Những quan niệm phổ biến về Tử vi
Tử vi giống như một môn toán thống kê (thống kê thể hiện ở sự tích luỹ và tổng kết những trường hợp, sự việc để đưa ra kết luận) và những tính chất của các sao trong Tửvi chủ yếu mang tính chất định tính chứ không phải định luợng rõ ràng: ví dụ khi sao Thai - Toạ đóng cung Điền trạch thì tiên đoán trước hình ảnh nhà cửa cao rộng nhưng cao bao nhiêu, rộng thế nào thì khó mà xác định được; Thiên mã là di chuyển nhưng di chuyển thế nào, bao xa thì cũng rất khó xác định. Nên bắt buộc người xem Tửvi phải nghiên cứu, tổng hợp được nhiều lá số, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm mới có thể đưa ra những giải đoán chính xác - mà kinh nghiệm thường đi liền với tuổi tác. Kính trọng người già cũng là một truyền thống văn hoá của người Việt. Không bị giới hạn đối tượng và được kiểm chứng bằng kinh nghiệm của nhiều thế hệ nên tính đúng của Đạo Học thường khá cao.
Một lý do khác không kém phần quan trọng là do trước đây tài liệu bằng chữ quốc ngữ không nhiều. Với tâm lý vọng cổ của đại đa số những người nghiên cứu về văn hoá phương Đông, tôn trọng cổ nhân, tin tưởng tri thức của cổ nhân, thích được đọc sách cổ để hiểu sâu hơn về Tử vi. Nhưng phần lớn sách vở đó được viết bằng chữ Hán, để hiểu được, người nghiên cứu phải học chữ Hán. Biết chữ Hán còn đồng nghĩa với việc có thể đọc được nhiều tài liệu khác viết về Kinh Dịch, Tứ Trụ, Độn Giáp, Lục Hào, Tướng Pháp, Phong Thuỷ, Y học…..và đặc biệt là sách vở của Nho giáo. Từ đó ít nhiều do bị ảnh hưởng tư tưởng của Nho giáo nên những ông thầy Tử vi thường mang dáng dấp của một nhà Nho phong kiến. Những môn khoa học cổ phương Đông có chung nền tảng từ thuyết Âm - dương ngũ hành, vì vậy có sự tương đồng, liên quan với nhau nên họ thường thông thạo cả Nho, Y, Lý, Số làm cho mọi người càng thêm kính phục. Tuy nhiên có một vấn đề đáng quan tâm ở đây là có sự pha trộn kiến thức không hợp lý giữa các môn lý số. Việc tìm hiểu nhiều sẽ giúp cho người nghiên cứu có sự nhìn nhận khái quát hơn trong việc lý giải Tử vi nhưng cũng dễ dẫn đến tình trạng sử dụng kiến thức của nhiều môn khác để lý giải lá số Tửvi một cách gượng ép.
Vì biết nhiều môn nên khi dùng Tử vi mà không lý giải được nguyên nhân của sự việc, những người này không chuyên nhất theo đuổi khám phá những quy luật của Tửvi mà dễ dàng sử dụng Kinh Dịch, Tứ trụ hay Kỳ môn độn giáp để phụ đoán. Xuất phát từ mục đích khác nhau nên mỗi hệ thống khác nhau đều có cấu tạo khác nhau vì vậy chúng không dễ dàng trộn lẫn. Người có kiến thức uyên thâm thì sẽ thấy sự bất hợp lý và tìm được sự lý giải đúng, người khác thì sẽ cho rằng Tử vi có kỳ cách không rõ ràng hoặc là sẽ lý giải một cách chủ quan. Nhiều khi những người này giải đoán đúng không phải là do dùng Tử vi mà do sử dụng Bói Dịch, Tứ trụ, Độn Giáp hoặc là do cảm nhận chủ quan của cá nhân. Quan điểm sử dụng các quẻ Kinh Dịch áp vào lá số Tửvi để giải đoán là một sai lầm. Đây là hệ quả của việc coi Kinh Dich là “Quần thư chi thủ” (Quyển sách đứng đầu, bao trùm kiến thức của tất cả sách vở).
