Thảo luận về Kì Môn Độn Giáp
Thảo luận về Kì Môn Độn Giáp
Trong các môn học thuộc lĩnh vực Dịch học Trung Hoa, từ cổ chí kim người ta dành cho Kỳ Môn Độn Giáp một vị trí quan trọng. Các soạn giả cuốn Tứ Khố Toàn Thư đời Thanh viết: “ trong các phương kế, Kỳ Môn Độn Giáp là hay nhất”. Một số học giả của trường Đại học Phúc Đán Thượng Hải trong cuốn Tri thức bách khoa Văn hóa thần bí Trung Quốc xuất bản năm 1994 cũng viết: “ Kỳ Môn Độn Giáp hoàn toàn có thể xứng danh với vị trí cao nhất trong học thuật truyền thống Trung Hoa” ( học thuật truyền thống chỉ khái niệm Phương Thuật. “ Phương” gồm các môn nghiên cứu về Thiên văn, địa lý, ngũ hành, lịch pháp, tướng số. “Thuật” gồm các môn nghiên cứu về y học, thuốc thang, luyện đơn. Từ xưa Kỳ Môn Độn Giáp được xem là môn học Đế vương, nội hàm bao gồm lí luận Chu dịch, Thiên văn học, Âm nhạc, Lịch pháp, thuyết Âm dương ngũ hành v.v.
Các khảo sát của nhiều học giả cho thấy, từ đời nhà Tần Kỳ môn được gọi là Âm phù; thời Hán, Ngụy gọi là Lục Giáp; đời Tấn, Tùy, Đường, Tống gọi là Độn Giáp; đến đời Minh, Thanh gọi là Kỳ Môn Độn Giáp. Kỳ môn độn giáp được gọi là Kỳ môn hoặc Độn giáp. Kỳ môn có nhiều trường phái: Niên gia, Nguyệt gia, Nhật gia, Thời gia với độ phức tạp ngày càng cao. Thời gia kỳ môn được chia làm hai trường phái là Kỳ môn pháp thuật và Kỳ môn lý số.
Kỳ môn pháp thuật chủ dùng bùa chú, tu luyện mà thành. Nội dung và phương pháp của nó mang nặng màu sắc tín ngưỡng và nghi thức tôn giáo, nhấn mạnh và đề cao khả năng siêu thực của con người.
Kỳ môn lý số lại được chia làm hai nhánh: Kỳ môn phi bàn và Kỳ môn chuyển bàn với cách lập trận đồ Kỳ môn khác nhau. Trong học phần Kỳ môn Độn giáp, Phong thủy Lưu gia giới thiệu nội dung của phần Kỳ môn Phi bàn theo nhánh lý số của trường phái Thời gia.
Kỳ môn Độn giáp là một môn học dựa trên nguyên lý lập trận đồ ma trận có tính Logic rất cao. Các thành phần trong mỗi một cung quan hệ với nhau rất mật thiết, biểu thị cho xu hướng phát triển của sự vật mà ta đang xét tới các mối quan hệ giữa các thành phần của cung này với cung khác là mối quan hệ chi phối, hạn chế, hóa giải lẫn nhau, biểu thị sự liên đới, ảnh hưởng, tác động qua lại của các sự vật trong bức tranh tổng thể.
Trong bức tranh tổng thể đó, các yếu tố phản ánh bản thân sự việc hoặc sự việc trong chuỗi liên kết là tập hợp các thông tin như: Thiên thời là yếu tố mang tính quyết định, nhấn mạnh về thời gian, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, chính trị và yếu tố văn hóa. Yếu tố thiên thời, giúp ta biết được tiến hành một công việc vào lúc nào là hợp lí nhất. Địa lợi là không gian, địa lý, khu vực v.v. cho ta biết được thực hiện một kế hoạch ở nơi nào là lý tưởng nhất. Nhân hòa là mối quan hệ giữa các thành viên với nhau từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Thần trợ là những thông tin, tính hiệu trừu tượng mà chúng ta không quan sát được như trường vũ trụ, yếu tố may mắn v.v. thông qua đó ta biết được công việc mà chúng ta đang quan tâm có “ quý nhân phù trợ” hay không. Cấu trúc là yếu tố biểu thị xu hướng của sự việc mà nhờ đó chúng ta có thể tiên tri được sự việc đó diễn tiến như thế nào.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của Kỳ môn Độn giáp, ngoài những ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, các ứng dụng trong lĩnh vực khác cũng rất phong phú và đa dạng, các ví dụ mà người xưa để lại cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Học kỳ môn nhằm để dự báo, hoạch định kế hoạch phát triển cá nhân và đưa ra hướng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống con người ta hay gặp phải.
Ví dụ: ốm đau bệnh tật, hôn nhân gia đình, học tập thi cử, công ăn việc làm, kinh doanh, đầu tư, kiện cáo, môi trường địa lý, công danh sự nghiệp, hoạch định và đánh giá chiến lược phát triển kinh doanh của cá nhân, công ty. Có thể nói rằng biết được Kỳ môn tức là biết được những gì mình muốn biết.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Bích Ngọc (##)