Nếu cửa ra vào chủ yếu là để đi lại thì cửa sổ chủ yếu mở ra để đón không khí và ánh sáng, mang vượng khí vào nhà.
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Chào chuyên gia! Vợ chồng tôi vừa mua một căn nhà nhỏ 2 tầng. Căn nhà nằm ở khu vực sạch đẹp, thoáng mát nên chúng tôi rất ưng ý. Duy chỉ có một điều, dưới tầng 1 chỉ có 1 cửa sổ nằm bên cạnh cửa chính nên có cảm giác bên trong rất bí. Về mặt phong thủy, tôi nghe nói nhà ít cửa sổ cũng không tốt. Vậy xin chuyên gia tư vấn giúp tôi vấn đề này và cách cải thiện! Xin cảm ơn!
Hoàng Thị Liên Hoa (Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng)
Chào chị Hoa! Theo phong thủy dương trạch, cửa sổ có vai trò quan trọng không kém cửa ra vào trong việc cân bằng sinh khí cho ngôi nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe và tài vận của gia chủ. Nếu cửa ra vào chủ yếu là để đi lại thì cửa sổ chủ yếu mở ra để đón không khí và ánh sáng, mang vượng khí vào nhà.
Vai trò của “mắt và miệng” ngôi nhà
Đối với nhà có cửa sổ nhỏ hoặc chỉ có một cửa sổ mà không thể mở thêm, gia chủ có thể cải thiện bằng cách trang trí không gian sống tạo cảm giác thoáng mát, tươi sáng. Đầu tiên là bài trí đồ đạc trong không gian thiếu cửa sổ cần phải hết sức đơn giản, thoáng và ít ngóc ngách. Bài trí phức tạp càng làm tăng cảm giác bức bối, tù túng. Đối với phòng khách, gia chủ có thể trang trí trên các bức tường bằng tranh ảnh gia đình hay các vật trang trí khác một cách trật tự, làm tăng sinh khí cho căn phòng. Hay phòng bếp không có cửa sổ thì nên chọn vật liệu inox giúp khuếch tán ánh sáng và cho cảm giác sạch sẽ, gọn gàng... Ngoài ra, để giúp cho nhà, phòng không cửa sổ trở nên sáng và dễ chịu hơn thì nên sử dụng màu sắc sáng cho tường trần, chọn loại gạch lát sàn thích hợp. Gia chủ nên chọn các gam màu sáng và ấm như trắng, kem, xám… |
Từ xa xưa, cổ nhân đã rất coi trọng những ô cửa sổ. Tạ Thiên thời Nam Tề (Trung Quốc) có thơ rằng: “Song trung liệt viễn tụ/Đình tế phủ kiến lâm” (tạm dịch nghĩa: Cửa sổ bày núi xa/Sân trước phục rừng cao – KD). Nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường lại có câu “Đông song đối hoa sơn/Tam phong bích sâm lạc” (tạm dịch nghĩa là: Cửa sổ đông đối Hoa Sơn/Núi ba đình sâm biếc rụng). Có thể thấy, người xưa thường thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên qua khung cửa sổ. Không chỉ vậy, qua cảnh đẹp thiên nhiên với núi non, cỏ cây, hoa lá…, người ta còn có thể đào luyện tính tình, di dưỡng thân, tâm. Với một khung cửa sổ mở đúng cách, ánh sáng sẽ ùa vào làm cho căn phòng sáng sủa, sạch sẽ và sống động, đón được luồng gió mát trong lành, giúp cho tinh thần sảng khoái…
Phong thủy cũng rất coi trọng cửa sổ. Cửa sổ được ví như “mắt và miệng” của ngôi nhà. Theo đó trong trời đất, mọi vật phát triển sung mãn trước hết là do hội tụ đầy đủ hai khí âm dương. Nghĩa là, gió mang theo dương khí vào những vùng tối ẩm thấp chứa âm khí, khi hai khí âm dương giao hội sung mãn sẽ tạo ra phong thủy tốt. Có những ngôi nhà khi bước vào ta cảm giác có “tà khí” vây quanh bởi sự thiếu ánh sáng bao trùm. Ngược lại, ngôi nhà có quá nhiều ánh sáng lại tạo ra cảm giác sát khí nặng nề (môi trường sinh sống không tốt). Có người cho rằng, nhà có nhiều âm khí (nước) là nhà tụ tài, chiêu tài. Song ít ai biết rằng, âm khí là con dao hai lưỡi: âm khí quá nặng, lý khí mất cân bằng, nảy sinh bệnh tật, người trong nhà hay mắc chứng bệnh về ảo giác, hô hấp.
Bên cạnh đó, do tâm lý, sở thích…, một số người khi xây nhà lại mở thật nhiều cửa sổ với mục đích đưa thật nhiều ánh sáng vào trong mà không hay biết đã phạm vào dương kháng (dương qua mạnh) trong phong thủy, dẫn đến phát sinh các bệnh về lông, tóc. Dương khí quá thịnh dẫn đến tiền tài không tụ, hữu danh vô lợi, tiền đến tiền đi, và con cái sớm rời cha mẹ. Bởi theo lý luận tâm sinh lý hiện đại, người trẻ tuổi thường nhạy cảm với ánh sáng mạnh, người lớn tuổi thì ngược lại.
Bài trí cửa sổ hợp phong thủy
Theo như miêu tả thì tầng 1 ngôi nhà của bạn chỉ có 1 cửa sổ gần cửa chính. Như vậy là khu vực phía sau không hề có cửa sổ, điều này là khá bất lợi, khiến bạn có cảm giác bí cũng là điều dễ hiểu. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể mở thêm cho không gian sống của mình một đến hai ô cửa sổ để đảm bảo cân bằng hai khí âm dương. Dưới đây là những lưu ý khi mở cửa sổ để mang lại ý nghĩa phong thủy.
