Cụ Nguyễn Công Trứ có làm một bài ca trù vịnh Trần Đoàn như sau:
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Sườn non bầu rượu túi thơ
Thảnh thơi ngồi gẫm cuộc cờ Trường An
Vạc Hậu Chu vừa khi mới đổi
Trần Hi Di lên ẩn núi Hoa Sơn
Mấy mươi năm trong cuộc bùn than
Lửa văn võ chưa rặc lò đan táo
Hà vật lão ẩu
Nặng trên vai hai chúa thái bình
Liếc trông chừng Tống nhật đã khai minh
Mây thúc quí hẳn từ rầy trong leo lẻo
Trần Kiều mộng lý giang sơn tiểu
Vãn quán xuân thâm nhật nguyệt trường
Rượu một bầu, thơ một túi, cờ một cuộc, cầm một xoang
Khi đắc ý gật trên lừa cười ra rả
Ngoài cung kiếm mặc ai xa mã
Luy trần bất đáo thử giang san
Trời riêng cho một cuộc nhàn.
Trong chính sử không thấy nói đến Trần Đoàn, tên ông chỉ được ghi trong dã sử, truyền ký và chính thức trong các sách về tướng pháp và lý số, thành thử đời sau không thể có một tiểu sử liên tục và rõ ràng về ông.
Căn cứ vào bài Ca trù của Nguyễn Công Trứ để lấy thứ tự đồng thời cộng với một số truyền kỳ, ta có thể hình dung một cách đại khái thân thế Trần Đoàn như sau:
Từ nhà Đường chuyển sang nhà Tống trải qua giai đoạn lịch sử quá độ trung ương tập quyền biến ra địa phương hùng cứ rồi chuyển thành đời Ngũ Đại đã rồi nhà Tống mới thống nhất.
Trần Đoàn lớn lên giữa lúc nhiễu nhương binh lửa, giết chóc loạn lạc, ông lên núi tu ẩn để tránh họa. Khi đã nắm được lẽ huyền vi của âm dương, ông thường đi đây đó để tìm anh hùng và chân chúa. Có một lần gặp người đàn bà gánh kĩu kịt trên vai hai đứa trẻ mỗi thúng ở đầu đòn gánh một đứa. Ông mới hỏi: “Hà vật lão ẩu? Này bà gánh kia chi vậy?” Người đàn bà mở nắp thúng cho Trần Đoàn coi rồi thở dài nói: “Tôi dẫn hai con tôi đi chạy loạn đây”.
Vừa nhác trông thấy hai đứa nhỏ, Trần Đoàn đã kêu lên: “Một vai bà mà gánh những hai vị thiên tử sao?”
Lòng ông vui mừng khôn xiết, vì thiên hạ sắp hưởng đời thái bình nên mới có hai vị chân chúa anh hùng xuất thế. Trần Đoàn liền lấy trong bọc ra mười lạng đưa biếu người đàn bà không quen biết rồi lên lưng lừa đi thẳng.
Hậu Chu là gì?
Là Chu Thế Tôn người đi bước đầu trong công cuộc thống nhất nhưng chưa được năm năm đã mất.
Phải đợi đến lúc có vụ binh biến Trần Kiều do hai anh em ông Triệu Khuông Dận và Triệu Khuông Nghĩa (hai đứa trẻ Trần Đoàn gặp trước đây nay lớn lên) cầm đầu đánh dẹp nốt các phương chấn bấy giờ đại nghiệp thống nhất mới hoàn thành.
Khi nghe tin Triệu Khuông Dận là Tống Thái Tổ thì Trần Đoàn đang ngồi trên lưng lừa ngửa mặt cười ra rả nói: “Thiên hạ thái bình rồi”.
Về sau, Tống Thái Tôn tức Triệu Khuông Nghĩa có cho người vời Trần Đoàn ra làm quan nhưng ông từ chối, bỏ vào núi đi mất không ai biết ở đâu.
