Bài viết của tác giả Ân Quang về chủ đề: các cuộc tranh cử và khoa tử vi. Mời quý các bạn tham khảo!
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Bài viết của tác giả Ân Quang
Không hiếm gì trường hợp ứng cử viên được vị cố vấn Tử Vi cho biết là sẽ thắng cử, nhưng rồi lại thất cử.
Không hiếm gì trường hợp người dự cuộc đấu thầu được vị cố vấn về Tử Vi cho biết là sẽ trúng thầu, nhưng rồi lại thất bại.
Nhân những trường hợp ấy, chúng tôi thấy cần phải làm sáng tỏ công dụng của Tử Vi, rồi mới có thể định rõ giá trị của khoa này.
Xin lấy cuộc tranh cử Tổng Thống tại Mỹ làm thí dụ cho dễ hiểu. Trong cuộc bầu cử ấy có hai ứng cử viên, tạm đặt tên là Ông A và Ông B.
Nhìn vào lá số của Ông A, thấy nhiều sao tốt, nhiều cách tốt ở các cung Mệnh, Quan, Đại, Tiểu hạn v.v… liền đoán là Ông A sẽ đắc cử.
Nói rằng Ông A sẽ thành công, tức là nói rằng Ông B sẽ thất bại.
Nhìn vào lá số của Ông A, rồi cho thế là đủ đoán rằng Ông B sẽ thất bại. Còn gì phi lý hơn! Vì lỡ Ông B có những cách tốt hơn ở cung Mệnh, Quan, Đại, Tiểu hạn… thì sao!
Chỉ nhìn vào lá số Ông A thấy có nhiều cách tốt, đoán là Ông A thắng, may mà vận số Ông B kém, Ông A được thắng thật sự, thì đây quả là trường hợp “Phúc Chủ Lộc Thầy”, “Thánh cho ăn Lộc”.
Chúng tôi có một người bạn đến than thở rằng:
“Tôi cũng biết tính Tử vi lõm bõm. Cũng đã vấn kế thầy… rồi mới đi đấu thầu mà vẫn thất bại. Có Tả Hữu Song Lộc mà vẫn hụt. Nhờ anh xem hộ có vị sao nào phá?”
Tôi liền đáp:
“Tôi không cần xét đến vị sao nào phá hay không phá. Anh có Tả Hữu Song Lộc thì mặc anh, lỡ đối thủ của anh lại có Tả Hữu, Song Lộc, Khôi Việt, Quang Quý, Đại tiểu hạn của người ta đều phát cả thì sao?” Anh nào có phải thiên thần, là sứ giả của Thượng Đế mà mong rằng đi đến đâu vạn vật xung quanh cũng phải chuyển mình cho ăn khớp với lá số của anh, dù cho năm nay có Lộc, không Lộc này sẽ có Lộc khác.
Vì sao lại có trường hợp nhìn lá số của người này để đoán rằng người kia sẽ thất bại.
Đó là vì cái Ngã Chấp, lấy cái Tiểu Ngã làm trung tâm, làm cái trục của vũ trụ. Tưởng chừng như cả vũ trụ này đều phải xoay quanh cái Tiểu Ngã.
Vì một sự ngộ nhận, một quan niệm sai lầm như vậy mà đã xảy ra không biết bao nhiêu trường hợp, nhìn vào lá số của người chồng rồi đoán là người vợ chết, xem lá số của người con rồi quả quyết người cha qua đời. Rốt cuộc thân quyến của các đương số vẫn sống.
Vận số của một người này chỉ tạo nên một ảnh hưởng tương quan, tương đối hoặc tương trợ cho một người khác trong thân quyến. Cũng còn tùy thuộc thêm nơi vận số của người kia, mà sự tốt xấu có thể tăng hay giảm.
Căn cứ vào lá số của người nà, để luận về sự thành bại; sống chết của người kia chỉ là luận tương đối. Còn cần phải xét thêm về số hoặc nét Tướng của đối thủ, hoặc của người liên hệ trong thân quyến mà luận thêm.
Tử Vi là Tử Vi Lý Số, một môn Lý Học – Luận về Tử vi là luận theo Lý chứ nào phải để tìm một đáp số toán học thuần túy.
Cái Tên Tử Vi Lý Số dài dòng quá (có lẽ) nên các học giả Tử Vi về sau đã rút gọn lại, còn là Tử Vi – Lâu ngày thành thói quen và người hậu học đã bỏ rơi chữ Lý Số, cũng như bỏ rơi cái quan niệm Lý Học. Rồi vì những khát vọng riêng, muốn đi tìm một đáp số toán học tuyệt đối, đã cố gán ghép cho Tử Vi một giá trị toán học thuần túy.
Tử Vi nào có phải chỉ là một môn toán học giản dị chỉ nhằm mục đích duy nhất là cho biết kết quả thành hay bại, sống hay chết, chỉ để coi cho đỡ nôn nao, sốt ruột, dùng khoa ấy như một liều thuôc an thần.