Khi chọn hướng mở cửa sổ, bạn nên tránh hướng Tây vì mặt trời hướng Tây chói chang sẽ khiến người trong nhà rất dễ bị đau đầu, cáu gắt và làm việc không hiệu quả. Dù khí hậu và vị trí địa lý có khác biệt và với những nhu cầu đặc biệt nhưng cửa sổ mở ra hướng Tây luôn làm hại cho khí của người sống trong đó. Nếu không còn hướng nào khác để mở cửa sổ thì nên treo chuông gió thủy tinh (pha lê) dạng giọt hoặc hình cầu, có nhiều mặt để biến ánh nắng mặt trời thành sắc độ cầu vồng làm mạnh cho vượng khí trong cả căn phòng đó nói riêng và toàn bộ ngôi nhà nói chung.
Không nên mở cửa sổ đối diện với cửa chính, bởi cửa chính là nơi tất cả mọi người trong nhà ra vào hàng ngày. Khi cửa chính ở vị trí thuận lợi, gió và không khí từ ngoài thổi vào cũng thuận và lành. Khi cửa chính và cửa sổ thông nhau theo một đường thẳng, nếu cửa sổ không nhiều thì ảnh hưởng của nó không lớn. Tuy nhiên, nếu cửa sổ vừa nhiều lại vừa lớn thì sẽ không giữ lại cho phòng những luồng khí tốt lành vì thế sẽ gây ảnh hưởng đến vận mệnh của ngôi nhà và tiền bạc của mọi người ở trong nhà cũng bị hao tổn dần. Điều này sẽ khiến vận may, tiền tài tiêu tan vì các nguồn năng lượng ngũ hành từ cửa ra vào bị hút ra ngoài bằng cửa sổ theo một đường thẳng.
Kích thước cửa sổ nên vừa phải, phù hợp với diện tích và cấu trúc căn nhà. Cửa sổ quá to sẽ làm nhiễu loạn trường không khí trong nhà, gây bất cân xứng hoặc tệ hơn chúng sẽ thu hút năng lượng lên trên trần nhà. Ngược lại, cửa sổ quá nhỏ sẽ khó lấy được ánh sáng và luồng không khí trong lành cho căn phòng và giá trị của chúng cũng bị lãng quên. Ngoài ra cửa sổ quá nhỏ sẽ làm hạn chế tầm nhìn và ảnh hưởng đến tâm lý của người trong nhà, hạn chế sự liên kết với thế giới bên ngoài. Ngoài ra, cửa sổ phải luôn luôn mở ra phía ngoài, không được mở vào bên trong nhà.
Không nên đặt giường ngay phía dưới cửa sổ, đặc biệt là đầu giường, vì cửa sổ là nơi có luồng khí và luồng ánh sáng mạnh nhất, có ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ, bạn sẽ không có sự hỗ trợ cũng như bảo vệ nào. Do đó, năng lượng bản thân dễ bị tản mát. Nếu bắt buộc kê ở vị trí này, bạn hãy dùng rèm cửa dày để che bớt ánh sáng và nguồn khí lớn. Ban đêm, bạn nên đóng cửa kín lại để có giấc ngủ sâu và an lành. Bằng cách làm này, bạn sẽ có cảm giác an toàn khi ngủ giống như bạn được tựa vào một bức tường vững chắc vậy.
Việc xây dựng cửa sổ hướng ra con sông, bờ hồ, đồng cỏ, hàng cây… sẽ mang lại nhiều lợi ích cho những người sống trong nhà. Hướng nhìn đẹp từ cửa sổ có thể mang đến cho bạn cảm giác thư thái, thoải mái sau những giây phút làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Đặt cửa sổ ở hướng Đông được coi là mang lại nguồn năng lượng dương dồi dào, thu hút sự may mắn cho ngôi nhà. Ngoài ra, không nên bố trí đồ nội thất quay lưng vào cửa sổ. Ví dụ trong phòng khách, nếu có một chiếc cửa sổ lớn thì cần tránh sắp xếp ghế sofa hoặc ghế ngồi quay lưng về phía cửa sổ. Điều này tạo cho người ở trong căn phòng, cụ thể là khi sử dụng chúng luôn có cảm giác dễ bị tổn thương.
Ánh sáng tự nhiên là điều rất cần trong mọi ngôi nhà, tuy nhiên, nếu ánh sáng quá nhiều (dư thừa năng lượng dương) sẽ khiến cho căn phòng mất cân bằng năng lượng. Điều này tạo nên sự căng thẳng cho các thành viên trong gia đình, thậm chí còn mang đến tâm lý cáu gắt, tức giận. Cách tốt nhất là nên tạo sự hài hòa trong ánh sáng tự nhiên bằng những biện pháp như đóng cửa sổ, treo rèm vào buổi trưa, để chỉ lấy lượng ánh sáng dịu mắt.
Cuối cùng là cần giữ cửa sổ luôn sạch sẽ, bởi cửa sổ được xem là “đôi mắt” của ngôi nhà, là cách mà những người trong nhà nhìn ra thế giới bên ngoài. “Đôi mắt” có trong thì nhìn mới rõ. Nó còn giúp tạo cảm giác khỏe mạnh cho gia chủ và tạo vẻ đẹp cho toàn ngôi nhà. Hãy thường xuyên lau chùi cũng như thay mới những bản lề bị gỉ sét hay cửa kính nứt vỡ để tạo nét khỏe khoắn cho ngôi nhà.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Ngọc Sương (##)