Gốc thông hỏi chú học trò
Rằng thầy hái thuộc lò mò đi xa
Chỉ trong dẫy núi đây mà
Mây che mù mịt biết là nơi nao
(Tản Đà dịch thơ Giả Đào bài Tầm ấn giả bất ngộ).
Gốc gác khoa Tử Vi có tự bao giờ?
Không ai rõ chỉ biết đời nhà Gia Tĩnh thuộc Minh triều có lưu truyền cuốn Tử Vi đẩu số toàn thư do tiến sĩ La Hồng Tiên biên soạn. Lời tựa ở đầu nói Tử Vi đẩu số toàn thư là của tác giả Hi Di Trần Đoàn.
Bài tựa viết như sau:
“Thường nghe nói cái lý của số mệnh rất huyền vi ít ai biết cho tường tận để mà thuận thụ coi công danh phú quí trên đời đều có mệnh.
Tôi vì muốn biết nên đã tới tận núi Hoa Sơn chỗ ông Hi Di Trần Đoàn đắc đạo để chiêm bái nơi thờ tự của bậc đại hiền. Lúc ra về thì thấy một vị cao niên thái độ ung dung chân thực đưa cho tôi cuốn sách mà bảo: “Đây là Tử vi đẩu số tập của Hi Di tiên sinh”.
Mang về mở ra xem, ban đầu các sao nghĩa lý thật ảo diệu nhưng càng đọc càng thấy lời bàn luận sắc đáng, đem ra đoán thử thấy lời đoán rất thần nghiệm, càng học càng thấy hay lạ. Bất giác phải kêu lên: “Tạo hoá chí huyền chí hư mà soi sáng được đến thế này, nếu con tâm bậc đại hiền không nhập vào với tạo hoá thì làm sao biết nổi. Tinh tú ở xa muôn triệu dậm mà tính hết vào trong một bàn tay, nếu bậc đại hiền không phải là người hung tàng tinh đẩu (trong ngực có tinh đẩu) thì làm sao tính nổi. Ngôi trời ở trên, ngôi đất ở dưới, loài người đứng giữa. Hi Di tiên sinh đã tìm được lẽ con người thiên hợp và lẽ trời nhân hợp qua sự biến hoá của các vi tinh đẩu để tính ra số mệnh hay dở của từng người, nếu không có cái học quán thiên nhân thì ai làm nổi. Hi Di tiên sinh xứng đáng là một bậc cao nhân, một thần nhân vậy.
Bởi thế tôi muốn đem những lời dạy của Hi Di Tiên Sinh phổ biến cho khắp thiên hạ trong cõi thế gian thấp kém này được hiểu cuộc đời là có mệnh số”.
Cuốn Tử Vi đẩu số toàn thư của Hi Di Trần Đoàn do La Hồng Tiên biên soạn chia làm 4 tập:
Tập một và tập ba nói về tính chất ảnh hưởng các sao, các cung vào vận, vào mệnh con người qua các chương: Thái vi phú – Hình tinh phú – Tinh viên luận - Đẩu số chuẩn thắng - Tục hình tinh phú – Phát vi luận - Đẩu số cốt tủy chú giải - Nữ mệnh cốt tủy phú chú giải - Định phú quí bần tiện thập thập đẳng luận – Thập nhị cung chư tinh thất hãm quyết – Chư tinh đắc địa phú quí luận – Chư tinh thất hãm bần tiện luận - Định phú cục - Định quí cục - Định bần tiện cục - Định tạp cục – Đàm tinh yếu luận – Luận nhân mệnh nhập cách - Luận cách tinh số cao hạ - Luận nhân tính cách hà như - Luận nam nữ mệnh đồng dị - Luận tiểu nhi mệnh - Định tiểu nhi thời sinh quyết - Luận nhân sinh thời an mệnh cát hung - Luận tiểu nhi khắc phụ mẫu - Luận mệnh tiền bần hậu phú - Luận đại hạn thập niên họa phúc hà như - Luận nhi hạn thái tuế cát hung - Luận hành hạn phân nam bắc đẩu – Luận lưu niên thái tuế cát hung tinh sát - Luận kinh đà diệt tính - Luận thất sát trùng phùng - Luận đại tiểu hạn tinh thần quá thập nhị cung ngộ thập nhị chi sở kỵ quyết - Luận lập mệnh hành hạn cung ca - Luận thái tuế tinh thần miếu hãm ngộ thập nhi cung cát hung - Luận chư tinh đồng vị viên các tư sở nghi phân biệt phú quí bần tiện yểu thọ.