Tuy cùng xuất phát từ triết lý Âm dương nhưng Bát quái và Ngũ hành được hình thành từ hai hình thức tư duy khác nhau, tư duy tổng hợp biện chứng coi trọng mối quan hệ của các hiện tượng sự vật (ngũ hành) còn tư duy phân tích lí tính coi trọng các yếu tố của hiện tượng sự vật (bát quái). Nhưng tại sao nó lại vẫn có sự hợp lý. Hợp lý bởi vì chúng cùng phản ánh những điều tất yếu, mà đã là tất yếu thì tất nhiên là phải đúng. Giống như “mặt trăng” và “moon”, cả hai đều phản ánh đúng một sự vật. Nhưng hình thức biểu diễn của tiếng Anh “moon” là ngôn ngữ biến hình còn “mặt trăng” của tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập. Khi áp dụng các quẻ Kinh Dịch để luận giải Tửvi là không hợp lý, vì hình thành trên nền tảng tư duy hoàn toàn khác nhau nên trong hệ thống tư duy của Tửvi chúng không tạo ra sự thống nhất - các sao trong lá số Tửvi không bao giờ được xem xét một cách độc lập như quẻ Dịch để xác định tính chất của nó mà luôn luôn được định hình trong mối quan hệ tổng hợp với nhau.
Nếu sử dụng phương pháp này thì khó có thể lý giải chi tiết lá số Tử vi theo một hệ thống hoàn chỉnh. Chính sự đa phương tiện trong nghiên cứu là một nguyên nhân làm cho Tửvi trở nên khó hiểu. Hệ quả của những lý giải gượng ép làm sản sinh ra hàng loạt những câu phú vô nghĩa, không phản ánh đúng sự thật. Người tìm hiểu về Tử vi dễ bị lầm lạc khi nhận ra là cùng một sự việc Nhan Hồi chết yểu nhưng có đến cả chục câu phú đoán tồn tại:
Nhan Hồi yểu chiết, Văn xương hãm ư Thiên thương
(Đẩu số cốt tuỷ phú giải)
Nhan Hồi yểu tử do hữu Kiếp Không Đào Hồng Đà Linh thủ mệnh.
(Thái Vân Trình)
Kỵ tinh Xương Khúc đồng hương
Nhan hồi số ấy nghĩ thương anh tài
Sát (Thất sát) lâm tuyệt địa hội Dương - Đà Nhan hồi yểu chiết
(Thái Thứ Lang)
Nhan Hồi chết vì cách nào đây? hay là việc cho rằng cách này chỉ áp dụng với tuổi này, tuổi kia như:- “ Xương - Khúc sinh nhân Kỷ Tân Nhâm hạn Thìn - Tuất đáo đầu hà” người tuổi Kỷ, tuổi Tân, tuổi Nhâm mệnh có Văn xương, Văn khúc hạn đến cung Thìn, Tuất thì chết vì sông nước.
Sát Kình ở tại Ngọ cung,
Tai ương thảm khốc chờ trong cuộc đời.
Nhưng Giáp Kỷ là người cái thế,
Bậc anh hùng địa vị thênh thang.
(Tửvi thực hành - dịch lý huyền cơ)
Mệnh ở cung Ngọ có Thất Sát, Kình Dương thì trong cuộc đời phải gặp tai ương thảm khốc, có sách còn chú giải là chết chém. Nhưng nếu người tuổi Giáp, tuổi Kỷ thì lại là bậc anh hùng có địa vị lớn.
Liêm: Mùi Sửu cùng vì Thất Sát,
Tuy cang kiên nhưng chắc chết đường;
Nhưng mà Kỷ, Ât sinh nhân
Anh hùng trí dũng mười phần khá khen.
(Tửvi thực hành - dịch lý huyền cơ)
Mệnh ở cung Sửu, cung Mùi có Liêm trinh, Thất Sát tính khí kiên cường nhưng phải chết đường. Nhưng người tuổi Kỷ, tuổi Ât thì lại là anh hùng trí dũng song toàn.
