 4 cung dương)
Thiên lương và Thái dương cấu tạo thành hệ là tốt nhất, bởi vì Thiên lương vốn đã có tính “cô độc và hình khắc” được Thái dương hóa giải. Do đó có thể biết nên nhập miếu hoặc thừa vượng, ví dụ Thái dương ở Ngọ hay ở Mão, ánh sáng và nhiệt đều thịnh hơn ở Tý hay ở Dậu, vì vậy Thiên lương nên ở Tý để được Thái dương ở Ngọ đối chiếu, trường hợp Thiên lương ở Ngọ được Thái dương ở Tý vây chiếu sẽ không tốt bằng. Tương tự, hệ “Thái dương Thiên lương” ở Mão sẽ tốt hơn ở Dậu.
Khi Thiên lương và Thái dương cấu thành tinh hệ, thường hình thành cách “Dương Lương Xương Khúc”, tức có thêm Văn xương và Lộc tồn hội hợp. Mệnh cách này rất lợi về tham gia thì cử, nhất là các cuộc thi tuyển quốc gia, vì vậy người có cách này dễ thành chuyên viên nghiên cứu học thuật. Dù không gặp Văn xương và Lộc tồn, hệ Thái dương Thiên lương” vẫn có lợi về nghiên cứu học thuật, bởi vì làm việc trong chính giới, mức độ phong ba quá lớn, còn làm theo hướng công thương nghiệp thì cũng ba chìm bảy nổi.
Hệ Thiên cơ và Thiên lương, cổ nhân cho rằng “là người giỏi bàn luận binh pháp”, đây là do Thiên cơ có tài ăn nói, mà còn mưu trí và quyền biến, còn Thiên lương thì rất thích biểu hiện bộc lộ bản thân. Ở thời cổ đại, văn nhân có thể bàn luận binh pháp, được cho là văn võ toàn tài; nếu ở thời hiện đại, hệ “Thiên cơ Thiên lương” không nhất định là giỏi bàn luận binh pháp, mà có thể chuyển thành ba hoa, xảo ngôn, toan tính về đầu cơ cổ phiếu…
Hệ “Thiên lương Thiên đồng” dễ phát triển thành người cao ngạo, ỷ tài. Bởi vì Thiên lương ưa "bới móc soi bói", đã vậy còn rất cố chấp; còn đối với Thiên đồng thì thích hưởng thụ, hai tính chất này kết hợp nhuyễn hóa, kết quả là mệnh cách thường cảm thấy bất mãn với xã hội, chỉ muốn sống an nhàn qua ngày, thường nảy sinh ý nghĩ “hãy tha cho tôi đi”, bản thân không thích bôn ba mà chỉ thích ngồi “luận đạo”, nên thiếu lòng cầu tiến, hơn nữa, tâm ý thường cho rằng trong thiên hạ không có ai bằng mình. Nếu phát triển theo hướng tốt, thì mệnh cách là người có tâm tư "tinh tế sắc xảo" hoặc là người "liêm khiết chính trực", nhưng ít chịu hòa hợp với mọi người, có Thiên lương đồng cung, thì càng chủ về người sống cô lập.
Thiên lương có đặc tính “tiêu tai giải khó”?
Thiên lương là sao mà “Cổ thư” gây nhiều hiểu lầm nhất về luận đoán. Các sách cổ đều nói, Thiên lương là “thọ tinh”, hóa khí làm “ấm” (che chở), có công năng tiêu giải tai ách, che chở cho mệnh, phúc cho con cháu. Thâm chí còn nói “thanh danh vẹn toàn, hiển đạt ở vương nhất” … “nếu có thêm Tả phụ, Hữu bật, Văn xương, Văn khúc hội hợp, thì làm quan văn lẫn quan võ …” Chủ ý toàn nói Thiên lương đem lại điềm cát tường.
Chỉ có Tuệ Tâm Trai Chủ là nói đúng chân tướng của sự tình, tiên phong khám phá đặc tính của Thiên lương. Bà nói: “Trong các sao, Thiên lương là sao có sức mạnh nhất về phùng hung hóa cát, gặp nạn thì mang lại điều lành. Bởi vì cần phải biểu hiện sức mạnh giải khó và mang lại điều lành, nên người có Thiên lương tọa mệnh bất kể ở cung vị nào, nếu không có Cát tinh hội chiếu, sẽ không tránh được phải tao ngộ cảnh khốn khó, để cho Thiên lương hóa giải”.
