Các lễ hội tiêu biểu diễn ra trong ngày 10 tháng 2 âm lịch Hội Làng An Thái,Hội An Hòa,Hội Yên,Hội Rước Nước Trên Sông Hồng,Hội Chử Đồng Tử...
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Các lễ hội ngày 10 tháng 2 Âm Lịch - Hội Chử Đồng Tử
1. Hội Làng An Thái
Thời gian: tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch.
Địa điểm: làng Yên Thái, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Đối tượng suy tôn: Nhằm ton vinh Vũ Phục - Chiêu Ứng Đại Vương và Thuận Chính Phương Dung công chúa (Ông Dầu, Bà Dầu).
Nội dung: mở đầu là hội lễ tế Thành Hoàng, tiếp đó là các hoạt động vui chơi hấp dẫn: thi nấu xôi dẻo, thịt bò thui, cơm nếp, gà mái, ghẹ luộc; ngoài ra còn có các trò chơi đu tiên, thi cây hoa, cây cảnh xuân.
2. Hội An Hòa
Thời gian: tổ chức vào ngày 10 tới ngày 12 tháng 2 âm lịch.
Địa điểm: phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành Phố Hà Nội.
Đối tượng suy tôn: nhằm tôn vinh Lý Nhân Tông, Vạn Phúc phu nhân, Tứ Nàng phu nhân (con vua Lý Nam Đế), Bạch Hạp tam giang.
Nội dung: Hội An Hòa có phần lễ và phần hội. Phần lễ có tế nam quan, tế nữ quan. Phần hội có chơi cờ tướng, thi chọi gà.
Thời gian: tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch.
Địa điểm: xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Đối tượng suy tôn: nhằm tôn vinh Bạch Hạc Tam Giang, Túc Chinh công chúa.
Nội dung: ngày hội có kết chạ với các làng lân cận - phần tế lễ có phần dâng hương để cúng thành hoàng làng, với lễ vật chỉ cúng bằng cơm tẻ, muối vừng. Phần hội có chơi trò trận giả ném cát.
3. Hội Yên
Thời gian: tổ chức từ ngày 10 tới ngày 12 tháng 2 âm lịch.
Địa điểm: thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Đối tượng suy tôn: Nhằm suy tôn hai vị tướng tài giỏi của Việt vương Triệu Quang Phục là Trương Hống và Trương Hát.
Nội dung: Hội Yên diễn ra lễ cầu mùa (cầu mong mùa màng bội thu), hát quan họ, chạy (kéo) chữ, chơi cướp cầu.
4. Hội Rước Nước Trên Sông Hồng
Thời gian: tồ chức từ ngày 10 tới ngày 12 tháng 2 âm lịch.
Địa điểm: xã Bình Minh, Mễ Sở, Dạ Trạch thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên.
Đối tượng suy tôn: Nhằm tưởng nhớ đức thánh Chử Đồng Tử, Tiên Dung.
Nội Dung: Lễ rước nước, năm nào cũng được tiến hành trên một dải sông Hồng. Theo tục lệ, nước dùng để cúng bái cho cả năm phải là nước được lấy ở giữa sông Hồng. Đi hầu các đám rước là một hoặc hai con rồng vàng lộng lẫy và uy nghi uốn lượn theo nhịp trống phách. Tiếp đó đến đội tế nữ của các bà, các cô xiêm áo rực rỡ, sau đó là bát bửu chấp kích, đội múa bồng vừa đi vừa đánh trống và vừa múa, rồi đến kiệu thánh và kiệu rước chóe để lấy nước sông Hồng.
Lễ rước là một nghi thức tâm linh rất đặc sắc biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân của nền văn minh lúa nước ven sông Hồng. Khi tận mắt chứng kiến mọi hoạt động trong lễ: múa rồng, rước cá, chèo thuyền, rước nước,... sẽ cảm nhận một điều là mọi hoạt động ấy đều có liên quan đến nước.
