Ăn tết ta theo ngày dương, nên hay không ?
Ý kiến thay đổi thời gian Tết cổ truyền theo tấm gương của Nhật Bản cách đây hơn 1 thế kỷ của Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận được nhiều ý kiến chỉ trích, nhưng cũng không ít người đồng tình. Gần đây nhất, VTC - một trang mạng ở Việt Nam, đăng tải ý kiến của Giáo sư Xuân và một số ý kiến tiêu biểu - đã nhận được khoảng 60.000 bình luận.
Tết cổ truyền hay Tết nguyên đán vào dịp đầu tháng Giêng âm lịch hàng năm là một dịp hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa Việt Nam. Vì sao nhà nông học Võ Tòng Xuân đã đưa ra ý tưởng này ? Các phản ứng phản đối và đồng tình ra sao ?
Đến với tạp chí Cộng đồng của RFI lần này có nhà sử học Dương Trung Quốc, các nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, Vương Trí Nhàn, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà kinh tế học Đỗ Tiến Long, giáo sư Võ Tòng Xuân cùng các bạn Ngô Thị Hồng Nhung và Thái Dzuy.
Đã từng có người muốn thay đổi thời gian Tết âm lịch
Mở đầu tạp chí, nhà sử học Dương Trung Quốc cho chúng ta biết sơ qua một cái nhìn chung về lịch sử các đề nghị thay đổi lịch Tết cổ truyền ớ Việt Nam và các phản ứng của xã hội.
Nhà sử học Dương Trung Quốc : Đúng là, có lẽ là giáo sư Võ Tòng Xuân bắt đầu từ thực tiễn của nước Nhật Bản, bước vào công cuộc Duy Tân ở đầu thế kỷ XX, đã có một quyết định rất dứt khoát, tức là lấy ngày dương lịch làm ngày đầu năm. Như thế là, theo truyền thống của nhiều nước Á Đông, vẫn sử dụng âm lịch, thì coi như là từ bỏ. Vấn đề tương tự như thế, tôi thấy ở Việt Nam chưa đặt ra (trước ông Võ Tòng Xuân), nhưng đặt ra theo một cách khác.
Cách đây 10, 15 năm, có một vị giáo sư về dinh dưỡng học, cũng là người rất có uy tín xã hội, và cũng có một băn khoăn trước tình hình, thực trạng ngày nghỉ Tết nó ảnh hưởng đến nếp sống, hoạt động của kinh tế phát triển, cho nên đưa ra một dự kiến rằng, phải chăng cứ sau ba năm thì ăn Tết một lần, tức là cộng tất cả những ngày nghỉ của ba năm ấy thành một thời gian khá dài, để như ông nói là, « để ăn Tết cho ra Tết », « chơi cho ra chơi », « còn lúc làm thì ra làm ». Tôi nhớ rằng hồi đó, các phản ứng cũng rất gay gắt.
Chuyện đó cũng bẵng đi, cho đến lúc giáo sư Võ Tòng Xuân có đưa ra một phương thức, đó là ta chấp nhận ngày Tết dương lịch, còn ngày Tết âm lịch, có lẽ cũng giống Nhật Bản thôi, bỏ hẳn thì không bỏ hẳn, nhưng dành cho một bộ phận dân cư, những người có tuổi, có thời gian, còn phần lớn những người đang tham gia lao động xã hội, thì chủ yếu ăn Tết theo dương lịch.
Ngày càng đông người ủng hộ ăn Tết ta theo ngày dương
Tiếp theo đây là tiếng nói của giáo sư Võ Tòng Xuân, điểm lại quá trình gần 10 năm kể từ khi ông nêu ra ý tưởng ăn Tết âm lịch theo ngày Dương và một số ý kiến chung của ông trong vấn đề này.
Giáo sư Võ Tòng Xuân : Đúng là cái ý kiến của chúng tôi, khi nêu ra lần đầu tiên, trong mục Chào buổi sáng trên báo Thanh niên, ngày 14/02/2005, đã có rất nhiều ý kiến phản hồi, và có thể nói, đại bộ phận không đồng tình với ý rằng ăn Tết ta theo ngày dương lịch. Sau đó, bẵng đi một thời gian, thì tới 2008, có một số ý kiến trên một số blog cũng nêu ra vấn đề này, và cũng đã gây ra những tranh luận cũng sôi nổi. Qua đến năm 2009, 2010 cũng thế, và nhất là trong năm 2012, tôi bỗng thấy rất nhiều bà con nêu ra. Nhưng rồi cũng bị phản kháng rất nhiều. Rồi các blog cũng đưa ra những ý kiến phản hồi, vừa ủng hộ, vừa không ủng hộ.
Trên trang web của VTC, thì các anh VTC yêu cầu tôi nêu vấn đề này lại. Tôi và cả các anh biên tập VTC rất ngạc nhiên, vì lần này phản hồi rất đông đảo. Theo các anh, thì có hơn 60.000 phản hồi. Và bản thân tôi, thấy cái số không đồng tình nó bớt đi, và số đồng tình thì tăng lên. Tuy nhiên, số đồng tình vẫn còn là thiểu số, khoảng chừng lối hơn 30%-40% trong số các ý kiến phản hồi lại. Nói cách khác qua thời gian gần 10 năm, cái số người Việt Nam, có ý thay đổi ngày ăn Tết ta của chúng ta để thực hiện trong ngày dương lịch, thì mỗi ngày một đông hơn.