Sau đó, những người viết sách Đẩu Số cũng hiểu ra mà thay đổi cách nhìn về Thiên lương, không còn đồng ý toàn bộ những lời tán dương quá đáng trước kia của cổ nhân. Trong số các thuyết cổ, chỉ có thể căn cứ ca quyết “Thiên lương gặp Thái âm, chủ về nữ dâm bần”, để chỉ ra khuyết điểm của tinh hệ Thiên lương. Nhưng lại hiểu lầm ý của câu “Thiên lương Thiên đồng đối nhau ở Tị Hợi, nam thì phóng đãng, nữ thì đa dâm”, hầu như cho rằng nữ mệnh có cấu tạo này đều là người dâm đãng.
Thực ra Thiên lương không quá tệ, cũng không quá tốt, mà chỉ mang lại cho mệnh tạo khốn khó hoặc hung hiểm trước, sau đó mới hóa giải trong vô hình. Ví dụ như chịu phẫu thuật ắt sẽ không chết; hay sự nghiệp sắp lâm vào cảnh vỡ nợ, sập tiệm thì đột nhiên gặp cơ hội được phù trợ; hay đang gặp đủ thứ nạn tai, bệnh tật, kết quả một ngày nào đó mọi thứ xui xẻo đều qua khỏi … Chính vì vậy, nên người có Thiên lương tọa mệnh, khi qua tuổi trung niên, quay đầu hồi tưởng lại những chuyện trước kia, thường cảm thấy đời người là “hư ảo”, do đó tư tưởng phần nhiều có khuynh hướng tiêu cực.
Một tính chất khác của Thiên lương đó là thần bí. Người có Thiên lương tọa mệnh sẽ không tự biết khuynh hướng tín ngưỡng đối với sự vật thần bí của mình. Nếu phát triển theo hướng tích cực, thì họ sẽ thích tìm hiểu một số vấn đề, mà xã hội đương thời cho rằng rất khó thâm nhập, nhưng chỉ dừng lại ở lý luận mà thiếu thực tiễn. Nếu phát triển theo hướng xấu, thì sẽ có tính hay "soi bói, bới móc", vạch lá tìm sâu, khiến cho người ta cảm thấy khó tiếp cận.
Do đó nên nhìn nhận Thiên lương tọa mệnh là danh sỹ, đây mới là tính chất cơ bản của Thiên lương. Được gọi là “sao danh sỹ”, có phong cách danh sỹ, thực ra là chủ về thái độ sống thích nhàn tản, không thích bôn ba, chỉ muốn sống an nhàn qua ngày, thậm chí thái độ lười biếng. Biểu hiện cụ thể là thiếu lòng cầu tiến, trong xã hội hiện đại dễ biến thành kẻ chơi nhiều hơn làm, du thủ du thực, không hứng thú với nghề nghiệp.
Phân biệt tính chất tốt xấu của Thiên lương
Do tính chất của Thiên lương biến hóa đa đoan, bất kể là hệ “Thái dương Thiên lương”, Thiên cơ Thiên lương”, hay “Thiên đồng Thiên lương”, đều rất dễ có biến hóa cực đoan.
Thiên lương không nên gặp các sao có tính chất hiếu động, trôi nổi. Đây là đặc điểm thứ nhất, nên cổ nhân có thuyết “Thiên lương Thiên mã hãm địa, nhất định sẽ trôi nổi vô định”, “Thiên lương, Thái âm chủ về nữ dâm bần”, “Thiên lương ở Dậu, Thái âm ở Tị, là khách phiêu bồng”.
Thiên lương rất kị gặp Kình dương và Đà la. Đây là đặc điểm thứ hai, nên cổ nhân có thuyết “Thiên lương hãm địa gặp Kình dương Đà la, chủ về bại hoại phong tục”. Câu hỏi được nêu ra, Thiên lương đã làm những gì để phong tục bị bại hoại!
Thiên lương ưa ở cung miếu vượng, được các sao Phụ Tá đến chầu, vì vậy Thiên lương không ưa ở ba nơi Tị, Thân, Hợi, ở Dậu cũng bị chê bình thường. Nói các sao Phụ Tá, tức là chỉ Thiên khôi, Thiên việt, Tả phụ, Hữu bật, Văn xương, Văn khúc, Lộc tồn, Thiên mã, kế đến là tạp diệu Tam thai, Bát tọa, Long trì, Phượng các, Ân quang, Thiên quý, Thiên quan, Thiên phúc. Đây là đặc điểm thứ ba, nên cổ nhân có thuyết “Thiên lương thừa vượng nhập miếu, có Tả Hữu Xương Khúc hội hợp, chủ về làm quan văn lẫn quan võ”.