Tập hai dạy cách lấy số an các sao.
Tập bốn là những lá số của các danh nhân, thường nhân với lời phê.
Về tập hai tức cách an sao lập thành lá số thiết tưởng đã có nhiều sách làm kỹ càng rồi nên ở đây xin bỏ qua tập đó, chỉ nói một vài dị biệt giữa Tử Vi đẩu số toàn thư của Trần Đoàn với những sách Tử Vi ở nước ta. Tập một và tập ba cần chú ý hơn hết, chúng tôi sẽ dịch nguyên văn kèm theo lời bình và chú thích. Dùng chữ bình, chúng tôi tự thấy có vẻ hơi lạm thực ra chỉ là những thắc mắc mà chúng tôi tìm thấy đó thôi. Nhưng chúng tôi sẽ không dịch nguyên văn toàn bộ vì có nhiều điều lập đi lập lại hoặc do mất chữ trở thành vô nghĩa. Đồng thời, chúng tôi cũng đưa thêm vào ít khám phá mới của vài tác giả như Trương Huy Văn với các cuốn “Tử Vi Xiển Vi”, “Tử Vi phát bí”, như “Vô Muộn” với cuốn “Đẩu số mệnh lý tân biên”. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng không để rơi lọt một tinh hoa nào của khoa Tử Vi có ghi trong sách Tử Vi đẩu số toàn thư của Hi Di Trần Đoàn tiên sinh.
NHỮNG THUẬT NGỮ CẦN BIẾT
Bất cứ nghề gì cũng có thuật ngữ, người thợ sửa xe hơi có những tiếng như “pan nóng”, “pan nguội”, “súp bắp”, “đen cô”... Thuật ngữ để chỉ dụng cụ hay tình trạng.
Khoa Tử Vi đẩu số, chữ đẩu đây nghĩa là ngôi sao cho nên tên sao và tính chất sao cùng với sự kết hợp các sao lại thành từng chùm mang những thuật ngữ riêng biệt.
Tử Vi đẩu số có bao nhiêu sao tất cả?
Ghi trong Tử Vi đẩu số toàn thư chỉ thấy nhóm sao chính là 14 vị: Tử Vi – Thiên Cơ – Thái Dương – Vũ Khúc – Thiên Đồng – Liêm Trinh – Thiên Phủ - Thái Âm – Tham Lang – Cự Môn – Thiên Tướng – Thiên Lương - Thất Sát – Phá Quân
Sau đây là các phụ tinh như: Văn Xương – Văn Khúc - Tả Phụ - Hữu Bật – Thiên Khôi – Thiên Việt – Thiên Mã - Lộc Tồn – Kình Dương – Đà La - Hỏa Tinh – Linh Tinh – Hoá Quyền – Hoá Lộc – Hoá Khoa – Hoá Kỵ - Thiên Không - Địa Kiếp – Thiên Thương – Thiên Sứ - Thiên Đức – Nguyệt Đức – Long Trì - Phượng Các – Thai Phụ - Phong Các - Hồng Loan – Thiên Hỉ - Tam Thai – Bát Tọa – Thiên Hình – Thiên Diêu - Đẩu Quân.
Rồi đến chòm sao đi theo Thái Tuế, chòm sao đi theo Lộc Tồn, chòm sao Tràng Sinh. Mỗi chòm 12 vị:
Rồi đến Triệt lộ không vong và Tuần trung không vong cộng lại là 85 vị.
