Bài viết tìm hiểu nguồn gốc khoa Tử Vi của tác giả Hoàng Quân rất hay. Mời mọi người cùng tham khảo!
Tử Vi, Tứ Trụ, Xem Tướng, Gieo quẻ, Xem bói, Phong Thủy, 12 con giáp, 12 cung hoàng đạo
Bài viết của G.S Hoàng-Quân
A- Nguồn gốc khoa Tử-Vi
- Tranh luận về khoa Tử -Vi hiện nay, người ta có ba giả-thuyết về nguồn gốc của nó:
- Giả-thuyết thứ nhất: Nói rằng đời người có nhiều sự kiện. Các sự kiện khi giao huy với nhau thành ra sự kiện mới. Trong khoa Tử-Vi, mỗi sao biểu tượng cho một sự kiện đó.
- Giả-thuyết thứ hai: Khoa Tử-Vi là một số sự kiện. Nguyên lý của khoa Tử-Vi không giải-thích được. Các ngôi sao chỉ giao huy với nhau trên một tờ giấy.
- Giả-thuyết thứ ba: lại cho rằng nguyên lý của khoa Tử-Vi là Dịch lý. Hi-Di tiên-sinh đã căn cứ vào Dịch lý mà san định ra Tử-Vi. Như đã trình bày ở trên: Các nhà nghiên cứu Tử-Vi ít để ý đến lịch-sử nguồn gốc của nó. Nên diễn tiến lịch-sử bị bỏ quên. Người đời nay muốn tìm, rất khó khăn, nên mới có những giả-thuyết đặt ra theo trí thông minh sâu sắc mà suy diễn.
Trở lại với nguyên lý khoa Tử-Vi, ta hãy căn cứ vào đoạn đối đáp sau đây của Tống-Thái-Tổ với Hi-Di tiên-sinh:
“.. Quả nhân đã đọc Tử-Vi Tinh-Nghĩa kinh do tiên-sinh ban cho. Tiên-sinh là Thần Tiên khác phàm, trên cảm cùng trời, dưới thông cùng nhân gian. Tiên-sinh đã khải ngộ đặt ra từ bao giờ vậy?
Ðáp:
- Không phải bần đạo đâu. Không phải bần đạo đâu. Khoa Tử-Vi uyên-nguyên từ đời Ðông-Tấn. Qua đời Lục-Triều vẫn chưa có qui-tắc nhất định. Ðời Ðường thịnh trị mấy trăm năm, không ai để tâm đến. Vừa qua thiên-hạ đại loạn, thế sự thăng trầm, chết sống vô định, nên Tử-Vi được san định lại. Bần đạo nhân học 6 khoa Thiên-Văn, Lịch-Phổ, Ngũ-Hành, Ngũ-Sự, Tạp-Chiêm và Hình-Tượng thấy cùng một gốc ở vũ-trụ biến dịch, nên tập lại vậy. Xưa kia các vị Chúc-Quan đã tốn nhiều tâm lực nghiên-cứu ra đây... (Triệu-thi Minh thuyết Tử-vi kinh, chương 1).
Như vậy, nguồn gốc khoa Tử-Vi rất xa, và nguyên-lý của nó ở 6 khoa và gốc ở vũ-trụ.
B– Sáu khoa tạo thành Tử-Vi
Uyên-nguyên khoa Tử-Vi là ở 6 khoa cổ trong thời kỳ văn-hóa sơ khai của Trung-Hoa. Thời đại thượng cổ Trung-Hoa: Hoàng-Ðế, Hạ-Vũ, Tây-Châu, Xuân-Thu, tính ra khoảng 2502 năm ( Từ 2752 đến 250 trước Tây-lịch) nói về tư tưởng rất kính sợ trời. Giữa trời và người có sự liên-hệ quan trọng, được biểu dương bằng câu:
Thiên nhân tượng dữ.
Nghĩa là giữa trời và người có cùng mối liên quan với nhau.
