Mỹ nhân Trung Hoa
– Nơi đây có một vị kỳ nữ. Từ ngày cô ấy hạ sinh đến nay, hai bàn tay luôn luôn nắm chặt, không bao giờ xòe ra.
Vũ Đế cảm thấy lạ, vội vàng phái người đi triệu cô gái ấy tới. Khi nhà vua cầm bàn tay của cô gái ấy lên, thì bàn tay liền xòe ra, bên trong nắm chặt một chiếc móc bằng ngọc, cho nên về sau được mọi người gọi là “Câu Dặc Phu Nhân”. Vũ Đế rất mê tín, cho rằng cô gái này không phải tầm thường, nên đem về cung và sủng ái nàng. Đến niên hiệu Thái Thủy năm thứ ba, khi Vũ Đế đã được sáu mươi ba tuổi thì Câu Dặc Phu Nhân hạ sinh cho nhà vua một hoàng tử. Đó là hoàng tử Lưu Phất Lăng, vị hoàng tử nhỏ nhất, mà sau này đã trở thành Chiêu Đế.
Sau khi sự kiện trù ếm xảy ra, Vũ Đế định lập người con nhỏ nhất là Lưu Phất Lăng làm thái tử, nhưng vì sợ sau này lại xuất hiện tình hình mẫu hậu can thiệp vào triều chính, nên Vũ Đế bèn quyết định giết Triệu Tiệp Dư.
Ít lâu sau đó, nhà vua cố ý tìm một khuyết điểm của Triệu Tiệp Dư và gay gắt quở trách. Triệu Tiệp Dư gỡ bỏ tất cả những đồ trang sức đeo trên người, rồi dập đầu tạ tội. Vũ Đế dù cảm thấy rất đáng thương, nhưng vẫn hạ lệnh cho thần hạ của mình:
– Hãy dẫn bà ấy tống vào nhà giam.
Câu Dặc Phu Nhân cứ bước đi một bước lại quay đầu nhìn, đôi mắt như van xin, nhưng Vũ Đế khoát tay nói:
– Hãy đi cho mau, nhà người đừng mong chi được sống sót!
Ngày xử tử Câu Dặc Phu Nhân, mây mù ảm đạm, gió to thét gào. Bá tánh hay tin, không ai là không cảm thấy thương tiếc, một giai nhân trẻ tuổi và ngây thơ như thế, mà lại chấm dứt cuộc đời quá ư bi thảm.
1 thuyết khác về cái chết của Câu Dặc phu nhân.
Câu Dặc còn quá trẻ, còn mình đã 66 tuổi, Vũ Đế sợ sau khi mình chết, Phất Lăng kế vị còn trẻ thơ thì Câu Dặc sẽ được nhiếp chính, thao túng triều cương. Cho nên Vũ Đế bắt Câu Dặc phải chọn: hoặc là hai mẹ con ra khỏi cung, hoặc tự sát để Phất Lăng lên làm Thái tử. Vì tương lai của con, Câu Dặc chịu chết
Chung Vô Diệm
Tóm tắt sơ lược:
Chung Vô Diệm (Hán tự: 鐘無艷, không rõ năm sinh năm mất) tên là Xuân, họ Chung Ly, người đất Vô Diệm (nay thuộc nay thuộc phía đông huyện Đông Bình tỉnh Sơn Đông). Thường gọi là Chung Ly Vô Diệm, bà là Vương hậu của Tuyên Vương Điền Tịch Cương nước Tề.
Chung Vô Diệm là người đàn bà nổi tiếng trong lịch sử, được mệnh danh là một trong Ngũ xú Trung Hoa. Sinh ra trán cao, mắt sâu, bụng dài, chân thô, mũi hếch, xương cổ lòi ra, cổ to, tóc thưa, bụng phệ, lưng gù, da đen đúa… (無艷, Vô Diệm trong tên bà có nghĩa là Không đẹp) Do dung mạo xấu xí, đến 40 tuổi vẫn chưa chọn được người chồng vừa ý. Bà ta tuy xấu nhưng thông minh tài trí hơn người, là nữ chính trị gia tài giỏi.
Giai thoại về Chung Vô Diệm
Một hôm Tuyên Vương đang uống rượu giữa bầy cung nga xinh đẹp, vui chơi ở Tiệm Đài. Chung vô Diệm xin vào yết kiến, tự xưng là người con gái không lấy được chồng của nước Tề, nghe nói Tề Vương là người hiền minh, xin vào hậu cung lo việc quét tước cho vua. Các cung nữ nghe xong bụm miệng cười, Tuyên Vương nghe tâu cũng tức cười nhưng vì lòng hiếu kỳ, ra lệnh cho vào yết kiến. Tuyên Vương hỏi: “Xú phụ! ngưoi sao không chịu ở yên nơi quê hương mà tự tiến tới vua phải chăng ngươi có tài nghệ cao kỳ?”. Vô Diệm đáp: “Không dám nói kỳ tài cao nghệ, chỉ học được thuật ẩn hình, xin vì đại vương hiến chút nghề mọn để giúp vui”. Nói xong liền ẩn mình, không ai thấy nữa. Hôm sau Triệu Vương lại triệu đến làm trò. Vô Diệm không nói, chỉ trừng mắt, cắn răng, giơ tay, vỗ gối… làm 4 động tác và kêu liên tiếp 4 tiếng “hiểm”. Tuyên Vương hỏi ý nghĩa ra sao? Vô Diệm nói rằng: “Nay nước Tề có sự uy hiếp của Tần ở phía Tây, Sở phía Nam, đó là nguy hiểm thứ nhất. Đại vương làm nhọc sức dân, hao tốn tiền của, lập Tiệm đài hoa lệ, đó là điều nguy hiểm thứ hai. Trong triều thì biếm ngưòi hiền, dùng kẻ nịnh, đó là điều nguy hiểm thứ ba. Đấng quân vương đam mê tửu sắc, không sửa sang chính trị trong nước, đó là điều nguy hiểm thứ tư. Thiếp trừng mắt vì đại vưong xét cái biến phong hoả, cắn răng là thay đại vương trừng trị cái miệng chống can gián, giơ tay là vì đại vưong đuổi kẻ bề tôi xàm nịnh, vỗ gối là xin đại vương dẹp bỏ cái đài ăn chơi.”