Thông qua nghi thức rước nước, người dân mong muốn được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
5. Hội Chử Đồng Tử
Thời gian: tổ chức từ ngày 10 tới ngày 12 tháng 2 âm lịch.
Địa điểm: Đền Đa Hòa và đền Dạ Trạch, huyện khoái Châu tình Hưng Yên.
Đối tượng suy tôn: Nhằm tôn vinh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân Tiên Dung Công Chúa và Tây Sa công chúa.
Nội dung: lễ hội Chử Đồng Tử được tổ chức ở hai ngôi đền: Đền Hoa Đà và đền Dạ Trạch.
Đền Hoa Đà: Từ sáng sớm ngày mùng 10 tháng 2, cuộc rước kiệu của 8 xã được xuất phát từ nhiều hướng theo đê sông Hồng tiến về đền Đa Hòa. Đoàn rước của các xã mỗi khi gặp nhau đều có nghi thức chào nhau. Khi đoàn rước tới xã Đa Hòa (nơi có đền Đa Hòa) thì đoàn rước ở Đa Hòa sẽ ra nghên đón và nhập vào thành một đoàn rước lớn tiến về đền làm lễ. Sau khi an vị thánh tại ban thờ các tôn thần, tất cả mọi người sẽ ra sân đại tế để làm lễ khai hội. Sau lễ khai hội, dâng hương là các trò chơi dân gian, các trò chơi vui được diễn ra cả ngày lẫn đêm.
Tại Đền Dạ Trạch: Sáng ngày mùng 10 tháng 2, đoàn rước nước của xã Dạ Trạch và 4 xã bạn (Hàm tử, Yên Phú, Đông Tảo, Tứ Dân) được cử hành từ đền Dạ Trạch tiến về phía sông Hồng lấy nước.
Một cuộc trình diễn du thuyền trên sông và làm lễ lấy nước ở giữa sông Hồng. Kết thúc việc lấy nước đoàn rước lên bờ và rước nước về đền và tiến hành khai hội. Sau khi kiệu rước nước được đưa vào an vị trong đền các kiệu rước Thánh an vị tại sân đền, đội hình ổn định, các đại biểu đến dự đầy đủ. Đoàn rồng tiến qua cầu Tiến vào cửa đền cúi lạy Thánh sau đó lui ra, đoàn múa sinh tiền, múa nón biểu diễn trên cầu. Sau lễ khai hội có nhiều hoạt động vui chơi, múa hát... được tổ chức.
6. Hội Bà Thu Buồn
Thời gian: tổ chức từ ngày 10 tới ngày 12 tháng 2 âm lịch.
Địa điểm: xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Đối tượng suy tôn: Nhằm tôn vinh Bà Thu Buồn (người chăm).
Nội dung: Lễ hội vô cùng độc đáo với các phần tế lễ, đua thuyền tranh tài, rước cộ. Bên cạnh đó hội còn diễn ra các trò chơi vui dân gian như: hát hò khoan đối đáp Thu Bồn Đông, hô hát bài chòi tại chợ Tu Bồn, thi đấu thể thao, cờ người, làm bánh, thi dội nước, gùi nước, gánh nước, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, thi bơi thuyền, chợ ẩm thực với đa dạng các món ăn dân tộc Cà Tu, Chăm... Đêm giữa hội có rước đuốc và thả hoa đăng trên sông, đốt lửa trại hát tuồng.
7. Hội Dinh Võ
Thời gian: tổ chức từ ngày 10 tới ngày 12 tháng 2 âm lịch.
Địa điểm: Đền Dinh Cô, thị trấn Long Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn Dinh Cô (một trinh nữ chết nước).
Nội dung: từ rạng sáng ngày mùng 10 tháng 2 người ta đã bắt đầu viếng Cô. Mỗi người thường cầm trong tay một cành huệ trắng tượng trưng cho sự thành khiết. Đêm ngày mùng 10 tháng 11 là đêm hội hoa đăng, ánh đèn sáng rực hòa cùng ánh trăng. Hàng vạn ghe thuyền quay mũi về Dinh chầu Cô, tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng thâu đêm.