Chỉ vì khát vọng riêng, muốn dùng Tử vi để tìm một đáp số toán học, mà nhiều người nghiên cứu đã quá nặng tinh thần công thức các bộ sao này, cùng các bộ sao khác. Sao X, cộng với sao Y, thì ra đáp số gì, sao Y cộng với sao Z, thì ra đáp số nào. Và cái quan niệm Lý Số, Lý Học đã hoàn toàn bị bỏ quên.
Trong mọi cuộc tương tranh, như tranh cử, đấu thầu… Không có cá nhân nào là trung tâm của vũ trụ:
Căn cứ vào lá số của Ông A, để luận rằng Ông B sẽ phải thất bại là làm một cuộc phiêu lưu, thiếu ý thức sáng suốt.
Nhìn vào lá số của ông A dù cho thấy rằng có nhiều vị sao, nhiều cách tốt thì cũng chỉ nên luận là có nhiều triển vọng vậy thôi.
Nếu chỉ đoán được thế thôi, thì Tử Vi cao quý ở chỗ nào?
Dịch Lý, cũng như Tử Vi Lý Số nhằm mục đích giúp học giả đưa cái nhìn về Thiên Lý (chứ không phải nhìn vào Tiểu Ngã để luận xem nên hành động như thế nào. Nên cương, nên nhu, nên đề phòng về những phương diện nào, nên hành động một mình hoặc là không nên đương đầu một mình mà cần kết hợp, đứng chung liên danh hoặc hùn vốn với người khác thì có lợi hơn, v.v… hoặc nếu tung hoành một mình thì có thể tổn hại, v.v… Những cách tính Lưu Nguyệt, Lưu Nhật, Lưu Thời, nào phải chỉ có một mục đích để thỏa mãn tính tò mò, rồi tiêu cực, thụ động chờ thời, mà còn là để luận về những “khí vận” của Tháng, Ngày, Giờ xem nên hành động như thế nào. Khởi công hoặc gặp sự việc gì lạ đưa đến thì cũng nhìn vào Lưu Nguyệt, Lưu Nhật, Lưu Thời để luận tính chất khí vận ấy ra sao, rồi lại cũng căn cứ vào Lý Học mà liệu đường phản ứng.
Chính là vì cái mục đích xử thế theo thiên lý, mục đích cao quý của Tử Vi Lý Số, mà người nghiên cứu cần có những quan niệm về Âm Dương Ngũ Hành và cần thấu triệt ý nghĩa tên các vị sao để suy luận cho được rộng rãi, chứ không phải chỉ loanh quanh với công thức những bộ sao này, công thức bộ sao nọ v.v… Nếu Tử Vi chỉ là công thức những bộ sao thì người xưa đã không dại gì mà đặt tên sao thế này, tên vị sao nọ cho phiền toái, cứ đưa ra những dấu hiệu, những mẫu tự, hoặc dùng một cách đánh dấu giản dị nào đó cũng được.
Vì không thấu triệt ý nghĩa tên các vị sao để liệu đường chế hóa cho nên hậu học Tử Vi không thể sánh bằng tiền bối Tử Vi. Thí dụ như một ngàn năm trước đây, nói đến Thanh Long, Long Trì, Bạch Hổ, thì một người có trình độ trí thức trung bình tại Trung Hoa cũng có một quan niệm quá rõ rệt, thừa sức diễn tả, hiểu đến tận cùng những ý nghĩa của Thanh Long, Bạch Hổ. Ngày nay, với bao nhiêu bút mực diễn tả chúng ta cũng chỉ có một ý niệm tương đối về Thanh Long, Bạch Hổ, có khi lại còn có những cảm quan hơi khác nhau. Thật chẳng khác nào, một ngàn năm sau này có dùng phấn trắng vẽ lên bảng đen, hình ảnh một cái khăn đóng, áo thụng, thì cả thầy giáo lẫn trò đều không hình dung hết được cái khăn, cái áo ấy ra sao, và có lẽ cũng chẳng ai thưởng thức cái vẻ đẹp ấy. Cả cái cảm quan của họ một ngàn năm sau này cũng khác với chúng ta ngày nay.
Ấy là chưa kể đến tên các vị sao khác như Trực Phù, Phi Liêm, Bát Tọa, Dương Nhận v.v… mà nhiều sách, nhiều người chỉ nói vắn tắt là chủ việc này chủ việc nọ, thì còn nói gì đến việc chế hóa các bộ sao, cân nhắc hành xử theo Thiên Lý…
Còn một điểm nữa cần xét đến, lá số của mỗi cá nhân chỉ có ảnh hưởng rất tương đối trong tập thể xã hội, cùng thì một cung Điền Trạch rất tốt mà ở quốc gia này người ta có thể có rất nhiều ruộng đất, ở quốc gia khác, chế độ khác may ra chỉ có một cái nhà riêng để ở, rồi đương số cũng cho như thế là giàu có lớn.