Tề Tuyên Vương nhận lời can gián, từ đó bỏ yến nhạc, phá Tiệm đài, trừ tôi nịnh, làm cho binh mã mạnh, kho lẫm đầy… lập Chung vô Diệm làm Vương hậu, và với sự phụ tá của bà, nước Tề trở nên cường thịnh. Trong thời Tề Tuyên vương tại vị, không có nước nào đến xâm phạm. Người sau viết rất nhiều truyện về nàng Chung Vô Diệm để ca ngợi tài năng, đức độ và sự dũng cảm của nàng. Tuy nhiên phần cuối truyện có thay đổi, thêm vào nội dung sau khi Chung Vô Diệm giúp vua trị vì thiên hạ thành công, cuối cùng đã hóa thành người đàn bà đẹp như tiên và coi Chung Vô Diệm là tiên nữ bị đày xuống trần giúp vua.
Đậu Hoàng hậu (Hiếu Văn thái hậu)
Đậu Hoàng hậu (trước 205 – 135 trước công nguyên) – Hoàng hậu của Hán Văn Đế
Đậu Hoàng hậu, người Quan Tân Thanh Hà (nay là đông bắc huyện Táo Cường tỉnh Hà Bắc) là hoàng hậu Hán Văn đế Lưu Hằng.
Đậu thị xuất thân hàn vi, cha bà chạy loạn đời Tần đến Quan Tân ở ẩn, câu cá để sống, không may ngã xuống sông mà chết, để lại ba con nhỏ. Thời Hán Sơ, triều đình đến Thanh Hà mộ cung nữ, Đậu thị tuổi nhỏ, ứng tuyển vào cung. Khi đó Lữ hậu nắm quyền, đưa Đậu thị đ ến nước Đại, làm cung nữ cho đ ại vương Lưu Hằng, sau được tiến làm vương phi. Đậu thị sinh được 2 trai là Lưu Khải và Lưu Vũ và một gái là Lưu Phiêu.
Phu nhân của đại vương mất sớm, 4 người con của bà cũng lần lượt chết theo. Đại vương xem Đậu thị là phu nhân.
Năm 180 trước công nguyên, đại vương Lưu Hằng lên ngôi là Hán Văn Đế, lập Đậu thị làm hoàng hậu, trưởng tử Lưu Khải làm thái tử, thứ tử Lưu Vũ làm Hòai Dương Vương.
Do Đậu thị xuất thân nghèo khổ, nên thông cảm với những cảnh khổ của nhân dân, thường khuyên Văn đế tiết kiệm, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân. Trong Hán thư phần của “Hán Văn Đế” có viết “tức nhị thập tam niên, cung thất, uyển hựu, xa kị phục ngự vô sở tăng ích” ( ở ngôi 23 năm, cung thất, vườn hoa, xe ngựa, đồ ngự dụng không tăng thêm). Sau anh em của Đậu thị là Đậu Trưởng Quân và Đậu Quảng Quốc đến Trường An nhìn bà con, Hán Văn Đế gặp hai vị quốc cữu rất mừng, phân cho hai người nhà ở và ruộng đất không ít, lưu ở lại Trường An. Tể tướng Quán Anh và Chu Bột cho là hai vị quốc cữu xuất thân hàn vi, không có học hành tốt, nên chọn vị thầy có phẩm chất đạo đức dạy dỗ, để không rơi vào bánh xe cũ ngọai thích họ Lữ làm lọan. Trong Hán thư, phần “ Ngọai thích truyện” có viết: “Do thủ thối nhược quân tử, bất cảm dĩ phú quý kiêu nhân” ( do đó biết khiêm nhường bậc quân tử, không dám lấy sự giàu sang mà khinh người)
Năm 157 trước công nguyên ( năm thứ bảy Hán Văn Đế hậu nguyên), Lưu Khải được kế lập là Cảnh đế, tôn Đậu thị làm hòang thái hậu. Lúc đó, Đậu thái hậu hai mắt đã mờ, bà ham thích thuật Hòang Lão. Cảnh đế và anh em Đậu thị không thể không đọc” Lão thị” đề cao thuật Hòang Lão. Hòang Lão là chỉ Hòang đế và Lão Tử, đạo gia tôn Hòang Lão làm tổ, chủ trương “vô tri nhi trị” nên dùng chính sách rộng rãi (khoan chính) đối với dân chúng. Đậu thị trải qua hai triều đại Văn đế và Cảnh đê, sử gọi là “Văn Cảnh chỉ trị”, sự thịnh trị của đời Văn Cảnh và chính sách khoan dân theo thuật Hòang Lão có quan hệ rất lớn.