Lưu diệu của đại vận hay lưu niên, cũng có ảnh hưởng đối với Thiên lương. Thiên lương ưa gặp hai lưu diệu Thanh long và Tấu thư, gặp nó đều chủ về có chuyện vui về văn thư. Nhưng “văn thư” ở đây khác với “văn thư” của Văn xương Văn khúc. “Văn thư” của Văn xương Văn khúc, có thể chỉ là trái phiếu, chi phiếu, cổ phiếu; còn Thiên lương gặp “văn thư” của Thanh long, Tấu thư, là chỉ công văn của nhà nước hay của công ty, tập đoàn lớn. Thông thường, phần nhiều chỉ việc được thăng chức, hoặc được phong danh hàm, học hàm.
Thiên lương gặp Cát tinh thì hành động một mình, gặp Hung tinh thì tính tình cô độc, bất kể là cát hung đều có lợi về nghiên cứu học thuật. Cổ nhân nói “Thiên lương, Thiên đồng, Thiên cơ, Thái âm ở Dần Thân, chủ về một đời lợi nghiệp, thông minh”, đây là phát huy tính chất hiếu động, trôi nổi và cơ trí, lại còn thêm “cô khắc và hình kị”, nếu hậu thiên có tu dưỡng, biến tính cách hiếu động, trôi nổi thành linh động, mệnh tạo có thể trở thành nhân tài trong giới học thuật.
Thiên lương tương hội với Cát tinh, ở các cung Phu thê, Huynh đệ, Phụ mẫu, Giao hữu, sẽ thành cát, phát huy tác dụng của “ấm tinh” (sao che chở), chủ về được quý nhân nâng đỡ, trợ giúp, đề bạt. Song nếu thấy sát diệu Hóa Kị thì lại biến thành hình khắc. Lúc Thiên lương không cát lợi, tính cố chấp sẽ rất nặng, không chịu tin phục người khác, không dễ thỏa hiệp ngay cả với người thân bố mẹ, vợ con.
Thiên lương chủ về cô độc, tương hội sát diệu Hóa Kị ở cung Mệnh hoặc ở cung Phúc đức, chủ về quan hệ với người thân không lợi, nhất là không lợi cho nữ mệnh, không vô duyên với chồng thì cũng thiếu duyên phận với con cái.
Sao Thiên lương - Lục Bân Triệu
Sao Thiên lương ở trong ngũ hành thuộc dương thổ, ở trên trời, là sao thứ hai thuộc hệ thống sao Nam Đẩu, chủ về thọ, hóa làm ấm tinh (sao che trở). Sao Thiên lương bất luận ở Thân cung hay Mệnh cung, hoặc đến đại hạn hay lưu niên Thái tuế, đều chủ về có phong thái danh sỹ, tính tình tùy tiện, uể oải, lần nữa. Tuổi trẻ mà nó đến cung, gặp tai họa có thể giải hóa. Tuổi già được nó chiếu hay tọa, dù có nạn tai, bệnh tật nguy hiểm, cũng chủ về trường thọ.
Sao Thiên lương ở cung Mệnh hoặc cung Thân, đều chủ về "gặp hung hóa cát", gặp nạn mà không bị sao, do đó một đời thường gặp nhiều tai nạn hiểm nguy, hoặc tao ngộ phi thường. Sao Thiên Lương mà không gặp hung, thì sẽ không thấy đủ "sức mạnh cát hóa" (làm cho tốt lên) của nó, không gặp nạn thì sẽ không thấy đủ "công đức hóa lành" của nó. Cho nên, tinh diệu này mà lâm đến, tuy có thể hóa giải tai họa, hóa giải hung hiểm, chủ về trường thọ, sống lâu, nhưng cũng sẽ gặp nhiều tai, nhiều nạn, nhiều thị phi, nhiều bệnh tật, trường hợp sao Thiên lương đến cung Tị là ứng hợp nhiều nhất.
Người có Thiên lương ở cung Mệnh, cung Thân, hoặc cung Phúc đức, đều có khuynh hướng tín ngưỡng tôn giáo, theo Phật giáo là "có căn tu", "có thiện căn". Đồng độ với sao Thiên cơ phần nhiều đều là tăng đạo xuất thế, hoặc là người thấu hiểu cõi hồng trần. Đồng độ với sao Thái dương, hội chiếu các tinh diệu Văn xương, Văn khúc, Thiên tài, Phượng Các ở tại Mão, chủ về có kỹ năng chuyên môn, hoặc kỹ thuật xuất chúng. Bất kể về phương diện kỹ năng hay phương diện học vấn, đều có thể hơn người, hoặc lên tới đỉnh cao. Ở Dậu, tuy học có thành tựu, nhưng thanh danh vẫn kém xa ở Mão.