Nhưng sách Tử Vi ở Việt Nam do tổ tiên chúng ta truyền lại thì thấy có thêm nhiều sao khác không ghi trong Tử Vi đẩu số toàn thư của Trần Đoàn như các sao: Đào Hoa – Thiên Tài – Thiên Thọ - Phá Toái – Kiếp Sát – Thiên Y – Thiên Trù – Thiên Giải - Địa Giải - Giải Thần - Địa Không – Ân Quang – Thiên Quí – Cô Thần - Quả Tú – Lưu Hà – Thiên Quan – Quí Nhân – Thiên Phúc.
Tổng cộng lại là 104 vị.
Các cụ đã căn cứ vào đâu mà thêm vào không hiểu hoặc giả sách Tử Vi đẩu số toàn thư chính bản đã sang bên ta, nên bản lưu bên chính quốc bị ghi chép thiếu sót. Nếu vậy, tại sao không có những lời giải rõ ràng về các sao: Giải Thần - Địa Giải – Thiên Trù – Thiên Giải mà chỉ có vài lời nghe thật gượng ép. Trừ sao Đào Hoa thì có thể nói Tử Vi đẩu số toàn thư bị thiếu, vì sao này rất quan trọng trong phép tính số Tử Bình và cách an sao không khác phép tính số Tử Vi.
Tính (sao) còn gọi là Diệu. Ví dụ 14 sao thuộc chòm Tử Vi Thiên Phủ là chính diệu (sao chính) nếu cung mệnh không có sao chính thì gọi là mệnh vô chính diệu.
Sách đẩu số mệnh lý cho rằng: Tả Phụ - Hữu Bật – Văn Xương – Văn Khúc - Lộc Tồn cũng là chính tinh nữa. Còn cổ truyền khoa Tử Vi của ta thì căn cứ vào Tử Vi đẩu số toàn thư nên chỉ có 14 vị là chính tinh mà thôi.
Các sao: Kình Dương – Đà La - Hỏa Tinh – Linh Tinh – Thiên Khôi – Thiên Việt gọi là Thiên diệu.
Hoá Lộc – Hoá Quyền – Hoá Khoa – Hoá Kỵ gọi là hoá diệu hay tứ hoá.
Ngoài ra các sao khác là tạp diệu.
Lại có những tên gọi riêng như Tứ Cát (bốn sao tốt) là Lộc, Quí (gồm Khôi Việt), Quyền, Khoa.
Tứ hung hay tứ sát (bốn sao hung) là Hỏa, Linh, Dương, Đà.
Những sao đi đôi, đi cặp là: Tử Phủ (hay Tử Vi – Thiên Phủ), Tử - Tướng, Phủ - Tướng, Nhật - Nguyệt, Tả - Hữu, Xương – Khúc, Không - Kiếp, Hỏa – Linh, Dương – Đà, Khôi - Việt.
- Tam hợp là gì?
Mỗi lá số tử vi có 12 cung theo 12 chi, mỗi cung khi tính sao được tính theo tam hợp tức là hội các sao của 3 cung lại. Ba cung nào? Phải theo nguyên tắc sau: Thân Tý Thìn, Tị Dậu Sửu, Hợi Mão Mùi, Dần Ngọ Tuất.
- Lục xung là gì?
Tý - Ngọ xung, Sửu – Mùi xung, Dần – Thân xung, Mão - Dậu xung, Thìn - Tuất xung, Tị - Hợi xung.
- Thủ đồng là gì?
Một chính tinh đóng ở mệnh cung là thủ mệnh. Hai chính tinh đóng ở mệnh là đồng cung hoặc đóng ở các cung khác cũng vậy.
- Lâm - Nhập là gì?
Hai chữ trên mang cùng một nghĩa, nhưng sao tốt đóng ở đâu gọi là Lâm, sao xấu đóng ở đâu gọi là nhập.
- Miếu – Hãm là gì?
