Địa hình, địa thế khu đất ở và những ảnh hưởng đối với nhà ở
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Địa thế và địa điền
Địa hình là hình dạng khu đất. Địa hình khu thổ cư có thể có ranh giới cong quẹo, có thế vuông văn lại cũng có thể hai bề rộng hoặc hai bề dài không bằng nhau. Ranh giới ngay ngắn khiến khu thổ có hình vuông hay hình chữ nhật thì rất tốt. Ranh giới ngay ngắn khiến cho cả khu thổ cư có một đầu lớn và một đầu nhỏ thì xấu. Đầu trước nhà nhỏ hơn phía sau thì lúc đầu trạch chủ chịu nhiều gian nan hay không thuận lợi, nhưng về sau càng hanh thông hơn. Nếu thế đất phía trước rộng, phía sau hẹp thì sự sinh hoạt của trạch chủ dẫu cho lúc trước phát đạt, lâu dần phải suy tàn. Vì vậy người ta ít chuộng thế đất “Đầu voi đuôi chuột” này. Thế đất tốt là thế đất đúng cách, giúp làm ăn thuận lợi. Thế đất xấu thì ngược lại. Dĩ nhiên còn nhiều các yếu tố khác thuộc nhân sự, chứ chẳng phải chỉ có địa thế phong thủy và địa cuộc riêng đủ năng lực giúp người nên cửa nên nhà, chớ nên mê tín để mua lấy tiếng cười miệng thế.
(1,2,3 Đất dạng hình vuông, hình chữ nhật - cát.
4 Đất mở rộng về phía sau - cát.
5, 6 Đất hẹp phía sau, đất hình tam giác - hung ).
Đại điện là mặt đất. Bề mặt khu thổ cư bằng phẳng là tốt, nếu chỗ bị khuyết hõm, chỗ lại mô, gò là xấu. Tính theo cửa lớn, những xấu hại như sau:
Nền nhà cửa Càn (Tây Bắc) mà khuyết cung Ly (chính Nam) thì con gái thứ có nhiều hành vi mờ ám, mông muội.
Nhà cửa Khảm (chính Bắc) mà nền nhà khuyết phía cung Tốn (Đông Nam) thì thứ nam èo uột khó nuôi, nhiều bệnh, tệ hơn là mất sớm.
Nhà cửa Cấn (Đông Bắc) mà nền nhà khuyết cung Khôn (Tây Nam): Trưởng tử không con.
Nhà của Chấn (chính Đông), rìa quanh nền nhà, tức là bìa bên thềm mà khuyết lõm phía cung Càn (Tây Bắc) thì trưởng tử ít bộc lộ tâm tư, hay giấu nhẹm hành động của mình.
Nhà cửa Tốn (Đông Nam), khuyết ở bìa nền hướng Chấn (Chính Đông): Trưởng tử chết non.
Nhà cửa Ly, khuyết bìa bên hướng Càn: Trưởng tử không có con kế tự.
Nhà cửa Khôn, khuyết ở bìa nền hướng Cấn: Con trai thứ mất sớm từ nhỏ.
Nhà cửa Đoài, chung quanh bề nền nhà lồi lõm cùng khắp thì chủ nhà bại thoái.
Nhà cửa Khảm bìa nền nhà cao đầy ở cung Càn thì đàn ông lớn tuổi rất mê đắm tửu sắc.
Gần sông, gần đường đi.
Mặt tiền nhà hướng ra sông, nếu gần sông, hay hướng ra đường, nếu gần đường là đúng cách.
Có sách nói nhà có ba mặt nước đổ dồn lại tất đại phát. Kinh nghiệm của tôi sau khi nghe lời truyền dạy của cha ông thì hoàn toàn ngược lại: Đại phát đâu chưa biết, chỉ thấy có nước lênh láng mỗi khi trời mưa, gia cảnh thật khó ngóc đầu lên được. Lý do cha ông tôi chê địa thế này vì “ nước mọi nơi đổ dồn về, đạp trôi hết tiền của”.