Sao Thiên lương ở Ngọ hay Mùi, đều chủ về tính tình dứt khoát, thẳng thắn, ưa thích chỉ ra sai lầm của người khác, tài năng quá lộ. Nếu tam phương tứ chính có tinh diệu cát tường hội chiếu, chủ về làm quan thanh liêm, làm ăn kinh doanh thành thực, xử sự ngay thẳng, tuy hay phê bình người khác, nhưng người khác cũng có thể chấp nhận được.
Nếu sao Thiên lương ở Ngọ hay Mùi, mà có sát tinh hội chiếu, hoặc đồng độ với Lộc tồn ở Ngọ, thì không nên phê bình người khác, nếu không dễ bị người khác oán kị, thiếu duyên với người, tiểu nhân bất mãn. Bởi vì, Thiên lương là ngự sử chính trực ở thanh cung, cho nên có thể khuyên can hoàng đế. Nếu có Tài tinh cùng đến, thì bản thân tài đã nhiều, nên không còn thanh cao (bởi vì người thanh cao phần nhiều là bần cùng), chỉ trích người khác, tất không thể làm người ta kính phục được. Không kính phục sẽ sinh oán hận, có oán hận sẽ có tiểu nhân "thị phi" vậy.
Sao Thiên lương ở Tý, cũng là thông minh thái quá, tài năng quá lộ, từ nhỏ đã không coi ai ra gì, kết quả là làm ơn mắc oán.
Hai sao Thiên lương và Thiên đồng ở Dần hoặc thân, có Lộc tồn hay Hóa Lộc đồng độ hoặc hội chiếu, chủ về người thông minh mưu chí, lanh lợi, nhiều sự nghiệp, một đời thường kiêm phụ trách nhiều chức vụ. Không có Lộc tồn hoặc Hóa lộc, thì sự nghiệp nhiều biến động, hoặc có tính lưu động, lấy trường hợp ở Dần là nhiều nhất, ở Thân là kế đến. Ở Dần hoặc Thân, gặp Tả phụ, Hữu bật, Thiên khôi, Thiên việt, đều chủ về làm việc trong cơ cấu chính phủ, phát triển sự nghiệp mang tính đại chúng.
Người tự sáng lập sự nghiệp, cũng thích hợp lập công ty, tự chịu trách nhiệm với tư cách pháp nhân của mình. Sao Thiên lương ở Ngọ, có sao Văn khúc và Thiên tài đồng độ hoặc vây chiếu, tam phương tứ chính gặp các Cát tinh Thiên khôi, Thiên việt, Tam thai, Bát tọa, hoặc các phụ tinh Tả phụ, Hữu bật, chủ về người được chính chính giới thừa nhận, là nhân vật có công triển khai và thực thi pháp luật vào cuộc sống, hoặc có những đóng góp trọng yếu trong ngành lập pháp. Trong thương giới cũng chủ là người có chức năng và trách nhiệm giám sát thực thi pháp luật của các công ty, hoặc giữ chức vụ quan trong của công ty. Lấy trường hợp Văn khúc đồng độ làm thượng cách, lấy trường hợp Văn khúc vây chiếu làm thứ cách.
1. Thiên lương ở cung Mệnh viên
Sao Thiên lương đến cung Mệnh, chủ về người sắc mặt vàng trắng, khuôn mặt hình chữ nhật, mũi thẳng, lưỡng quyền cao, thân thể mập ốm bất nhất, nhưng phần nhiều hơi mập. Ở Ngọ thân hình phần nhiều lùn mập, còn ở Tị phần nhiều gầy cao, hoặc hơi mập.
Thái độ vững vàng ổn trọng, tính tình ngay thẳng. Cuộc đời tuy có tai họa, nhưng chủ về sống thọ. Thấy hung hiểm có thể tự hóa giải, gặp tai họa có thể qua khỏi. Thích được Thái dương hội chiếu hay đồng độ. Nếu có thêm Văn xương, Văn khúc cùng đến, thì thông minh xuất chúng, nhưng hay kiêu ngạo hiếu thắng.
Sao Thiên lương ở Ngọ mà gặp cát diệu, vừa chủ về phú vừa chủ về quý, nhưng tính ưa nói thẳng, không sợ tiểu nhân, nên thường thị tiểu nhân đố kị.
Có Thiên cơ đồng độ thì bác cổ thông kim, hiếu học, giỏi nói năng và hiểu biết binh cơ.