Tôi thấy cái này là một khuynh hướng rất là tất yếu, vì chúng ta hiện nay đang trong cái thời hội nhập kinh tế thế giới, đồng thời ở trong nước, số người có công ăn việc làm cũng tăng lên, trừ trường hợp bà con nông dân ớ nông thôn, thì công việc ở nông thôn thì cũng ít. Phải nói rằng, nghĩ tới ăn Tết, ở nông thôn rất là muốn ăn Tết theo kiểu cổ truyền của mình, vì bà con mình có rất nhiều thời giờ. Thành ra tôi cũng nghĩ rằng, qua các ý kiến của độc giả trên mạng không đồng tình (với việc ăn Tết ta theo ngày dương lịch), thì gồm những người mà chắc chắn tôi biết, có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Và đặc biệt là bà con của chúng ta có ước muốn duy trì các tập quán cổ truyền của mình, họ nêu ra những cái như là : « Hạ nêu » như thế nào, rồi « đưa ông Táo »…
Bên cạnh đó, trong ý kiến của rất nhiều độc giả, kể cả các nhà doanh nghiệp, và rất nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa, tôi thấy khuynh hướng « ăn Tết hội nhập », tức là ăn Tết ta theo ngày dương lịch được rất nhiều người ủng hộ.
Thay đổi ngày ăn Tết không gây mất mát gì cả
Thành ra tôi nghĩ, ăn Tết âm lịch với các tập quán cổ truyền, đẹp, có từ lâu, mình thực hiện nó vào ngày dương lịch, thì không bị mất mát gì cả. Chỉ có cái lạ là, bây giờ mình ăn Tết vào ngày Tây. Tôi chắc chắn là, trong khuynh hướng xã hội Việt Nam chúng ta mỗi ngày kinh tế một tốt hơn, ai cũng có việc làm hết, và ai cũng bận rộn vì công việc của mình, để làm thế nào mình làm thật nhiều, để mình có nhiều tiền, để gia đình mình khấm khá hơn, cho đất nước mình là phát triển kịp năm châu.
Một tập quán cổ truyền vào ngày âm lịch mà đổi sang ngày dương lịch, thì chắc chắn nó kỳ quá, nó không giống ai hết, nhưng mà từ từ chúng ta tập riết cho nó quen, thì tôi nghĩ chắc mình cũng quen theo. Như bây giờ, có một điều mà bây giờ mình cũng không thể thay đổi được về ngày âm lịch là ngày chết của người thân của mình. Ngay bây giờ, đám giỗ của bác Hồ, kỷ niệm ngày sinh cũng như ngày chết của bác Hồ, là mình cũng theo dương lịch hết chứ không theo âm lịch. Cái đó mình thấy không có gì. Tại vì mình nghĩ quen rồi, đảng chúng ta, Nhà nước chúng ta làm theo dương lịch, thì bây giờ tất cả đều theo dương lịch, mình thấy quen quá. Nhưng bây giờ, biểu một gia đình nào đó ở nông thôn, làm đám giỗ của ông nội vào ngày dương lịch, thì họ chống đối ngay.
Thành ra, tôi thấy mình đưa vấn đề này ra, thì tôi nghĩ rằng là vào năm 2005, nó còn quá sớm. Bây giờ tới năm 2013, thì tôi thấy khuynh hướng cũng có chiều đi theo cái ý là, chúng ta phải làm gọn lại cái tập quán cổ truyền của mình. Mình cử hành nó vào ngày thuận lợi hơn, tức là ngày dương lịch, thì khuynh hướng này từ từ nó tăng lên. Tôi cũng mong rằng là, khi xã hội Việt Nam chúng ta phát triển mạnh hơn nữa, và mọi người đều có công ăn việc làm ra tiền, làm ra nhiều tiền, thì chúng ta sẽ thấy rằng là việc chúng ta cử hành các tục lệ cổ truyền theo dương lịch cũng không có trở ngại gì về mặt tâm linh, mà trái lại, nó còn thuận lợi cho công việc của chúng ta, hội nhập với cả thế giới.
Đề xuất của giáo sư Võ Tòng là rất can đảm, nhưng cần cân nhắc cách làm
Phản hồi đề xuất của ông Võ Tòng Xuân, nhà văn Tạ Duy Anh cho biết :
Nhà văn Tạ Duy Anh : (...) Trước hết, tôi coi đề xuất của giáo sư Võ Tòng Xuân là một sự can đảm rất lớn, nếu xét trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Can đảm, vì giáo sư Võ Tòng Xuân chắc chắn biết rằng mình phải đối mặt với nhiều ngàn năm truyền thống, tôi nghĩ như vậy, của một dân tộc, mà theo tôi, ngại thay đổi vào loại nhất thế giới. Càng sống, càng nghiệm ra điều đó. Tôi cũng đọc khá nhiều phản hồi. Có lẽ đây cũng là một vấn đề mà nhiều cư dân mạng quan tâm vào loại nhất.
Điều tôi bất ngờ không phải là con số quá nửa, thậm chí 60-70% phản đối, mà là cách phản đối của những người thuộc quá nửa số ý kiến. Tiện đây, tôi cũng muốn nói đến cái văn hóa bình luận ở người Việt đang có vấn đề. Nó khiến cho nhiều tâm huyết bị coi rẻ. Tôi có đọc vài chục bình luận về ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân, tôi thấy rằng nhiều người bình luận, thiếu cả cái văn hóa tối thiểu.
Giáo sư Võ Tòng Xuân đặt vấn đề nhập Tết ta với Tết tây trước hết là xuất phát từ trách nhiệm của ông với đất nước. Tôi nghĩ ông không có bất cứ động cơ vụ lợi nào khác cả. Bởi vì ông chả được cái gì. Nếu là vì cá nhân, thì ông đã không làm, ông ấy sẽ không chuốc họa vào thân như vậy.