Tổ phụ tôi cũng chê địa thế “đầu ghềnh, cuối bãi”. Không biết có phải vì mỗi khi thủy triều xuống sẽ cuốn theo hết cả sự cần lao trong nhà, lại phải chịu áp lực nặng nề mỗi khi thủy triều thủy triều lên. Tôi chỉ thấy quả thực những ngôi nhà đầu ghềnh cuối bãi, đầu doi cuối vịnh, chưa có ngôi nhà nào có hoàn cảnh khả quan.
Nếu nhà ở gần sông, suối, chẳng khác nào đánh trận theo thế “thủy bối”, dựa lưng vào sông, biển, một thế trận quyết tử, không thắng tất chết. Nỗ lực của các tướng sỹ thường có hạn, nhà ở thì có tính chất bền vững lâu đời. Đời người lúc thịnh lúc suy, sức người có khi mạnh khi yếu, những lúc suy yếu thì lấy gì chống đỡ với hoàn cảnh theo thế thủy bối. Chắc chắn cơ nghiệp sẽ theo dòng nước cuốn trôi!
Nhà dựa lưng về sông
Xem hướng nhà phù hợp với tuổi của gia chủ
Còn nhà xoay lưng ra đường chẳng khác gì người ngoảnh mặt lại với thế cục, mà cuộc đời là trường tranh đấu. Đâu có cái thế tranh đấu mà ngoảnh mặt? Vậy nhà quay lưng ra đường nói lên hành động “ngã nón chào thua” của trạch chủ.
Sông và đường cái, đường công cộng, không phải lúc nào cũng ngay thẳng, lúc thì cong bên trái, lúc thì quẹo bên phải. Nếu đường hay sông uốn qua trên trái, chỗ cong bên phải tạm gọi là góc bẹt, chỗ cong bên trái tạm gọi là góc nhọn: nhà cất ở góc bẹt thì đắc cách, nhà cất bên góc nhọn là bại cách. Nếu đường hay sông lượn qua bên phải: nhà cất ở góc bẹt là đắc cách, cất ở góc nhọn là bại cách.
(Đường hình cung, ôm nhà như chiếc đai ngọc)
Lý do là chỗ uốn khúc của đường hoặc sông có hai lực khác nhau: lực bên góc bẹt thoáng hơn vì tỏa ra, lực bên góc nhọn quần lại, tù hãm hơn.
Đường cái hay đường hẻm mà đâm thẳng vào cửa nhà, dù là đã ngăn cách bằng một con đường hay một con sông cũng là điều đại kỵ: vì đây là thế xuyên tâm sát, gia chủ không chết bất ngờ thì cũng khó cất đầu lên nổi. Cái lực ấy nếu chỉ đâm vào một phần của mặt tiền nhà cũng coi là bất lợi, dù kém trường hợp đâm thẳng vào cửa cái.
Đường đâm thẳng trực xung với nhà (Thương sát)
Tiền đề hậu cao và thế tiền cao hậu đề.
Cũng đòng thời quay mặt ra đường, nhưng cả dãy nhà ở bên này lô lại có sự phát triển không giống dãy nhà ở bên kia lộ, vì nhà ở một bên lộ mà dựa lưng vào đồi cao chẳng hạn, còn nhà bên kia lộ xoay lưng xuống ruộng thấp. Con đường lúc đó trở thành cái bờ đê ngăn lưng chừng cửa của những ngôi nhà bên phía khu ruộng thấp. Đó là sự khác biệt giữa hai địa thế tiền đê, hậu cao (trước nhà thấp sau nhà đất cao hơn). Thế tiền đê hậu cao là thuận cách, giúp đem lại sự thịnh đạt. Thế tiền cao hậu đê là phá cách, đem lại sự âm trầm và suy bại. Địa thế của cách tiền đê, hậu cao còn giúp cho con cái trong nhà nối truyền được chí khí trượng phu, quân tử.
Địa thế có núi cao.
Phía sau nhà đất cao hơn thế đất trước nhà: Tốt đẹp, như người nằm có gối kê đầu. Vậy nhà gần núi buộc phải dựa lưng vào núi. Nếu xoay mặt tiền về hương núi, bấy giờ nhà như bị treo ngược, cái lực từ núi đổ, gây sức ép nặng nề cho nhà. Chiến trận mà đặt vào thế đất quải địa (thế đất treo ngược) như vậy tất quân tan, tướng chết. Hệ luận của cách này là không nên chơi non bộ cao quá 1m 20 trước mặt tiền nhà, khi đặt non bộ có tầm vóc đồ sộ như vậy không khác gì núi thật.