Sao Thiên lương ở Thân, ở Tị, ở Hợi, phần nhiều chủ về phiêu lãng, gặp tinh diệu cát tường, chủ về viễn du các nơi, hoặc xa vượt trùng dương. Nếu gặp sao Thiên mã, Hàm trì, Thiên diêu, Hồng loan, Thiên hỷ, mà không có Lộc tồn đồng độ hoặc hội chiếu, chủ về phong lưu hiếu sắc, đa tình đa dâm, thích rong chơi, thích sống nhàn hạ.
Sao Thiên lương có Kình dương, Đà la hội chiếu, phần nhiều gặp tai nạn hung hiểm, có mối lo về tính mạng, có nạn tai về ngục tù, hoặc có bệnh nguy nan.
Sao Thiên lương đồng độ cùng với Hỏa tinh hoặc Linh tinh, chủ về nhiều lo sợ viển vông không đâu, dễ nảy sinh ý niệm xem nhẹ mạng sống mà tự sát, hoặc bị hỏa tai làm tổn thương.
Sao Thiên lương có Địa không, Địa kiếp, Đại hao đồng độ, chủ về thích rong chơi, không tích lũy mà hay phá tán.
Người có Thiên lương lập mệnh ở Tị, thường hay phụ trách sứ mạng hoặc chức vụ đặc biệt, hoặc một mình kiêm luôn mấy chức vụ, có công khai, có bí mật. Nếu gặp các sao Kình dương, Thiên hình, Đà la, thì vào năm Dậu hoặc năm Sửu sẽ gặp sát tinh, tất nhiên xảy ra tai họa đột ngột, nếu Sát mà nặng thì vô cùng nguy hiểm, chín phần chết chỉ một phần sống, nhưng rốt cuộc vẫn hóa nạn tai thành cát tường. Nếu sát tinh ở cung độ khác, thì lúc đại hạn, lúc thái tuế, lưu nguyệt đến, sẽ xảy ra tai họa, nhưng thế của tai họa khá nhẹ, hơn nữa, còn có chức vụ trong chính giới và giới kinh doanh, hoặc phần nhiều hay phát sinh quan hệ với người trong chính giới và giới quân đội.
Sao Thiên lương có Văn xương, Văn khúc, Phượng các hội chiếu, cũng chủ về văn sỹ trong giới văn hóa, hoặc làm công việc kinh doanh về văn hóa, báo chí.
Sao Thiên lương đến cung mệnh của nữ giới, thừa vượng nhập miếu, gặp tài tinh cát, chủ về phú quý song toàn, đa tài đa nghệ. Có Thái dương đồng độ ở Mão, gặp Văn xương, Văn khúc, Thiên tài, Phượng các, chủ về có sở trường đặc biệt, thông minh, giỏi ăn nói. Có Tả phụ, Hữu bật hội chiếu, thì giúp chồng dạy con, tâm từ ái, thích bố thí, mà thẳng thắn. Nếu Thiên lương rơi vào thế lạc hãm, có Kình dương, Đà la, Hỏa tinh, Linh tinh hội chiếu, chủ về người nữ cô độc. Còn gặp thêm Hàm trì, Thiên diêu, Hồng loan, Thiên hỷ, Địa không, Địa kiếp, Đại hao, chủ về trôi nổi đó đây, không ở yên trong nhà, hoặc phiêu bạt không nơi nương tựa. Nếu gặp Văn xương, Văn khúc, chủ về dùng tài nghệ mưu sinh. Nếu cung Thiên di ở Mão có Kình dương, chủ về Phu tinh không rõ ràng.
Đại hạn, lưu niên có sao Thiên lương đến, gặp tinh diệu cát tường, chủ về phúc dày lộc trọng, gia quan tiến tước, sự nghiệp phát triển, hỷ khí đầy nhà, chủ về trường thọ. Nếu có Lộc tồn đồng độ, thì phải đề phòng tiểu nhân bất mãn chủ ý hãm hại, sự nghiệp vì thế mà bị khuynh đảo. Có Kình Đà Hỏa Linh và Thiên hình hội chiếu, chủ về hình khắc, tai nạn, tật bệnh, tù ngục, thương tổn. Có Địa không, Địa kiếp, Đại hao hội chiếu, hoặc có sao Thiên đồng Hóa Kị hội chiếu, chủ về tử vong, khuynh gia bại sản, hoặc xảy ra các tình huống âm mưu hãm hại.
Phàm, sao Thiên lương đến cung Mệnh, cung Thân, hoặc cung Thiên di, hoặc đến đại hạn, lưu niên, lưu nguyệt, thì nên lui nhường ba bước, không nên kiêu ngạo, và phải đề phòng tiểu nhân hãm hại, thì mới có thể thành đại sự lập nên đại nghiệp.