Mỗi sao cần phải đứng tại vị trí đúng chỗ của nó, đứng sai chỗ gọi là Hãm, đứng đúng chỗ gọi là Miếu. Còn có những danh từ khác chỉ sự đúng chỗ như vượng địa, đắc địa, tuy nhiên miếu địa vẫn là nhất. Đúng chỗ mới lợi, sai chỗ vô ích hoặc bất lợi, Ví dụ: vua Văn Vương bị bắt giam trong tù, Tỉ Can đi thờ vua Trụ.
- Tọa - Cứ là gì?
Tọa chỉ sao tốt ngồi tại cung nào.
Cứ tức chiếm cứ chỉ sao xấu xâm nhập tại cung nào.
- Bản phương - Hợp phương – Lân phương là gì?
Bản phương là cung chủ yếu ta căn cứ vào đó để tính. Ví dụ: Mệnh ở cung Mão thì Hợp phương theo tam hợp thì có Hợi và Mùi.
Còn lân phương là cung bên cạnh. Ví dụ: Thìn và Dần là lân phương của Mão.
- Triều và xung là gì?
Sao tốt đóng tại cung khác theo tam hợp và chiếu hướng về cung chủ yếu gọi là Triều. Sao xấu cùng một trường hợp trên gọi là Xung. Riêng sao Thái Âm, Thái Dương không dùng chữ Triều mà dùng chữ Chiếu. Riêng sao Lộc Tồn và Hoá Lộc không dùng chữ Triều mà dùng chữ Củng.
- Giáp - Chiếu - Hiệp là gì?
Các sao tốt đóng hai cung bên cạnh cung mệnh (lân phương) gọi là Giáp.
Ví dụ: giáp Nhật - Nguyệt, giáp Tả - Hữu
Chiếu là sao ở cung đối xung ảnh hưởng tới, ví dụ: Ngọ chiếu Tị, Dậu chiếu Mão hoặc ngược lại.
Về câu: “Chính không bằng Chiếu, Chiếu không bằng Giáp” không thể áp dụng cho bất cứ sao nào.
Ví dụ: Thái Âm, Thái Dương cần Chiếu, Tả Phụ, Hữu Bật cần Giáp.
TỨ YẾU - THẬP DỤ - BÁT PHÁP
Các sao phân phối đóng tại 12 cung, biến hoá vô cùng. Có bốn điểm trọng yếu để phân biệt:
a). Cát hung – b). Hư thực – c). Chủ khách – d). Cường nhược.
Sao có sao thiện, sao ác, thiện là cát tinh, ác là hung tinh. Hung hay cát không phải chỉ căn cứ trên tính chất mỗi vị sao mà còn căn cứ trên chỗ đứng của nó đúng hay sai, miếu địa hay hãm địa.
Hư thực thế nào? Sao tốt làm miếu địa mới là thực cát, thực cát thì không hung dù gặp hung cũng chẳng sợ. Sao xấu rơi vào hãm địa mới là thực hung, thực hung thì không cát, dù gặp cát cũng khó lòng giải. Sao tốt ở hãm địa là hư cát, hư cát là không tốt, còn có thể biến cát thành hung. Sao xấu ở miếu địa là hư hung, hư hung là không hung, còn có thể biến hung thành cát.
- Chia chủ khách ra sao?
Lấy các sao ở bản phương làm chủ, các sao tại cung tam hợp hay xung chiếu là khách. Nếu như bản phương không có chính tinh tức không có chủ thì phải mượn sao ở cung xung chiếu làm chủ, các sao cung tam hợp làm khách. Trong trường hợp cả hai cung xung chiếu cung vô chính tinh thì chỉ lấy sao khách mà luận cát hung.
Cường nhược đây ý nói cường nhược trong tương quan chủ khách. Khách với chủ đều tốt là khách chủ tương đắc hay khách chủ đều xấu là một bầy bạo nguợc thì khỏi phải đặt vấn đề cường nhược. Chủ khách vừa hung vừa cát thì phải xét chủ mạnh hay khách mạnh. Nếu chủ mạnh thì khách theo chủ, nếu chủ yếu thì khách kéo chủ đi. Cát cường cát thắng, hung cường hung thắng.