Nhưng những lý lẽ mà giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra, để bảo vệ lập luận của mình, chỉ dựa trên những quan sát thuần túy về mặt kinh tế. Và tôi nghĩ, có thể sẽ có một số phiến diện. Cũng có một vài ý kiến chỉ ra, ví dụ như tôi thấy ý kiến của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cũng là một ý kiến đáng chú ý để nó cho thấy là, có thể có những phiến diện trong lập luận của giáo sư Võ Tòng Xuân, nó chưa thật thấu đáo. Nhưng mà tôi nghĩ cái ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân rất cần cái sự bàn bạc, nên được xem xét một cách nghiêm túc, từ nhiều học giả, từ nhiều bạn đọc, chứ nó không đáng và không nên có sự miệt thị đối với một ý kiến chân thành như vậy.
Tôi ủng hộ giáo sư Võ Tòng Xuân về mục đích mà ông mong muốn. Khi đưa ra vấn đề như thế, quả thật là có những vấn đề như giáo sư nói. Thế nhưng mà cái cách làm của giáo sư, thì có lẽ nên phải cân nhắc trong bối cảnh một xã hội thuần « phương Đông » như Việt Nam, một xã hội lệ thuộc vào những phong tục tập quán. Tôi nghĩ rằng, việc bỏ cái ngày Tết cổ truyền là thiếu khả thi.
(…) Các hủ tục đâu phải chỉ có trong tết cổ truyền, mà nó có sẵn trong đời sống xã hội Việt Nam, trong đời sống hàng ngày. Ngày nào, giờ nào cũng xảy ra những chuyện như thế, thậm chí ngày càng gia tăng, có chiều hướng phức tạp thêm. Chỉ có điều ở dịp Tết, do thời gian nghỉ, do sự sung túc về vật chất..., những hủ tục ấy tăng cường về mức độ và cường độ, và thể hiện của nó rõ nét, đậm đặc hơn. (…) Các hủ tục phải được loại bỏ ra khỏi đời sống tinh thần của người Việt, đấy là cái gốc của vấn đề. Làm cái này, nếu chỉ những hoạt động cá nhân, ngăn chặn đơn lẻ, bằng pháp luật, bằng cấm đoán, bằng kỷ luật công chức chẳng ăn thua gì cả, không giải quyết được vấn đề căn cốt của nó. Nhiệm vụ này theo tôi, phải giao cho nền giáo dục quốc gia. Mà nếu nền giáo dục quốc gia, thực sự bắt tay vào ngay từ bây giờ, thì tôi nghĩ phải hàng trăm năm nữa mới có thể khắc phục được tình trạng hiện nay (...).
Chủ trương cải cách phong tục từ đầu thế kỷ XX vẫn còn dang dở
Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn ủng hộ quan điểm của ông Võ Tòng Xuân, và đặc biệt nhấn mạnh đến những sức ỳ của nền văn hóa Việt Nam, cũng như các nỗ lực đòi hỏi thay đổi vẫn còn dang dở của nhiều thế hệ các nhà cải cách văn hóa, từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn : Tôi có theo dõi ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân, và tôi thấy rất tán thành, chỉ có điều khó thực hiện, vì trong xã hội có xu hướng tâm lý là thích quay trở về Tết cổ truyền. Đa số người mình, bước vào xã hội hiện đại, vẫn mang tâm lý nông dân, tâm lý nông thôn, hướng về làng quê, hướng về những người cùng huyết thống. Thế và, vẫn như ngày trước, rất nhiều người đi làm ăn ở khắp nơi, vẫn thích về quê, mua lấy một chân gì ở trong làng, rồi thì tết nhất quay về làng hưởng lại không khí ngày trước chẳng hạn...
Tôi thấy, hiện nay, có xu thế, cứ thích lặp lại bằng được, đúng như phong tục tập quán, và coi như thế là một điều đáng tự hào. Tôi thấy không được, vì một là, việc đó không bao giờ có thể làm được, vì chúng ta đã sang một xã hội khác với xã hội cổ rồi. Hiện nay, có một sự trái ngược như thế này : một mặt thì rất thích quay trở về, một mặt lại không có sự tìm hiểu một cách nghiêm túc. Cái việc ăn cả hai Tết, cả âm lịch và dương lịch, theo tôi là một sự nghỉ ngơi quá dài, và nó cản trở lao động sản xuất bình thường của xã hội.
(…) Ngày trước (nhà văn) Thạch Lam có lần đã nói, chúng ta hình như quá lo cho những người chết, mà quên cả những người sống. Cái chuyện tết nhất bây giờ cũng thế, tôi thấy là, tôi đọc lại năm 1946, (nhà thơ) Xuân Diệu, ăn cái Tết độc lập đầu năm 1946, đã nói đến hiện tượng bây giờ chúng ta phải giã từ « cái Tết trung cổ » đi, ăn Tết thật tiết kiệm, nhanh và chuẩn bị làm các việc khác. Bài của Xuân Diệu in trên tạp chí Tiên phong (1946). Thế thì tôi thấy cái điều Xuân Diệu nói từ năm 46, đến nay phải nói là chúng ta vẫn còn phải phấn đấu, nhưng mà…
Có cái chết là, bây giờ tôi thấy là, đề ra cái này, nhưng tôi thấy không có khả năng thực hiện được, vì tôi thấy là cái tâm lý nó phổ biến trong toàn bộ xã hội rồi. Người ta cứ thấy cái việc là làm như ngày trước là niềm vui, và niềm tự hào. Thì tôi cho là không phải thế. Đối với phong tục, phải có hai điều, như Phan Kế Bính : Một mặt thì phải mô tả, phải hiểu, nhưng thứ hai là phải phê phán, phải tìm cách vượt qua nó. Tôi thấy là, trong các nhà nghiên cứu về văn hóa, văn học, thì chính là Phan Kế Bính là người đi đầu, từ năm 1915, đã viết trên Đông Dương Tạp chí, viết về phong tục, thì bao giờ ông cũng có phần vượt qua, phê phán, nhất là những cái hội hè, mà ông cho rằng, nhiều cái dông dài quá, không được việc gì cả. Chính cái tinh thần của Phan Kế Bính, mà sắp tới sẽ là (kỷ niệm) 100 năm (tác phẩm khảo cứu) Việt Nam phong tục, thì cái tinh thần ấy, bây giờ chúng ta vẫn khó lòng thực hiện được.