Đường trong khuôn viên thổ cư.
Trước đây có phong tục: ai có việc muốn băng qua sân nhà người khác đều phải xin phép chủ nhân ngôi nhà. Cố nhiên những người hỏi này không phải là những người hàng xóm hay những người thân cận. Sở dĩ phải có lời xin phép vì sân nhà người ta không phải là lối đi, không phải là thông hành đại dịch cho bất cứ ai, không bao giờ làm lối đi ngang qua trước của nhà, trước mặt tiền nhà cũng không làm lối đi từ cửa thẳng ra đường, khiến cho có cái lực ngược lại từ đường đâm vào cửa, dễ dẫn đến tai họa diệt nhân đinh, vô nhân kế tự. Làm lối đi xa cửa hay tránh né một bên cửa thì vô hại. Xa hay gần tùy địa thế.
Làm đường đi sau nhà thì nên đề phòng trộm cắp, nhưng tiêu hao tiền bạc vì những lú do khác thì không biết đâu mà tiên liệu. Tốt hơn là chớ làm đường xe ở phía sau nhà, làm ở bên hông nhà thì được.
Tuy nhiên, làm đường bên trái của hông nhà không thuận tiện bằng làm đường bên phía phải hông nhà. Bên trái hay bên phải của hông nhà là tính theo hướng từ trong nhà nhìn về phía trước, chứ không phải từ nhà nhìn vào. Bên trái nhà ứng với Thanh long thuộc Mộc cần tĩnh, nên trồng nhiều cây cối, hoa cảnh. Bên phải nhà là hướng Bạch hổ, cần sinh động, nên mới làm đường đi (Chấn, Mộc, Thanh long; Đoài, Kim, Bạch hổ).
Chớ khai đường mương dẫn nước, đường thoát nước, ao hồ, rãnh nước, ở ngay phía trước nhà, trước nhà bếp, trước miệng hỏa lò (hỏa môn). Phạm vào điều này: Tiền tài thoái tán, người trong nhà giảm dần, gia đạo suy vi dẫn đến tuyệt tự. Nếu không phải tư gia mà là công sở, cơ quan công quyền mà phạm điều này thì nhân dân trăm họ trong vùng khốn khổ, xiêu tán, là đền chù thì đồ đạc sinh tâm phản phúc, lụn bại đến không còn hương khói, là nhà máy, công xưởng thì dẫn đến cảnh hoang tàn, đổ nát.
Đình chùa, mồ mả.
Nhà cất trước cửa miếu, chùa, đình thần: Xấu nếu xây dựng chỉ là ở một bên, nhà ở bên phía phải của đình chùa được thuận thế hơn những nhà cất bên phí trái. Phải hay trái là tính từ trong miếu, chùa nhìn ra phía trước.
Nhà ở phía sau mồ mả: tốt, nhất là những người có quan chức.
Nhà cất phía trước mồ mả: bại vong.
Nhà ở chẳng nên đối diện với tượng đài, bia tưởng niệm lộ thiên, dù gì đó cũng có hình tượng của anh hùng nghĩa sỹ trên thế gian, hay những bậc thần thông quảng đại như Thánh thần, Tiên, Phật. Kiêng như vậy để tránh những áp lực từ những nơi này đưa vào nhà.
Đó là mối liên hệ của nhà ở với đình, chùa, mồ mả, tưởng cũng nên nói tới mối quan hệ giữa mồ mả và đình chùa.
Mồ mả của người dân phải chôn cách đình, chùa ít nhất là 50m. Phạm điều này vong nhân khó siêu thoát. Quyến thuộc của vong nhân muốn táng xác gần đền chùa để người quá cố được nghe sư tăng tụng niệm kinh điển. Quan niệm này trái với chính pháp của Phật môn, chẳng giúp ích gì được cho vong nhân.