Thập dụ là gì? Là mười điều căn bản cho việc xem số ở mỗi cung cùng với cát cung tam hợp và cung xung chiếu:
1). Bản phương tốt (cát) “do nội tự cường” mạnh từ bên trong mạnh ra.
2). Bản phương xấu (hung) là “tòng căn tự phát” hư từ gốc rễ.
3). Cung xung chiếu tốt là “nghênh xuân tiếp phúc” chờ xuân đón phúc.
4). Cung xung chiếu xấu là “đương đẩu ác bổng” giơ đầu chịu búa đập.
5). Cung tam hợp tốt là “tả hữu phùng nguyên”, lắm chân tay giúp đỡ.
6). Cung tam hợp xấu là “tả hữu thụ địch”, địch từ bên phải, bên trái đánh tới.
7). Lân phương (cung đằng trước đằng sau) tốt là “lưỡng lân tương phù” hai bên hàng xóm phù trợ.
8). Lân phương xấu là “lưỡng lân tương vũ, hai bên hàng xóm mưu hại.
9). Cả bốn cung cùng tốt là “ Thiên tường vân tập” mây ngũ sắc kéo về chầu.
10). Cả bốn cung cùng xấu là “tứ diện sở ca” bị vây tứ phía không lối thoát.
Bát pháp là tám lối định cách cục khi xem sổ. Mệnh ai cũng thế, đều có cách cục ví như hình vuông, hình tròn, to, nhỏ, đẹp, xấu, lành vỡ của đồ vật. Cách cục của mệnh nói cho hết thì nhiều vô cùng nhưng đây dùng lối quy nạp để đưa thành tám lối. Chia ra như sau:
A. Thành phá tứ pháp:
Phàm mệnh thân bản phương có sao tốt gặp các sao khác ở cung tam hợp và xung chiếu nếu gặp:
- Khoa Quyền Lộc Quí thì kể như cách cục thành, đáng phê mấy chữ “giao long đắc vận vũ” (con rồng gặp mây nước).
- Nếu gặp tứ hung Hỏa Linh, Dương Đà thì kể như phá cách loại “miêu nhi bất tú” (chỉ nẩy mầm mà mầm không xanh tốt).
- Nếu vừa gặp tứ hung lẫn tứ cát thì kể như trong thành có phá, chẳng khác chi “bạch khuê hữu điềm” (viên ngọc trắng bị vết nứt, vết mẻ).
Cả tứ hung lẫn tứ cát đều không thì kể là cách chưa thành nhưng không bị phá, chờ xem hạn ra sao giống như “hỗn kim phác ngọc” (vàng còn lẫn các khoáng chất tạp nhạp, ngọc chưa được lấy ra khỏi đá).
B. Cửu khí tứ pháp:
Phàm mệnh thân cung mà các cung xung chiếu tam hợp đều có hung nếu:
- Gặp Lộc Quí Quyền Khoa là cứu cách, hạn hán lâu ngày được cơn mưa “cửu hạn phùng cam vũ”.
- Gặp Hỏa Linh Dương Đà là khí cách (bỏ đi), cây gỗ mục không thể khắc đẽo làm gì được “hử mộc nan điêu”.
- Gặp vừa tứ cát vừa tứ hung là vừa cứu vừa khí cách, giống như ăn gân gà “thực kê lặc”.
- Không gặp cả tứ cát lẫn tứ hung là cách “thủ tàu bão khuyết” nấn ná đợi thời.
CHƯ TINH VẤN ĐÁP LUẬN
Các sao trong Tử Vi đẩu số chia làm 3 loại: Thiện cát, hung ác, và hoà giải. Tuy nhiên, đừng quên rằng sự sắp xếp vị trí của sao trong lá số mới quan trọng về cát hung chứ không phải chỉ căn cứ vào bản chất cố hữu của từng sao vì như đã nói ở trên dịch lý là biến, biến cát thành hung, hung thành cát tùy theo mỗi sao ở miếu hay hãm địa.