Lễ chính được tổ chức từ rạng sáng ngày 12. Từ chính điện, đoàn người chỉnh tề cờ quạt ra bãi, lên thuyền, ra khơi làm lễ "Nghinh Cô" rất long trọng. Đặc biệt, trong lễ "Nghinh Cô" còn duy trì được hình thức diễn xướng "Hát bả trạo". "Hát bả trạo" có nghĩa là hát có nắm mai chèo, một thể loại dân ca nghi lễ phổ biến của cư dân vùng biển từ Bình Trị Thiên (cũ) đến Bính Thuận. Ngư dân thường tổ chức hát bả trạo trong nghi lễ đưa ma Cá Ông. Ở Long Hải, hát bả trạo lại gắn với lễ "Nghinh Cô".
8. Hội Nghinh Ông
Thời gian: tổ chức từ ngày 10 tới ngày 12 tháng 2 âm lịch.
Địa điểm: Đình Thắng Tam, đường Hoàng Hoa Thám, phường 2, thành phố Vũng Tàu.
Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn Cá Ông.
Nội dung: Lễ hội Nghinh Ông bắt đầu từ sáng sớm với một đoàn người gồm các vị kì lão, kỳ hương... Lên một chiếc ghe lớn (có trang trí hoa, cờ, bàn thờ và bài vị thủy tướng, có đoàn nhạc ngũ âm, chiêng, trống và đội múa lân rộn ràng) đi đến 1 địa điểm đã định để dâng hương, rượu. Sau đó, đoàn thuyền về rước Ông đến lăng, tiếp đến là các lễ cúng Tiền Hiền, Hậu Hiền, đọc văn tế, sắc phong, học trò dâng trà, hoa, rượu... Ngoài ra, trong lễ hội còn có các tiết mục: Võ thuật, múa lân, hát Bội... cùng với nhịp điệu hòa âm của chiêng, trống trong khói hương nghi ngút.
Lễ hội Nghinh Ông là dịp cho ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm và thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn.
9. Lễ Kì Yên (Ở Đình Bình Đông)
Thời gian: tổ chức từ ngày 10 tới ngày 14 tháng 2 âm lịch.
Địa điểm: Phường 7, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.
Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn các bậc dạy (tổ nghề) thôn trong.
Nội dung: Đình Bình Đông nằm trên bờ rạch Bà Tàng, là một trong hai ngôi đình có lượng khách tham quan, lễ bái đông nhất thành phố. Lễ Kỳ Yên thượng diễn ra các hoạt động như: lễ cúng tiên sư tưởng nhớ những bậc thầy dạy nghề trong thôn, lễ tụng kinh cầu an theo nghi thức Phật Giáo , hoàn sắc, lễ tế thần, lễ tế tiền Hiền, Hậu hiền là thế hệ khai hoang lập ấp và xây dựng các công trình phúc lợi cho thôn làng. Phần hội thì có hát bội cúng thần.
10. Hội Đền Sòng
Thời gian: tổ chức từ ngày 10 tới ngày 26 tháng 2 âm lịch (chính hội là ngày 25 tháng 2).
Địa điểm: phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Đối tượng suy tôn: Nhằm tưởng nhớ tới bà mẫu Liễu Hạnh một trong tứ bất tử của người Việt Nam.
Nội dung: Ngày chính hội diễn ra từ 5 giờ sáng kết thúc vào khoảng 12 giờ trưa, nhưng tất cả mọi việc phải chuẩn bị từ trước đó một tháng.
Lễ hội Đền Sòng gồm cả phần lễ và phần hội.