Mồ mả của tăng ni trong chùa chỉ được an táng và xây tháp sau chùa Tổ, nơi Đức Đông Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Dù bậc cao tăng đắc đạo cũng không được phép xây ngang tháp với Chùa Tổ. Phạm vào điều này: mắc tội kiêu mạn. Hai điều kể trên mà không được tôn trọng: Ngôi tam bảo dần dà đi đến chõ khói lạnh hương tàn.
Những tu tạo phụ.
Trước cửa nhà có xây lập, chất chồng những hòn đá màu hồng, đỏ và đen: gọi là nhà lửa (hỏa ốc), chắc phải gặp hỏa tai, nhất là ngôi nhà phạm ngũ quỷ(Liêm trinh – Hỏa) thì tai họa máu, lửa thật khó thoát.
Cây đòn dông của nhà khác đâm thẳng vào mặt tiền nhà mình dù cách con đường hay một con sông chắn ngang cũng là điều tối kỵ. Tác hại của nó chính là sự bất an như tai nạn, đau bệnh, quan tụng, xào xáo trong nhà mà bị cây đòn dông này đâm thẳng vào mặt tiền, nếu đâm thẳng vào cửa cái còn nguy hại cho trạch chủ nữa. Nó giống như cây phương thiên họa kích của Lã Bố đâm thẳng vào yết hầu Đổng Trác. Nhà bị thế đòn dông đâm, nếu không tổn hại sinh mạng, suy bại về tài sản, sức khỏe, rốt cuộc sẽ tàn lụi.
Hai bên nhà chính, lại lập thêm nhà hướng phụ vào nhà chính, thì kho lẫm suy hao.
Phía sau nhà chính, lại xậy thêm nhà hướng thẳng vào nhà chính, là “thế trực xạ”, như vậy gây bất lợi cho thân mạng của trạch chủ.
Phần bên tay phải của phía sau nhà (thuộc Bạch hổ, nhưng ở nửa phần sau của ngôi nhà), nếu lập thêm một ngôi nhà ngang ở cung Tị (thuộc sơn hướng Thìn, Tốn, Tị), thì trong nhà sẽ có người chết vì tự vẫn.
Phần bên tay trái ở phía sau ngôi nhà (thuộc Thanh long, nhưng ở phía sau), nếu có thêm một gian nhà ngang thì ở trong sẽ có người chết vì tai nạn sông nước.
Phía trước nhà, lại xây thêm một ngôi nhà nhỏ hướng vào thẳng cửa thì nhà sẽ sản sinh ra con cháu ngỗ ngược, bất hiếu.
Quanh nhà có giếng và ao, tối kỵ hướng Tây (cung Đoài) vì cung Đoài tượng trưng cho ao đầm, nay lại còn thêm ao, giếng thì thủy qua đa, thủy là sao Văn khúc, là dâm tinh, rất bất lợi cho con gái (Đoài chỉ thiếu nữ).
Đào hầm hố (chữ Hán là Khanh) quanh nhà cũng cần lưu ý, nếu đào tại cung càn đàn ông lớn tuổi trong nhà mang tai tiếng, họa hoạn, tại cung Khảm, con cái chết yểu, tại cung Cấn chẳng phát văn tài mà con mang bệnh tật, tại cung Khôn tổn hại cho người đàn bà lớn tuổ trong nhà, tại cung Đoài con gái út mang bệnh.
Cầu tiêu không làm gần giếng đã đành, nhưng cũng không được xây ngay trước mặt tiền của ngôi nhà, khiến chiêu lấy những xấu xa, quái dị, đảo lộn lẽ luân thường. Các sơn hướng sau đây có thể dùng làm nhà cầu: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Canh, Tân, Nhâm, Quý và Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Cần tránh các sơn hướng: Càn, Khô, Tốn, Cấn, Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thân, Tị, Hợi.
Cầu tiêu, nhà tắm, chuồng gia súc, trên nguyên tắc phải ở phương vị hung để trấn áp bớt hung sát, nguy hại. Lập các nơi uế trược còn phải phụ thuộc vị trí của ngôi nhà, nên thực tế rất khó áp dụng các sơn hướng trên. Cốt yếu là dùng nó để trấn áp các hướng xấu.
(Trích trong Dương cơ chứng giải – Lộc Dã Phu)
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Ngọc Sương (##)