Đậu thái hậu chết năm 135 trước công nguyên ( năm thứ sáu Kiến nguyên Hán Vũ Đế) thọ khỏang 71 tuổi
Hoàng Phủ Phi Giao
Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Lệ Quân có bốn người con : Triệu Câu, Triệu Lân, Triệu Phượng và Mạnh Phi Giao, từ khi còn ở phủ Hoàng Phủ Phi Giao đã bộc lộ bản tính muốn cai trị cả thiên hạ, nàng thường mơ ước mình có thể giống như Võ Tắc Thiên nên thạo bức chân dung của Võ Mỹ Nương mà ngắm nhìn và tôn vinh. Thái Thượng Hoàng của Minh triều muốn ẩn dật tu hành nên truyền ngôi lại cho con trai của ông là Anh Tôn lập hữu hậu là Hùng Ngọc Dung con gái của Hùng Hữu Hạo cũng là chỗ thâm tình của Hoàng Phủ Thiếu Hoa, Thái Thượng Hoàng còn truyền thánh chỉ lập Phi Giao làm hữu hậu điều này càng làm cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa lo sợ vì bản tính của Phi Giao nhưng cũng đành chấp nhận vì ko thể nào kháng chỉ.
Từ khi Phi Giao nhập cung, Anh Tôn đã mê mẩn tâm hồn trước sắc đẹp của Phi Giao, Phi Giao vì muốn loại bỏ Hùng Ngọc Dung nên đã lập mưu sai Đồ Mang Hưng Phục và Thái giám Mã Thuận vu khống cho Hùng Hữu Hạo tội mưu phản. Anh Tôn nghe theo lời Phi Giao xử tội chết cả nhà Hùng Hữu Hạo, còn phần Ngọc Dung vì đang mang thai nên bị xử giam vào lãnh cung chờ ngày sanh nở và truyền lệnh cho Bình Bộ Thượng Thơ hạ sắc chỉ phong cho Phi Giao làm Chiêu Vương Hoàng Hậu được quyền nhiếp chính giữa triều đình.
Ngay lúc đem Hùng Hữu Hạo ra pháp trường thì cả nhà Hoàng Phủ đến giải cứu, Hoàng Phủ Thiếu Hoa quyết định lên thâm sơn tìm Thái Thượng Hoàng mời Ngài về trừng trị Phi Giao, Hùng Hữu Hạo cùng lên đường với Thiếu Hoa. Về phần Ngọc Dung sinh được Hoàng tử, Triệu Lân không ngại khó khăn đến lãnh cung mang Hoàng tử về gởi cho chị dâu của mình nuôi dưỡng, Phi Giao thấy mẹ cứ chống lại ý nàng nên dựa vào chức quyền đã truyền thánh chỉ phong toả cung Nam Thanh giam Mẹ và Hoàng Thái Hậu. Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Hùng Hữu Hạo sau 1 thời gian dài đã tìm được Thái Thượng Hoàng, ngài đồng ý trở về triều để xử tội. Triệu Lân sau 1 đêm trằn trọc tìm mưu kế truất phế Phi Giao thì từ tóc xanh trở nên đầu bạc, và đã tìm được kế vẹn toàn đưa Đồ Mang Hưng Phục lên làm vua nhằm tạo sự bất hòa sau đó thỉnh Thái Thượng Hoàng đăng điện để xử án. Hùng Ngọc Dung gặp lại Hoàng Tử sau nhiều năm xa cách mẫu tử tương phùng, Đồ Mang Hưng Phục và Mã Thuận bị xử tội chết, Anh Tôn đau khổ khi Thái Thượng Hoàng bắt buộc chính Anh Tôn phải hạ chỉ xử Phi Giao tội chết, Phi Giao bị xử bá đao trảm quyết nhưng vì bá quan văn võ quỳ xin tội nên Thái Thượng Hoàng giảm án xử Phi Giao tam ban triều điển, nhà Hoàng Phủ khóc tiễn con nhưng cũng đành phải chịu vì luật nước không thể nào chống lại.
Khách Thị
Vua Minh Hi Tông hiệu Thiên Khải với nhũ mẫu Khách thị được coi là mối tình điên loạn trong lịch sử Trung Quốc. Lịch sử chép lại: Khách thị và Thiên Khải Đế Châu Do Hiệu đã có quan hệ tình dục với nhau. khi Hy Tông lên ngôi năm 15 tuổi, phong Khách thị làm Phụng thánh phu nhân Trong cung triều Minh, Khách thị là người dâm loạn nổi tiếng, làm sao có thể bỏ qua vị hoàng đế trẻ trung? Quan hệ giữa Khách thị và Thiên Khải Đế khác hẳn mối quan hệ giữa nhũ mẫu và con nuôi.