Kinh-Thư nói: Thiên sinh chúng dân.
Kinh-Thư nói: Duy Thiên âm chất hạ dân.
Lễ-Ký nói: Vạn vật bản hồ Thiên - Trời có toàn quyền soi xét khắp nơi, trời có phép tắc trị muôn vật, làm khuôn phép cho mọi ngươì, tức là cái nền tảng đạo đức.
Kinh-Thi nói:
Thuợng đế lâm hạ hữu hách
Giám quan tứ phương.
Lại nói:
Thiên giám tại hạ.
Thiên sinh chúng dân.
Hữu vật hữu tắc.
Kinh-Thư nói:
Thiên tự hữu điển.
Thiên trật hữu lễ.
Ấy bởi cái tư-tưởng đó mới phát sinh ra học thuật. Mà giữ về cái quan hệ học thuật ấy có hai chức quan: Quan Chúc coi việc trời, quan Sử coi việc người. Quan Chúc tức là khởi thủy của khoa Tử-Vi vậy.
a) Quan Chúc coi việc trời
Thời cổ chính trị tôn giáo vẫn chưa phân ra hai đường. Cái chức quan coi việc Thần-quyền rất quan trọng. Như tại Ai-Cập có chức Pháp-Lão, Do-Thái có chức Tế-Tự-Trưởng. Ấn-Ðộ phân ra làm 4 tộc: Bà-la-môn, Sát-lị là giòng Ðế-vương. Bà-la-môn chính là giòng Quan-Chúc. Tây-Tạng có chức Lạt-Ma chuyên giữ đại chính trong nước. Xưa kia Giáo-Hoàng La-mã còn có quyền trên cả vua chúa.
Chúc quan Trung-Hoa có hai loại:
* Một là quan Chúc coi việc cúng tế. Ðại biểu tư-tưởng nhân dân mà tâu lên trời để cầu lấy phúc lành. Sách Châu Quan trong thiên Xuân Quan Ðầu có nói về giòng dõi chi lưu chức quan Chúc ấy. Trong sách Tả truyện có chép, khi Tào-Uế luận chiến sự với Lỗ-Hầu, có bàn về các lễ tế thần để thắng trận.
* Hai là Quan-Chúc coi việc làm lịch. Chuyên giữ việc suy xét việc trời để ứng vào người. Ðời Tam-Hoàng có sai quan Nam-Chính là Trọng coi việc trời để họp các thần. Quan Bắc-Chính là Lê coi việc đất để họp dân. Ðời vua Nghiêu có sai quan Hi-Hòa-Kính thuận việc Trời xét về trình độ Nhật-Nguyệt tinh thần mà làm ra lịch để bảo cho dân biết bốn mùa mà làm ăn. Lại xét máy toàn cơ ngọc hành để so sánh 7 chính, tức mặt trời, mặt trăng, ngũ hành tinh: Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ. Quan Chúc coi việc làm lịch có ba phần:
- Hiệp định ngày, tháng, 4 mùa làm ra lịch.
- Suy tính thủy chung năm đức để định mệnh trời. Như thiên Nghiêu-Ðiển có viết: Lịch số trời đã thuộc về mình vua. Ðời sau nói về các vua Tam Ðại chịu mệnh trời cũng gốc ở Lịch-Học. Thiên-Hồng-Phạm có nói về Ngũ-Hành và những lời sấm vĩ đều phát nguyên từ đó.
- Xem xét tinh tượng, bói toán, định cát hung. Ðến đời Xuân-Thu, bọn Tì-Táo, Tử-Thận đều là giòng Chúc Quan coi việc lịch.
b) Quan-Sử coi việc người
Quan Chúc, quan Sử quyền ngang nhau. Sách Châu Lễ có kể đến quan Ðại-Sử, Tiểu-Sử, Tả-Sử, Hữu-Sử, Nội-Sử, Ngoại-Sử.