2. Thiên lương ở cung Huynh đệ
Sao Thiên lương đến cung Huynh đệ, thừa vượng nhập miếu, có Tả phụ, Hữu bật, Thiên khôi, Thiên việt hội chiếu, chủ về anh em có hòa khí. Không có Tử phụ, Hữu bật, chủ về có anh em khác mẹ, anh em cùng mẹ có hai đến ba người, anh em thường ngầm tranh giành, khuynh đảo hoặc phân ly. Đồng độ với Thái dương ở Mão Dậu, chủ về anh em tranh đoạt gia sản, di sản, hoặc xảy ra chuyện hiểu lầm đố kị nhau. Có Thiên cơ đồng độ hoặc hội chiếu, chủ về có hai người. Có Thái âm, Hồng loan, Thiên hỷ hội chiếu, nhiều chị em. Đồng độ với Thiên đồng, có hai người ở chung, ở riêng có thể ba người. Có các sao Kình dương, Đà la, Hỏa tinh, Linh tinh, Thiên hình, Địa không, Địa kiếp hội chiếu, chủ về bất hòa, hình khắc, phân ly, nhiều rắc rối tranh chấp.
3. Thiên lương ở cung Thê (Phu)
Sao Thiên lương đến cung Thê, nên lấy người lớn tuổi, lấy người lớn hơn mình 3 tuổi là thích hợp (hoặc lấy người nhỏ hơn mình 3 tuổi trở lên). Có Thái âm hội chiếu, chủ về dung mạo mĩ lệ, nhưng lấy trường hợp chậm kết hôn hay tái hôn là tốt, nếu không sẽ chủ về "nhuyễn khắc" (ly dị). Có điều, tuy phân ly nhưng phần nhiều thường khó dứt tơ vương, lấy trường hợp trước khi kết hôn đã từng hủy hôn ước với người khác là tốt, hoặc nên kết hôn thật chậm thì có thể tránh khỏi.
Nữ mệnh, cung Phu có sao Thiên lương, lấy trường hợp chậm kết hôn hoặc làm kế thất, vợ lẻ, hoặc trước khi kết hôn đã từng hủy hôn ước với người khác, hay sống chung mà không có nghi thức kết hôn, thì có thể tránh được sự cố ly dị. Có Thiên đồng hội chiếu, nhưng Hóa Kị, chủ về sau khi ly hôn lại tiếp tục khắc, hoặc sau khi khắc lại ly hôn. Nhưng lấy trường hợp hội chiếu với Kình dương, Đà la, Thiên hình, Hỏa tinh, Linh tinh mới đúng.
4. Thiên lương ở cung Tử nữ
Sao Thiên lương đến cung Tử nữ, thừa vượng nhập miếu, có Tả phụ, Hữu bật, Hóa Khoa, Hóa Quyền, Hóa Lộc, Thiên vu, Ân quang, Văn xương, Văn khúc, Thiên khôi, Thiên việt hội chiếu, chủ về con cái phát đạt, thông minh nhiều tài, vừa phú lại vừa quý, có năm con trở lên. Đồng độ cùng với Thiên đồng, lấy trường hợp con gái trước con trai sau là tốt, chủ về ba người con. Có Thiên cơ đồng độ, đề phòng hư thai, chủ về hai người con. Có sao Hóa Kị hội chiếu, con cái nhiều tai nạn tật bệnh. Có Kình dương, Đà la, Hỏa tinh, Linh tinh hội chiếu, chủ về hình khắc, nên cho làm con nuôi của người khác. Có Địa không, Địa kiếp, Đại hao, Thiên hình hội chiếu, là cô đơn.