Thường thì khi thái tử đã trưởng thành, chức trách của nhũ mẫu cũng hết, không nhất thiết phải sớm tối gặp gỡ tiếp xúc. Nhưng đối với Khách thị, mọi chuyện lại không diễn ra như thế. Lịch sử ghi chép rằng: Sáng sớm mỗi ngày Khách thị bước vào gian lò sưởi cung Càn Thanh, nơi tẩm cung của Thiên Khải Đế, hầu hạ Thiên Khải Đế cho tới nửa đêm mới về cung. Nếu giải thích chuyện này vì Khách thị xuất phát tình yêu thương với Thiên Khải Đế như mẹ yêu con, thì trong mối tình bất chính sau này của Khách thị với Ngụy Trung Hiền, vì cớ gì mà Khách thị đã không còn quan tâm tới Thiên Khải Đế. Thậm chí, trong lần ăn uống vui vẻ ở hồ Thái Dịch, Khách thị và Ngụy Trung Hiền quyến luyến không rời, Thiên Khải Đế trèo cây bắt chim ngã lộn cổ, quần áo rách toạc, máu chảy đầy mặt, Khách thị không hề xót thương, vẫn cười đùa vui vẻ với tình lang, Khách thị còn cấu kết với Ngụy Trung Hiền khống chế các thế lực trong triều
Khách thị xinh đẹp lẳng lơ, đứng trước mặt Thiên Khải Đế chưa bao giờ tự coi mình là nhũ mẫu, mà chỉ là người đàn bà và giống hệt như kẻ cầu xin sủng ái. Lịch sử ghi chép: Khách thị khi đã trên 40 tuổi, sắc mặt vẫn đẹp như mỹ nhân 28. Sắc đẹp và vẻ lẳng lơ của Khách thị đã làm cho mọi người sửng sốt, ngay đến các cung tần, tần phi trẻ cũng không thể sánh kịp. Để bảo vệ vẻ đẹp, đương thời Khách thị luôn dùng nước bọt các cung nữ trẻ để chải tóc, đảm bảo sự đen bóng của mái tóc. Mái tóc đẹp như mây đã tôn thêm vẻ xinh đẹp tha thướt của thiếu nữ.
Làm nhũ mẫu của Thiên Khải Đế, Khách thị tranh giành ghen tuông bóng gió, hại chết mấy tần phi từng được Thiên Khải Đế gần gũi.Minh Quang Tôn tuyển được một người phi là Triệu Thị. Người này có chút xích mích với Khách Thị, bà ta bèn giả thánh chỉ buộc Triệu Thị phải thắt cổ tự vẫn. Nhưng,đáng thương nhất là Trương Dụ phi. Trương Dụ phi có thai với Thiên Khải Đế, khi sắp đẻ, Khách thị hạ lệnh không cấp thức ăn đồ uống cho Trương Dụ phi, không cho người đến đỡ đẻ. Trong đêm mưa bão điên cuồng, Trương Dụ phi đói khát không chịu nổi, lê thân thể nặng nề khó nhọc trèo lên mái nhà hứng nước mưa uống cho đỡ khát, tủi thân gào khóc và qua đời trong cơn đói hành hạ. Ngoài Trương Dụ, còn có ba hoàng tử, hai hoàng nữ vì sự bức hại của Khách thị mà chết yểu vô tội. Tổng số cung nữ được hoàng đế sủng hạnh hoặc mang thai bị Khách thị giết hại không thể đếm được chính xác.
Trương Hoàng hậu rất ghét Khách Thị nên lựa lời khuyên Hy Tôn đừng nghe lời bà ta trừng phạt người ngay, nhưng ông ta không nghe. Khách Thị mua chuộc được một cung nữ trong cung Càn Ninh để ra tay hại Hoàng hậu. Khi đó Trương Hoàng hậu đang có mang, thường mỏi lưng nên sai cung nữ bóp lưng. Cung nữ đã ra tay khiến bà bị sảy thai. Chỉ vì dung túng cho Khách Thị làm hại những phụ nữ trong cung mà Minh Hy Tôn đã chịu họa tuyệt tự.
Vương Kiều Loan
Kiều Loan là một người rất thông minh, lại được cha mẹ nuông chiều cho nên từ nhỏ đã thông kinh bác sử, văn hay chữ tốt. Nếu là con trai thì đã chiếm được bảng vàng, phò vua giúp nước, danh tiếng lưu truyền thiên thu.
Chỉ trách chuyện tìn duyên của nàng lại lắm bi ai. Lúc đầu, từ việc viết thư cho nhau, nàng và Chu Đình Chương ngày càng hiểu thêm về nhau rồi tình càm đôi bên bắt đầu nảy sinh. Trong phủ họ Vương, lại có thêm Tào Di như người “bắc cầu” cho cả hai nên tình duyên ngày càng sâu đậm. Chu Đình Chương lúc đầu là một người phong lưu nho nhã, có tài thi phú, ĐC và KL quả là một đôi trai tài gái sắc. Nhưng từ sau khi về quê, được Chu tư giáo sắp đặt hôn lể với Ngụy Đồng tiểu thư thì ĐC đã quên hẳn lời thề xưa với KL. KL vẫn đêm ngày mong mỏi, viết thư cho ĐC nhưng không bao giờ được hồi âm. Khi biết được sự thực ĐC phụ bạc mình, KL vô cùng thất vọng và không còn thiết sống nữa. Trước khi tự tử, nàng gom tất cả các thư từ xướng họa với Đình Chương. thêm vào đó những dòng chữ thề nguyền và thiên Trường hận đóng vào một tập, cho vào bao công văn gửi đến vệ quân Ngô Giang nhờ bắt một tên quân tại đào. Trên phong thư đề “Nam Dương vệ chưởng ấn Vương Thiên hộ kính gửi chức lệ Tô Châu phủ, Ngô Giang huyện, huyện lệnh đại nhân”.
