Ông từng là kẻ thù của Tôn Sách, về sau lại trở thành con rể của Tôn Sách. Ông cũng chính là người kế thừa Chu Du, Lữ Mông trở thành Đại đô đốc xuất sắc của Đông Ngô.
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Cừu nhân của Tôn Sách
Cha Lục Tốn mất sớm, từ nhỏ Tốn đã đi theo "đường tổ" (anh em với ông nội) là Thái thú quận Lư Giang Lục Khang.
Đương thời, quân đội Viên Thuật thiếu thốn lương thảo, Thuật bèn phái sứ giả sang yêu sách với Lục Khang và bị cự tuyệt thẳng thừng. Viên Thuật nổi giận cử tướng Tôn Sách lĩnh binh đánh Lục Khang.
Tôn Sách vây thành 2 năm, kết cục khiến Lục Khang bi phẫn mà chết. Lục Tốn phải chạy trốn về quê mới thoát được kiếp nạn này. Song cũng từ đó, gia tộc họ Lục đã coi Tôn Sách là "cừu nhân diệt môn".
Khi Tôn Quyền kế vị huynh trưởng Tôn Sách, trở thành chủ nhân Giang Đông năm 19 tuổi, Lục Tốn mới 18 tuổi.
Phải mất 3 năm, Tôn Quyền hao tâm tốn sức dùng nhiều cách thu phục nhân tâm, đặc biệt là đem con gái Tôn Sách gả cho Lục Tốn thì mới khiến Tốn cảm động, dần dần "dĩ hòa vi quý", chuyển sang tận trung với Quyền.
Lục Tốn được biết đến là "tay trắng làm nên". Ông không xuất thân trong các gia tộc quyền thế ở Đông Ngô.
Tháng 7 năm Chương Vũ thứ nhất triều Thục Hán (221), tức 3 tháng sau khi Lưu Bị xưng đế, ông huy động đại quân tiến về Tam Hiệp tấn công Đông Ngô với lý do là "báo thù cho Quan Vũ - danh tướng đã thiệt mạng trong chiến dịch đoạt Kinh Châu của Lữ Mông".
Trước đó 2 năm, Tôn Quyền - dưới sự tiến cử của Lữ Mông - đã bổ nhiệm Lục Tốn "tạm quyền" vị trí phụ trách cao nhất tại Kinh Châu, thay thế Lữ Mông.
Lúc này, đứng trước tình thế đại quân Thục Hán áp biên, Tôn Quyền một lần nữa lựa chọn Lục Tốn - năm đó 39 tuổi - làm chủ soái Đông Ngô.
Tuy nhiên, khi Lục Tốn thăng làm "tổng tư lệnh" thì các tướng lĩnh "có thế lực" trong quân đội Đông Ngô thường tỏ ra bất mãn với ông.
Xét về phương diện "quan hệ, họ hàng và thân thế", quả thực Lục Tốn kém xa nhóm này. Nhưng ông khôn khéo "lấy nhu chế cương", dùng lý lẽ để ổn định quân đội.
Lục Tốn nhắc nhở các tướng rằng Thục Hán mới là kẻ địch của họ, phê bình những người chống đối bất tuân thượng lệnh và chỉ rõ "Ta tuy chỉ là một thư sinh, nhưng đã được Chủ thượng thụ mệnh". Dần dần, ông mới khiến cho quân đội Đông Ngô thống nhất trở lại.
"Hỏa thiêu liên doanh" - chiến dịch đả bại Lưu Bị khiến tiếng tăm Lục Tốn trở nên lừng lẫy.
Chiến công thành danh của Lục Tốn
Trong chiến dịch kháng Thục của Đông Ngô, Lưu Bị đã cho quân đến khêu chiến nhằm dụ quân Ngô vào bẫy mai phục, nhưng Lục Tốn đã "bắt bài" Bị và ra nghiêm lệnh cho chúng tướng không được manh động.
Khi biết tin quân Thục đã có dấu hiệu bị bệnh dịch, sau nhiều tháng kiên thủ, Lục Tốn quyết định đây chính là thời cơ phản công.