Mặc dầu như thế, tôi nghĩ, những đợt này rất là nên có sự nêu lên. Tôi có cảm tưởng cái này nằm trong trào lưu chung, tức là đặt vấn đề tâm lý người Việt trên bước đường hiện đại hóa. Hiện đại hóa thứ nhất là trước 1945, nửa đầu thứ kỷ XX. Và cái hiện đại hóa thứ hai là hiện nay. (Tìm hiểu về) Những cản trở, những điều chúng ta phải vượt qua, chúng ta phải tìm cách làm dần dần. Để đến lúc nào đó, cái điều này mới được thông, được hiểu trong số đông. Khi đó, chúng ta sẽ bước sang một kỷ nguyên mới của hiện đại hóa.
Xung đột giữa nếp sống truyền thống và nhu cầu phát triển
Chia sẻ ở một mức nhất định quan điểm của ông Võ Tòng Xuân, tuy nhiên nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định dịp Tết cổ truyền theo ngày tháng âm lịch không những quan trọng đối với nhiều người, mà còn hàm chứa ở mức độ nhất định bản sắc của nền văn hóa Việt Nam. Và để hạn chế những tiêu cực gắn liền với dịp Tết, cần phải có các biện pháp từ nhiều phía.
Nhà sử học Dương Trung Quốc : Tôi nghĩ rằng phản ứng xã hội có nhiều ý kiến khác nhau. Cá nhân tôi thấy rằng là, trước hết ngày Tết nguyên đán, nó gắn với âm lịch, gắn với đời sống và cái nông vụ của người nông dân. Đó là một yếu tố từ truyền thống xa xưa. Ngày Tết còn là nơi gửi gắm nhiều nhu cầu tín ngưỡng, và đặc biệt là hướng về tổ tiên và gia đình.
Đúng là khi mà người Pháp đặt ách đô hộ ở Việt Nam, cũng là đưa văn minh phương Tây vào, thì cái ngày Tết dương lịch đã trở thành một tập quán đối với một bộ phận cư dân ở đô thị, đặc biệt là công chức. Nhưng mà rõ ràng là cái Tết âm lịch vẫn gắn một cách sâu sắc và lâu bền, không chỉ tâm lý của những người nông dân, mà ngay cả những bộ phận thị dân vốn có những mối quan hệ rất bền chặt với gốc gác của mình. Cho nên, ngày Tết âm lịch là ngày Tết thực sự, còn ngày Tết dương lịch chỉ là ngày nghỉ của những người ăn lương nhà nước mà thôi.
Nhưng khi xã hội phát triển và cái đời sống đô thị như hiện nay, thì rõ ràng nó tạo ra những độ chênh, hay những xung đột ở trong những nếp sống của truyền thống, và những nhu cầu phát triển của hiện tại, đặc biệt là trên lĩnh vực tổ chức quản lý xã hội và quản lý sản xuất, và có lẽ nhân tố khiến nhiều người hướng tới sự thay đổi, chính là nguồn lao động. Những người lao động, phần lớn xuất thân từ nông thôn, thậm chí là ở những vùng miền rất xa xôi, tới nơi làm việc, thường có nhu cầu nghỉ lễ tết, tạo ra các áp lực không những chỉ về giao thông, đi lại, mà còn tạo ra áp lực đối những nhà sử dụng lao động nữa, khi tập quán, thói quen, lễ tục gắn kết với đời sống nông thôn vẫn còn rất là sâu sắc. Vì thế tôi nghĩ rằng là, những ý tưởng như của giáo sư Xuân đưa ra, thì nghe rất hợp lý, nhưng vượt được qua thói quen, tập quán là hết sức khó. Bởi vì, dẫu sao thì đối với người Việt Nam, thì ngày Tết âm lịch mới là quan trọng, bởi vì nó giải quyết những vấn đề về tinh thần, về tín ngưỡng, về tập quán và có thể nói phần nào là bản sắc văn hóa của người Việt. (…)
Nếu tổ chức xã hội tốt, thì sẽ dung hòa được
Tôi thì nghĩ rằng phải có sự hài hòa, diễn ra cùng sự phát triển theo xu thế chung. Thí dụ, ngày lao động ngày càng ngắn lại theo sự phát triển, cũng như quyền của con người. Cái thứ hai là, một nguồn gốc của vấn đề gây bức xúc hiện nay là việc phân bố lao động không hợp lý lắm. Ở thời kỳ đầu, chúng ta thấy, vùng phía bắc nông thôn đông dân ở đồng bằng Bắc Bộ người lao động rất nhiều, công việc rất ít, trong khi đó ở các tỉnh phía nam các doanh nghiệp thu hút nhân lực rất nhiều. Nên luồng di cư từ bắc vào nam tạo nên áp lực về nghỉ Tết, đi lại. Bây giờ, theo quan sát chúng tôi thấy tình trạng ấy ngày càng cân bằng hơn. (…) Cái tâm lý gắn kết với quê cha đất tổ có điều kiện để giải quyết thuận lợi hơn. Tôi nói như thế có thể phần nào là thụ động, vì tình trạng đó phải có thời gian mới khắc phục được, nhưng tôi cho là xu thế đó sẽ phù hợp hơn. Chứ còn ngay một lúc mà ta thay đổi, nhất là động vào cái tập quán, cái tín ngưỡng, tôi cho rằng sẽ rất là khó, và cái phản ứng sẽ dẫn tới cái gọi là « lợi bất cập hại ». Cuối cùng, cả hai nhu cầu, vừa bảo đảm cho sự phát triển của xã hội công nghiệp hiện đại, quản lý xã hội hiện đại, với việc duy trì những giá trị truyền thống đều không đáp ứng được. (…)
