Chọn cây cho sân vườn
Người thì bảo nên trước cau sau chuối, người khác lại khuyên chọn cây theo hành hợp với tuổi của mình. Tôi hành hoả (sinh năm 1965) thì không lẽ chọn cây có hoa lá màu đỏ chăng? Xin tư vấn giúp vài nguyên tắc phối kết cây cối với nhà sao cho hợp phong thuỷ và thẩm mỹ, khắc phục được góc xéo ở sân.
Một vài quan niệm “hợp với hành hoả nên trồng nhiều cây lá đỏ” hoặc “cần hành thổ nên chia sân cỏ thành nhiều ô vuông vức, xén bằng” là hiểu chưa đầy đủ về hài hoà ngũ hành. Bản chất của ngũ hành là sự tương tác, chuyển hoá qua lại giữa các thành phần trong thiên nhiên, khi quá lệch về một màu, một hình dáng hay một chủng loại nào thì đều gây nên tính thừa, lấn áp các hành khác và phát sinh hệ quả xấu. Do vậy cách bố trí hài hoà ngũ hành là chọn một hành làm chủ đạo (hành bản mệnh), bổ sung thêm hành sinh chủ và hành chủ sinh, điểm xuyết hành chủ khắc tại các vị trí xấu, còn lại để tự nhiên và bố trí theo công năng, thẩm mỹ. Cũng nên căn cứ vào đặc tính của nơi bố trí cây chứ không chỉ thuần yếu tố cá nhân, và có lúc khắc lại tốt hơn sinh. Cụ thể trường hợp nêu trên gia chủ có sân trước xéo góc theo tính chất không gian thuộc hoả, cần giảm góc nhọn bằng cách dùng hành khắc chế, thì cây cối bố trí tại góc xéo đó nên theo dạng mềm mại, lá tròn hoặc xén tỉa tán tròn, ít góc cạnh dưới nền, có thể xây bồn cây hay ốp đá hình dạng bo tròn, uốn lượn (thuộc kim và thuỷ, là hai hành tương khắc với hoả) để giảm bớt góc nhọn.
Đối với nhà phố, nên quan niệm khoảng sân vườn ít ỏi gắn bó với phần mở rộng của ngôi nhà, chứ đừng tách bạch nhà và sân rõ rệt quá. Nghĩa là trồng cây gì, bố trí sỏi đá ra sao nên căn cứ sát theo không gian phòng ốc và sinh hoạt liền kề sân để phối kết. Nếu là sân trước, các bố trí sẽ phụ thuộc theo yếu tố mặt tiền nhà và việc giao tiếp đối ngoại của phần minh đường (khoảng quang đãng phía trước). Nếu là sân giữa hay giếng trời thì bề mặt sân vườn sẽ nối kết với không gian kề cận của trung cung (khu vực trung tâm của ngôi nhà). Còn nếu là sân sau thì cần quan tâm nhiều đến yếu tố hỗ trợ cho hậu chẩm của ngôi nhà cũng như góc nhìn từ các tầng trên trông xuống khoảng sân này. Từ đó có thể chọn cây cụ thể như sau:
Sân trước: Khi mặt tiền nhà thiên về yếu tố dương hay âm nhiều, màu sắc của khoảng sân trước sẽ cần phải cân bằng ngược lại. Ví dụ nhà có màu sáng, dùng kính nhiều thì khoảng sân trước nên chọn các loại cây có màu sậm, cành vươn cao, tạo nhiều bóng đổ giảm bớt chói chang, dùng đá lát sân sậm màu hoặc trải sỏi để tăng tính âm. Ngược lại, nhà kiểu cổ điển, chi tiết nhiều rồi thì cây cần chọn dạng đơn giản, có tính hỗ trợ, chào đón nhiều hơn là che chắn.
Sân thượng: Thông thường sân thượng hay kế bên phòng thờ hoặc phòng ngủ lầu trên, là những không gian mang tính sinh hoạt nội bộ, cần tươi sáng và dương tính nhiều hơn. Tránh dùng những màu tối, tránh trang trí rườm rà hoặc lạm dụng sỏi đá non bộ sẽ khiến không gian trở nên âm thịnh dương suy. Các hướng vườn đón nắng và gió tốt (như hướng đông, đông nam hoặc nam thì màu cây cối và vật liệu có màu đậm, bề mặt nhám, có bổ sung mặt nước sẽ cân bằng lại yếu tố dương thịnh. Trong khi những hướng sân vườn nhận ánh sáng yếu hơn (như hướng bắc) hoặc bị nhà khác che khuất thì cần dùng những màu tươi sáng trên các bề mặt nhẵn để tăng dương lên.
Nên lưu ý: Vườn trong nhà ở khác với vườn trồng cây theo kiểu canh tác, vườn ươm hay vườn kiểng. Sử dụng màu của gỗ và đá là những gam màu chủ đạo dễ dàng tạo nên một khoảng sân nhà dung hoà ngũ hành thông qua hành thổ làm nền tảng. Trong khi đó, hành kim vốn khắc mộc xem ra có vẻ ít được ưa chuộng trong bảng màu sắc của sân vườn, nhưng không có nghĩa là thiếu vắng. Những mảng tường trắng, những bộ khung – giàn leo bằng kim loại, nhựa, hay bàn ghế sơn màu trắng sẽ bổ sung yếu tố kim cho một khu vườn quá rậm rạp, làm sáng sủa không gian nhiều bóng râm, và tạo nên những bề mặt bắt sáng tốt hơn là bề mặt sậm màu.
Giữ lại nhiều khoảng trống có đất hoặc bề mặt trồng cỏ giúp giảm bề mặt bêtông hóa, giảm bức xạ nhiệt, gia tăng yếu tố thổ, thêm độ ẩm cho sân vườn trong phố. |
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Đoan Trang(##)