Phàm Công đọc tất cả thơ từ và thiên Trường hận, lòng tấm tắc ngợi khen tài năng của Kiều Loan và trách Đình Chương là một tên bạc tình, bèn cho người đi bắt Đình Chương đến. Lúc đầu ĐC chối cãi nhưng lúc sau khi thấy những tập thơ ấy thì bèn nhận tội. Phàm Công sa lính đánh ĐC đến tan xương nát thịt
Từ Hi thái hậu (Lan Nhi)
Thái hậu Từ Hi (1835 – 1908) là người nắm quyền lực thực tế của triều đình Thanh mạt trong hơn 40 năm. Bà cùng với Võ Tắc Thiên được xem như là hai người phụ nữ nắm quyền lực cao nhất của đế quốc Trung Hoa, vốn có tư tưởng kỳ thị phụ nữ nặng nề (trọng nam khinh nữ), trong một thời gian dài.
*Xuất thân
Bà xuất thân từ bộ tộc Mãn Châu Yenonala (Diệc Hách Na Lạp thị), mới đầu chỉ là một cung tần, nhờ hát hay, khéo nịnh được Hàm Phong yêu, được phong đến chức Lan Quý nhân. Năm 1856, bà sinh một trai, về sau là Hoàng đế Đồng Trị (trị vì 1861 – 1875), từ đó càng được sủng ái.
Nhờ trí thông minh, lại có tính cách mạnh mẽ, bà dần can thiệp vào chuyện triều chính, từ đó sinh ra hách dịch, độc tài. Tương truyền vua Hàm Phong biết trước rằng sau này bà sẽ là một tai họa cho nhà Thanh nên trước khi chết đã để lại di chúc bảo phải giết đi, nhưng viên thái giám Lý Liên Anh cho bà hay rồi hủy di chúc này, giúp đỡ bà đưa Đồng Trị lên ngôi. Lý Liên Anh từ đó thành sủng thần của Từ Hi, tham ô, làm loạn trong cung.
*Làm Phụ chính lần thứ nhất
Sau khi Hoàng đế Hàm Phong qua đời, Hoàng hậu Từ An và Lan Quý nhân được triều đình tôn xưng là Từ An Thái hậu và Từ Hi Thái hậu, và quyết định để cho hai bà làm “thùy liêm thính chính” (rủ mành mành mà nghe việc nước), nghĩa là cùng Phụ chính cho Hoàng đế Đồng Trị còn nhỏ tuổi. Hai đại thần Cung Thân Vương và Văn Tường đều là người có năng lực, giúp ý kiến hai bà.
Thái hậu Từ An ít học nhưng đôn hậu, có phẩm cách. Từ Hi học khá hơn, đọc viết được chữ Hán, thông minh, lanh lợi, rất có bản lĩnh, nhưng cũng có nhiều tật: ham quyền thế, dâm dật, xa xỉ, muốn đạt mục đích đến cùng. Bà cũng có tính tình bất thường, lúc thì hiền, rộng lượng, lúc thì tàn nhẫn vô cùng. Do đó dần dần Từ Hi lấn Từ An, quyết định mọi việc. Từ An hiền hậu, nhượng bộ nhiều lần. Năm 1872, Đồng Trị 18 tuổi, hai Thái hậu dự định cưới vợ cho Đồng Trị rồi sẽ thôi thính chính nữa.
Từ An là vợ chính thức của Hàm Phong, vốn không có con, nhưng theo phong tục Trung Hoa, Đồng Trị vẫn đối đãi với bà như là mẹ cả. Đồng Trị lại không ưa mẹ đẻ mà quý Thái hậu Từ An. Do đó mà Từ Hi ghét cả Đồng Trị lẫn Từ An. Tính cách bà lại ham quyền lực, vì vậy tự ý quyết định mọi việc, lũng đoạn cả triều đình. Đồng Trị sinh chán nản, bỏ bê triều chính, thường cùng với một vài hoạn quan ban đêm trốn ra khỏi cấm thành, đi chơi phố phường, có lần về trễ, không kịp buổi triều. Hai năm sau ông chết, sử chép là do bệnh đậu, nhưng dân gian đều cho là do bệnh hoa liễu.
Do Đồng Trị không có con, Từ Hi tìm một đứa cháu trong hoàng tộc, mới bốn tuổi, em con chú của Đồng Trị, đưa lên ngôi, lấy hiệu là Quang Tự. Cũng trong thời gian này, Thái hậu Từ An đã chết một cách bí ẩn, không một người nào hay. Tương truyền bà đã bị Từ Hi đầu độc chỉ vì bắt gặp một nhà sư trong phòng ngủ của Từ Hi. Có thuyết cho rằng, vì Từ Hy biết rằng Thái Hậu Từ An có trong tay một Di Chiếu của Hàm Phong Hoàng Đế là có thể trút phế Từ Hy bất cứ lúc nào nên Từ Hy đã ra lệnh giết Từ An. Từ Hy đã bỏ thuốc độc vào thức ăn của Từ An để bà trúng độc mà chết. Cái Di Chiếu đó chỉ có Từ An và Cung Thân Vương biết.