- Kinh-Thi, do quan Thái-Sử đi nhặt về mà có các bài thơ Lão-Ðam (Lão Tử) cũng là quan Trụ-Hạ-Sử. Trong Hán-Thư, phần Nghệ-Văn-Chí, sử-gia Ban-Cố cũng cho rằng phái Ðạo-Gia là do Sử-Quan mà ra.
Tóm lại, tư-tưởng học thuật cổ Trung-Hoa, tư-tưởng “Thiên Nhân Tương Dữ” như sau:
Quan Chúc coi việc Trời (nguồn gốc Tử-Vi):
Quan Chúc coi việc tế tự.
Quan Chúc coi việc làm lịch (Lịch tương gia tức Thiên-Văn học. Lịch số học, tức âm Dương. Chiêm-tinh-gia tức Phương-thuật).
Quan-Sử coi việc nguời:
Nhà Sử học về sự thực (Tổ Nho-gia).
Nhà Sử học về suy lý (Tổ Ðạo-gia)
Tất cả Thuật số đều phát xuất từ Chúc-Quan làm lịch.
c) Thuật số cổ Trung-Hoa
Trong bộ Hán-thư của Ban-Cố, phần Nghệ-Văn-Chí có đoạn:
“Thuật số do các sử gia Thần-thoại là Hi-Hòa trong nhà Minh-Ðường đã sưu tầm và duyệt lại. Công việc ấy từ lâu bị hủy đi mà không dùng nữa. Sách vở đến nay không còn đủ. Tuy vậy, có phần sách thì còn, mà nguồn thì quá cố từ lâu. Kinh Dịch có câu: Nếu người chính đáng mà không có thì đạo không thể thi hành được đầy đủ. Ðời Xuân-Thu có Lỗ có Tân-Thuận, Trịnh có Lý Táo, Tần có Bốc Yểm, Tống có Tử-Vi. Thời Chiến-Quốc, Sở có Cam-Công, Vệ có Thạch-Thông-Phủ. Hán có Ðường-Ðô. Ðấy là những nhà thuật số giỏi”.
Các khoa thuật số Trung-Hoa là sáu khoa mà Hi-Di tiên-sinh bảo đó là các khoa có cùng nguyên-lý. Tiên-sinh nhân học, rồi hiệp tinh-hoa thành khoa Tử-Vi. Sách Tả truyện có nói nhiều đến các khoa này.
- Khoa Thiên-văn, trong bộ Sử-Ký 130 quyển của Tư-Mã-Thiên đã dành cả quyển 28 nói về Lịch, quyển 29 nói về Thiên-quan. Trong bộ Hán-Thư, Nghệ-Văn-Chí, Ban-Cố để một chương chép về khoa Thiên-văn. Theo Ban-Cố thì Thiên-Văn dùng để xếp đặt thứ tự, biến dịch của 28 sao 5 hành tinh Nhật, Nguyệt, nhờ đấy mà đoán ra tốt xấu. Khoa Tử-Vi đặt căn bản là vận hành tinh tú ảnh hưởng đến con người, nguồn gốc của nó là Thiên-Văn. Kinh Dịch rút từ nguyên-lý vũ-trụ tuần-hoàn, đồng nguồn gốc với Thiên-Văn, nên có câu:
Quan Thiên-Văn dĩ sát thời biến.
Nghĩa là ngắm tượng trời để xét sự thay đổi thời tiết.
(Chu Dịch, Quẻ Bí)
Nguyên-lý căn bản của Tử-Vi là Thiên-Văn. Thiên-Văn và Dịch đều có nguyên-lý là Vũ-Trụ. Chính vì vậy, có nhiều người lầm cho rằng nguyên-lý của Tử-Vi là Dịch lý cũng không lạ.
-Về Lịch-Phổ dùng vào việc đặt vị trí bốn mùa có thứ tự để tính thời tiết bốn mùa, đêm ngày, Hi-Di không mấy chú ý đến tính chất Ngũ-Hành của các sao tại 12 cung. Mà chỉ để ý đến các cách thường kết hợp lại với nhau thành một cường lực nào đó.