Sách có câu: “Cát tinh nhập miếu tắc vi cát, hung tinh thất địa tắt vi hung” là nghĩa vậy. Tất sẽ có người thắc mắc hỏi: “Nếu phải chờ miếu hãm rồi mới định cát hung, rồi hung biến cát, cát biến hung thì còn phân định sao thiện cát, hung ác làm gì cho rắc rối?”.
Người xưa giảng rằng: “Bản chất cố hữu của sao rất cần, nếu ta luận nó qua quan niệm “tính mệnh” tính thế nào, mệnh sẽ do tính mà thành. Người có nhiều hung tinh mà vinh hiển thường vất vả, gian nan. Người có nhiều cát tinh thường đến với vinh hiển dễ dãi hơn, từ từ và chắc chắn, trong khi hung tinh đắc cách phát dã như lôi, lên như sấm sét thật đấy nhưng cũng phải vượt nhiều hiểm nguy.
Xét vị trí xong rồi, điểm quan trọng thứ hai là tìm hiểu những sao bạn đi cặp với sao chủ. Bạn hư chủ hỏng.
Về khả năng hoá giải cả sao hung lẫn sao cát đều có. Nhưng sao cát thường ở vai trò này nhiều hơn sao hung. Một khi sao hung đã được giao phó nhiệm vụ hoá giải, nó sẽ thi hành triệt để hơn sao cát.
Do những lẽ kể trên, khi luận về các sao phải lưu ý nhiều mặt chỉ sơ một ly sẽ sai đi một dặm.
Tử Vi khác với Tử Bình, ở chỗ cái lý nó tản mạn không có nguyên tắc nhất định, dĩ nhiên, nếu bây giờ được ông Hi Di Trần Đoàn mà nói chuyện trực tiếp thì nguyên tắc nhất định kia tất phải có. Chỉ vì nó tam sao thất bản mất mát hay bị bí truyền nên mất đi đó thôi. Bởi thế xem Tử Bình chỉ cần thuộc lý ngũ hành cho chắc rồi cứ thế luận ra.
Còn xem Tử Vi thì lý ngũ hành không tìm thấy mấu chốt vững chắc để làm cơ sở luận bàn cho nên phải thuộc từng sao, từng cung, sao nào ở chỗ nào, nếu hãm, đắc địa, bất đắc địa để hạ đoán.
Ví dụ: trong chương “Đẩu cốt số tủy phú” quyển I của Tử Vi đẩu số toàn thư có câu: “Tham Vũ mộ trung cư, tam thập tải phát phúc” nghĩa là: Sao Tham lang, Vũ khúc đóng tại mộ địa (Thìn Tuất Sửu Mùi) ở mệnh cung thì ngoài ba mươi tuổi mới phát.
Rồi ở dưới lại thấy có câu giảng rằng:
“Tham vũ bất phát thiếu niên nhân” (Sao Tham Vũ đi đôi, tuổi thiếu niên không phát được).
Câu phú trên đây dùng lý ngũ hành âm dương nào mà giảng nếu không nắm được cái nguyên lý ngũ hành đã mang ra áp dụng riêng cho khoa này. Mà cái nguyên lý ấy cho đến nay vẫn chưa thấy ai làm sách giảng ra, sở dĩ như vậy là vì nguồn gốc của nó bị thất lạc rồi. Rút cuộc đoán số trước sau Tử Vi chỉ có một chỗ bám vững chắc nhất là các câu phú và những định lý làm sẵn. Có thể ví như định lý tất cả mọi vật đều rơi xuống mà không có lời giảng nguyên nhân rơi xuống của mọi vật là sức hút của trái đất.
Dưới đây là tính chất của các sao cùng các cung miếu hãm của mỗi sao ghi trong các chương “Chư tinh vấn đáp luận”.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Bích Ngọc (##)