Quang Tự còn nhỏ tuổi bị Từ Hi quản thúc chặt chẽ quá, hóa ra khiếp nhược. Kể từ khi lên ngôi vua lúc 5 tuổi, không một người nào – ngay cả mẹ nữa – được phép lại gần, trừ mỗi một người là Từ Hi. Từ Hi “luyện vua” cho tới mức sợ bà như sợ cọp, bảo gì cũng phải nghe. Lớn lên vua Quang Tự mỗi ngày phải vào vấn an bà một lần, mà vấn an thì phải quỳ, cho phép đứng dậy mới đứng.
Thái giám Lý Liên Anh, sủng thần của Từ Hi, cũng ăn hiếp Quang Tự, đối xử vô cùng tàn nhẫn. Xuất thân là kép hát, rất đẹp trai, hát rất hay, được Từ Hi sủng ái, tới mức ông nói gì, bà ta cũng nghe, ông ta tự phụ, tự coi là ngang với bà. Đình thần sợ ông như sợ bà vậy. Hoàng đế Quang Tự cũng phải nhẫn nhịn Lý nhiều lần. Sau vụ Mậu Tuất chính biến, Quang Tự bị giam trong một phòng bẩn thỉu, ăn không được no, mặc không đủ ấm, chịu nhục nhã tới khi chết, một phần cũng là do ý của Lý.
*Cuộc vận động tự cường (1862 – 1882)
Trước chiến tranh nha phiến, Mãn Thanh tự hào là Thiên triều, xem thường các nước Tây phương là ngoại di. Sau khi liên quân Anh–Pháp tới Bắc Kinh, buộc phải ký điều ước nhục nhã với họ, nhà Thanh mới chịu nhận rằng bọn ngoại di đó mạnh hơn mình nhiều, và muốn chống cự với họ thì phải có tàu bè như họ, súng ống như họ, quân đội phải luyện tập theo lối của họ. Vài người Mãn như Cung Thân Vương, Quế Lương nghĩ đến việc tự cường, bàn với Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương, Tả Tôn Đường. Họ đồng ý với nhau rằng “muốn tự cường thì việc luyện binh là quan trọng nhất, mà muốn luyện binh thì trước hết phải chế tạo vũ khí giới”. Năm 1862, họ giao cho Lý Hồng Chương thi hành.
Tăng Quốc Phiên và Lý Hồng Chương tiếp xúc với Ung Wing, một sinh viên nghèo ở Ma Cao và là du học sinh đầu tiên ở Mỹ, do một hội truyền giáo trợ cấp, năm 1854 đậu bằng cấp Đại học Yale. Tăng Quốc Phiên phái Ung Wing qua Mỹ mua máy. Ông này thuyết phục Tăng Quốc Phiên gởi 120 thanh niên đi du học. Một số lớn qua Mỹ, ba chục người sang Anh, ba chục qua Pháp, một số nhỏ qua Đức.
Phong trào tự cường tiến chậm, chủ yếu là nhắm vào quốc phòng mà thôi, chưa phải là một cuộc cải cách lớn. Nhưng nhóm thủ cựu nổi lên phản đối, cho Lý Hồng Chương là Hán gian, theo Tây phương, làm cho Trung Quốc hóa ra di địch. Họ họp thành một phe không bao giờ bàn tới học thuật Tây phương, tự cho mình là thanh cao. Dân chúng thì đại đa số vẫn cày cấy để kiếm cơm ăn, việc nước không hề biết tới. Có một người sáng suốt là Wong Tao học giỏi chữ Hán, ngoài hai chục tuổi, trong khoảng từ 1840 đến 1860 giúp việc cho nhà in của một hội truyền giáo Anh ở Thượng Hải. Bị nghi ngờ là tiếp xúc với Thái Bình Thiên quốc, ông phải trốn qua cử nhân, giúp dịch Tứ Thư và Ngũ Kinh rồi qua ở Scotland hai năm.
Khi trở về Hồng Kông, Wong Tao xuât bản một nhật báo riêng, sau hợp tác với một tờ báo của người Anh ở Thượng Hải nữa (1872). Ông cảnh cáo nhà cầm quyền rằng công cuộc tự cường không có kết quả được vì chỉ trị ngọn chứ không trị gốc. Phải thay đổi cả chế độ mới được. Nhưng triều đình Thanh thì vẫn không chấp nhận.
*Chính biến Mậu Tuất (1898)
Sau vụ Trung Nhật chiến tranh, thấy một nước lớn như Trung Quốc mà bị một nước nhỏ xưa nay mình vẫn khinh khi là Nhật Bản đánh thua, người Trung Hoa nhận ra rằng công cuộc tự cường hơn hai chục năm không có kết quả gì cả, vũ khí không đủ để cứu nước, phải cải cách từ gốc, thay đổi chế độ, như Wang Tao đã cảnh cáo thì mới được. Họ cổ vũ canh tân chính trị, tổ chức lại điều đình, giảm phung phí trong xã hội, bỏ hệ thống khoa cử cũ, tuyển nhân tài theo cách mới… Do đó mà có cuộc vận động duy tân (đổi mới) khắp trong nước.