Đầu tiên, ông cho quân giả vời tấn công vào 1 trong số các doanh trại của quân Thục nhằm đánh lạc hướng các tướng Thục.
Kế đến ông lệnh cho quân sỹ dùng hỏa công tấn công vào các trại còn lại. Sau cùng, Lục Tốn ra lệnh 3 mặt giáp công doanh trại Thục Hán, "hỏa thiêu liên doanh", khiến cho Thục quân đại bại, toàn quân gần như bị tiêu diệt.
Lưu Bị buộc phải rút chạy về thành Bạch Đế và qua đời 1 năm sau đó, còn Lục Tốn thì danh tiếng lẫy lừng.
Sau chiến dịch đại phá Thục Hán ở Di Lăng, quân Ngô thừa thắng và chuẩn bị mở chiến dịch quân sự tấn công vào biên giới Thục.
Tuy nhiên, Lục Tốn nhận định, khi Ngô - Thục giao chiến thì Tào Ngụy nhất định sẽ thừa cơ tấn công Đông Ngô. Dự đoán này của Tốn là hoàn toàn chính xác.
Tháng 10 năm Hoàng Vũ thứ nhất (222) thời Tôn Quyền, sau khi giải trừ uy hiếp từ phía Thục Hán, Đông Ngô công khai "đoạn tuyệt" với Tào Ngụy. Tôn Quyền tự xưng là Ngô Vương.
Động thái "trở mặt" của Giang Đông khiến Ngụy Văn Đế Tào Phi "nóng mặt" và thân chinh thảo phạt Đông Ngô.
Xung đột quân sự Ngô - Ngụy dai dẳng trong vòng 4 năm thì Tào Phi bệnh mất, con trai Tào Duệ đăng cơ và tiếp tục duy trì áp lực quân sự lên Giang Đông.
Bước ngoặt trong cán cân Ngô - Ngụy xuất hiện mùa xuân năm 228, khi Thừa tướng Thục Hán Gia Cát Lượng cất binh "Bắc phạt Trung Nguyên". Động thái quân sự của Thục "lớn chưa từng thấy" kể từ thời Lưu Bị đã khiến Tào Ngụy chấn động.
Việc Thục Hán bất ngờ trở lại tham chiến buộc Ngụy phải "xoay trục" trọng điểm quân sự về Quan Trung, trong khi Tôn Quyền nhân cơ hội này "ăn miếng trả miếng" bằng một kế trá hàng.
Lục Tốn là danh tướng nổi tiếng với các trận đánh tập kích.
Khi ấy, lãnh thổ Đông Ngô có quận Bà Dương, Bắc giáp Trường Giang, đối diện với Dương Châu thuộc địa phận Tào Ngụy.
Tháng 5/228, Thái thú Bà Dương Vương Tĩnh bình loạn kém cỏi, nhiều lần bị chính quyền Đông Ngô khiển trách, cho nên chuẩn bị "nhảy bè" sang Tào Ngụy.
Sự việc bại lộ khiến cả nhà Vương Tĩnh bị thanh trừng, vị trí Thái thú được Tôn Quyền giao cho Chu Phường. Phường "thế vai" Vương Tĩnh, thực hiện mưu kế trá hàng của Tôn Quyền đối với Tào Ngụy.
Không lâu sau, Tôn Quyền bèn liên tiếp cử đặc sứ tới Bà Dương công khai chỉ trích Chu Phường, khiến Phường phải chạy về kinh thành Kiến Nghiệp để... nhận tội trước chính quyền.
Vở kịch "Chu Phường tạ tội" diễn ra trước bàn dân thiên hạ, đương nhiên không thiếu những gián điệp Tào Ngụy. Tin tức về Chu Phường nhanh chóng được mật báo tới Tư lệnh Ngụy tại chiến khu Hoài Nam là Tào Tu.