Vấn đề còn lại có lẽ là cái tâm lý nông dân trong người lao động công nghiệp, thì nó đòi hỏi là phải có nền tảng vật chất, để thực sự con người thay đổi được nếp sống, thì cũng thay đổi được tâm lý. Cộng với việc ta giải quyết một cách hài hòa, ví dụ như việc giảm khoảng cách địa lý giữa nơi làm việc và quê quán. Ngay bây giờ thôi tâm lý của vùng nông thôn cũng thay đổi nhiều, quá trình đô thị hóa cũng đang diễn ra, việc kéo dài thời gian lễ hội, hay những sinh hoạt theo tập quán, tôi nghĩ tự thân nó cũng có những biến động. (…) Truyền thống cũng phải phát triển, chứ không phải cứ y nguyên như cũ. (…) Quan sát ngay trong các lễ tết ở nông thôn bây giờ cũng giản tiện hơn trước rất nhiều. Còn chúng ta hay đưa ra con số hàng mấy nghìn cái lễ hội, thật ra nó chỉ là các sinh hoạt trong cộng đồng làng xã thôi, chứ còn một số lễ hội đã chuyển hướng từ đi hội sang du lịch rồi. Tôi nghĩ, nếu tổ chức xã hội tốt, thì sẽ giải quyết được.
Thực ra là, nhìn vào cái tâm lý gọi là truyền thống ấy, quan trọng nhất vẫn chỉ là trở về với gia đình, và có một số sinh hoạt quan trọng nhất, như là mồ mả tổ tiên, hay lễ hội của làng mình thôi, còn sự kéo dài (thời gian nghỉ Tết), tôi cho rằng là do quản lý lỏng lẻo thôi, hoặc do người lao động chưa thiết tha với lợi ích mà họ được hưởng trong các doanh nghiệp mà họ làm việc thôi. Chứ tôi quan sát thấy không ít doanh nghiệp họ quản lý rất chặt, nhưng với điều kiện là họ phải tạo ra cho người lao động những lợi ích tương xứng, thì tôi thấy họ vẫn làm rất nghiêm chỉnh. Chính tình trạng (bê trễ ngày Tết) nên lên đấy, hoặc là công chức do tình trạng buông lỏng như hiện nay, và thứ hai là người lao động « đơn giản », nên thu nhập của họ không đáng kể, nên họ sẵn sàng bỏ việc lúc nào cũng được. Cái tâm lý ấy và quản lý ấy đúng là nó phương hại đến việc quản lý tổ chức và phát triển xã hội công nghiệp hiện đại. (…)
Tôi thấy cũng không nên coi cái tập quán hay cái văn hóa ngày Tết âm lịch của người Việt Nam là cái bất biến, nên tôi thấy, nếu quy định trong một khoảng thời gian nghỉ thích hợp nào đó, cộng với cách quản lý sử dụng cũng như đãi ngộ cho người lao động, thì tôi cho là về căn bản có thể khắc phục được.
Muốn thay đổi ngày Tết âm lịch phải đến thế hệ sau
Về đề xuất của nhà nông học Võ Tòng Xuân, giáo sư Trần Lâm Biền chê trách sự vội vã và khẳng định cần phải tìm hiểu kỹ những mặt tiêu cực có trong các phong tục tập quán, trước khi muốn phê phán và sửa bỏ.
Giáo sư Trần Lâm Biền : Cái Tết âm lịch rõ ràng là có nhiều cái không hay, nhưng mà, khi người ta chuẩn bị cho cái Tết, thì người người vui vẻ, người người háo hức. (Tất cả mọi người) Già trẻ, có một cái gì đấy, để người ta tìm lấy hạnh phúc, mà họ thiếu ở trong năm. Còn cái năm dương lịch, thì chả có cảm xúc nào với họ cả. (…)
Bây giờ mình chỉ hỏi ông một điều như thế này. Tức là khi những người ở bên Châu Âu, bên Mỹ, họ về đây họ ăn Tết, để làm cái gì, trong khi họ đã quá quen với cái Tết dương lịch. Tại sao họ lại về ? Nó phải có một cái gì đấy không thể thay đổi nhanh được đâu. Cái nền kinh tế nó phải phát triển đến một mức độ nhất định. Nếu mà muốn thay đổi, thì phải thế hệ sau, chứ không phải thế hệ này.
Tập quán lạc hậu thì phải giáo dục, chứ không phải là cấm đoán, phải giải thích cho người ta. Nó lạc hậu đâu, ta bỏ đấy. Còn cái gì là tích cực, cái gì là văn hóa, thì ta sẽ giữ. Nếu chưa nói được những điều xấu xa của nó, và chưa hiểu nó, thì đừng bàn đến chuyện xóa bỏ nó.