-Ngoài ra, khoa Ngũ-Hành, Ngũ-Sự, Tạp-Chiêm, Hình-Tượng cũng đều có nguyên-lý Vũ-Trụ mà Hi-Di tiên-sinh rút ra để đoán vận hạn, tính tình, sống chết, thành bại của con nguời.
Tóm lại, nguyên-lý khoa Tử-Vi có thể tóm lược như sau:
C- Khoa Tử-Vi và tiểu-thuyết thần thoại
Vì sự thiếu sót của Tử-Vi sử, nên hầu hết những nguời bình dân Việt-Nam đều lầm lẫn những nhân vật tiểu-thuyết Thần-kỳ chí-quái, ma trâu đầu rắn với các sao trong khoa Tử-Vi. Ðể rồi khi lo vận hạn, bầy ra cúng sao, coi như đó là những ông Thần có thể ban phước, ban ơn cho người ta. Thậm chí có nhiều nhà Tử-Vi thành danh mà cũng bị lầm lẫn, nguyên do chính vì không học sử Trung-Hoa và bị tiểu thuyết ảnh huởng đến độ tưởng thật (1)
a) Trần-Ðoàn không phải là Tiên-ông. Trần Hi-Di là một đạo-gia tu ở Hoa-Sơn, đời Tống-sơ. Tất cả sách vở đều chép như vậy. Nhưng đến đời Minh, phong trào chương hồi tiểu-thuyết ra đời. Nhiều tiểu-thuyết gia biến Tiên-sinh thành Trần-Ðoàn lão-tổ, có phép tắc vô cùng huyền bí, hô phong hoán vũ. Có tiểu-thuyết gia cho Tiên-sinh sống từ đời Bàn-Cổ. Ðời Ðông-Chu, Tùy, Ðường đều có xuất hiện đấu phép thu học trò. Tiên-sinh chỉ là Ðạo-gia, và trở thành Tiên trong sự tưởng tượng của người sau ông đến hơn 200 năm.
Các Sao trong Tử-Vi và nhân vật Thần-Thoại: Từ sự lầm lẫn Hi-Di tiên-sinh là một Tiên ông, người ta còn lầm lẫn trầm trọng thêm nữa là lầm các Sao trong Tử-Vi với các vị thần trong Tiểu-thuyết.
Rồi khẳng định rằng Hi-Di tiên-sinh căn cứ vào nhân vật Thần-thoại đời Thương-Chu chiến tranh mà đặt cho các ngôi sao. Sự lầm lẫn tai hại này chứng tỏ không hiểu tí gì về Văn-Học-Sử và Sử Trung-Hoa. Có ba điều chứng minh rằng Hi-Di tiên-sinh không hề căn cứ vào nhân vật đời Thương-Chu đặt tên cho các ngôi sao trong khoa Tử-Vi:
Thứ nhất: Các ngôi sao trong khoa Tử-Vi đều là những hành-tinh có thật trong Thiên-Văn. Ðọc bộ Tinh-Kinh của Cam-Hũu-Vu, hoặc của Lưu-Biểu sẽ thấy rõ tính chất tuần hành của Thiên-Hà. Tiểu-thuyết gia lấy các sao trong Thiên-Văn rồi đặt ra những nhân vật ấy là Thần của ngôi sao.
Ðáng buồn thay, có những nhà Tử-Vi khuyên người ta nên căn cứ vào nhân vật tiểu-thuyết để tìm hiểu tính chất các sao thì tránh sao khỏi sai lạc trầm trọng.