Tiếp đó, Tào Tu "bất ngờ" nhận được mật hàm của Chu Phường, tỏ ý quyết tâm bỏ Ngô theo Tào và hy vọng Tào Tu "dẫn đại quân tới huyện Hoàn ở mạn Bắc Trường Giang tiếp ứng, thừa cơ đột kích Đông Ngô".
Tháng 7/228, Tào Tu quả nhiên đổ quân về huyện Hoàn. Lúc này, Tôn Quyền chính thức phong Lục Tốn làm Đại đô đốc, phát binh "bắt con cá lớn này".
Lục Tốn: "Chuyên gia" đột kích
Nhận được ủy thác của Tôn Quyền, Lục Tốn bắt tay bố trí lực lượng và nhanh chóng phát hiện yếu điểm của Tào Tu.
Nếu Ngụy quân muốn đánh từ đại doanh Hợp Phì tới huyện Hoàn, họ buộc phải vượt qua một mạch núi lớn. Con đường núi này vô cùng hiểm trở và được Lục Tốn xác định là "điểm mấu chốt để chiến thắng".
Tào Tu là quan Đại tư mã của Ngụy, đã theo Tào Tháo từ thời khởi binh đánh Đổng Trác và được Tào khen ngợi là "Thiên lý câu" (ngựa khỏe).
Xét vai vế, Tào Tu có thể xem là tiền bối của Ngụy Minh Đế Tào Duệ. Ông có năng lực quân sự cũng như thế lực "chống lưng" trong triều đình rất vững.
Thời điểm thống lĩnh đại quân tiến vào địa bàn Đông Ngô, thậm chí Tu đã nhận được tình báo nói rằng Chu Phường có khả năng trá hàng. Song ông vẫn tự tin vào binh lực hùng hậu và... tiếp tục tiến lên!.
Đại quân Tào Tu hạ trại tại phía Nam đường núi nói trên. Binh sĩ Ngụy quân sau nhiều ngày hành quân, đến thời điểm này đã mệt mỏi.
Trong khi đó, Lục Tốn triệt để áp dụng chiến thuật "ôm cây đợi thỏ", lấy sức nhàn đánh quân địch mệt mỏi, đã sẵn sàng "đón tiếp" Tào Tu. Ông quyết định tấn công trong đêm, không cho đối thủ cơ hội trở tay.
Đại tư mã Ngụy quốc Tào Tu thua thảm dưới tay Lục Tốn.
Ngay đêm đó, tam quân của Lục Tốn thần tốc đột kích trại Tào quân. Tào Tu thấy tình thế vượt ngoài tầm kiểm soát, bèn rút chạy về hậu phương.
Đại tướng Tào Tu rút chạy, Ngụy quân như "quần long vô thủ" rút chạy theo Tu. Đội quân này chỉ kịp thoát khi viện binh từ Ngụy quốc xuất hiện.
Chiến dịch "đánh lén" Đông Ngô của Tào Tu đã thất bại mà không chiếm nổi một tấc đất nào. Quân đội của Lục Tốn tiêu diệt hơn 10.000 lính Ngụy. Bản thân Tào Tu về sau ôm hận mà chết.
Sau những thắng lợi chiến lược trước Thục Hán và Tào Ngụy, bước sang năm 229, Tôn Quyền xưng đế. Lục Tốn được phong làm Thượng đại tướng quân trấn thủ Vũ Xương và nắm đại quyền tại 3 quận Giang Đông.
Năm 244 , thừa tướng Cố Ung qua đời. Tôn Quyền lập tức bổ nhiệm Lục Tốn - năm đó đã 62 tuổi - lên thay.
Tuy nhiên, sang tháng 2/245, Lục Tốn đã qua đời sau khi phẫn uất do mâu thuẫn nội chính với Tôn Quyền về vấn đề truyền nhân Tôn gia, thọ 63 tuổi.
Con trai ông Lục Kháng về sau cũng trở thành một danh tướng của Đông Ngô, còn cháu nội là tác gia hàng đầu trên văn đàn thời Tây Tấn. Ba đời nhà Lục Tốn được lưu danh sử sách.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Minh Thư (##)