Những gì thuộc về truyền thống và tốt đẹp thì nên giữ
Bạn Ngô Thị Hồng Nhung, trưởng nhóm từ thiện Tình nguyện niềm tin, chia sẻ các tâm sự vì sao bạn lại gắn bó với dịp Tết cổ truyền :
Chị Ngô Thị Hồng Nhung : Em cũng có đọc thông tin về đề nghị làm Tết dương lịch, chứ không ăn Tết âm lịch. Em thì, chắc là cũng hơi là người truyền thống một chút nên là, nên là em vẫn thích là có thời gian, mình có cái Tết nguyên đán riêng, và sẽ ăn Tết vào âm lịch, chứ không vào dương lịch. Tại vì nó là ngày Tết cổ truyền, vì nó có cái đặc sắc riêng. Em nghĩ rằng là, những cái gì thuộc về truyền thống và những điều tốt đẹp thì mình nên gìn giữ. Còn nếu vì lấy lý do, cho rằng việc hội nhập khi mình ăn Tết âm, thì nó sẽ ảnh hưởng đến các công việc giao dịch kinh doanh, với các bạn đối tác nước ngoài… thì em nghĩ mỗi dân tộc sẽ có những bản sắc riêng, sẽ phải (được) tôn trọng và thích nghi.
RFI : Bạn có thể cho biết, bản sắc riêng trong ngày Tết âm lịch, cụ thể là gì ?
Chị Ngô Thị Hồng Nhung : Em thấy là, khi tất cả mọi người, khi đi làm ăn xa, khi chuẩn bị Tết âm lịch, sẽ tính toán để thu vén công việc, để làm sao được về nhà quây quần với gia đình, được đi chúc Tết họ hàng, đi tảo mộ ông bà, đi thăm hỏi nhau những ngày Tết, và ăn những món ăn truyền thống.
RFI : Giả dụ như tất cả những sinh hoạt đó vẫn được duy trì, chỉ có điều được chuyển sang một thời điểm khác, ví dụ như đầu năm dương lịch, thì bạn thấy thế nào ?
Chị Ngô Thị Hồng Nhung : Em nghĩ là thời điểm giữa Tết âm lịch và Tết dương lịch nó cũng khác nhau. Có thể vì em ở ngoài miền bắc, thì cái cảm nhận về mùa xuân, về không khí Tết nó sẽ khác hẳn, ví dụ như trong nam chẳng hạn, khi chỉ có hai mùa thôi. Em nghĩ rằng, đến tầm khoảng tháng 1 dương lịch, thì đào chưa nở đâu. Em nghĩ rằng, còn có cả yếu tố về mặt tâm linh, tức là nó là truyền thống, những điều tốt đẹp từ xưa để lại. Nó còn cả về mặt thời tiết, mùa màng, rồi nhiều yếu tố khác nữa… Thực ra thì, ngày Tết âm lịch, bây giờ lớn rồi, thì nhiều khi cảm thấy lo lắng và mệt mỏi nhiều, khi mà nghĩ đến Tết, phải lo Tết, một số vấn đề chi tiêu trong gia đình, hoặc một số vấn đề khác. Nhưng mà em vẫn thích ngày Tết âm lịch, bởi vì có một cái rất là đặc biệt, mà em rất là mong muồn, là mỗi năm, đến ngày cuối năm được về quê, song là đi tảo mộ, cùng với các bà, các bác ở quê, để ra mộ, thăm ông bà, thắp hương và mời ông bà về ăn Tết.
Chủ động lưu giữ, tốt hơn là để mai một
Nhà kinh tế Đỗ Tiến Long là một trong những người ủng hộ ý tưởng ăn Tết âm theo ngày Dương từ nhiều năm gần đây. Theo anh, đối thoại là con đường hết sức quan trọng để có thể tìm ra một giải pháp cho phép bảo tồn những gì tinh túy trong truyền thống và có các thay đổi hướng đến hội nhập với thế giới.
Nhà kinh tế học Đỗ Tiến Long : Bản thân tôi thì vẫn cảm nhận thấy những cái nét đẹp, cũng như cái hân hoan, cảm xúc của ngày Tết, nhưng đồng thời, thì tôi cũng nhận thấy là, dù muốn hay không muốn, thì nó cũng sẽ mất đi một cách tự nhiên (?!). Thế thì nếu mà, để nó mất đi một cách tự nhiên, chúng ta chán ghét nó, thấy nó hoàn toàn không phù hợp nũa, chúng ta bỏ đi, thì có thể chúng ta mất tất cả.
Cả hai thứ đều quan trọng : Bảo tồn các giá trị văn hóa, đồng thời văn hóa nó chỉ phát triển được trong một đời sống kinh tế lành mạnh, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, năng suất của các doanh nghiệp, của người lao động Việt Nam, nhìn chung vẫn còn rất là thấp. Thế rồi, để hai ba tháng (nghỉ Tết) như vậy, rồi kéo theo một tâm thế chuẩn bị Tết, rồi sau Tết. (…)
Nó (việc thay đổi ngày ăn Tết) là sự chuyển biến thay đổi không phải nho nhỏ, mà đây là sự thay đổi mang tính nhận thức. Chính vì thế tôi gọi là "một tiếp cận mềm", nó đòi hỏi tất cả mọi người cảm thấy cần thiết, và đồng thời trong chính sách đưa ra, có cái giải pháp cho cái việc bảo tồn như thế nào. Mọi người cùng thấy là chúng ta không mất mát gì cả. Rồi thì, trong các hoạt động kinh tế, ví dụ như các doanh nghiệp có các thưởng cuối năm dương lịch lớn hơn âm lịch chẳng hạn, để hướng các hoạt động kinh tế và các hoạt động văn hóa nó mang tính trọng tâm hơn, tìm thấy cái tiếng nói chung trong hoạt động kinh doanh toàn cầu, nhưng đồng thời, bảo tồn được một cách tốt nhất các giá trị truyền thống tốt đẹp.