Hoặc như việc đưa cả những kinh nghiệm của tín ngưỡng dân gian và những tổng kết của môn Tứ trụ vào Tử vi để giải đoán như: trẻ em sinh giờ “quan sát”, giờ “kim xà thiết toả” hay bị yểu chiết; mệnh Mộc sinh vào mùa xuân, mệnh Hoả sinh vào mùa Hạ, mệnh Kim sinh vào mùa thu, mệnh Thuỷ sinh vào mùa đông thì vượng; tuổi Dần, Ngọ, Tỵ, Dậu mà sinh giờ Thìn Tuất, Sửu, Mùi thì rất độc; tuổi Thìn, Tỵ, Sửu, Mùi sinh giờ Tí, Ngọ, Mão, Dậu, Tỵ Hợi, Thân thì khắc mẹ…
Những người đưa ra cách lý giải này đã thực sự không hiểu rằng tuy các môn khoa học cổ cùng được xây dựng trên một nền móng là thuyết Âm dương - ngũ hành nhưng vì để đạt được những mục đích khác nhau nên chúng phải có sự biến đổi cho phù hợp với hệ thống. Tửvi cũng hình thành từ lý thuyết âm - dương Ngũ hành nhưng những chi tiết biểu diễn này đã vượt qua cả sự định tính của Âm - Dương ngũ hành mà đã đạt đến lý tính, tức là dùng Lý để suy - Những tính chất Âm - dương ngũ hành của các thông số đầu vào là can - chi năm, tháng, ngày, giờ sinh khi qua hệ thống Tửvi đã được xử lý biến đổi thành hơn 100 sao có tính chất riêng không còn phụ thuộc vào tính chất của ngũ hành ban đầu, không phân biệt vào việc cá nhân sinh vào năm nào, giờ nào mà chỉ phụ thuộc vào kết cấu của các cung, các sao trong lá số - ví dụ dựa vào quy luật sinh khắc của Âm - Dương Ngũ hành để xác định vị trí của sao Thiên mã, nhưng Thiên mã trên lá số Tửvi không còn là kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ mà là xe, là ngựa, là sự di chuyển… .
Nên khi không lý giải được tại sao cùng vào hạn Khoa - Quyền - Lộc có người thăng quan phát tài, có người thì lại gặp tai nạn rủi ro nên họ đã gán ghép cho đó là tại tính chất của ngũ hành Kim phạt Mộc, Hoả luyện Kim, hay Kim sinh Thuỷ…..thấy người được thăng chức có Hoá Quyền ở cung Thân, Dậu nên cho rằng Hoá Quyền có tính chất ngũ hành kim ở Thân, Dậu là lợi địa, còn cũng gặp hạn Hoá Quyền nhưng bị mất chức tai nạn nên cho rằng Hoá Quyền ở cung Tỵ, Ngọ là thất lợi vì hoả luyện kim. Nhưng cũng Hoá Quyền ở người khác nó lại là Mộc, hoặc có sách cho sao Linh Tinh có tính chất ngũ hành là Kim, sách khác lại cho là tính Hoả.
“Mỗi sao có một hành riêng. Hành này góp phần tăng cường hay chế giảm ý nghĩa của sao. Một sao có hành tương hợp với cung toạ thủ thì đắc địa, tương khắc thì hãm địa. Đắc địa, sao sẽ mạnh nghĩa hơn. Hãm địa, ý nghĩa bị kém đi hoặc mất hẳn. Giữa hai sao cũng vậy, nếu gặp tương sinh về ngũ hành thì hai sao cùng đắc thế, ý nghĩa sao này phụ trợ cho ý nghĩa sao kia: nếu gặp tương khắc thì hai sao tương nghịch, ý nghĩa sao này làm giảm thiểu ý nghĩa sao kia. Thành thử sức mạnh của một sao không hoàn toàn phụ thuộc sao đó, mà còn lệ thuộc vào quy luật sinh khắc ngũ hành với cung và sao khác. Nhờ quy luật sinh khắc ngũ hành trong các sao, khoa Tửvi đã đẩy mạnh sự phân tích đến trình độ hết sức khúc chiết, đề cao sự tương quan giữa các yếu tố nhỏ, diễn xuất được những uẩn khúc vi tế hơn nữa của các yếu tố nhỏ ” (Tửvi tổng hợp - Nguyễn Phát Lộc)