Thứ hai: Khoa Tử-Vi được phổ biến vào năm Càn-Ðức nguyên niên (963), vào đầu đời Tống. Còn nhân vật tiểu-thuyết mãi đời Minh mới xuất hiện. Không thể có việc người sống trước 2000 năm bắt chước người sau. Trong bộ
Trung-Quốc Văn-Học Sử của Dị-Quân-Tả Tự-Do thư xã ấn hành tại Hương-Cảng vào niên hiệu Trung-Hoa Dân-Quốc thứ 48, chương II, Minh Ðại văn-học, trang 397 có viết:
“.. Minh-Sử, Nghệ-Văn-Chí chÉp có tới 127 bộ tiểu-thuyết được viết trong đời này, gồm 3307 cuốn.. Nhưng xứng đáng được gọi là tiểu-thuyết có Trung-Quốc tứ đạo kỳ thư.. Mà Tứ-Ðại kỳ-thư tiểu-thuyết đời Minh truyền đến nay còn thực nhiều. Tiến cử ra đây một bộ đó là bộ Phong-Thần Diễn-Nghĩa hay còn gọi là Phong-Thần Bảng (2).. “
Ðoạn trích dẫn trên đầy đủ chứng minh rằng nhân vật Phong-Thần được bịa đặt ra sau Hi-Di tiên-sinh đến 200 năm.
Thứ ba: Tra cứu các bộ chính sử như Kinh Xuân-Thu, Tả truyện, Chiến-Quốc sách không hề thấy nói đến tên nhân vật thần-thoại trong Phong-Thần. Bộ Sử-Ký của Tư-Mã-Thiên:
- Cuốn 4 nói về Thương Kỷ.
- Cuốn 5 nói về Chu Kỷ.
- Cuốn 33 nói về Lễ, Chu-Công thế-gia.
- Cuốn 32 nói Tề, Thái-Công thế-gia.
Chỉ thấy nói đến các nhân vật lịch-sử như: Trụ-Vương, Võ-Vương, Khương-Thượng...vân. vân... Không hề thấy nói đến Dương-Tiễn, Lý-Tĩnh, Lý-Na-Tra, Long-Kiết công chúa, Nguyên-Soái Trương-Quế-Phương.v.v...
c) Kết luận. Tóm lại:
- Khoa Tử-Vi nguồn gốc ở chức Chúc quan đời cổ. Nguyên-lý của nó là vũ-trụ. Dịch lý cũng có nguyên lý từ vũ-trụ nên nhiều người lầm tưởng khoa Tử-Vi có nguyên lý là Dịch lý.
Tiểu-thuyết gia đời Minh tưởng tượng ra những nhân vật thần-thoại, rồi cho các nhân vật ấy thành thần, trấn mỗi người một tinh tú. Không có sự liên hệ khoa-học nào giữa các nhân vật đó và những sao trong Tử-Vi. Hi-Di tiên-sinh là một đạo-gia, không phải là Tiên ông.
- Một giáo sư tốt nghiệp đại học, vì mê tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, bị xe cán gẫy ống chân không đi nhà thương bó bột. Nằm ở nhà tập vận nội công như Trương Vô Kỵ mong xương lành. Rút cuộc chân thối phải cưa.
- Người Nhật có một bản đề tên Trá trọng Tâm, in đời Minh, 120 hồi.
Tài liệu tham khảo:
SÁCH CHỮ HÁN:
- Tử vi tinh nghĩa: Trần Đoàn bản của cơ quan nghiên cứu Đông Á Châu.
- Triệu thị minh thuyết Tử vi kinh: Triệu Thị bản của cơ quan nghiên cứu Đông Á Châu
- Trung quốc Văn học sử: Dị quân Tả
- Ẩm băng Thất văn tập: Lương Khải Siêu
- Trung quốc Triết học sử: Phùng Hữu Lang
- Trung quốc cổ đại xã hội nghiên cứu: Quách mạt Nhược
SÁCH TÂY PHƯƠNG:
- Pensee Chinoise: M. Granet.
- Naissance de la Chine: H.Glessner Greel.
KHHB số 74L1
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet:
Thanh Vân (##)