Tôi nghĩ rằng, những hành vi vẫn quan trọng với người Việt Nam, như thăm mộ ông bà trong trước ngày Tết, hay là cái việc cúng tiễn năm cũ, rồi giao lưu chia sẻ thăm hỏi, chúc mừng trong ngày Tết, tôi nghĩ những hoạt động đó vẫn mang tính tích cực và nó vẫn in sâu vào trong đầu mỗi người. Tôi nghĩ những việc đó chúng ta vẫn có thể duy trì được. Tôi nghĩ rằng, đây là quá trình nhận thức, có bề dày trầm lắng, có thể nói rất phức tạp, nên là nó cần có các diễn đàn cởi mở để chúng ta trao đổi với nhau. Cá nhân tôi không bao giờ nghĩ, sau khi trao đổi như vậy, thì mọi thứ sẽ thay đổi trong một năm, một tháng, hay sau một quyết định cả. Bản thân quá trình trao đổi đó nó cũng cho chúng ta một cách học lẫn nhau. Sự chủ động tích cực bao giờ cũng giữ lại, lưu truyền một vẻ đẹp tốt hơn. Như là một ví dụ ai cũng nhìn thấy là, cái cái áo dài không phải là một hình ảnh đặc truyền thống, mà bản thân nó cũng tiếp nhận rất nhiều giá trị, nét đẹp của những văn hóa khác, hay trang phục khác, nhưng nó vẫn là niềm tự hào và được coi à truyền thống. Điều đó cho thấy, sự chủ động lưu giữ sẽ tốt hơn là để cho nó mai một đi. Đó cũng là tâm sự của tôi trong ngày cuối năm.
Vấn đề chủ yếu là sử dụng thời gian và tài chính hiệu quả, hợp lý
Để khép lại tạp chí, chúng tôi xin chuyển đến quý vị tiếng nói của bạn Thái Dzuy, thành viên sáng lập nhóm từ thiện Người tôi cưu mang.
Anh Thái Dzuy : Cái chủ đề này được bàn luận rất là nhiều, trên tất cả các diễn đàn. Thực ra là rất khó khi nói lên quan điểm của cá nhân, vì nó sẽ đụng chạm đến rất nhiều thứ, vì cái truyền thống của dân tộc mình rất là lâu rồi.
Nói chung là, những người trẻ như tụi mình, lớn lên sau này, sống trong thế giới hiện đại, và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, nên chắc chắn trong tư tưởng nó sẽ bị ảnh hưởng những « luồng gió mới ». Thực ra là, mình cũng đi làm cho các công ty nước ngoài, từ rất sớm, từ ngay khi tốt nghiệp đại học. Quan điểm của mình rất là thoáng.
Mình nghĩ rằng là, Tết tây hay Tết ta không quan trọng lắm với mình. Mình xác định rằng, miễn là mỗi dịp nghỉ đó chúng ta thực hiện được những điều tốt, thí dụ là về sum họp với gia đình là một, thứ hai là làm những điều tốt, cầu mong những điều tốt đẹp cho người khác, cho người thân, cho bản thân, cho mọi người. Và thứ ba là, mình sử dụng quỹ thời gian, cũng như là cái tài chính một cách hiệu quả hợp lý, thì Tết tây hay là Tết ta nó đều mang ý nghĩa tốt đẹp cho mỗi người. Còn quan điểm của mình là gộp chung Tết tây hay là Tết ta, thì thực sự là một vấn đề lớn, xin phép mình không trả lời ở đây. Còn quan điểm cá nhân của mình, thì Tết nào mình cũng trân trọng nó cả, mình không lãng phí, mình sử dụng cái quỹ thời gian, cũng như tài chính một cách hợp lý.
Mang lại các hỗ trợ cho nhiều người bất hạnh trong suốt năm, vào dịp Tết, các thành viên của nhóm Người tôi cưu mang, cũng như rất nhiều nhóm và các tổ chức từ thiện khác, lại hướng đến những người nghèo khổ, tật nguyền, bị bỏ rơi, để mong sao làm vơi bớt phần nào những cảnh đời bất hạnh. Sum họp, Trở Về, mở lòng hướng đến người khác, phải chăng là những điều làm nên sự kỳ diệu của ngày Tết mà nhiều người mong ước ?
RFI xin chân thành cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian cho chương trình và cảm ơn quý thính giả đã theo dõi. Xin chúc quý vị một Năm mới hạnh phúc. Hẹn gặp lại quý vị trong tạp chí lần tới.
Trích từ: viet.rfi.fr
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Ngọc Sương (##)
Xem Tử vi năm mới, tử vi 12 con giáp tại đây >>
Xem lá số tử vi trọn đời của từng con giáp tại đây >>
Ý Kiến
Can lam binh yen ou
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Đúng quá hé hi hi
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
hâhhahahahhahahaa thiệt sự vậy luôn hong :)))))))
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
em nóng tính lắm đấy, chuẩn luôn!
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Thẳng thắn thật thà thì thiệt thòi
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Đúng quá hé hi hi
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Qua cơn bi cực tới hồi thoi lai
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Thẳng thắn thật thà thì thiệt thòi
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Ko làm ở đấy mà đợi cứt nó đổ vào xoong cho .kkkkkkkkkkkk
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Nhà minh đc cả tuổi dậu lẫn tuổi mùi,may mắn chỉ 1 phần cần cố gắng nỗ lực thì mới mong có cơ hội kiếm tiền nhiều chứ
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
NGHỆ THUẬT XEM TƯỚNG Qua Những Dòng Thơ Việt Nam, cực hay và chính xác, ngắn gọn dễ hiểu, dễ nhớ.