Hai người đề xướng là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, đưa ra khẩu hiệu là “toàn biến, tốc biến” (thay đổi triệt để và mau). Lương Khải Siêu làm đại biểu cho một nhóm 190 cử nhân Quảng Đông lên kinh thi, dâng thư lên triều đình bàn về thời cuộc. Khang Hữu Vi cùng nhóm 3.000 cử nhân khác dâng thư xin biến pháp. Rồi hai nhóm họp làm một. Kể từ thế kỷ 12 đời Nam Tống (trên bảy thế kỷ), bây giờ mới lại thấy một phong trào học sinh dâng thỉnh nguyện lên vua. Lần này, thỉnh nguyện của nhóm Khang, Lương không được chấp nhận.
Năm 1896, Khang Hữu Vi lần nữa dâng thư xin biến pháp. Lần này ông đạt được đến Quang Tự nhờ một vị đại thần, thầy học cũ của Quang Tự.
Quang Tự lúc này đã thực sự cầm quyền (từ năm 1889); Thái hậu Từ Hi lui về nghỉ ở Di Hòa viên, dĩ nhiên vẫn theo dõi hành động của ông. Ông tuy e sợ “Phật bà” – Từ Hi – nhưng sáng suốt, nhiệt tâm muốn cứu Trung Quốc, cho mời Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu lên kinh bàn việc nước. Ông tiếp Khang, Lương suốt một buổi, phong cho họ chức tước để cùng mưu việc biến pháp.
Đề nghị nào họ đưa ra Quang Tự cũng chấp nhận hết: cải cách việc triều đình cho mới mẻ, bỏ lối văn bát cổ trong các khoa thi mà lấy môn luận về thời vụ thay vào, lập học hiệu, khuyến khích kẻ viết sách mới và kẻ chế khí cụ mới, bỏ những nha thự ít việc, luyện tập quân đội theo lối mới, trù lập ngân hàng, làm đường xe lửa, khai mỏ, mở nông và công nghiệp, lập hội buôn, mỏ rộng đường ngôn luận, cầu nhân tài… Trong khoảng chưa đầy ba tháng, hơn một trăm đạo chiếu được ban ra, làm cho cả trong triều lẫn ngoài tỉnh xôn xao. Đúng là “toàn biến” và “tốc biến”.
Khang Hữu Vi biết rằng nhóm cựu thần tất phản đối, nên khuyên vua đừng vội bỏ hết các nha môn, mà giữ họ lại, phong đất cho họ để không mất lộc. Nhưng vị “Phật bà” ở Di Hòa Viên hay biết, có ác cảm với biến pháp. Bà bổ nhiệm một người cùng phe bà là Vinh Lộc, tổng đốc Trực Lệ, chỉ huy quân đội ở thủ đô để củng cố thế lực của bà. Vua Quang Tự cương quyết, bảo: “Không cho ra biến pháp thì giết ta còn hơn”.
Đàm Tự Đồng thấy Từ Hi cản trở công cuộc đổi mới, khuyên Quang Tự đoạt lại chính quyền. Quang Tự nghe lời, triệu Viên Thế Khải, (học trò của Lý Hồng Chương trong việc đào tạo quân đội) lúc đó đang thống lĩnh 7.000 quân tâm phúc, về Bắc Kinh bàn việc, có ý dùng quân của Viên để bao vây Di Hòa Viên.
Chẳng may việc đó bị tiết lộ (chính Viên phản vua, vì thấy Từ Hi còn mạnh). Từ Hi hay được, vội vàng từ Di Hòa Viên trở về Bắc Kinh, họp Quang Tự và các đại thần lại, bắt Quang Tự quỳ một bên, các đại thần quỳ một bên, trừng mắt, lớn tiếng mắng Quang Tự một cách tàn nhẫn: “Thiên hạ này là thiên hạ của tổ tiên, mày sao dám tự ý làm bậy? Các quan đây đều do tao tuyển dụng trong nhiều năm để họ giúp mày, mày sao dám tự ý không dùng người ta?…” Rồi bà quay sang phía các đại thần mắng là bất lực, không tận tâm với quốc sự…
*Làm Phụ chính lần thứ hai
Sau cùng, năm 1889, Từ Hi tuyên bố rằng Quang Tự đau, bà phải thính chính trở lại, và đem giam Quang Tự ở Doanh Đài, trong hồ Tây Uyển. Vậy là cuộc biến pháp thành cuộc chính biến.
Bà ban lệnh cấm dân dâng thư, phế bỏ cục Quan Báo, đình chỉ việc lập học hiệu trung, tiểu ở các tỉnh, các huyện; dùng lại lối văn tám vế để lựa kẻ sĩ, bỏ khoa thi đặc biệt về kinh tế; bỏ các tổng cục nông công, thương, cấm báo quản, truy nã chủ bút, cấm hội họp, dùng lại các vũ khí cung đao…; tóm lại là chỉ trong một hai tuần toàn hủy, tốc hủy các canh tân của Quang Tự. Sử gọi vụ đó là “Chính biến Mậu Tuất” (1898); cũng gọi là vụ “Duy tân 100 ngày”.
Khang Hữu Vi hay tin trước, bỏ trốn. Lương Khải Siêu, sau khi việc xảy ra, mới trốn qua Nhật. Đàm Tự Đồng không chịu trốn, muốn lấy máu mình nuôi cách mạng, nên bị giết với năm người nữa: Khang Quảng Nhân, (em Khang Hữu Vi) Lưu Quang Đệ, Lâm Húc, Dương Nhuệ, Dương Thâm Tú.