….Cứ như vậy, mỗi người một kiểu lớp sau tiếp nối lớp trước và khi gặp sự khó khăn trong lý giải thì cho đó là “kỳ cách” (Cách cục kỳ lạ không lý giải được) hoặc sẽ lại ghép cho các sao một tính chất ngũ hành khác để cho phù hợp với sự lý giải có tính chủ quan của mình. Hoặc sáng tạo ra phương pháp Tự Hoá, hay như trường phái Thiên Lương cho rằng tuổi Nhâm có Hoá kỵ an cùng Tả phù, thậm chí như tác giả của cuốn sách “Tửvi thực hành” - Dịch lý huyền cơ - còn cho rằng “khoa Tửvi chỉ nhằm sắp đặt các vị tinh tú bao quanh thái dương trong một hệ luân chuyển của thời gian và không gian để tìm ra cái ảnh hưởng vận chuyển của nó đối tác động đến một con người” - Tử vi là sự tích hợp của nhiều môn chứ không hoàn toàn chỉ dựa trên Thiên văn học, có nhà thiên văn nào chỉ ra được trên bầu trời sao Hoá khoa, Hoá lộc, Hoá quyền và sao nào là của ông vua còn sao nào là của thường dân, tất cả chỉ mang tính biểu tượng. Hệ thống nào ít nhiều cũng có lỗi, nhưng lỗi hệ thống không phải nằm ở sự lý giải có tính chủ quan như vậy. Tuy còn nhiều hạn chế nhưng chính tác giả của “Tử vi tổng hợp”.
Nguyễn Phát Lộc cũng đã đề cập đến sự mâu thuẫn khi áp ngũ hành cho các sao “trong một cung , ít ra cũng phải có 6, 7 sao thuộc 5 hành khác nhau, tác động lẫn nhau và tác động với hành cung, tạo thành một liên hệ phản xạ chằng chịt, khiến cho nhiều người bị lạc vào mê hồn trận, kiểu như Bát quái trận đồ của Khổng Minh vậy. Ngũ hành tương sinh theo một vòng kín, không có khởi điểm: Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ, rồi Thuỷ trở lại sinh Mộc. Cái vòng đó cũng không có dứt điểm. Nó giống như một lối nói bình dân cho rằng “kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kỳ nhông”, rốt cuộc không biết con nào làm chúa. Cái vòng sinh khắc của ngũ hành cũng luẩn quẩn như vậy. Nó làm cho Tử vi khó đoán”.
Tư tưởng cho rằng Tử vi không thể đoán số cho người tu hành cũng là một sai lầm. Con người được hình thành từ vật chất, mà vật chất thì phải tuân theo những quy luật vận hành của vật chất. Nhà tu hành cũng là người, cũng được tạo nên từ xương, từ thịt, cũng phải ăn để sống nên cũng không thể thoát khỏi những quy luật sinh, lão bệnh, tử. Vạn vật trên Trái đất này đều phải chịu sự tác động của những quy luật vận hành trong trời - đất như nắng nóng - mưa lạnh, ban ngày thuỷ triều xuống - ban đêm thuỷ triều lên, nhảy lên cao phải rơi xuống thấp… Những quy luật đó đã được con người xây dựng thành học thuyết Âm - dương ngũ hành - “thiên địa vạn vật nhất thể, vũ trụ làm sao con người làm vậy, con người là một tiểu vũ trụ, từ đó suy ra rằng các mô hình nhận thức đúng với vũ trụ cũng sẽ đúng cho lĩnh vực con người”.
Tử vi được xây dựng từ nền tảng học thuyết Âm dương - Ngũ hành để lý giải cuộc sống con người, nên chỉ trừ khi thoát ra khỏi quỹ đạo của Trái Đất, thoát ra khỏi sự tác động của các quy luật vận hành của Trái Đất nhà tu hành mới thoát ra khỏi tầm kiểm soát của Tử vi.
Bây giờ ít người xem Tử vi còn thông thạo cả Nho, Y, Lý, Số, nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ thường phục vụ kèm theo việc cúng bái, viết sớ, bày đặt chuyện dâng sao giải hạn hoặc cầu phúc, cắt tiền duyên, di cung hoán số một cách thái quá….tuyên truyền mê tín dị đoan hòng trục lợi nên càng làm cho Tử vi trở nên thần bí, khó hiểu trong con mắt của nhiều người.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Thanh Vân (##)