Có thể bạn quan tâm:
- TRÍ TUỆ NHÂN TẠO Tiên Đoán Tử Vi Trọn Đời Tuổi Đinh Mùi 1967 - Nữ mạng, giải mã từ tuổi trẻ đến lúc già Tuổi Đinh Mùi 1967 - Nữ mạng, để nắm bắt cơ hội và chuẩn bị những tình huống trong tương lai nhé
- TRÍ TUỆ NHÂN TẠO Tiên Đoán Tử Vi Trọn Đời Tuổi Đinh Mùi 1967 - Nam mạng, giải mã từ tuổi trẻ đến lúc già Tuổi Đinh Mùi 1967 - Nam mạng, để nắm bắt cơ hội và chuẩn bị những tình huống trong tương lai nhé
- TRÍ TUỆ NHÂN TẠO Tiên Đoán Tử Vi Trọn Đời Tuổi Ất Mùi 1955 - Nữ mạng, giải mã từ tuổi trẻ đến lúc già Tuổi Ất Mùi 1955 - Nữ mạng, để nắm bắt cơ hội và chuẩn bị những tình huống trong tương lai nhé
- TRÍ TUỆ NHÂN TẠO Tiên Đoán Tử Vi Trọn Đời Tuổi Ất Mùi 1955 - Nam mạng, giải mã từ tuổi trẻ đến lúc già Tuổi Ất Mùi 1955 - Nam mạng, để nắm bắt cơ hội và chuẩn bị những tình huống trong tương lai nhé
- TRÍ TUỆ NHÂN TẠO Tiên Đoán Tử Vi Trọn Đời Tuổi Kỷ Mùi 1979 - Nam mạng, giải mã từ tuổi trẻ đến lúc già Tuổi Kỷ Mùi 1979, để nắm bắt cơ hội và chuẩn bị những tình huống trong tương lai nhé
- TRÍ TUỆ NHÂN TẠO Tiên Đoán Tử Vi Trọn Đời Tuổi Kỷ Mùi 1979 - Nữ mạng, giải mã từ tuổi trẻ đến lúc già Tuổi Kỷ Mùi 1979, để nắm bắt cơ hội và chuẩn bị những tình huống trong tương lai nhé
- Âm Dương kỳ môn độn giáp, Full - Toàn tập
- Độn toán thần diệu, Full - Toàn tập
- Khâm Thiên Tứ Hóa Sơ Cấp của Chiến Nguyễn, Full - Toàn tập
- Kỳ môn độn giáp toàn thư, Full - toàn tập
- Kỳ môn độn giáp của Đàm Liên, Tìm hiểu văn hóa Phương Đông, Full - toàn tập
- Lạc Việt độn toán, Full - toàn tập
1. Ứng dụng Lịch vạn sự, nhịp sinh học, tử vi, bói,... cho điện thoại và máy tính bảng:
Ứng dụng Vạn Sự gồm tập hợp nhiều tính năng hữu ích cho cuộc sống hoặc bạn cũng có thể dùng để giải trí...
Tính năng hiện tại gồm:
* Lịch vạn niên là tiện ích giúp bạn tra cứu lịch vạn sự, xem ngày âm lịch, ngày dương lịch, ngày tốt, ngày xấu ở bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ đâu.
* Xem nhịp sinh học: cho bạn biết thông tin về trạng thái biến đổi của sức khỏe, tình cảm, trí tuệ của mình để sắp xếp thời gian làm việc phù hợp.
* Dự đoán tương lai qua tên.
* Dự đoán tương lai qua ngày sinh.
* Các tính năng khác được cập nhật thường xuyên.
* Ứng dụng của chúng tôi hoàn toàn miễn phí, chạy offline hoặc online, trên ứng dụng chỉ có banner quảng cáo của Google. Chúng tôi không thu thập dữ liệu người dùng, không cài cắm các phần mềm độc hại, không gây tốn pin,...
Cài miễn phí và an toàn khi sử dụng trên Google Play, TẠI ĐÂY >> . Hoặc cài qua mã QRCODE dưới
Cài miễn phí và an toàn khi sử dụng cho iPhone và iPad, trên Appstore TẠI ĐÂY >>. Hoặc cài qua mã QRCODE dưới
2. Ứng dụng La Bàn Phong Thủy, hoàng đạo, con giáp... cho điện thoại và máy tính bảng.
* La bàn phong thủy: cho phép định vị tự động bát trạch nhà ở, phòng làm việc, bếp,... theo phong thủy bát trạch.
* Ứng dụng cho phép bạn tìm hiểu về tính cách của từng người theo cung hoàng đạo.
* Xem sự tương hợp của hai bạn theo cung hoàng đạo
* Xem tính cách người theo nhóm máu
* Sự tương hợp về tính cách của hai người theo nhóm máu
* Và nhiều khám phá khác được cập nhật trong những bản nâng cấp tiếp theo.
* Ứng dụng của chúng tôi hoàn toàn miễn phí, chạy offline hoặc online, trên ứng dụng chỉ có banner quảng cáo của Google. Chúng tôi không thu thập dữ liệu người dùng, không cài cắm các phần mềm độc hại, không gây tốn pin,...
Cài miễn phí và an toàn khi sử dụng cho Android, trên Google Play TẠI ĐÂY >>. Hoặc cài qua mã QRCODE sau
Cài miễn phí và an toàn khi sử dụng cho iPhone và iPad, trên Appstore TẠI ĐÂY >>. Hoặc cài qua mã QRCODE sau