5. Thiên lương ở cung Tài bạch
Sao Thiên lương đến cung Tài bạch, thừa vượng nhập miếu, có Hóa Lộc, Lộc tồn, Thái âm, Thiên vu hội chiếu, chủ về phát giầu có, hoặc được thừa hưởng di sản hay tài phú hiện có khác. Đồng độ với Thái dương ở Mão, tuy có thể hay phú hay phát, nhưng có xảy ra chuyện tranh đoạt tài sản. Đồng độ cùng với Thiên đồng, có thể sáng lập gia tài, từ nhỏ mà phát triển lớn dần, hoặc tay trắng làm nên sự nghiệp - nếu có tam cát hóa Khoa Quyền Lộc hoặc Lộc tồn hội chiếu, là công khanh ở nhà tranh. Có Thiên cơ đồng độ, tiền đến tiền đi, lúc phát lúc phá, hoặc nhờ cần cù làm cực nhọc mà được, thời vận thường thay đổi. Đến cung Tý, tiền tài có nguồn đến nhưng bị cắt xén rất nặng. Gặp sao Hóa Kị, chủ về vì tiền tài mà nhiều lời qua tiếng lại, nhiều rắc rối thị phi, hoặc vì tiền tài mà sinh ra đau khổ về tinh thần. Có Kình dương, Đà la, Hỏa tinh, Linh tinh, Địa không, Địa kiếp, Đại hao, Thiên hình hội chiếu, chủ về khuynh gia phá sản, hoặc vì tiền tài mà sinh ra tai họa, hoặc vì dính vào chuyện kiện tụng mà phá hao. Nếu có cát tinh hóa giải thì trước khổ sau yên, hoặc ăn trước trả sau, miễn cưỡng sống qua ngày. Có điều, sao Thiên lương mà tọa cung Tài bạch, tuy gặp khó khăn, nhưng rốt cuộc cũng có tiền.
6. Thiên lương ở cung Tật bệnh
Sao Thiên lương đến cung Tật bệnh, tuy có nạn tai tật bệnh nhưng phần nhiều đều chuyển nguy thành an; chủ về các triệu chứng của trường vị không điều hòa, tiêu hóa không tốt. Có Kình dương, Đà la, Thiên hình hội chiếu, chủ về ngoại thương ở tay chân, bên trong thì gân cốt ngực eo bị thương, hoặc lan vĩ viêm. Có Hỏa tinh, Linh tinh đồng độ chủ về các chứng ung thư vú, ung thư bao tử, ung nhọt khối u. Có Địa không, Địa kiếp, Đại hao hội chiếu hoặc đồng độ, cũng chủ về các bệnh đau nhức, như phong thấp, tê bại, nhức mỏi. Có thêm Thiên nguyệt, Âm sát đồng độ, chủ về các chứng cảm mạo, thương phong, đầu choáng.
7. Thiên lương ở cung Thiên di
Sao Thiên lương đến cung Thiên di, thừa vượng nhập miếu, xuất ngoại chủ về được quý nhân phù trợ, là người được kính trọng. Ở tại ba nơi Tị, Hợi, Thân, chủ về "đông bôn tây tẩu" vất vả bận bịu. Nếu có tam cát hóa Khoa Quyền Lộc hội chiếu, chủ về viễn du tha hương. Có Lộc tồn đồng độ, chủ về bị tiểu nhân khuynh đảo chủ ý hãm hại. Có Thiên cơ đồng độ, thì ra ngoài gặp nhiều cơ hội, nhưng nhiều biến hóa thay đổi, không yên định. Có Thái dương đồng độ thì ra ngoài thành danh. Đồng độ cùng với Thiên đồng thì ra ngoài yên định, nếu Thiên đồng Hóa Kị thì ra ngoài gặp nhiều "lời qua tiếng lại thị phi". Có tứ sát Kình Đà Hỏa Linh hội chiếu, chủ về ra ngoài gặp tai họa, hoặc ra ngoài bị tiểu nhân hãm hại.
8. Thiên lương ở cung Giao hữu
Sao Thiên lương đến cung Giao hữu, thừa vượng nhập miếu, có Tả phụ, Hữu bật, Thiên khôi, Thiên việt, hoặc có tam cát hóa Quyền Lộc Khoa, chủ về có bạn ngay thẳng, chủ về được bạn bè trợ lực, hoặc được thuộc hạ ủng hộ. Có Thiên cơ đồng độ, chủ về bạn bè tuy nhiều nhưng thường thay đổi. Đồng độ cùng sao Thiên đồng chủ về có những đồng nghiệp hữu ích hoặc được bạn bè trợ lực. Có Thái dương đồng độ, chủ về trong đời kết giao được với người bạn quý, phần nhiều là người trong chính giới hay quân đội, công an, hoặc kết giao được với nhân vật quan trong trong thương giới, người có danh tiếng gây ảnh hưởng lớn đến những xu hướng trong xã hội. Có tứ sát Kình Đà Hỏa Linh đồng độ hay hội chiếu, chủ về vì bạn hữu mà tai họa, nhiều rắc rối thị phi. Có Địa không, Địa kiếp, Đại hao đồng độ hay hội chiếu hoặc xung chiếu, chủ về vì bạn hữu mà bị phá hao, hoặc vì thủ hạ không cẩn thận mà tổn thất tiền bạc.