Phần lễ chính là rước Thánh Mẫu từ Đền Sòng đến Đền Chín Giếng và tế nữ quan. Thủ tục trong lễ hội không nhiều nhưng được cắt đặt chặt chẽ và theo một qui trình nhất định. Vật lễ gồm hoa quả, bánh kẹo, xôi gà, xôi thịt. Một số địa phương quanh vùng còn làm nhiều thứ bánh như bánh chưng, bánh lá răng bừa, bánh nếp, bánh mật, bánh trôi đem tới dâng lễ.
Việc cúng lễ, theo tài liệu xưa ghi lại thuộc phụ nữ đảm nhiệm, gọi là Bà Đồng. Bà Đồng thường là những người sống độc thân từ hồi còn trẻ, tự nguyện làm nghề đồng và coi giữ ngôi đền Thánh Mẫu, hầu Mẫu, hầu Thánh bằng nhiều hình thức như lên đồng, nhảy đồng... còn đàn ông thường chỉ đánh đàn và hát chầu văn. Trong thời gian mở hội các bà đồng phải sống riêng biệt: ở ẩn và ăn chay để giữ cho lòng mình luôn thanh sạch.
Ngày nay việc cúng tế không chỉ do phụ nữ đảm nhiệm mà thuộc về các Bản hội. Có nhiều bản hội tới tế lễ như bản hội bà Sang, bà Toàn, ông Hào.v.v... Các bản hội thường tổ chức chuẩn bị và tập luyện trước kỳ khai hội khoảng một tháng. Ngoài ra còn có bản hội ở các tỉnh, thành phố khác về hội lễ như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định...
Trình tự cuộc tế lễ như sau: Già làng Cổ Đạm sau khi thắp một tuần nhang cáo yết cầu Thánh ban cho dân làng một năm an khang vật thịnh... thì bắt đầu tổ chức rước Mẫu. Tượng Thánh Mẫu được ngự kiệu từ chính tẩm rước qua cung Đệ nhị, Đệ tam và rước quanh đền. Việc rước này theo quan niệm của nhân dân là để cho Thánh Mẫu có thể quan sát lại cảnh vật, đất đai, sông núi xưa...
Đi trước đoàn rước là chiêng, trống, rồi đến bàn thờ đặt những lễ vật và đồ tế khí (chỉ có bà đồng mới có đặc ân được gánh trên vai những thứ thiêng liêng ấy). Trên bàn thờ bày biện đồ cúng tế, hòm đựng những đồ giấy màu vàng óng ánh và tô màu sắc tượng trưng cho quần áo, hoa khăn của Thánh Mẫu, tiếp theo sau là kiệu Thánh Mẫu. Mười sáu cô gái đồng trinh trang phục quần áo sặc sỡ đi giật lùi trước kiệu của Đức Thánh Mẫu. Sau kiệu cũng có mười sáu cô gái đồng trinh giơ cao những lư hương, tung hoa, cầm tán che cho kiệu. Các cô gái được chọn tham gia tế lễ đều là những thiếu nữ tuổi từ 14 đến 16 tuổi, nết na, xinh đẹp, gia đình hòa thuận, an khang. Sau khi rước Thánh Mẫu vào chính tẩm an vị, bắt đầu vào tế nữ quan, cuộc tế kéo dài tới nửa ngày.
Phần hội là những trò chơi như đánh vật, võ công, thi hát đối chầu văn. Trước kia các trò chơi tương đối phong phú như múa rồng, đánh cờ, đánh vật, đánh đu, leo dây, múa sư tử. Ngày nay do thời gian buổi lễ rút ngắn lại nên các trò chơi theo đó cũng giảm dần, chỉ giữ lại một số trò độc đáo.
Sau khi được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh Đền Sòng thuộc sự quản lí của Ban văn hóa thị xã Bỉm Sơn. Lễ hội Đền Sòng được thị xã đứng ra tổ chức qui củ hơn nhằm giảm bớt chi phí không cần thiết mà vẫn đảm bảo giá trị cổ xưa của nó.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Đoan Trang(##)