Khang Hữu Vi ở Nhật lập đảng Bảo hoàng mong lật đổ Từ Hi, phò trợ Quang Tự lên cầm quyền; Lương Khai Siêu xuất bản tờ báo Thanh Nghị mạt sát Từ Hi.
Từ Hi xin Anh, Nhật giao Khang Hữu Vi và Lương Khai Siêu cho bà, nhưng họ không nghe, còn bảo vệ cho hai người mà họ coi là phạm nhân chính trị. Từ Hi còn muốn bắt Quang Tự thoái vị để đưa một người khác lên, sai người cho dò ý công sứ các nước, họ đều phản đối. Hoa kiều ở hải ngoại đánh điện về ủng hộ Quang Tự, Từ Hi càng ghét ngoại nhân đã mớm cho Trung Hoa những ý tưởng phản động: hiến pháp, dân chủ…
Thái giám Liên Anh rất ghét nhóm Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu mà Quang Tự trông cậy để đổi mới Trung Quốc. Cũng chính Lý Liên Anh khuyên Từ Hi dùng quyền phỉ để diệt người da trắng, do đó mà liên quân tám nước (Bát Quốc Liên Quân) vào phá Bắc Kinh. Chính vì sự tấn công này mà triều đình nhà Thanh phải ký hòa ước Tân Sửu nhục nhã với liệt cường năm 1901.
*Dự bị lập hiến (1902 – 1908)
Sau hòa ước nhục nhã Tân Sửu (1901), Từ Hi bị dân chúng vạch tội, muốn mua chuộc lại lòng dân, mới chỉnh sửa đổi chính sách, bao nhiêu sắc lệnh biến pháp của Quang Tự mà năm 1898, bà hủy bỏ thì bây giờ thực hiện hết, lại lập nhiều cơ quan mới như hội nghị chính vụ xứ, thượng bộ, học bộ, luyện tân quân, chấn hưng công, thương.
Khanh Hữu Vi ghét Từ Hi nhưng vẫn chưa oán người Thanh, lập Đảng Bảo hoàng, hy vọng nơi Quang Tự, nhưng tư tưởng ông hơi thay đổi, đòi quân chủ lập hiến; Lương Khải Siêu cũng hậu thuẫn ông.
Năm 1905, dân Trung Hoa thấy Nhật theo chế độ quân chủ lập hiến mà mạnh, thắng được Nga theo chế độ quân chủ chuyên chế, nên càng tin ở chế độ lập hiến, và đòi Thanh đình phải lập hiến, chứ chỉ sửa đổi chính sách (Thanh đình gọi là Tân Chính: Chính sách mới) chỉ duy tân thì không đủ. Ngay một số đại thần Hán trung với Thanh như Trương Chi Động, Viên Thế Khải cũng chủ trương lập hiến. Phong trào lập hiến sôi nổi trong nước.
Từ Hi bất đắc dĩ phải phái năm đại thần đi Nhật, Anh, Đức để khảo sát chế độ lập hiến của ba quốc gia đó.
Năm sau, họ trở về đều chủ trương lập hiến. Từ Hi xuống dụ: “Trước hết cải cách quan chế rồi đến chính trị, khiến sĩ dân hiểu rõ quốc chính để dự bị cơ sở cho việc lập hiến, vài năm sau, xét lại tình hình, xem tiến bộ mau chóng mà định kỳ hạn xa gần.”
Rồi triều đình sửa đổi quan chế: đặt ra Tư chính viện ở kinh sư, Tư nghị cuộc ở các tỉnh để làm cơ sở cho Quốc hội và Tỉnh nghị hội, lập thẩm kê viện, thẩm phán sảnh, ban bố Hình luật mới…, nhưng một số biện pháp không thực hành được, có danh mà không thực.
Triều đình lại hạ chiếu lập một nội các mới bề ngoài có vẻ tiến bộ mà sự thực chỉ là để phá nguyên tắc Mãn và Hán ngang nhau, vì trong số 12 thượng thư chỉ có 4 người Hán, 1 người Mãn, 2 thị lang Mãn, 2 thị lang Hán), còn 8 người kia là Mãn, mà 5 người là hoàng tộc; vì vậy người Trung Hoa gọi nội các đó là nội các hoàng tộc.
Sau cùng, năm 1908, triều đình ban bố Hiến pháp đại cương gồm 15 điều mà điều số 1 là: Hoàng đế Đại Thanh thống trị Đế quốc Đại Thanh, nối tiếp nhau tới vạn đời, và điều số 2 là: Hoàng đế tôn nghiêm như thần, thánh, bất khả xâm phạm. Nội dung là quyền vua rất lớn, quyền dân rất ít, nghị viện chỉ là một cơ quan tư vấn. Họ dự bị 9 năm sau mới hoàn thành hiến pháp. Có ý kiến nghi ngờ thực tâm muốn lập hiến theo đường lối dân chủ.
Trong năm đó, sau khi ban bố Hiến pháp đại cương thì Quang Tự chết trước rồi Từ Hi chết sau, chỉ cách nhau có mấy giờ. Dân chúng ngờ rằng Từ Hi biết mình sắp chết, không muốn cho Quang Tự sống nên đầu độc Quang Tự.Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Quỳnh Mai (##)