Cách tính trùng tang theo quan niệm cổ nhân
Cách tính trùng tang
Từ xa xưa, dựa trên dịch lý, cổ nhân đã xây dựng cách tính (xác định) trùng tang. Người xưa cho rằng đối với người quá cố khi chết phải xem tình trạng ra đi có được "yên ổn" hay không? Có gì oan khuất hay không, được thể hiện qua 3 nhóm biểu hiện trạng thái vong linh của người đã khuất, đó là:
1. Nhập mộ: Yên ổn, đúng số, không có điều gì băn khoăn, oan ức... đóng ở các cung THÌN - TUẤT - SỬU - MÙI.
2. Trùng tang: Chết thiêng, chết oan, còn vương vấn ở trần gian đóng ở các cung DẦN - THÂN - TỴ - HỢI.
3. Thiên Di: Có ảnh hưởng xấu đến người thân đang còn sống ở các cung TÝ - NGỌ - MÃO - DẬU.
Theo sách "Tam Giáo Chính Hội": Nam nhất thập khởi Dần thuận liên tiến, Nữ nhất Thập khởi Thân, nghịch liên tiến, Niên hạ sinh nguyệt, Nguyệt hạ sinh Nhật, Nhật hạ sinh Thời. Ngộ Tý - Ngọ - Mão - Dậu Thiên di. Dần - Thân - Tỵ - Hợi Trùng tang. Thìn - Tuất - Sửu - Mùi Nhập mộ cát dã. Cụ thể như sau:
Cách tính: Phải tính cả năm, tháng, ngày, giờ (niên, nguyệt, nhật, thời). Người quá cố phải được ít nhất 1 nhập mộ mới có thể xem là giờ ổn. Nếu được càng nhiều nhập mộ càng tốt (nhiều nhất là 4 nhập mộ).
Niên (năm): Người quá cố là nam, khởi từ cung Dần, đi theo chiều thuận kim đồng hồ. Gọi cung Dần là 10 tuổi, cung Mão là 20 tuổi, cung Thìn là 30 tuổi... cứ thế mỗi cung là 10 tuổi cho đến số hàng chục của tuổi thọ người quá cố, rồi cứ tiếp mỗi cung là 1 tuổi cho đến hết số tuổi người quá cố. Người quá cố là nữ, khởi từ cung THÂN, đi theo chiều ngược kim đồng hồ. Gọi cung Thân là 10 tuổi, cung Mùi là 20 tuổi... cứ thế mỗi cung 10 tuổi cho đến số hàng chục của tuổi thọ của người quá cố, rồi tiếp mỗi cung là 1 tuổi cho đến số hàng chục của tuổi thọ của người quá cố. Nếu số đó trùng vào các cung THÌN - TUẤT - SỬU - MÙI thì được niên nhập mộ, nếu các cung DẦN - THÂN - TỴ - HỢI thì bị trùng tang, vào các cung TÝ - NGỌ - MÃO - DẬU thì bị thiên di.
Trường hợp người quá cố dưới 10 tuổi là nam thì cung Dần là 1 tuổi, cung Mão là 2 tuổi, cung Thìn là 3 tuổi... cho đến tuổi mất của người quá cố. Trường hợp người quá cố dưới 10 tuổi là nữ thì cung Thân là 1 tuổi, cung Mùi là 2 tuổi, cung Ngọ là 3 tuổi.. cho đến tuổi mất của người quá cố.
Nguyệt (tháng): Tháng giêng tiếp ngay vào sau cung tuổi. Thí dụ: Tuổi dừng ở cung Ngọ thì tháng giêng ở cung Mùi (đối với nam) và tháng giêng ở cung Tỵ (đối với nữ) cứ thế mỗi tháng tiếp 1 cung cho đến tháng mất của người quá cố.
Nếu vào THÌN - TUẤT - SỬU - MÙI thì được nhập mộ; Nếu vào DẦN - THÂN - TỴ - HỢI thì bị trùng tang. Nếu gặp TÝ - NGỌ - MÃO - DẬU thì bị thiên di.
Nhật (ngày): Ngày mùng 1 tiếp vào ngay sau cung tháng, cứ thế tiếp mỗi ngày 1 cung cho tới ngày người quá cố qua đời và xem rơi vào nhập mộ, trùng tang hay thiên di như trên.
Thời (giờ): Giờ Tý tiếp ngay sau cung ngày và mỗi cung là 1 giờ cho đến giờ người quá cố qua đời và xem rơi vào nhập mộ, trùng tang hay thiên di như trên.
Nói chung được 1 nhập mộ trở lên là yên tâm, vì "nhất mộ sát tam trùng" (một nhập mộ xoá được 3 trùng tang). Hoặc được 2 thiên di thì cũng không lo vì "nhị thiên di sát nhất trùng" (2 thiên di xoá được 1 trùng tang). Nếu không có nhập mộ nào thì phải xem ngày mất của người quá cố có phạm vào tam sa sát hay không? Theo người xưa và sách vở ghi chép lại thì: Trùng tang Ngày là nặng nhất. Trùng tang Tháng là nặng nhì. Trùng tang Giờ là nặng thứ ba. Trùng tang Năm là nhẹ nhất.
Quan niệm cổ về trùng tang
Nếu căn cứ vào phép tính trùng tang như trên thì cả nam và nữ những người chết vào các tuổi (âm lịch): 10, 13, 16, 19, 22, 25, 28, 31, 34, 37, 40, 43, 46, 49, 52, 55, 58, 61, 64, 67, 70, 73, 76, 79, 82, 85, 88, 91... sẽ rơi vào trùng tang. Từ đó quy nạp ngược lại theo hệ can - chi thì những người có tuổi: Tý, Ngọ, Mão, Dậu nếu chết vào một trong các năm TÝ - NGỌ - MÃO - DẬU thì rơi vào trùng tang; Hoặc: Dần, Thân, Tỵ, Hợi nếu chết vào một trong các năm DẦN - THÂN - TỴ - HỢI thì rơi vào trùng tang; Thìn, Tuất, Sửu, Mùi nếu chết vào một trong các năm THÌN - TUẤT - SỬU - MÙI có nghĩa là chết vào các năm "xung (tứ hình xung) sẽ bị TRÙNG TANG.
Dưới góc độ của Dịch lý, trên cơ sở học thuyết Âm - Dương và Ngũ hành: Đồng khí (đồng cực) thì đẩy nhau, khác khí (khác cực) thì hút nhau. Tương sinh thì tốt, tương khắc thì xấu, đồng hành thì tị hoà. Vậy thì người chết vào những năm xung (tứ hình xung) thì rất xấu nên bị TRÙNG TANG. Ví dụ: Người tuổi Mão (thuộc Mộc, ở phương Đông) chết năm Dậu (thuộc Kim ở phương Tây) sẽ bị trùng tang vì Kim khắc Mộc, Tây đối lập với Đông; Hoặc người tuổi Ngọ (ở phương Nam thuộc Hoả) chết năm Tý (ở phương Bắc, thuộc Thuỷ) sẽ bị TRÙNG TANG vì Thuỷ khắc Hoả, Bắc với Nam đối lập... Các trường hợp khác cũng tương tự như vậy. Như vậy, việc xác định trùng tang là dựa trên nguyên lý của dịch với học thuyết Âm dương - Ngũ hành chứ không phải sự mê tín, tuỳ tiện.
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Đoan Trang(##)