Quanh đi quẩn lại, cũng chỉ có ngần ấy năm, tháng, ngày giờ sinh mà ở các thế hệ trước rất nhiều người lập gia đình khi đại hạn đi đến cung Huynh, cung Phụ Mẫu, thế hệ này thì phần nhiều lập gia đình khi đại hạn đến cung Phu Thê, cung Phúc Đức. Biết đâu vào thế hệ sau này, phần nhiều lại lập gia đình khi đại hạn đi đến cung Tử Tức, Điền Trạch.
Không có cá nhân nào tách rời khỏi vũ trụ, và cũng chẳng có lá số Tử Vi nào tách khỏi thực tế của cuộc đời.
Có khi xuất ngoại đi hàng vạn cây số thì được, mà đi vài trăm cây số sang một quốc gia lân cận lại không được vì hai quốc gia ấy đang ở trong vòng thù nghịch. Có ông sao nào trong lá số rồi cũng không đi được.
Không riêng gì ở Tây Tạng mới có những cuộc kết hôn lạ đời, mà ngay ở Việt Nam ta, tại một vào bộ lạc thiểu số vẫn có tục em rể phải lấy chị dâu nếu người anh ruột của mình qua đời. Đối với họ, như thế là sự thông thường, thì chúng tôi thiển nghĩ rằng không nên áp dụng những bộ sao, những cách đoán về loạn luân cho họ. Đối với họ, nếu người em rể không chịu lấy chị dâu, mà lại đi lấy người khác thì mới là loạn luân. Biết đâu chừng lúc ấy các bộ sao loạn luân mới ứng với họ.
Lại như những năm xưa, chiến cuộc lan tràn khắp nơi, chẳng ai học hành thi cử được. Dù có văn tinh, khoa giáp tinh trong vận số của mình thì may ra cũng chỉ tự học thêm mà thôi, chứ có thi cử gì được.
Tử Vi cũng như Bói Dịch, là Lý Học, chứ không phải Toán Học. Phương pháp của những khoa ấy là quy nạp để rồi diễn dịch, chứ không phải chỉ là áp dụng một số công thức để rồi vũ đoán ngay một đáp số.
Muốn diễn dịch thì cần hiểu rõ tên gọi các vị sao, làm sáng tỏ ý nghĩa các yếu tố trong khoa ấy, như “Cục” là cái gì, v.v… rồi sau mới có thể luận xa hơn được. Nếu không hiểu rõ tên gọi, nếu không có quan niệm rõ rệt về các yếu tố trong khoa Tử Vi, chỉ hiểu mơ hồ, rồi vội vã thông qua, cho thế là đủ thì sẽ bị lạc hướng, loay hoay với các công thức. Dù cho có thu thập được nhiều công thức nhất, thì trước sau cũng chỉ có 518.400 lá số Tử Vi mà thôi. Nếu không diễn dịch, nếu không xét đến những yếu tố gia đình, gia tộc, xã hội, những yếu tố tương quan, tương đối, tương trợ xung quanh một cá nhân thì làm sao luận giải được hàng vạn hàng triệu sắc thái khác nhau của cuộc đời.
Nói đến diễn dịch thì phải dựa vào thực tế của cuộc đời mà diễn dịch.
Bói thì phải biết bói sờ, bói ngửi, bói nghe (xin xem lại bài phỏng vấn Thầy Kim).
Luận về một quẻ độn “Trường Mộc Đoản Thiết” thì cũng phải dựa vào yếu tố thời tiết, mùa nào, để đoán xem là vật dụng gì, cái mai hay cái quốc (đã có giai thoại)
Người ta nhờ mình đoán về các việc xuất ngoại thì cũng phải xem là xuất ngoại đi đâu. Chứ vội tính ngay ông sao này, vị sao nọ, rồi nói rằng đi được. Người ta hỏi rằng đi sang cái quốc gia thù nghịch bên cạnh đây có được không, lúc ấy người nghiên cứu ăn nói thế nào?
Nói đến Lý Số, Lý Học thì phải nhìn vào thực trạng của xã hội, nhìn vào những yếu tố tương quan của gia đình, gia tộc, quốc gia, v.v… để làm khởi điểm cho sự diễn dịch, lý giải.
Diễn dịch, lý giải mà không xét đến những yếu tố tương quan trong thực tế thì rất dễ rơi vào vòng viển vông, phi lý.
Nhìn vào lá số của Ông A, để luận rằng ông B sẽ thất bại hoặc chỉ nhìn riêng vào lá số của người này, rồi quyết đoán về sự sống chết của người kia, thì thật là phản khoa học.
Nếu có gặp may mà đoán đúng chăng nữa thì cũng chỉ là chuyện “Phúc Chủ Lộc Thầy”, “Thánh cho ăn Lộc” mà thôi.
Theo tạp chí Khoa Học Huyền Bí
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Đoan Trang(##)