9. Thiên lương ở cung Sự nghiệp
Sao Thiên lương đến cung Sự nghiệp, nếu ở Ngọ có cát diệu hội chiếu và xung chiếu hiệp trợ, chủ về là người quan trọng trong chính giới, thương giới, danh tiếng vang xa ra nước ngoài, quyền cao chức trọng. Có Thái dương đồng độ, văn hoặc võ đều lấy tài nghệ mà dương danh. Đồng độ cùng với Thiên đồng, chủ về người có năng lực chuyên sâu chỉnh lý nội vụ, nắm thực quyền bên trong, giỏi vạch kế hoạch. Có Thiên cơ đồng độ, chủ về một mình kiêm mấy chức, những loại công việc thường có nhiều biến động, việc có ẩn có hiện. Có Kình Đà Hỏa Linh Không Kiếp và Thiên hình hội chiếu và xung chiếu, chủ về người có sứ mệnh đặc biệt, hoặc vì sự nghiệp mà sinh tai họa, dính líu đến kiện tụng mà bị phá hao.
10. Thiên lương ở cung Điền trạch
Sao Thiên lương là tinh diệu "che chở", đến cung Điền trạch, chủ về được di sản của tổ tiên. Có Thiên cơ đồng độ thì phải tự tạo, nhiều dời đổi biến động, hoặc có tình hình "phiên tạo trùng kiến". Có Thái dương đồng độ, chủ về vì nhà cửa hoặc tài sản chung mà xảy ra tranh giành. Có tứ sát Kình Đà Hỏa Linh đồng độ hay hội chiếu và xung chiếu, chủ về gia trạch không yên, nhiều thị phi rắc rối, nhiều tranh chấp. Hội chiếu với sao Hóa Kị thì nhiều lời qua tiếng lại. Có Không Kiếp đồng độ, ở Tị, ở Hợi, ở Thân, thì trôi dạt. Sao Thiên lương và Thiên mã đồng độ, cũng chủ về trôi dạt bất định.
11. Thiên lương ở cung Phúc đức
Sao Thiên lương đến cung Phúc đức, thừa vượng nhập miếu, chủ về hưởng thụ an lạc. Đồng độ cùng với Thái dương, có Tả phụ, Hữu bật, Thiên khôi, Thiên việt, Ân quang, Thiên quý, Thiên vu hội chiếu và xung chiếu, chủ về phúc dày lộc trọng, vừa quý vừa phú. Đồng độ cùng với Thiên đồng, chủ về yên định. Đồng độ cùng với Thiên cơ thì lao tâm nhọc thần, gặp Hóa Kị thì vô phúc, nhiều phiền não. Có Đà la đồng độ thì tự tìm bận rộn. Có Kình dương hội với Hỏa tinh hay Linh tinh, thì phúc bạc, nhiều tranh chấp rắc rối, nhiều thị phi không thể yên định. Sao Thiên lương nhập miếu đến cung Phúc đức, chủ về an nhàn, có phong thái danh sỹ, tư tưởng phóng túng, không chịu gò bó, lạc thiên an mệnh, không thích biến động. Thiên lương lạc hãm đến cung Phúc đức, chủ về lười biếng, lần nữa, thường để xảy ra tình trạng làm lỡ công lỡ việc. Sao Thiên lương ở ba nơi Tị, Hợi, Thân, gặp Thiên mã, Địa không, Địa kiếp, Đại hao, chủ về trôi nổi bất định không yên.
12. Thiên lương ở cung Phụ mẫu
Sao Thiên lương đến cung Phụ mẫu, thừa vượng nhập miếu, có tam cát hóa Khoa Quyền Lộc hội chiếu và xung chiếu, chủ về có phúc ấm hoặc thừa hưởng di sản của cha mẹ. Lạc hãm chủ về hình thương khắc hại, nên làm con thừa tự của người khác. Có Kình dương gặp Thiên mã hội chiếu hay xung chiếu, chủ về xa gia đình, hoặc làm con nuôi người ta, hoặc ở rể. Đồng độ cùng với Thiên đồng thì không hình khắc, nếu Hóa Kị hoặc hội chiếu và xung chiếu Kình Đà Hỏa Linh, vẫn chủ về hình thương, hoặc giữa cha con ý kiến bất đồng không hợp, nên làm con thừa tự người khác. Đồng độ cùng Thiên cơ, chủ về phân ly hoặc ở riêng. Đồng độ cùng Thái dương, có cát tinh hội chiếu và xung chiếu, không có sát diệu thì không hình khắc, ở Mão thì chủ về được cha mẹ che chở. Nếu có sát tinh hội chiếu và xung chiếu, chủ về hình khắc phân ly, nhận người khác làm cha mẹ.
Nguồn: http://tuvitinhquyet.blogspot.com
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Thiên Nga (##)